QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 23:22 (GMT+7)
Đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu trong xây dựng nhà nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của nhân dân. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng trên của Người vào xây dựng Nhà nước ta là vấn đề có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn. 

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác -Lê-nin đã khẳng định: chủ nghĩa quan liêu là con đẻ của các chế độ thống trị; nó là một căn bệnh nguy hiểm, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ mới. Thống nhất với quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: quan liêu chính là sự xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng; là một tệ lậu, một bệnh hoạn của những người có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; là nguồn gốc sinh ra tham ô, tham nhũng, lãng phí...; nó là: “... bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính...”1 Vì vậy, Người khẳng định rõ: tệ quan liêu chính là một trong ba thứ “giặc nội xâm”, là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và chính phủ”2 và phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ chúng ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước. Người khẳng định: đấu tranh chống tệ quan liêu là mặt trận chính trị, tư tưởng và muốn chiến thắng phải có lãnh đạo chặt chẽ, đẩy mạnh thực hành dân chủ, tăng cường pháp luật, kỷ cương; có nhân cốt, có tổ chức và kế hoạch phù hợp.

65 năm qua, nhất là gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam để đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước và đoàn thể chính trị-xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị; có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của chế độ XHCN.  Theo đó, một mặt, Đảng và Nhà nước ta tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước, đạo đức cách mạng cho toàn dân; không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; nêu cao vai trò giám sát của nhân dân với các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN.

Tuy nhiên, tệ quan liêu ở nước ta đang diễn ra rất phức tạp, nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối, hoạt động thiếu hiệu quả; bệnh hội họp, giấy tờ văn bản, thủ tục hành chính còn rườm rà; thái độ, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức còn có biểu hiện hách dịch, sách nhiễu nhân dân,... Đi liền với đó là nạn cửa quyền, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí... Tác hại của tệ quan liêu là rất lớn; nó làm cho tổ chức đảng và cơ quan nhà nước không nắm được tình hình thực tế, không hiểu được tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân, không phát huy được trí tuệ, năng lực của nhân dân, dẫn đến những chủ trương, chính sách không phù hợp, thậm chí sai lầm, làm tổn thương nghiêm trọng đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân,...  

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về đấu tranh chống tệ quan liêu chưa đầy đủ; cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân chưa đủ mạnh; không ít cán bộ, công chức nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ tổ chức, quản lý hạn chế... Một số cán bộ khi có chức, có quyền thì coi thường nhân dân, cho mình là người “đứng trên”, “ban ơn”, chứ không phải là những công bộc của nhân dân. Họ ngại khó khăn, gian khổ, thích ngồi bàn giấy hơn là đi sâu sát cơ sở, sát thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân; thích thổi phồng thành tích, “lừa trên, dối dưới”, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn... thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật  mà không nắm vững... Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”3.

Thực tế cho thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp để ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng”4. Một số tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chưa nhận thức hết tác hại của tệ quan liêu, chưa thấy rõ đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu là vấn đề cơ bản, lâu dài và cấp thiết trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân trong tình hình hiện nay. Cơ chế phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; công tác giáo dục, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp uỷ, chính quyền vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.... Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương trong đấu tranh, loại trừ tệ quan liêu còn thiếu chặt chẽ, thống nhất; ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị chưa nghiêm;....

Đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế. Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu hiện nay, thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp nhận thức rõ bệnh quan liêu và tác hại của nó. Nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm sáng tỏ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước nói chung, về đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nói riêng. Đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng; bởi lẽ, chỉ khi nào mọi tổ chức, cá nhân nhận thức rõ bệnh quan liêu là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”, thì lúc đó mới kiên quyết đấu tranh loại trừ nó ra khỏi đời sống xã hội.

Hai là, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”. Bởi đây là nhân tố trực tiếp quyết định đến sự thành bại của cách mạng nói chung, của cuộc đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nói riêng. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức là “cái gốc” của mọi công việc, đang nắm giữ hầu hết các cương vị chủ chốt, lĩnh vực quan trọng trong đời sống của đất nước; họ là “tiền vốn của đoàn thể”, “có cán bộ tốt việc gì cũng xong”, ... Vì vậy, trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cần hết sức coi trọng cả về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác. Cấp uỷ các cấp cần thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong các khâu: đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đề bạt, luân chuyển cán bộ, công chức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; xây dựng quy chế để nhân dân được tham gia đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức; hết sức tránh tư tưởng coi công tác cán bộ là độc quyền của một số cá nhân hay của riêng cơ quan chức năng.

Cùng với đó, cấp uỷ các cấp cần quy định rõ tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ, công chức. Họ phải là những người thực sự ưu tú về lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống; được đào tạo chính quy, giỏi về chuyên môn; được rèn luyện trong thực tiễn công tác. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ và bổ nhiệm có thời hạn; khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, chủ quan, trì trệ của đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng cất nhắc, đề bạt những cán bộ, công chức có tinh thần tập thể, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái, quan liêu, để tạo niềm tin cho nhân dân; kiên quyết đào thải những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Ba là, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế XHCN. Quan liêu đối lập với nền dân chủ XHCN; mọi thành công trong đấu tranh chống quan liêu phụ thuộc vào việc có phát huy được sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân hay không. Đảng ta đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, quản lý đất nước không chỉ là việc riêng của cơ quan nhà nước mà còn là của nhân dân. Chỉ khi nào nhân dân trực tiếp tham gia vào các khâu, các bước của công tác quản lý nhà nước theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì khi ấy mới có thể đả phá tận gốc tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần  tăng cường thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhân dân và phối hợp với các hoạt động thanh tra của Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá các hình thức đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân theo hướng dân chủ trực tiếp; động viên đội ngũ cán bộ, công chức sống trung thực, giản dị, lời nói đi đôi với việc làm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân.

 Phát huy dân chủ bao giờ cũng đi liền với giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế XHCN. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị là nhằm bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, để loại trừ tệ quan liêu ra khỏi đời sống xã hội, mọi người dân, trước hết là cán bộ, công chức phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; kiên quyết đấu tranh với mọi hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương, phép nước. Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần đẩy mạnh cải cách hành chính, theo hướng giảm các đầu mối trung gian, hội họp, các thủ tục hành chính rườm rà; gần dân, hiểu dân và đáp ứng nhanh nhất những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu mang giá trị thời đại sâu sắc. Vận dụng tư tưởng của Người vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước là một nội dung quan trọng, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Thượng tá ĐỖ XUÂN ĐÔ

Học viện Chính trị

_____________

1, 2- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG. H. 2001, tr. 490.

3- Hồ Chí Minh- Sđd, tr. 490.

4- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 63. 

 

Ý kiến bạn đọc (0)