Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:00 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trước yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) đủ số lượng, có chất lượng cao, từ năm 2004, Trung tâm Giáo dục quốc phòng (GDQP) Hà Nội 2 (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn trình độ đại học, hệ tập trung chính quy (4 năm) và cấp bằng cử nhân sư phạm ngành Thể dục thể thao (TDTT)-GDQP và ngành Giáo dục công dân (GDCD)-GDQP. Đây là nhiệm vụ mới, được triển khai trong điều kiện đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Trung tâm còn thiếu, kinh nghiệm ít, cơ sở vật chất còn khó khăn... Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, sự giúp đỡ của cơ quan cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà trường và địa phương, đơn vị quân đội trên địa bàn, những năm qua, Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn. Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành đào tạo khóa thứ 6, đã có hai khóa được cấp bằng đại học với 88 sinh viên tốt nghiệp ra trường (có 8% đạt loại giỏi, trên 60% đạt loại khá); trong đó, 83 giáo viên đã nhận công tác tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, 3 giáo viên về các trường đại học, cao đẳng, 2 giáo viên đang đào tạo sau đại học. Nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp đều bảo đảm mục tiêu: “Có trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nước, yêu CNXH và yêu nghề; nắm vững kiến thức và kỹ năng cơ bản các môn giáo dục thể chất và GDQP-AN, có năng lực sư phạm cần thiết để giảng dạy và tổ chức, hướng dẫn hoạt động TDTT và quốc phòng trong các trường trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp”.
Để thực hiện đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn theo hệ thống tín chỉ, trước hết, Trung tâm tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, chất lượng cao; coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và có tính cấp thiết hiện nay. Trung tâm giao nhiệm vụ, bố trí cho cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; đồng thời, thực hiện nền nếp bồi dưỡng, động viên từng giảng viên tích cực, chủ động nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ mọi mặt. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên được tiến hành một cách toàn diện; trong đó, tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành và những nội dung còn hạn chế, như: nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp dạy-học tích cực, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác giảng dạy. Trung tâm xác định: ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá để đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; tuy nhiên, đó chỉ là phương tiện, còn người thầy vẫn giữ vai trò quyết định. Đến nay, 100% bài giảng đều được ứng dụng công nghệ thông tin. Trung tâm mời các chuyên gia đầu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những giảng viên có trình độ và kinh nghiệm ở các học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu để bồi dưỡng những nội dung cần thiết cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Trung tâm đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên để thống nhất nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; trong đó, coi trọng bồi dưỡng những nội dung còn yếu và cung cấp những thông tin mới. Hiện nay, 100% giáo viên của Trung tâm có trình độ đại học; trong đó, trên 20% có trình độ sau đại học. Trung tâm phấn đấu đến năm 2015, trên 50% giảng viên có trình độ sau đại học.
Hai là, xây dựng nội dung, chương trình theo hướng “cơ bản, hiện đại”. Đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn là chuyên ngành có tính đặc thù cả về lý luận, lý thuyết và kỹ năng thực hành. Giai đoạn đào tạo theo niên chế là các học phần gồm nhiều đơn vị học trình. Chuyên ngành GDQP-AN thực hiện 19 học phần với 51 đơn vị học trình (không kể thời gian thực tập sư phạm và thi tốt nghiệp); trong đó, khối kiến thức cơ sở ngành: 6 đơn vị học trình, kiến thức ngành: 38 đơn vị học trình và kiến thức nghiệp vụ sư phạm: 7 đơn vị học trình. Từ năm học 2010 - 2011, đào tạo giáo viên GDQP ghép môn được thực hiện theo hệ thống tín chỉ. Khối lượng kiến thức về GDQP-AN được xây dựng gồm 36 tín chỉ; trong đó, kiến thức cơ sở ngành: 11 tín chỉ, kiến thức ngành GDQP-AN: 25 tín chỉ. Trên cơ sở khung chương trình quy định, Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ, giảng viên tập trung trí tuệ, công sức và thời gian xây dựng chương trình chi tiết các môn học. Từng giảng viên chuẩn bị chu đáo chương trình chi tiết, bảo vệ trước bộ môn và khoa; các khoa bảo vệ trước Hội đồng của Trung tâm. Quá trình xây dựng chương trình chi tiết các môn học, Trung tâm coi trọng kế thừa và phát triển những nội dung đã và đang được các học viện, nhà trường sử dụng. Chương trình chi tiết của Trung tâm xây dựng được Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đánh giá đạt chất lượng tốt và đã được thực tế những năm qua kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện hơn 10 đề tài khoa học-công nghệ về GDQP-AN cấp trường và cấp Bộ; trong đó, có đề tài trọng điểm cấp Bộ phục vụ trực tiếp cho công tác GD-ĐT của Trung tâm.
Ba là, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Các học phần trong chương trình đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn được kết cấu chặt chẽ, khoa học, vì vậy, vấn đề cốt lõi của đổi mới phương pháp dạy-học là xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo lòng say mê, thể hiện được chính kiến, khả năng hiểu biết của cả thày và trò trong dạy-học, rèn luyện và nghiên cứu khoa học. Các bài giảng được biên soạn theo phương pháp giảng dạy tích cực, thực hiện phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, có ứng dụng công nghệ thông tin; trong từng học phần, sinh viên được tổ chức xêmina dưới sự điều hành của giảng viên. Cùng với việc khai thác, chắt lọc, phát huy những giá trị và tính ưu việt của phương pháp dạy-học truyền thống (thuyết trình), Trung tâm nghiên cứu, xây dựng bài giảng bằng hình thức mở, đưa người học vào tình huống để họ tự xử lý; qua đó, củng cố lý luận và rèn luyện kỹ năng thực hành. Để làm được như vậy, đội ngũ giảng viên của Trung tâm luôn nỗ lực phấn đấu giỏi cả về lý thuyết và thực hành, biết gợi mở, định hướng, kết luận những vấn đề mà tình huống đặt ra.
Trong quá trình đào tạo, Trung tâm coi trọng rèn luyện kỹ năng thực hành cho sinh viên; các bài dạy-học được thực hiện đầy đủ các bước: nhanh, chậm (phân tích, tổng hợp), với quy trình: tự nghiên cứu cử động, động tác - tập chậm - làm nhanh - làm tổng hợp; đồng thời, rèn luyện, bồi dưỡng khả năng sư phạm, kỹ năng giảng dạy, sử dụng giáo cụ trực quan (điều khiển, sử dụng, thao tác thiết bị dạy-học trên máy tính, thao tác trên màn hình...); đặc biệt là, chú trọng rèn luyện tư thế, tác phong và tu dưỡng những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ cho người thày GDQP-AN tương lai. Do lưu lượng sinh viên lớn, điều kiện thao trường, bãi tập chưa đáp ứng được một số học phần về kỹ năng quân sự, Trung tâm đã chủ động liên hệ, liên kết với một số đơn vị, nhà trường quân đội để đưa sinh viên đến học tập, rèn luyện; bên cạnh đó, nội dung học tập, rèn luyện còn được lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan, học tập và tham gia hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT với một số địa phương, đơn vị.
Sinh viên đào tạo năm cuối được Trung tâm tổ chức đi thực tập, trực tiếp giảng dạy môn GDQP-AN cho học sinh ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Để đảm bảo chất lượng, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các trường xây dựng kế hoạch, sắp xếp lịch giảng dạy để tổ chức cho sinh viên được thực tập thành nhiều đợt; sau mỗi đợt, đều rút kinh nghiệm cho các đợt tiếp theo.
Tổ chức cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học là nội dung bắt buộc; cùng với đó, Trung tâm còn duy trì nền nếp tổ chức Hội nghị Học tập cho sinh viên hằng năm và tổ chức Hội nghị Khoa học (hai năm một lần), trong đó có báo cáo tổng hợp của Trung tâm và các báo cáo về kết quả, kinh nghiệm học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học của các thầy và sinh viên. Những sinh viên có đủ điều kiện theo quy định (điểm tổng kết chung các môn học từ 7 trở lên, điểm được xét làm khoá luận chuyên ngành GDQP-AN từ 7,5 trở lên) sẽ được làm khóa luận tốt nghiệp.
Bốn là, coi trọng công tác đảm bảo cơ sở vật chất. Trung tâm thực hiện tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tiếp cận với phương tiện hiện đại, tiên tiến, đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, do lưu lượng đào tạo giáo viên GDQP-AN từ 500-600 sinh viên/ năm và GDQP-AN cho trên 30.000 học sinh, sinh viên/ năm; nhu cầu về cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo rất lớn, nên Trung tâm thực hiện từng bước, vững chắc, kết hợp giữa kinh phí trên cấp, cân đối nguồn kinh phí đào tạo với sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên để sửa chữa, nâng cấp nhà ở, giảng đường, thao trường, bãi tập...; đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình theo hướng hiện đại, đa năng, vừa phục vụ công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên, vừa phục vụ nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Trung tâm coi trọng ứng dụng phần mềm tin học và sử dụng thiết bị dạy-học hiện đại để khai thác đầy đủ, có chiều sâu về tính năng, tác dụng, đặc điểm và lột tả được bản chất của từng vấn đề, nội dung QP-AN cũng như về kỹ thuật, chiến thuật và nghệ thuật quân sự. Một số phòng học chuyên dùng và nội dung huấn luyện được trang bị: thiết bị âm thanh, tranh ảnh, mô hình, học cụ, máy chiếu, máy tính, máy bắn điện tử, máy bắn laze, thiết bị tập bắn MBT-03, TB-95... Nhiều bài giảng môn kỹ thuật, như: lý thuyết về đường đạn, góc bắn, uy lực của vũ khí huỷ diệt lớn, về kỹ thuật bắn súng,... trước đây thường "học chay", hoặc chỉ biết kết quả khi bắn đạn thật, hiện nay, những nội dung này đã được thể hiện thông qua hệ thống trang, thiết bị hiện đại, có cả hình ảnh, âm thanh, sát với thực tế chiến đấu, giúp cho học viên nắm chắc, hiểu sâu từng nội dung và có thể tự mình biết kết quả để điều chỉnh từng phát bắn. Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ tạo được sự hứng thú, say mê, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý cho học viên, mà còn góp phần quản lý chặt chẽ, đánh giá chính xác, trung thực kết quả học tập, rèn luyện của từng sinh viên. Được phép của các cấp có thẩm quyền, “Câu lạc bộ Bắn súng đạn sơn nước” sẽ bước vào hoạt động từ năm 2010. Đây là bước đi mạnh dạn và hiệu quả, vừa góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và tinh thần đồng đội cho sinh viên, vừa tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất cho Trung tâm phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo.
Hệ thống thao trường, bãi tập (chiến thuật, kỹ thuật và rèn luyện thể lực) của Trung tâm được củng cố, nâng cấp và xây dựng theo đúng quy cách, trang bị hệ thống bia tự động bền đẹp và có thể bố trí cơ động theo yêu cầu của các nội dung huấn luyện và từng tình huống luyện tập. Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực, đồng thời phát huy trí tuệ và công sức của cán bộ, giáo viên nghiên cứu, thiết kế các loại mô hình, học cụ, tiết kiệm cho ngân sách nhiều triệu đồng, phục vụ kịp thời cho công tác đào tạo. Mặt khác, với những nội dung huấn luyện đòi hỏi thao trường, bãi tập có quy mô đạt chuẩn, Trung tâm đã phối hợp với một số học viện, nhà trường và đơn vị quân đội đưa học viên đi học tập, nghiên cứu thực tế để đảm bảo chất lượng. Nhiều nội dung và vấn đề huấn luyện được quay vi-đê-ô, trở thành tài liệu nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của cán bộ, giảng viên, công nhân viên, năm 2009, Trung tâm đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba. Hiện nay, Trung tâm là một trong những cơ sở đào tạo có hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ và hiện đại. Đó là điều kiện thuận lợi để Trung tâm GDQP Hà Nội 2 tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ GD-ĐT trong thời gian tới.
Đại tá LÊ VĂN NGHỆ và Trung tá PHAN XUÂN DŨNG
Trung tâm GDQP Hà Nội 2
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011