QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 00:00 (GMT+7)
Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần xây dựng nhà trường quân đội chính quy, mẫu mực

Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho mọi công dân. Đối với các nhà trường quân đội – nơi đào tạo những sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho toàn quân, điều đó càng trở nên quan trọng. Bởi lẽ, nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành  pháp luật, kỷ luật quân đội là một trong những nội dung quan trọng thuộc mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Mặt khác, làm tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng  các nhà trường quân đội theo hướng chính quy, mẫu mực, thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003-2007; Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong quân đội, những năm qua cục Nhà trường đã chủ động phối hợp cùng cục Tư tưởng-Văn hóa, Tổng cục Chính trị tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về nội dung, chương trình PBGDPL trong các nhà trường quân đội; đồng thời chỉ đạo các nhà trường quân đội chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, quyết định đó, từng bước đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng, hiệu quả cao.
Phát huy những thế mạnh sẵn có, đồng thời chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập như: nội dung PBGDPL rất lớn, trong khi quỹ thời gian môn học có hạn; đội ngũ giáo viên, báo cáo viên còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng (hiện nay chỉ có khoảng 30% số giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, còn lại chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm được đào tạo từ các chuyên ngành khác ở Học viện Chính trị quân sự chuyển sang), hầu hết các nhà trường đã bảo đảm thực hiện đúng và đủ các nội dung, chương trình PBGDPL theo quy định cho các đối tượng. Trong năm 2005, đã tổ chức học đủ 5 chuyên đề về pháp luật bao gồm: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật An ninh Quốc gia, Luật Quốc phòng; tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quyết định của Bộ Quốc phòng về sửa đổi một số điều của Quyết định số 2530 Quy định xử lý kỷ luật đối với những hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và Chỉ thị số 25/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về việc quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong quân đội… Hiện nay, căn cứ vào kế hoạch triển khai công tác PBGDPL năm 2006, các nhà trường quân đội đang tiếp tục triển khai học tập những chuyên đề về pháp luật mới như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Chống tham nhũng,… Theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm các nhà trường đều hoàn thành 100% chương trình, nội dung PBGDPL với quân số tham gia bảo đảm từ 98-100%. Qua kiểm tra kết quả học tập, có 100% số người tham gia đạt yêu cầu, trong đó có từ 80% đến 85% đạt khá, giỏi. Đáng chú ý, các nhà trường đã coi trọng đúng mức kết hợp công tác PBGDPL với công tác đào tạo, huấn luyện, quản lí kỷ luật, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; đa dạng hóa các loại hình tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ các yêu cầu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội với nội dung của các phong trào thi đua: “Học giỏi, rèn nghiêm”, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, “Xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, chất lượng cao, an toàn tốt”… Ngoài ra, từng trường đã chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, kết hợp làm công tác PBGDPL trong nhân dân và phối hợp với địa phương làm tốt công tác quản lý địa bàn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân và hạn chế vi phạm kỷ luật của học viên. Do thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp đó, thời gian qua tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội trong các nhà trường có chuyển biến tích cực. Trong năm 2005 và 3 tháng đầu năm 2006, số vụ vi phạm kỷ luật thông thường giảm dưới 1%; không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
 Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong bối cảnh mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống các nhà trường quân đội. Các nhà trường không chỉ đào tạo những cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực giỏi, mà còn phải rèn luyện họ trở thành những công dân tốt, có hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành luật pháp tốt, đồng thời cũng là những người có năng lực tuyên truyền PBGDPL cho cấp dưới. Do đó, thời gian tới các nhà trường cần nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện PBGDPL cho các đối tượng, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Thực hiện điều đó, trước hết các nhà trường cần nắm chắc phương hướng, nhiệm vụ và Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hằng năm của Bộ Quốc phòng, chủ động triển khai đạt chất lượng, hiệu quả, sát với từng đối tượng công tác PBGDPL. Yêu cầu đặt ra là, phải bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ đều được học tập đầy đủ các nội dung theo quy định:  đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học trong chương trình chính khóa từ 30 tiết đến 90 tiết (chuyên ngành chỉ huy quân chủng, binh chủng từ 30 tiết đến 60 tiết, các chuyên ngành chỉ huy tham mưu lục quân, chính trị, quân sự từ 60 tiết đến 90 tiết); các đối tượng học viên đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp từ 30 tiết đến 45 tiết; cán bộ khung, giáo viên, công nhân viên quốc phòng học 18 tiết; hạ sĩ quan, chiến sĩ học 9 tiết. Riêng học viên ở Học viện Biên phòng, do tính đặc thù nên thời gian học nội dung pháp luật từ 320 tiết đến 350 tiết. Đối với các trường quân khu, quân đoàn sắp tới sẽ ban hành thống nhất nội dung, chương trình, thời gian học nội dung này. Đối với học viên, chương trình, nội dung học được tích hợp giữa hệ thống kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật với các chuyên đề theo quy định chung của Bộ. Những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật trong chương trình do giảng viên Bộ môn trực tiếp đảm nhận, còn các chuyên đề  giới thiệu các bộ luật cụ thể như: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật An ninh Quốc gia; Luật Quốc phòng;… Các nhà trường cần chủ chủ động mời chuyên gia thuộc các cơ quan trong và ngoài quân đội giảng dạy hoặc nói chuyện dưới hình thức ngoại khóa. Sau thời gian học tập phải kiểm tra kiến thức nghiêm túc, chặt chẽ theo quy trình đào tạo, kể cả kiểm điểm thái độ, trách nhiệm học tập của từng tập thể, cá nhân một cách chu đáo. Qua học tập phải làm cho sự hiểu biết của các đối tượng về pháp luật, điều lệnh quân đội được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật quân đội chuyển biến tích cực và vững chắc.
Hai là, thường xuyên chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp giảng dạy bộ môn Nhà nước và Pháp luật, cũng như các chuyên đề về PBGDPL. Để bảo đảm tính hệ thống, cơ bản các kiến thức về pháp luật, cần khắc phục tình trạng trùng lặp trong các chương trình giảng dạy giữa các cấp học, bậc học, đồng thời chú trọng cập nhật về sự phát triển của nội dung các bộ luật, các văn bản có tính pháp quy, nhất là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Trong giảng dạy, tuyên truyền PBGDPL cần chú ý liên hệ nội dung các điều luật với thực tiễn đất nước, quân đội, lấy dẫn chứng từ các vụ vi phạm pháp luật, Điều lệnh Quản lý bộ đội để làm sâu sắc thêm nội dung PBGDPL cho các đối tượng. Do đặc thù của các nội dung pháp luật, điều lệnh thường là những quy định bắt buộc khô khan dễ gây nhàm chán, căng thẳng cho người học, các nhà trường cần chú động, sáng tạo ra nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền PBGDPL nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng học tiếp thu một cách thuận lợi hơn. Kinh nghiệm của một số trường vừa qua trong việc tổ chức các hình thức hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật dưới dạng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Sĩ quan; Luật Phòng chống tội phạm ma túy;…hay hình thức “sân khấu hóa”, tổ chức giao lưu với các địa phương…đều là những cách làm tốt cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa công suất các phương tiện thông tin nội bộ (đài phát thanh nội bộ, pa no, áp phích…), đồng thời phát huy vai trò các tổ chức quân chúng trong nhà trường tham gia vào công tác PBGDPL. 
Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật có trình độ, năng lực sư phạm, phẩm chất tương xứng với yêu cầu của công tác PBGDPL. Để thực hiện được điều đó, các nhà trường cần có kế hoạch kiện toàn đội ngũ giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật để phấn đấu bảo đảm 100% giáo viên được đào tạo cơ bản về chuyên ngành pháp luật. Đối với số giáo viên kiêm nhiệm, cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về luật pháp và có sự đòi hỏi cao trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền PBGDPL. Trong quá trình thực hiện bài giảng phải tuân thủ chặt chẽ các khâu, các bước tổ chức, bao gồm: nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án, giảng thử, thông qua bài, thực hành giảng. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để công tác giảng dạy không ngừng cải tiến, đổi mới, giúp cho người học tiếp thu các nội dung pháp luật được tốt hơn.
Bốn là, kết hợp công tác PBGDPL với đẩy mạnh các phong trào thi đua chấp hành nghiêm luật pháp Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng nền nếp chính quy, mẫu mực trong nhà trường. Trong từng phong trào thi đua, cần xác định rõ mục đích, chỉ tiêu thi đua đáp ứng yêu cầu chấp hành luật pháp, điều lệnh, điều lệ, chế độ trong nhà trường, chú trọng khắc phục các khâu yếu, mặt yếu; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những thói quen, hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật của cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ trong nhà trường. Đã tổ chức thi đua, phải có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tránh "đầu voi, đuôi chuột”. Kết quả học tập, rèn luyện kỷ luật của mọi đối tượng phải được coi là những yếu tố không thể thiếu trong đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân hằng năm.
 
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Trọng Thắng
Cục trưởng cục Nhà trường
 

Ý kiến bạn đọc (0)