QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:31 (GMT+7)
Đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn - kết quả và những vấn đề đặt ra

Ban chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn là một bộ phận của hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó Chỉ huy trưởng có vị trí quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ huy Quân sự, nhất là trong việc thực hiện chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự, đồng thời cũng là người trực tiếp tổ chức thực hiện công tác này góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Do đó, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự nói chung, Chỉ huy trưởng quân sự (CHTQS) xã, phường, thị trấn nói riêng có đủ số lượng, chất lượng ngày càng cao vừa là yêu cầu cấp bách thường xuyên, vừa cơ bản, lâu dài và có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Quán triệt, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 17/NQ-TƯ ngày 18 tháng 12 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) "Về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn", Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 34/CT-BQP ngày 09 tháng 6 năm 2003 "Về nhiệm vụ đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn (2004 - 2010)". Đây là nhiệm vụ mới, quan trọng, vì thế để triển khai đảm bảo thành công, Bộ đã chỉ đạo chặt chẽ thực hiện từng bước vững chắc theo phương châm đào tạo điểm để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện ở các địa phương trên toàn quốc. Sau đào tạo điểm tại Hà Tây, Bộ đã tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện và quyết định ban hành các chương trình, giáo trình đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn, tập trung vào chương trình đào tạo 14 tháng, 9 tháng và 6 tháng với 3 khối kiến thức cơ bản là quân sự, lý luận chính trị và quản lý nhà nước; cùng với đó là Quy chế đào tạo (ban hành kèm theo Quyết định số 160/2004/QĐ-BQP ngày 04 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng BQP), trong đó quy định chi tiết, cụ thể về các mặt công tác trong đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ và đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự ở cơ sở nên cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và đề cao trách nhiệm trong triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung củng cố các trường Quân sự tỉnh (thành phố) về tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất, trang bị; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch; tiến hành chiêu sinh và thực hiện công tác đảm bảo chính sách cho đội ngũ cán bộ, học viên trong quá trình đào tạo. Qua hai năm thực hiện, đến nay đã có 64/64 tỉnh (thành phố) kết thúc đào tạo khóa I cho 4.796 đồng chí; có 52/64 tỉnh (thành phố) đang đào tạo khóa 2 và 5/64 tỉnh (thành phố) đào tạo khóa 3 với tổng số 9.192 đồng chí. Kết quả cụ thể là, khóa I có 4.734 đồng chí/ 4.796 đồng chí tốt nghiệp, đạt 98,7%; tỷ lệ khá giỏi chiếm 71%; có 4.734 đồng chí được cấp bằng trung cấp quân sự cơ sở, trong đó bố trí học bổ sung thời gian, chương trình lí luận chính trị và được cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho 1.605 đồng chí; có 3.537 đồng chí được phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị. Trong số 4.350 đồng chí tốt nghiệp khóa I, có 2.077 đồng chí đảm nhiệm chức vụ CHTQS và 566 đồng chí được bố trí ở các chức vụ khác.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ qua đào tạo đã có sự trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, năng lực chỉ huy, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và phương pháp, tác phong công tác. Nhất là vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền được thể hiện khá rõ, việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở có bài bản, nền nếp và kết quả từng bước được nâng lên. Nhiều đồng chí sau một thời gian làm cán bộ quân sự đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn. Kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và quyết tâm của Bộ Quốc phòng sớm đưa nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống. Điều đó càng có ý nghĩa thiết thực đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới của Tổ quốc, nơi nhiều năm qua cán bộ quân sự nói riêng, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở nói chung còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần kịp thời có những biện pháp để khắc phục. Đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của công tác quốc phòng, quân sự địa phương, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau đây:
 Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, ban, ngành trong triển khai thực hiện. Đây là khâu quan trọng có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn của từng địa phương. Đào tạo CHTQS là khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, trước hết là của cấp ủy các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua các quân khu đều có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương. Hầu hết các địa phương đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc nên đạt kết quả tốt. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn một số ít địa phương thực hiện chưa nghiêm, thể hiện qua việc ra quyết định về nhiệm vụ đào tạo, thành lập Ban tổ chức, xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo chưa kịp thời; công tác chuẩn bị chưa thật chu đáo, tổ chức thiếu chặt chẽ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nguyên nhân của những tồn tại đó trước hết là do một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ, dẫn tới trách nhiệm chưa cao; trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự kiên quyết và chặt chẽ, chưa quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn về nhiệm vụ đào tạo CHTQS. Mặt khác, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ. Vì thế, trong thời gian tới, những thiếu sót trên cần được kịp thời khắc phục. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và có sự phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy phụ trách các mặt công tác. Cùng với đó, cần có nhiều hình thức, biện pháp phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Công tác đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn không chỉ là trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quân đội mà còn là trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan từ Trung ương đến cơ sở. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên tăng cường quán triệt các nghị quyết, quyết định, hướng dẫn của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hiệp đồng, đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế, khó khăn nảy sinh để có những biện pháp khắc phục nâng cao chất lượng đào tạo. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa các sở, ban, ngành ở địa phương cần được thực hiện thường xuyên trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, trong đó cơ quan quân sự là trung tâm. Hết sức tránh những biểu hiện dựa dẫm, ỉ lại vào cơ quan quân sự, hoặc giao phó cho các trường quân sự tỉnh (thành phố).  
Hai là, thực hiện tốt hơn nữa công tác chiêu sinh và bố trí, sử dụng cán bộ sau khi đào tạo. Thực tế vừa qua cho thấy, trong khi nhiều địa phương thực hiện tốt công tác này, vẫn còn một số nơi thực hiện chưa tốt. Đối tượng chiêu sinh đào tạo là chỉ huy trưởng, chỉ huy phó quân sự đương chức chiếm tỷ lệ còn thấp, tỷ lệ cán bộ nguồn lại cao (khóa I tới 38%). Đáng quan tâm là, có địa phương công tác chiêu sinh tiến hành chưa thật chặt chẽ, còn để lọt một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn; một số cán bộ sau đào tạo chưa được bố trí sử dụng ngay, hoặc bố trí chưa thật đúng với chuyên môn đào tạo.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố) cần chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức tỉnh (thành) ủy, Sở Nội vụ và các huyện (quận, thị) ủy thành phố thuộc tỉnh căn cứ vào quy hoạch quản lý, sử dụng cán bộ quân sự ở từng cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển chọn học viên đào tạo và tiếp nhận, sắp xếp, sử dụng cán bộ sau khi tốt nghiệp theo đúng Quyết định số 160/2004/ QĐ-BQP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò của chính quyền cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tuyển chọn học viên nằm trong diện quy hoạch cán bộ để sau khi họ qua đào tạo sẽ bố trí, sử dụng ngay. Trước mắt, cần tập trung ưu tiên tuyển chọn những đồng chí đang giữ chức chỉ huy trưởng, chỉ huy phó quân sự xã, phường, thị trấn để hoàn thành kế hoạch đào tạo cho đối tượng này từ nay đến đầu năm 2007.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đi đôi với xây dựng đội ngũ giáo viên trong các trường quân sự tỉnh (thành phố). Thời gian qua, một số địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đã có sự điều chỉnh (tăng hoặc giảm) phần lí thuyết hoặc thực hành, nhất là những nội dung trọng tâm của công tác quân sự địa phương. Đây là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tế và mong muốn của nhiều học viên, bởi trường quân sự là nơi có điều kiện học tập, rèn luyện tốt đối với học viên, khi đã về địa phương công tác họ rất khó có điều kiện trở lại trường học tập; hơn nữa nếu được trang bị kiến thức đầy đủ, toàn diện, khi phát triển lên cương vị cao hơn trong hệ thống chính trị ở cơ sở họ vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà chưa cần phải tiếp tục đào tạo ngay. Riêng môn học lý luận chính trị, đã có 23 địa phương tiến hành bổ sung thêm nội dung và tăng thời gian học tập từ 2 đến 4 tháng để đủ tiêu chí quy định cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho học viên. Tuy vậy, đây chỉ là sự vận dụng nên chưa được thực hiện thống nhất, và cũng vì nhiều lí do khác nhau nên không ít địa phương dù mong muốn cũng chưa thực hiện được. Theo chúng tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho học viên đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn vừa nhằm đảm bảo tiêu chí, đồng thời tránh cho cán bộ cơ sở đi học nhiều lần, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết.
Trên cơ sở chương trình đào tạo Bộ đã ban hành phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh cần tham mưu cho tỉnh (thành) ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) lựa chọn chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Những địa phương vùng cao, miền núi cũng có thể thực hiện chương trình đào tạo 14 tháng hoặc 9 tháng; hoặc học viên đã qua chương trình đào tạo 6 tháng khi có điều kiện địa phương tiếp tục tổ chức hoàn thiện cho họ những nội dung theo chương trình trung cấp quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở.
Hiện nay học viên qua đào tạo tại các trường quân sự tỉnh (thành phố) có trình độ trung cấp về quân sự và trung cấp lý luận chính trị, trong khi đó đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Để khắc phục hạn chế trên, các nhà trường, địa phương cần hướng phổ cập trình độ đại học cho đội ngũ giáo viên, tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên hiện có, đồng thời cần lựa chọn các đồng chí có khả năng đưa đi đào tạo giáo viên tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đây là hướng đi cơ bản, vững chắc, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo lâu dài của từng địa phương.
Nhiệm vụ của các trường quân sự tỉnh (thành phố) đã có sự phát triển. Nhà trường phải đảm nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt của cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ sở, ban, ngành huyện (quận). Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, cần có văn bản pháp lý nâng cấp trường Quân sự tỉnh (thành phố) có nhiệm vụ đào tạo trung cấp quân sự cơ sở; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc mở mã ngành đào tạo cho nhà trường; Bộ Quốc phòng và địa phương cần thống nhất đầu tư xây dựng cơ bản trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, nhất là trong điều kiện đất đai ngày càng khó khăn.
Một vấn đề là, cần có quy định thống nhất về thành lập tổ chức Đảng trong các khóa đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn. Bởi học viên đều là cán bộ, đảng viên, đoàn viên đã được rèn luyện trong thực tế, hơn nữa thời gian học tập mỗi khóa đều từ 9 tháng đến trên 14 tháng. Xây dựng tổ chức Đảng sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, đề cao tinh thần tự giác, tự quản của học viên, đồng thời có điều kiện thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong khóa học, tránh được sự thiệt thòi cho các đồng chí đang trong nguồn phát triển Đảng của các địa phương. Cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu, hướng dẫn Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố) làm tham mưu cho tỉnh (thành) ủy lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các khóa học cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Hiện nay đã có 42/64 tỉnh (thành phố), 3/8 Quân khu (Quân khu 2, 5, 7) tiến hành sơ kết 2 năm đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 34/CT-BQP của Bộ Quốc phòng. Các địa phương còn lại cần khẩn trương hoàn thành công tác này, làm cơ sở để Quân khu, tiếp đó là Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết vào năm 2007 đạt kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CHTQS xã, phường, thị trấn trong thời gian tới.
 
Thiếu tướng Hoàng Châu Sơn
Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ

 

Ý kiến bạn đọc (0)