QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 21:46 (GMT+7)
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực xử lý bom mìn ở Việt Nam hiện nay- thực trạng và một số giải pháp

Bom mìn vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam ước tính khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, làm ô nhiễm hơn 20% diện tích đất đai (khoảng 6,6 triệu ha). BMVN sót lại đã gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm hơn 100.000 người chết và bị thương, hàng vạn người bị tàn tật; làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân, tác động xấu đến điều kiện sinh sống của cộng đồng, trật tự, an ninh xã hội. Theo tính toán, để dò tìm xử lý (DTXL) hết diện tích ô nhiễm BMVN cần phải có hàng chục tỷ USD và mất hàng trăm năm nữa.

Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm khắc phục hậu quả chiến tranh; trong đó, công tác DTXL BMVN là vấn đề rất quan trọng, nhằm giảm thiểu các tai nạn nổ, bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và phát triển KT-XH. Tuy nhiên, công tác DTXL BMVN rất khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, phải có trang bị chuyên dùng và lực lượng chuyên môn kỹ thuật (CMKT) chuyên ngành đủ khả năng thực hiện có hiệu quả. Chính phủ rất tin tưởng và giao cho quân đội nhiệm vụ quan trọng này và quân đội đã tổ chức thực hiện đạt kết quả đáng ghi nhận: trung bình hằng năm DTXL được từ 15.000-20.000 ha và thu hồi xử lý hàng trăm tấn BMVN; bước đầu hình thành hệ thống tổ chức ngành DTXL BMVN tương đối thống nhất, ban hành quy định quản lý, hoạt động có nền nếp từ cấp chiến lược đến các đơn vị cơ sở.

Để bảo đảm tiến độ phát triển KT-XH trong thời gian tới, dự kiến, nhu cầu DTXL BMVN phải tăng lên 4- 5 lần so với hiện nay, đòi hỏi năng lực thực hiện cũng tăng tương ứng. Đây là một thách thức lớn đối với công tác DTXL BMVN ở nước ta, đặc biệt là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực CMKT của Ngành. Là lĩnh vực có tính đặc thù, nguồn nhân lực DTXL BMVN không phải là những chiến sĩ, hay người lao động thông thường, mà phải là đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia và các kỹ thuật viên, nhân viên CMKT chuyên ngành có chất lượng cao. Trong khi đó, hiện nay, nguồn nhân lực CMKT lĩnh vực này đang còn nhiều bất cập; hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực này đều thiếu  nhân lực có trình độ CMKT; chất lượng hạn chế (đội ngũ cán bộ quản lý ở các đơn vị cơ sở có trình độ bậc đại học trở lên chỉ chiếm 3%, cao đẳng chiếm 7%, đội ngũ nhân viên chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, có rất ít chuyên gia, kỹ thuật viên về bom đạn);  năng lực thực hiện hàng năm còn hạn chế...

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chúng ta chưa có kế hoạch lâu dài về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành DTXL BMVN; chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành riêng cho lĩnh vực đặc thù này. Tại các nhà trường quân đội cũng không có chương trình và chuyên ngành đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật về DTXL BMVN; kiến thức về bom mìn và cách thức xử lý chỉ là một phần trong chương trình công binh. Việc bồi dưỡng cán bộ, đội trưởng CMKT công tác DTXL BMVN được Bộ Tư lệnh Công binh giao cho Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và Trường sơ cấp Kỹ thuật Công binh kiêm nhiệm. Các cơ sở đào tạo đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy nội lực và tự huy động kinh phí nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung, cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, kiêm chức. Do đối tượng tập huấn, bồi dưỡng đa dạng (cán bộ, đội trưởng, nhân viên DTXL BMVN), mặt bằng học vấn và trình độ chuyên môn không giống nhau, nên các cơ sở đào tạo chủ yếu tổ chức huấn luyện, đào tạo nhân viên CMKT phù hợp với trình độ từng đối tượng (đã tổ chức huấn luyện, cấp chứng chỉ được trên 1.000 học viên).

Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực CMKT còn nhiều hạn chế. Các cơ sở đào tạo chưa thực sự chuyên sâu, chủ yếu là bồi dưỡng, tập huấn hoặc đào tạo ngắn ngày. Nguồn và số lượng đào tạo, bồi dưỡng phụ thuộc vào khối lượng công việc và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Chương trình, nội dung chưa thống nhất; đội ngũ giáo viên thiếu, phương pháp sư phạm hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn nhiều khó khăn...

Trước thực trạng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay và để tăng năng lực DTXL lên 4-5 lần trong những năm tới, theo chúng tôi, cần tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực DTXL BMVN có số lượng phù hợp, chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ CMKT chuyên ngành, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, cùng với việc kiện toàn, xây dựng hệ thống tổ chức Ngành, phải coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT chuyên ngành DTXL BMVN đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Muốn vậy, phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.

Trước hết, cần tạo được sự thống nhất trong nhận thức, quan điểm về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CMKT lĩnh vực DTXL BMVN, coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ rằng, công tác DTXL BMVN là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhằm bảo đảm môi trường, bảo đảm an toàn cho công cuộc phát triển KT- XH và điều kiện sinh sống của cộng đồng. Đây là một ngành nghề có tính đặc thù, độ nguy hiểm và rủi ro cao, nên phải được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo, kết hợp chặt chẽ đào tạo nghề nghiệp với giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tính kỷ luật. Trên cơ sở đó, đưa công tác đào tạo cán bộ, nhân viên CMKT chuyên ngành DTXL BMVN vào hệ thống đào tạo trong nhà trường quân đội; xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CMKT cả trước mắt và lâu dài; nghiên cứu, xây dựng cơ sở đào tạo chuyên ngành để làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực CMKT của Ngành; kiện toàn cơ cấu quản lý tổ chức, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đào tạo giáo viên, từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình đào tạo, phương thức quản lý, cơ chế, chính sách đào tạo cho lĩnh vực đặc thù này. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực, xác định nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng; từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp đào tạo cán bộ, nhân viên CMKT của Ngành, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất đào tạo...

Hai là, xác định rõ mục tiêu, xây dựng chương trình, nội dung, hình thức đào tạo cho từng đối tượng. Trên cơ sở định hướng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cần xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho từng đối tượng. Đối với cán bộ, ngoài mục tiêu chung đào tạo sĩ quan quân đội, phải có trình độ CMKT chuyên ngành giỏi, có kinh nghiệm và năng lực hoạt động thực tiễn theo yêu cầu của cương vị công tác, có khả năng phát triển. Với nhân viên CMKT, phải coi trọng chất lượng chính trị, gắn bó với nghề nghiệp, hình thành ý thức lao động tự giác, sáng tạo, có kỷ luật; có kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, trình độ CMKT vững vàng, nhất là kỹ năng thực hành. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo tại trường của nhân viên CMKT chuyên ngành và bồi dưỡng các đối tượng cán bộ, làm cơ sở xây dựng chương trình, nội dung huấn luyện tại chức ở đơn vị. Chương trình, nội dung phải bảo đảm cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bám sát sự phát triển khoa học-công nghệ, phù hợp với từng đối tượng, khả năng bảo đảm nguồn lực. Cần kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng độc lập làm việc, phát hiện và xử lý tình huống để học viên có đủ năng lực, kinh nghiệm giải quyết được các vấn đề phát sinh và nâng cao khả năng làm việc tập thể, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cần tăng thời gian đào tạo ngoại ngữ và rèn luyện phẩm chất năng lực cá nhân như giáo dục về thái độ lao động, ý thức xã hội, tính sáng tạo, kiên trì, kỷ luật, khả năng tiếp xúc, liên kết, sự ham mê trong lao động cho người học.

Trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần kết hợp chặt chẽ các hình thức, cả tập trung và phân tán, cả đào tạo tại trường và huấn luyện, đào tạo tại đơn vị, đào tạo nước ngoài; tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị có nhu cầu và cơ sở đào tạo. Phát huy khả năng tự huấn luyện bổ sung tại chỗ của các đơn vị, kết hợp với cơ sở đào tạo; tăng cường kết hợp giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo khác, nhất là các học viện, trường trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực CMKT cho Ngành.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách đủ mạnh, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Để phát triển đội ngũ giáo viên, cần có quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đồng bộ, từ khâu tổ chức biên chế, tuyển chọn, đào tạo đến bồi dưỡng, sử dụng, nhằm nâng cao trình độ của giáo viên về học vấn, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng sư phạm, cả về nghiên cứu, tư vấn, quản lý... Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ giáo viên còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, nên khâu tạo nguồn, tuyển chọn là rất quan trọng. Phần lớn số giáo viên kiêm nhiệm có phẩm chất, năng lực theo yêu cầu, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, nhưng  hạn chế về độ tuổi, phương pháp sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng văn phòng, ngoại ngữ, vi tính... Khi tuyển chọn đối tượng này vào đội ngũ giáo viên chuyên trách, cần đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức mà họ còn thiếu, với những hình thức phù hợp và tiến hành đào tạo nâng cao cả trong nước và nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Với những giáo viên trẻ, có năng lực, ngoại ngữ tốt, cần được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Ngoài đội ngũ giáo viên chuyên trách, cơ sở đào tạo cần có chính sách phù hợp để duy trì, phát triển đội ngũ giáo viên cơ hữu, nhất là chuyên gia đầu ngành, chuyên gia có học vị khoa học cao. Bên cạnh đó, cần thu hút lực lượng giáo viên kiêm chức, kiêm nhiệm trong lĩnh vực có liên quan ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường...vào tham gia giảng dạy, nghiên cứu.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực CMKT của Ngành. Hiện nay, trên thế giới có hơn 40 nước bị ô nhiễm do BMVN gây ra với mức độ khác nhau. Chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế về công tác DTXL BMVN nói chung, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, giảng viên, nhân viên CMKT với nhiều hình thức phù hợp. Các nước, các tổ chức quốc tế bước đầu đã hỗ trợ kinh phí, trang bị giúp Việt Nam DTXL BMVN sau chiến tranh, nhất là về công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành, giáo dục phòng, tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân và huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhân viên CMKT. Trong xu thế mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nói chung, nguồn nhân lực CMKT của lĩnh vực này nói riêng, Việt Nam cần tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài về huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, trang bị chuyên dùng DTXL BMVN; ngược lại, nước ta cũng cần tăng cường hợp tác đào tạo cho nước khác tại Việt Nam, đưa chuyên gia, giáo viên ra nước ngoài nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, hoặc có thể bằng hình thức trao đổi chuyên gia về huấn luyện, đào tạo. Cùng với các nguồn ngân sách trong nước, nguồn vốn thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động vận động, thu hút tài trợ quốc tế cho công tác DTXL BMVN và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Ngành, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đào tạo sẽ được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác DTXL BMVN sau chiến tranh ở Việt Nam.

Đại tá, ThS. NGUYỄN TRỌNG CẢNH

Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn

 
Ý kiến bạn đọc (0)