Chủ Nhật, 24/11/2024, 07:45 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nét nổi bật, mang tính đặc thù trong việc chỉ đạo xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc ở nước ta là gắn chặt mục tiêu “giữ gìn hòa bình, ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu phá hoại, gây chiến” với “sẵnsàng đánh thắng mọi hình thức và quy mô của chiến tranh xâm lược” theo hướng “giữ được hòa bình bền vững”, nhưng không bao giờ chấp nhận “hòa bình với bất cứ giá nào” mà không bảo vệ được mọi lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. Nền quốc phòng hoàn thành chức năng phòng giữ quân sự về mọi mặt mà không phải hoặc ít phải dùng vũ lực (đấu tranh vũ trang) là ưu việt; vì nó sẽ ít tốn kém và đỡ thiệt hại nhất, tạo thuận lợi cho an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế có điều kiện phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, trước khi đề cập đến đấu tranh quốc phòng, cần làm rõ một điều “tiên quyết”, đó là thực chất nội hàm của quốc phòng, hay nói cách khác: khái niệm quốc phòng. Từ đó mới có cơ sở nghiên cứu, xác định được đấu tranh quốc phòng. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam: “Quốc phòng, công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học,... của nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô. Quốc phòng trở thành hoạt động của cả nước, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ với an ninh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ. Quốc phòng-an ninh phải kết hợp chặt chẽ với kinh tế để bảo vệ và xây dựng đất nước. Tổ chức quốc phòng của mỗi nước phụ thuộc trực tiếp vào chế độ chính trị-xã hội, truyền thống dân tộc và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Nhiều nước quan niệm quốc phòng là một bộ phận của an ninh quốc gia”1.Theo đó, có thể thấy, nội dung của quốc phòng gồm tổng thể các hoạt động xây dựng và hành động đấu tranh. Đấu tranh quốc phòng chính là dạng thức hoạt động đúng đắn nhất để thường xuyên bảo vệ được lợi ích chính đáng của dân tộc mà tránh được chiến tranh. Đấu tranh quốc phòng là dạng thức bao hàm cả đấu tranh phi vũ trang và vũ trang, trong đó đấu tranh phi vũ trang (trên tất cả các lĩnh vực) là phổ biến; còn đấu tranh vũ trang là rất hãn hữu, chỉ trong trường hợp “bất khả kháng”, nhưng dù vậy cũng chỉ giới hạn ở mức độ xung đột, chứ chưa phải là chiến tranh. Đấu tranh quốc phòng là công việc ông cha ta đã từng làm, kể cả thời đại Hồ Chí Minh đã làm rất tốt sau Cách mạng Tháng 8-1945. Xin được nêu ví dụ minh chứng: Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, mới 5 ngày sau lễ tuyên bố độc lập của ta, những cánh quân đầu tiên của Tưởng Giới Thạch đã đặt chân tới Hà Nội; mượn danh nghĩa Đồng minh “vào giải giáp quân Nhật”, nhưng thực chất để thực thi mật lệnh “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Đầu tháng 10-1945, Tổng Tham mưu trưởng Hà Ứng Khâm tới Hà Nội cùng Tư lệnh lục quân Hoa Kỳ bên cạnh chính phủ Trùng Khánh, kéo theo một lũ tay sai Việt Cách, Việt Quốc về công khai chống phá cách mạng. Ngay sáng 2-10-1945, do sự tổ chức và huy động của Đoàn Thanh niên Cứu quốc, 30 vạn quần chúng đội ngũ chỉnh tề với băng, cờ, biểu ngữ đã diễu hành qua Phủ Chủ tịch, “dưới mắt Phái bộ Đồng minh”, vừa hoan hô “ Phái bộ”, vừa hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”. Toàn thành phố căng đầy các biểu ngữ bằng tiếng Anh, nội dung: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, buộc nhóm Hà Ứng Khâm, Tiêu Văn, Lư Hán... phải thông qua Chính phủ Lâm thời mà giải quyết mọi việc. Tiếp đến là cuộc đấu tranh của quần chúng phá vỡ cuộc mít tinh ngày 12-11-1945 của Nguyễn Hải Thần (thủ lĩnh Việt Cách) và đồng bọn ở vườn Bách Thảo, đấu tranh làm thất bại âm mưu phá Tổng tuyển cử của bọn Việt Cách, Việt Quốc. Ngày 26-11-1945, quần chúng được ta tổ chức lại đấu tranh phản đối việc quân Tưởng đồng lõa với giặc Pháp hủy bỏ vài mệnh giá trong giấy bạc Đông Dương, cho đến những cuộc đấu tranh vạch mặt phản động, truy tố công khai các vụ án ám sát, bắt cóc của bọn Việt Cách, Việt Quốc... Tất cả đều góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền dân tộc, ổn định nội bộ để bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, từ đêm 19-12-1946.
Thực tế lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, do vị trí đất nước, từ ông cha cho đến những người mở đầu Cách mạng Tháng 8-1945, ngoài những thời gian phải cầm vũ khí tiến hành đấu tranh vũ trang để đánh bại quân xâm lược, đã phải thường xuyên tiến hành những cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau để bảo vệ lợi ích và chủ quyền dân tộc, bao gồm cả chủ quyền lựa chọn chế độ, chống lại sự xâm chiếm và áp đặt theo lợi ích của các thế lực bên ngoài. Từ đó, có thể rút ra đặc trưng của đấu tranh quốc phòng có mấy điểm sau đây:
1. Đấu tranh quốc phòng là những cuộc đấu tranh có tổ chức và lãnh đạo, do Nhà nước chủ trương, không chấp nhận những động thái vô tổ chức, vô kỷ luật, vượt ra ngoài phạm vi Hiến pháp, pháp luật và nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
2. Đối tượng của đấu tranh quốc phòng là những tổ chức, lực lượng có âm mưu và hành động xâm hại chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc.
3. Tính chất của đấu tranh quốc phòng rất kiên quyết, triệt để và không khoan nhượng. Sức mạnh đấu tranh quốc phòng là sức mạnh chính nghĩa, phù hợp với Công ước và Luật pháp quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh nội lực và ngoại lực.
4. Phương thức đấu tranh quốc phòng rất sáng tạo và linh hoạt, có đối sách phù hợp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
5. Lực lượng đấu tranh quốc phòng là toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt.
Những đặc trưng chủ yếu của đấu tranh quốc phòng nêu trên cho thấy, quá trình tổ chức, thực hiện đấu tranh quốc phòng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, ngành, lực lượng liên quan, dưới sự chỉ đạo, quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Đó chính là phương thức tổ chức, hoạt động có hiệu lực của nền phòng thủ thời bình .
Để đấu tranh quốc phòng đi đúng định hướng, đạt mục tiêu đã xác định, phải trên cơ sở quán triệt quan điểm củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, mà trực tiếp nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế là lợi ích cao nhất của Tổ quốc.
Hai là, cần thống nhất thực chất về tính quan trọng của đấu tranh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến mau lẹ và phức tạp như hiện nay. Cần có cách nhìn biện chứng để phân biệt rõ đối tượng, đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác và trong một số đối tác vẫn có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng: mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc về nhận thức và xử lý các tình huống cụ thể.
Đấu tranh quốc phòng là cuộc đấu tranh thường xuyên và lâu dài; trước hết tập trung làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tình hình thực tế của đất nước đang đặt ra yêu cầu mới, ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải tiến hành đấu tranh quốc phòng một cách chủ động và liên tục để không ngừng mở rộng diện đối tác, thu hẹp diện đối tượng mà không phải tiến hành đấu tranh vũ trang, thực hiện đúng quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.
Ba là, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, đấu tranh quốc phòng nói riêng, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các đối tượng xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; trên cơ sở đó, có chủ trương chiến lược, sách lược phù hợp, chủ động đối phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, không để đất nước rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ về chiến lược, qua đó giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
________
1- Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H.2004, tr. 848.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011