QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:10 (GMT+7)
Đấu tranh quốc phòng - hoạt động thường xuyên của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Một thực tiễn cần kịp thời tổng kết và khái quát. Do phải liên tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng trong suốt 30 năm, rồi lại bị bao vây cấm vận, uy hiếp vũ lực hàng mấy thập kỷ, nền quốc phòng của ta nói chung và các lực lượng vũ trang nói riêng đều rất quen thuộc với khái niệm “đấu tranh vũ trang”, là đặc trưng chủ yếu của chiến tranh; nhưng khái niệm “đấu tranh quốc phòng” thì ít được sử dụng, lại chưa thống nhất về nhận thức. Hòa bình càng được củng cố thì đấu tranh quốc phòng càng trở thành hoạt động thường xuyên của nền phòng thủ quốc gia, đến mức thành chức năng quan trọng, nếu không nói là chức năng chủ yếu của nền phòng thủ thời bình.
Suy từ hệ “Từ điển bách khoa”, là bộ sách công cụ phản ánh nhận thức và các quan niệm mới nhất của Nhà nước và giới nghiên cứu nước ta, thì ngoài các khái niệm “ đấu tranh vũ trang”, “đấu tranh chính trị”, “ đấu tranh kinh tế”, “ đấu tranh điện tử”( Từ điển Bách khoa Quân sự) cùng các khái niệm “ đấu tranh giai cấp”, “đấu tranh tư tưởng”, “đấu tranh nghị trường”, “đấu tranh sinh tồn” (Từ điển Bách khoa Việt Nam), v.v, chưa có từ điển nào có mục từ “đấu tranh quốc phòng”, dù trong thực tế, ta đã và đang phải tiến hành rất nhiều việc lớn trong lĩnh vực đó. Phải chăng, quy luật nhận thức “sự vật có trước, khái niệm có sau” đang tác động trong vấn đề này, và đó chính là một thực tiễn cần được kịp thời chuyển đổi, không phải chỉ vì lý do nhận thức mà trước hết là để hình thành một chức năng không thể thiếu của nền quốc phòng thời bình, cần được tổ chức  thực hiện nghiêm chỉnh, có cơ quan quản lý và chuyên trách giúp việc lãnh đạo, có cơ chế phối hợp, hiệp đồng với các bộ, ngành liên quan.
Trong thực tế, từ sau ngày giải phóng miền Nam, đi đôi với những cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa, chúng ta cũng đã phải tiến hành những cuộc đấu tranh quốc phòng liên tục và căng thẳng để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích dân tộc, vừa chống lấn chiếm từ bên ngoài, vừa chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ từ bên trong, vừa phải chăm lo bảo vệ các đại sứ quán và lãnh sự quán của ta mới được thiết lập trên nhiều nước; có nơi, có lúc phải bảo vệ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài (khi họ bị phân biệt đối xử).
Những hoạt động trên đây không phải là mới. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tổ tiên ta đều đã phải tiến hành “đấu tranh quốc phòng” bằng đủ mọi hình thức để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Mọi hoạt động kể trên, cả trong lịch sử và đương đại, đều diễn ra trên cả hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Nhưng không chỉ là các hoạt động nhằm chống giặc ngoại xâm, nội xâm, cũng không phải chỉ là các hoạt động ngoại giao thông thường, mà mục đích, nội hàm, đối tượng đấu tranh rộng lớn hơn, từ đó có thể khẳng định, đích danh tên gọi của những hoạt động đó là “đấu tranh quốc phòng”. Do đó,  đã đến lúc cần thống nhất nhận thức về dạng đấu tranh đặc biệt này, phân biệt nó với đấu tranh vũ trang, với các hoạt động đối ngoại và củng cố quốc phòng thường trực trong thời bình.
2. Phân biệt hoạt động đấu tranh quốc phòng với các hoạt động khác.
- Cùng nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc về mọi mặt, nhưng trong khi đấu tranh vũ trang phải dùng đến vũ lực trực tiếp thì đấu tranh quốc phòng thường dùng phương thức đối thoại để thuyết phục đối phương nhằm đạt được mục đích mà chưa phải dùng đến vũ lực. Nhưng tất cả đều phải lấy sức mạnh tổng hợp của đất nước làm áp lực; đặt đối phương vào tình thế nếu không chịu chấp nhận thì sẽ hứng chịu những thiệt hại lớn. Sự khác biệt giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh quốc phòng là ở chỗ: đấu tranh vũ trang vốn là đặc trưng nổi bật của chiến tranh, mà chiến tranh lại là hiện tượng chính trị- xã hội có tính lịch sử; nên đấu tranh vũ trang, dù dai dẳng đến đâu, cũng không thể là hoạt động thường xuyên của bất cứ thời kỳ nào của xã hội Việt Nam. Còn đấu tranh quốc phòng nhất thiết phải diễn ra trong thời bình, khi chưa phải dùng đến vũ lực. Trong hoàn cảnh đất nước chưa thể giải quyết mọi khác biệt về lợi ích với một số nước và tổ chức quốc tế, đấu tranh quốc phòng phải trở thành những hoạt động thường xuyên về mọi mặt của sự nghiệp phòng thủ quốc gia, mỗi khi chủ quyền đất nước bị bất cứ đối tượng nào xâm phạm, hoặc về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, hoặc về biên giới, hải phận, không phận ...
- Đấu tranh quốc phòng cũng khác các hoạt động đối ngoại (bao gồm đối cả ngoại quân sự) ở chỗ, hoạt động đối ngoại nhằm làm cho các quốc gia, dân tộc ngày càng hiểu rõ đất nước và dân tộc Việt Nam; khôi phục và duy trì mối quan hệ bình thường, hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc xa gần, các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng, nhằm mở rộng đối tác, thu hẹp đối tượng, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước, dân tộc ta trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn đấu tranh quốc phòng phải tháo gỡ những tranh chấp cụ thể xảy ra trong đối ngoại và đối nội. Sự phân biệt này có tầm quan trọng về nguyên tắc, bởi vì theo cách nhìn nhận mới và thống nhất về đối tác và đối tượng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thì những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và  hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Khi đã đặt vào “đối tượng” đấu tranh quốc phòng, tức là trên quan điểm chiến lược, ta đã buộc phải coi chủ thể đó thuộc về những thế lực “có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhưng về mặt vận dụng phương thức đấu tranh, ta chưa bị đẩy vào thế phải dùng tới vũ lực, mà vận dụng “cách nhìn biện chứng” của chiến lược bảo vệ Tổ quốc: “ Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác (trong một số đối tác có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta)”. Chính từ cách nhìn và cách xử lý khôn khéo đó, nhiều cuộc đấu tranh quốc phòng của ta đã đưa lại hiệu quả, từng bước chuyển hóa đối tượng thành đối tác, thực hiện tốt phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tạo môi trường  hòa bình, ổn định, ngày càng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ những khác biệt trên đây và từ khái niệm “quốc phòng” được xác định là :“Công cuộc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học... của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô...”, có thể định nghĩa: đấu tranh quốc phòng là hình thức đấu tranh thường xuyên, về mọi mặt của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ quốc gia nhằm làm thất bại mọi âm mưu hành động xâm phạm chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc của mọi đối tượng bên trong và bên ngoài mà chưa phải dùng tới đấu tranh vũ trang2. Đấu tranh quốc phòng góp phần đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ , chuyển hóa đối tượng thành đối tác, thêm bạn, bớt thù... tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, trên cơ sở quán triệt đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng, các hoạt động phòng thủ quốc gia phải lấy đấu tranh quốc phòng làm một trong những chức năng chủ yếu.
3. Một dạng thức của đấu tranh quốc phòng trong thời đại mới. Sau đại chiến thế giới lần thứ II, hầu hết các nước đế quốc đều rút được bài học sâu sắc trong phương thức dùng vũ lực để chia sẻ thế giới. Nhiều nước thắng trận mà đời sống vẫn khó khăn, hậu quả chiến tranh tồn tại rất dai dẳng. Bước nhảy vọt của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn ra nhiều năm sau đó lại chứng minh: sức mạnh quốc gia dân tộc không chỉ tùy thuộc ở thực lực quân sự mà tùy thuộc trước hết vào thực lực kinh tế. Thực tiễn, có nước thua trận, không được quyền xây dựng sức mạnh quân sự, nhưng chỉ sau một thời kỳ chăm chú phát triển khoa học công nghệ, đã trở thành đối tượng cạnh tranh của chính nước thắng trận đang giữ quyền kiểm soát họ.
Do chính sách trấn áp nước khác bằng sức mạnh quân sự quá lộ liễu và bị lên án, ở một số nước đã xuất hiện một dạng thức đấu tranh mới: đấu tranh giành giật "biên giới mềm", còn gọi là “biên giới sinh tồn” hay “biên giới sức mạnh” (không dừng ở biên giới địa lý từng nước). Trong các nước tư bản, có nước từ rất lâu đã hành xử theo nguyên tắc: nơi nào có "quyền lợi sống còn" đối với họ, nơi đó là biên giới nước họ, thì Nhật Bản lại tìm ra công thức: hàng hóa và tiện nghi của Nhật vươn tới đâu, biên giới nước Nhật tự khắc vươn tới đó.  Cho tới nay, khái niệm nhận thức đó không dừng lại, không chỉ  là quan niệm của người nước này  hay người nước khác. Khái niệm "tiến công mềm" đã trở thành một dạng tiến công tinh vi nhất, dùng ưu thế về công nghệ và kỹ thuật xâm nhập lặng lẽ và êm dịu vào biên giới mềm của đối phương, đi từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, rồi như “một vết dầu loang” không ngừng mở rộng, từng bước thay đổi nội bộ đối phương, không phải vì sự trưởng thành của họ mà vì lợi ích của chủ thể xâm nhập... Điều này, thực tiễn cho thấy, đã khiến cho các đối tượng bị xâm nhập phải lấy các thế lực bên ngoài làm chỗ dựa, trở thành “thuộc địa” về kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học công nghệ, thậm chí cả về môi trường sinh thái (nơi trút các loại rác thải công nghệ, không kịp chế biến lại của nước chủ thể). Điều kiện sinh tồn của quốc gia, dân tộc phát triển đến đâu, “ biên giới mềm” lại được mở rộng, phát triển tới đó mà đối phương không thể dùng đấu tranh vũ trang ngăn chặn hoặc đẩy lùi. Đó chính là chiến lược “không đánh mà chiếm được nước người”  từng ghi trong các binh thư cổ, nay được ứng dụng trong thời đại mới: nước bị tiến công nếu chỉ tính đến lợi ích trước mắt mà thiếu một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho các thế hệ tiếp nối thì rất dễ lẫn lộn giữa "thiện chí"  với "tà tâm", nhân nhượng cả những vấn đề về chủ quyền dân tộc.
Trong việc ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh những doanh nghiệp nước ngoài muốn thực sự đầu tư, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cũng đã có chính khách tư bản không giấu giếm ý đồ: “Tự do hóa về kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa về chính trị, Các chế độ độc tài... phải bị đánh đổ”. Để chống lại “ tiến công mềm” của đối phương, ngày nay đã trở thành phổ biến và vô cùng lợi hại, tất phải dùng đến đấu tranh quốc phòng để vô hiệu hóa. Muốn đấu tranh quốc phòng có hiệu quả, phải chủ động phát hiện sớm mục tiêu, lộ trình và các bước đi chiến lược của đối phương, “khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể” khi nhận thức về đối tượng và đối tác theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX); mềm dẻo về chính sách nhưng không nhân nhượng các vấn đề thuộc về nguyên tắc, đó là chủ quyền quốc gia, dân tộc và bản chất chế độ. Và cũng không thể sao nhãng những lời căn dặn mới đây của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Đấu tranh quốc phòng trong tình hình mới phải quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, nắm vững nguyên tắc chiến lược, vận dụng sáng tạo sách lược phù hợp với đối tượng, chủ trương “thêm bạn, bớt thù”.
Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ
 
Ý kiến bạn đọc (0)