QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:59 (GMT+7)
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, chức việc tôn giáo

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Islam giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo) đang hoạt động; trong đó có 103.235 chức sắc, chức việc. Các tôn giáo ở Việt Nam mang đậm tính dân tộc, tính nhân dân; đại bộ phận tín đồ là nhân dân lao động, có lòng yêu nước, luôn đoàn kết, gắn bó với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở Việt Nam; đến nay Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 16 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét để công nhận một số tổ chức theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thủ đoạn của chúng là, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của chính quyền ở một số địa phương, cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam và chính sách tôn giáo của Nhà nước ta, làm cho tình hình tôn giáo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị-xã hội.

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện nhất quán và xuyên suốt là: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”1 và nhấn mạnh: Đảng ta thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; “Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật” và “mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”.

Trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta luôn bảo đảm cho mọi tôn giáo được hoạt động bình thường, đúng pháp luật; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi công dân, mỗi tổ chức tôn giáo nhận thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Thực hiện Chỉ thị 62-CT/TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới, Nghị định 15-2001/NĐ-CP ngày 01-05-2001 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN), những năm qua, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm triển khai tổ chức thực hiện và đạt kết quả thiết thực. Năm 2003, Quân khu 3 mở lớp thí điểm đầu tiên bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo tại Tiên Lãng (Hải Phòng). Từ đó đến nay, cả nước đã có 56 tỉnh, thành phố tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 14.323/ 30.902 chức sắc và 24.262/72.333 chức việc các tôn giáo. Một số tỉnh, thành phố thực hiện đạt hiệu quả cao như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bến Tre, Cần Thơ...

Sau khi học tập, nhận thức của chức sắc, chức việc các tôn giáo về QP-AN được nâng lên một bước, giúp các vị chức sắc, chức việc hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Hầu hết các chức sắc, chức việc đã tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo là vấn đề mới, các quân khu và một số địa phương mới chỉ tiến hành làm thí điểm; một số địa phương còn lúng túng trong chuẩn bị, chưa mạnh dạn triển khai thực hiện. Vì vậy, còn một số lượng tương đối lớn chức sắc, chức việc các tôn giáo chưa được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Mặt khác, chương trình, giáo trình, tài liệu chưa được biên soạn thống nhất, hình thức tổ chức, thời gian học tập ở các địa phương còn khác nhau và chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.

Trong những năm tới, công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục được đẩy mạnh, trong bối cảnh quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng, thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng đan xen; các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta. Do đó, đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo càng có ý nghĩa quan trọng, là yêu cầu khách quan của nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

Để không ngừng nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, trước hết cơ quan chức năng cần thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Chính phủ đề ra chủ trương, chính sách, cơ chế chỉ đạo, quản lý phù hợp. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về GDQP-AN. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị 12-CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị, Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về GDQP-AN. Đặt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; gắn công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo với nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng có nhiều đồng bào tôn giáo.

Cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình, hệ thống giáo trình, tài liệu theo hướng cơ bản, thống nhất trong phạm vi cả nước; lựa chọn nội dung, phương pháp phù hợp, sát với yêu cầu, đặc điểm của đối tượng bồi dưỡng, bảo đảm tính cơ bản, thiết thực, bám sát mục tiêu, yêu cầu bồi dưỡng. Nội dung phải tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; Pháp lệnh về Tôn giáo; quan điểm, tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ BVTQ; nhất là quan điểm về sức mạnh BVTQ “là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, chế độ, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng...”. Về phương pháp, phải kết hợp giữa thuyết trình với mạn đàm trao đổi theo chuyên đề; phát huy tinh thần tự giác nghiên cứu, bảo đảm cho mỗi học viên sau khi học tập có thể vận dụng vào tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo mình thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Về tổ chức thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng GDQP-AN các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, liên hệ với Ban Trị sự Phật giáo, Tòa Giám mục...; thậm chí xuống tận xứ đạo, nhà chùa để tuyên truyền về chủ trương tổ chức lớp học. Cơ quan Thường trực của Hội đồng GDQP-AN địa phương tiến hành khảo sát nắm chắc số lượng, đối tượng tham gia để xây dựng kế hoạch, phân cấp quản lý, tổ chức lớp học cho phù hợp. Đặc biệt, chú trọng lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm thực tiễn, có trình độ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Bên cạnh việc thực hiện tốt nội dung, phương pháp đã xác định, cần chú ý việc tổ chức sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của học viên, nhất là tổ chức ăn chay, ăn kiêng theo yêu cầu của từng tôn giáo. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những nhân tố điển hình, cách làm hay để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng. Đồng thời, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện để rút kinh nghiệm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.

Cùng với công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, các cấp còn phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong vùng có đông đồng bào tôn giáo, thông qua các hoạt động tuyên truyền, với phương châm “dễ nghe, dễ hiểu, hấp dẫn”, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp, nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng của mỗi tôn giáo. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “sống tốt đời đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”,... theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - CNXH. Qua đó, nâng cao hiểu biết cho đồng bào tôn giáo về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của mỗi tín đồ đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Trong tháng 8 và tháng 9 này, các địa phương và Trung ương tổ chức sơ kết công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo theo Chỉ thị số 751/CT-TTg, ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Để việc sơ kết đạt hiệu quả thiết thực, các địa phương cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; chuẩn bị chu đáo, tập trung đánh giá toàn diện từ nội dung, phương pháp đến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những khuyết điểm, vướng mắc, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Qua đó, đề ra chủ trương, giải pháp và biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trong thời gian tới. Yêu cầu đặt ra là, cấp ủy, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; Hội đồng GDQP-AN, các cơ quan chức năng làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm sơ kết đạt hiệu quả thiết thực. 

Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Phát huy thành tích và những bài học kinh nghiệm của thời gian qua, với sự nỗ lực của các địa phương, chúng ta tin tưởng trong thời gian tới, công tác này sẽ đạt kết quả cao hơn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng Hoàng Châu Sơn

Phó Thư ký HĐGDQP-AN Trung ương

Cục trưởng cục Dân quân tự vệ

___________

1- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTƯ khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 48.

 

Ý kiến bạn đọc (0)