QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:24 (GMT+7)
Đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn Quân khu 7- vấn đề và giải pháp
Quân khu 7 bao gồm 9 tỉnh, thành phố, có 103 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.314 xã, phường, thị trấn; trong đó có 55 xã biên giới, 66 xã, phường ven biển và 3 xã đảo. Nhận rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung, cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn nói riêng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã chủ động quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) về “Đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” và Chỉ thị số 34/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ thị số 616/ CT-TL của Tư lệnh Quân khu 7 về nhiệm vụ đào tạo chỉ huy trưởng quân sự (CHTQS) xã, phường, thị trấn. Quân khu chỉ đạo chọn tỉnh Bình Dương làm "điểm" để rút kinh nghiệm cho các tỉnh trên địa bàn Quân khu. Ngày 18-6-2004, Bình Dương chính thức khai giảng khoá 1 tại trường Quân sự địa phương Tỉnh, với tổng số 97 học viên. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, các tỉnh trên địa bàn Quân khu đã hoàn thành xong khoá 1, có 8/9 tỉnh (thành phố) đang đào tạo khoá 2, trong đó tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đã bế giảng khoá 2. Kết quả khoá 1, toàn Quân khu đào tạo được 876 đồng chí, thời gian đào tạo từ 14- 17 tháng tại trường Quân sự các tỉnh, thành phố; học viên tốt nghiệp ra trường được cấp Bằng trung cấp quân sự và Bằng trung cấp lý luận chính trị. Số cán bộ tốt nghiệp khoá 1, có 302 đồng chí được bố trí CHTQS, 454 đồng chí chỉ huy phó, còn lại được bố trí ở các chức vụ khác. Đội ngũ cán bộ qua đào tạo được đánh giá đạt chất lượng tốt, có sự trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và năng lực chỉ huy, tác phong công tác, nhất là năng lực tham mưu đề xuất giúp cấp uỷ và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở.

Tuy nhiên, đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên còn những hạn chế, như nhận thức về nhiệm vụ của một số cán bộ chưa đầy đủ, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự trong việc tuyển chọn đầu vào, đầu tư cho đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách... Với chức năng của cơ quan tham mưu giúp Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo và trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp chủ yếu để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn trong thời gian tới.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là cấp uỷ, chính quyền các cấp cần nhận thức đúng tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn; trên cơ sở đó tạo chuyển biến trong hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện, xuyên suốt và huy động mọi khả năng có thể cho nhiệm vụ đào tạo. Một trong những nguyên nhân còn hạn chế rút ra từ khoá 1 là cấp uỷ, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm, trong đó có vấn đề về khả năng của địa phương có hạn, tham mưu của cơ quan quân sự chưa nhạy bén..., nhưng mấu chốt vẫn là nhận thức của cấp uỷ, chính quyền đối với nhiệm vụ quan trọng này. Phải nhận thức rõ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn là một bộ phận của hệ thống chính trị cơ sở; đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, trước hết là của cấp uỷ các cấp. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế- xã hội các địa phương trên địa bàn Quân khu phát triển không đồng đều; đời sống của nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa (tập trung ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai) và các xã biên giới trên địa bàn Quân khu còn nhiều khó khăn; hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều hạn chế, thì việc đào tạo CHTQS lại càng quan trọng, cấp thiết. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không những thiết thực đẩy mạnh công tác quân sự, quốc phòng địa phương, mà còn là nguồn phát triển cán bộ cho các địa phương, cơ sở.
Để có nhận thức đúng, thống nhất đối với nhiệm vụ, các địa phương, cơ sở phải quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Quân đội, của Tư lệnh Quân khu và nghị quyết, chỉ thị của các tỉnh, thành phố về đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, ra nghị quyết về nhiệm vụ đào tạo, củng cố Ban chỉ đạo, bổ sung đề án, kế hoạch đào tạo, có phân công, phân nhiệm cụ thể cho cấp uỷ viên phụ trách. Các chi bộ, đảng bộ cơ quan quân sự các cấp, ngoài việc quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, còn phải chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng cấp ra chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương, trong đó nội dung về đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Cơ quan quân sự các cấp vừa là cầu nối giữa địa phương với các cơ quan, ban ngành cấp trên có liên quan, vừa phải thực sự là trung tâm hiệp đồng với các cơ quan, ban ngành chức năng của địa phương trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào cấp uỷ, chính quyền các cấp có nhận thức đúng đắn, có quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện thì địa phương đó sẽ huy động được mọi khả năng, hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Ngược lại, cấp uỷ, chính quyền địa phương nào nhận thức chưa đầy đủ, thống nhất thì ở nơi đó công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào chưa tốt ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, học viên ra trường thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả. Do đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể không chỉ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho nhiệm vụ đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn, mà còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Một trong những nội dung quan trọng là công tác tuyển chọn phải tiến hành chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ sau khi đào tạo. Vừa qua, nhìn chung Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp thống nhất cùng Bộ Chỉ huy Quân sự hướng dẫn địa phương thực hiện công tác chiêu sinh, tuyển chọn nguồn cán bộ đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn cơ bản bảo đảm đúng chỉ tiêu, yêu cầu đào tạo. Học viên có độ tuổi 18-30 chiếm trên 80%, tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm trên 80%. Riêng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (khóa 1), Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh (khóa 2) chọn nguồn cán bộ 100% tốt nghiệp trung học phổ thông. Tỷ lệ đảng viên trên 60%, riêng tỉnh Tây Ninh (khóa 1), thành phố Hồ Chí Minh (khóa 2)  100% học viên đều là đảng viên. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn một số địa phương thực hiện công tác tuyển chọn chưa chặt chẽ, có nơi còn nặng về chỉ tiêu, số lượng; chưa coi trọng đúng mức tiêu chuẩn, chất lượng. Tỷ lệ cán bộ là xã, phường, thị đội trưởng còn thấp (khoá 1 đạt 13,53%, khoá 2 đạt 18,37%). Nhiều đồng chí chưa trải qua môi trường quân đội, chưa qua khoá bồi dưỡng nào, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc chưa đảm nhiệm chức vụ công tác ở cơ sở, nên việc tiếp thu bài giảng gặp nhiều khó khăn, nhất là khối kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Vì vậy, vẫn còn một số trường hợp chưa được cấp Bằng trung cấp quân sự, hoặc Bằng trung cấp lý luận chính trị khi kết thúc khoá học.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đặt chỉ tiêu cụ thể cho việc đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ Quốc phòng và chỉ đạo việc chiêu sinh nguồn cán bộ đào tạo đúng quy hoạch, đúng tiêu chuẩn, ưu tiên chọn cán bộ quân sự cơ sở đương chức còn trong độ tuổi. Hướng dẫn của Bộ Tổng tham mưu và Hướng dẫn liên ngành về công tác tuyển sinh cũng đã quy định rõ đối tượng tuyển sinh phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc, có đủ khả năng hoàn thành chương trình khoá học, đảm nhận tốt cương vị công tác và có thể phát triển trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Để thực hiện tốt khâu này, trước hết phải phát huy tốt vai trò của cấp uỷ, chính quyền, nhất là cấp cơ sở; phải tiến hành xét duyệt chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ và có kế hoạch sau khi cán bộ hoàn thành khoá học được bố trí, sử dụng đúng vị trí tại địa phương. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể ưu tiên về độ tuổi, trình độ văn hoá, nhưng phải có kế hoạch tổ chức học văn hoá cho học viên hoàn thành chương trình trung học phổ thông (như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã phối hợp với Sở Giáo dục- đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên của địa phương tổ chức cho học viên học văn hoá). Cơ quan quân sự các huyện, các tỉnh và các ban, ngành chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát việc tuyển chọn và kiểm tra chất lượng chính trị, kiểm tra sức khoẻ,... có như vậy mới bảo đảm chất lượng tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu, yêu cầu đào tạo.
Về chương trình, nội dung, thời gian đào tạo và công tác bảo đảm đã được các tỉnh, thành phố chấp hành nghiêm túc, xây dựng kế hoạch đào tạo theo đúng các chỉ thị của cấp trên, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Mặc dù Bộ ban hành chương trình đào tạo 6 tháng, 9 tháng và 14 tháng, nhưng tại khoá 1, tất cả các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu đều thực hiện chương trình đào tạo 14 tháng đến 17 tháng, nhằm hoàn thiện khối kiến thức lý luận chính trị và khối kiến thức quản lý nhà nước. Nhờ đó, học viên được trang bị kiến thức tương đối toàn diện, có đủ khả năng đảm nhiệm tốt vị trí xã, phường, thị đội trưởng và có thể phát triển lên cương vị cao hơn trong hệ thống chính trị ở cơ sở mà chưa cần thiết phải đào tạo lại. Với khối kiến thức lý luận chính trị được Quân khu chỉ đạo bổ sung thêm 70 bài/ 498 tiết học, đủ tiêu chí cấp Bằng trung cấp chính trị; khối kiến thức quân sự phải hoàn thành chương trình trung cấp quân sự cơ sở, tương đương với trình độ sĩ quan dự bị cấp phân đội. Căn cứ vào thực tế của địa phương, các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu... còn vận dụng, bổ sung thêm một số nội dung, hoặc tăng thời gian huấn luyện thực hành cho các bài tập kỹ thuật, như bắn súng, thuốc nổ cho học viên. Riêng thành phố Hồ Chí Minh còn bổ sung thêm các bài tập chiến thuật đánh địch trong thành phố, xây dựng mạng lưới quân báo nhân dân, các biện pháp thu thập tin tức, tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động chiến đấu của lực lượng dân quân, tự vệ. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu... còn chủ động tổ chức cho học viên học thêm vi tính chứng chỉ A.
Để hoàn thành chương trình đào tạo nêu trên, các địa phương đã ban hành các văn bản pháp lý, ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu, phê duyệt đề án, kế hoạch và chỉ đạo mở lớp đào tạo tập trung tại trường Quân sự tỉnh. Các nội dung quân sự do trường Quân sự đảm nhiệm, cho nên Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố đã chủ động bổ sung cán bộ, giáo viên; chỉ đạo nhà trường tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cả về nội dung, phương pháp; đồng thời, khuyến khích, động viên, phát huy tính sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo. Từ kết quả làm “điểm” của Bình Dương, Quân khu đã chỉ đạo: sau 1 tháng và sau 7 tháng huấn luyện phải tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những mặt còn yếu và bổ sung những nội dung mới do yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, về khối kiến thức quân sự, các trường Quân sự đều hoàn thành tốt theo yêu cầu đào tạo. Trường Quân sự các tỉnh còn là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và bảo đảm vật chất, hậu cần- kỹ thuật, chế độ chính sách cho học viên. Học viên được biên chế thành đại đội; Ban chỉ huy đại đội do cán bộ khung đảm nhiệm; các trung đội, tiểu đội do học viên luân phiên kiêm chức. Đảng uỷ các trường đều ra nghị quyết chuyên đề, xác định rõ phương hướng, mục tiêu và các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiện toàn tổ chức Đảng, Đoàn và các tổ chức quần chúng khác; duy trì tốt các chế độ sinh hoạt Đảng, xây dựng, củng cố chi bộ, chi đoàn học viên. Trong thời gian đào tạo, các chi bộ học viên đã tổ chức đại hội chi bộ, kết nạp đảng viên mới, chuyển đảng chính thức cho đảng viên dự bị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.  
Riêng khối kiến thức lý luận chính trị và quản lý nhà nước do trường Chính trị tỉnh đảm nhiệm theo chế độ “mời giảng”, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa trường Quân sự và trường Chính trị tỉnh, bảo đảm đúng kế hoạch được xác định và thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm giữa hai trường. Cùng với việc chi trả thù lao theo quy định của Bộ Tài chính, một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương... còn vận dụng trả theo học hàm, học vị; hỗ trợ một phần kinh phí đi lại, chấm bài kiểm tra, chấm thi. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng chưa bảo đảm thống nhất giữa các địa phương, nên còn có những ý kiến khác nhau về chế độ, chính sách đối với giáo viên “mời giảng”. Hiện tại, các địa phương đang đào tạo khoá 2. Dưới góc độ của cơ quan tham mưu, chúng tôi cho rằng, vấn đề này cần có sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, nhằm bảo đảm đỡ thiệt thòi cho cả giáo viên chính trị và quân sự. Theo tính toán sơ bộ thì số kinh phí phải điều chỉnh, bổ sung tăng không nhiều, nhưng hiệu quả của việc đầu tư lại có ý nghĩa  thiết thực, tránh cho cán bộ cơ sở phải đi học nhiều lần, gây lãng phí. Về lâu dài, đề nghị có văn bản chỉ đạo thống nhất, làm cơ sở pháp lý để các trường Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các trường Chính trị tỉnh đào tạo theo tiêu chí và cấp Bằng trung cấp lý luận chính trị cho học viên đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn.
Thượng tá Nguyễn Xuân Tùng
Trưởng phòng Dân quân- tự vệ Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)