QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:36 (GMT+7)
Đánh địch trên ba vùng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã viết nên những chiến công rực rỡ nhất  trong cuốn sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá của Đảng ta về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng và chiến lược quân sự, như các mối quan hệ giữa Tổng khởi nghĩa- Tổng công kích, giữa đường lối, tư tưởng quân sự với nghệ thuật quân sự, giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, đánh địch trên ba vùng chiến lược. Bài viết này tập trung vào bài học kinh nghiệm : đánh địch trên ba vùng chiến lược.

Đánh địch trên ba vùng chiến lược là một sáng tạo của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng lãnh đạo toàn dân đứng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Trên cơ sở kế thừa và phát triển kinh nghiệm chỉ đạo cuộc vận động cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đề ra phương châm: đánh địch trên cả ba vùng chiến lược với những hình thức thích hợp. Đây là một nội dung quan trọng của phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng để giành lấy mục tiêu cách mạng. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo thành công Học thuyết cách mạng và chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lê-nin trong điều kiện cụ thể của cách mạngViệt Nam. 

Để giành thắng lợi trong cuộc đối đầu lịch sử giữa nhân dân ta với một đế quốc to là Mỹ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, miền Nam là một trong những chiến trường chính, trực tiếp; chiến trường này lại được chia làm nhiều chiến trường trên các vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị. Mỗi chiến trường trên từng vùng chiến lược là một đơn vị hoàn chỉnh, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân, có thể phát triển mọi phương thức tác chiến để tiến công địch. Nó không đơn thuần do sự chi phối của địa hình, cũng không đơn thuần do yêu cầu của chiến lược quân sự, của việc căng địch ra, bao vây chia cắt địch thành từng mảng mà do toàn bộ yêu cầu của chiến lược chiến tranh nhân dân, của đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, thực hiện mục tiêu làm chủ để tiêu diệt địch ở khắp nơi, tổng công kích kết hợp khởi nghĩa toàn bộ. Do vậy, tùy từng thời kỳ, tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể mà mỗi vùng có nhiệm vụ khác nhau và có cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo việc kết hợp các hình thức đấu tranh.
Vùng rừng núi nước ta chiếm 3/4 diện tích cả nước, đồi núi nhiều, không cao nhưng kín đáo, nhiều dốc, lắm đèo rất hiểm trở. Với địa hình như thế, từ xa xưa, trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, Tổ tiên ta từng coi đây là vùng “Quan hà bách nhị do thiên thiết” (Nơi địa hình hiểm yếu, một người địch được 200 người); trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng ta coi đây là vùng  “căn bản” có vị trí đặc biệt quan trọng, đủ điều kiện để có thể tiêu diệt lớn quân chủ lực của địch; đồng thời, là nơi phát triển lực lượng, xây dựng và mở rộng căn cứ địa của ta. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng rừng núi miền Nam (nhất là Tây Nguyên được ví như nóc nhà của nam Đông Dương) giữ vị trí chiến lược trọng yếu cho cả miền Nam và nam Đông Dương. Với địch, đây là nơi yếu nhất, thường chưa thiết bị được chiến trường và hạn chế lớn trong việc sử dụng vũ khí, kỹ thuật. Với ta, đây là căn cứ địa cách mạng kiên cố. Tại đây, ta xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, có khả năng tiêu diệt nhiều sinh lực địch, có thể duy trì cuộc chiến đấu lâu dài chống địch trong những trường hợp tình hình diễn biến khó khăn nhất; đồng thời, lại có khả năng mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng. Làm chủ vùng rừng núi gắn liền với vùng đồng bằng đã được giải phóng, chúng ta đã tạo ra sự uy hiếp lớn đối với những đô thị còn bị địch chiếm đóng. Khi thời cơ đến, chúng ta lấy đây làm địa bàn xuất phát những cuộc tiến công lớn quân địch trong những giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh: ba đòn tiến công chiến lược năm 1972, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Vùng nông thôn nước ta tuy hẹp so với vùng rừng núi nhưng là kho người, kho của của cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nông thôn miền Nam là chỗ mạnh của ta, đồng thời cũng là chỗ mạnh của địch. Tại đây, địch tổ chức kiến thiết chiến trường tương đối vững chắc, hoàn chỉnh:  các căn cứ hỏa lực, không quân, hải quân, pháo binh; các khối dự bị chiến lược- chiến dịch mạnh;  kho tàng, bến bãi, hệ thống đường giao thông dày đặc... Tất cả, nhằm tạo lá chắn bảo vệ cơ quan đầu não của địch từ trung ương đến cơ sở. Với ta, nông thôn là nơi tập trung dân cư, đa số là nông dân. Nông dân nước ta được xác định là một trong những lực lượng chủ lực của cách mạng dân tộc, dân chủ, là nguồn cung cấp, bổ sung chủ yếu cho việc xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang nhân dân. Kinh tế nông nghiệp rất thích hợp với việc vận dụng và duy trì chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược trong điều kiện vật chất, kỹ thuật yếu hơn địch. Sức mạnh nông thôn của ta là sức mạnh to lớn cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Làm chủ được vùng nông thôn đồng bằng thì vùng rừng núi không bị cô lập và ta có thể huy động được sức người, sức của để phát triển lực lượng của ta ở vùng đồng bằng và rừng núi. Làm chủ được vùng nông thôn rộng lớn, ta tiến sát các đường chiến lược quan trọng, các thị xã, thị trấn, các căn cứ lớn của địch, nhờ đó tạo được lợi thế cùng với vùng rừng núi, hằng ngày cổ vũ và hỗ trợ cho phong trào đô thị và khi có cơ hội thì tiến đánh vào những vị trí yết hầu và đầu não của địch. Trên cơ sở phong trào chính trị, lực lượng chính trị mạnh mẽ, chiến tranh du kích và lực lượng vũ trang rộng khắp, chủ lực ta có  nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển, đánh to, đánh lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ngay tại vùng nông thôn đồng bằng.
Vùng đô thị miền Nam trong chiến tranh giải phóng là trung tâm chính trị và kinh tế của địch, là nơi có những cơ quan đầu não của chúng, là nơi địch tập trung nhiều phương tiện thống trị và lực lượng đàn áp mạnh; căn cứ xuất phát để đánh phá cách mạng. Âm mưu cơ bản của địch là ra sức xây dựng lực lượng ở đô thị làm  "hậu phương an toàn” cho cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới. Đối với ta, vùng đô thị là nơi quần chúng, nhất là giai cấp công nhân tập trung đông đảo, có giác ngộ chính trị, luôn luôn hướng về cách mạng. Không những công nhân, dân nghèo thành thị, tiểu tư sản, học sinh mà cả một số trí thức, sinh viên, tư sản dân tộc, với mức độ khác nhau, căm thù ách thống trị của Mỹ-ngụy, có nguyện vọng bức thiết muốn thay đổi chế độ... do đó đã nhiều lần đứng lên đấu tranh mạnh mẽ; khi có điều kiện, thời cơ, quần chúng ở đô thị có khả năng nổi dậy đấu tranh, phối hợp với lực lượng từ ngoài tiến vào đánh đổ chính quyền của địch. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây của Tổ tiên ta cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, chúng ta đều tiến công vào thị trấn, thị xã, thành phố, đô thị, nhằm đập nát “đầu rắn”, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Căn cứ vào vị trí chiến lược của mỗi vùng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã đề ra những phương thức đấu tranh thích hợp cho từng giai đoạn kháng chiến trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa-xã hội..., đánh đổ địch từng bước, từng bộ phận, tiến lên đánh đổ chúng hoàn toàn. Riêng về nghệ thuật quân sự thì khi thời cơ đến, vấn đề chọn khu vực nào trong ba vùng chiến lược trên để mở những chiến dịch – chiến lược phản công và tiến công quân địch ? Thực tiễn đánh địch theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, có thể rút ra ba điểm cơ bản:
Một là, phải nhằm vào đúng khu vực hiểm yếu, nơi địch yếu và sơ hở. Yếu tố địch yếu và sơ hở là cần, nhưng cần hơn vẫn là yếu tố hiểm yếu, vì có hiểm yếu mới buộc địch phải cố giữ đến chừng nào có thể và phải điều các đơn vị chiến dịch - chiến lược đến giải vây, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Lực lượng địch được điều động đến giải vây là các đơn vị mạnh, tinh nhuệ, cỡ sư đoàn, lữ đoàn, từ đó ta có điều kiện chủ động chuẩn bị tiêu diệt địch bằng hình thức vận động chiến (cách đánh sở trường của bộ đội chủ lực ta); tiêu diệt được lực lượng này của địch sẽ là điều kiện tốt để tạo chuyển biến về thế và lực, cục diện chiến trường có lợi cho ta; và nếu là đòn đánh chiến lược, hoặc có ý nghĩa chiến lược thì thậm chí tạo ra bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến tranh.
Hai là, khu vực chọn đánh địch lại phải mang tính chất thiên hiểm “quan hà bách nhị”. Nó cho phép ta chia cắt, bao vây địch nhiều tầng, nhiều lớp, gần xa, chìm nổi, nhiều nấc; không cho phép địch ào ạt cùng một lúc điều nhiều sư đoàn, lữ đoàn đến giải vây. Chọn khu vực đánh địch thiếu tính chất thiên hiểm, ta sẽ không tiêu diệt gọn được địch, chiến sự kéo dài, gây bất lợi cho ta ( kinh nghiệm ba đòn tiến công chiến lược năm 1972).     
Ba là, khi ta tiêu diệt lực lượng tương đương sư đoàn hoặc một sư đoàn gồm các tiểu đoàn, trung đoàn tinh nhuệ nhất của địch thì đấy là lúc ta có thể đập vỡ một lỗ hổng lớn trong tuyến phòng ngự vững chắc của địch, từ đó sẽ giải phóng vùng nông thôn đồng bằng, thành thị mà không cần đánh vào những vùng này ( điển hình là chiến dịch Điện Biên Phủ, ta giải phóng cả miền Bắc Đông Dương); hoặc qua đó, ta có điều kiện tiến công giải phóng vùng nông thôn đồng bằng, thành thị trong điều kiện thuận lợi hơn, như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Còn nếu cứ nôn nóng đánh ngay vào vùng đô thị, theo quan điểm “đánh bẹp đầu rắn ngay từ đầu” (khi quân chiến đấu Mỹ đã rút hết) thì chắc chắn không thể giành được thắng lợi giòn giã đến thế, hoặc thắng lợi nhưng sẽ có tổn thất, thậm chí tổn thất lớn. Thực tế, sau gần một tháng chiến đấu (từ 3-3-1975/ 29-3-1975), ta đã tiêu diệt 2 quân khu, quân đoàn địch, tiêu diệt và làm tan rã trên 45% lực lượng địch, thu và phá hủy trên 40% vũ khí, đạn dược, khí tài của địch, giải phóng 12 tỉnh với trên 1/2 dân số toàn miền Nam; địch đang ở trong trạng thái hoang mang, dao động sau hai đòn đánh khủng khiếp Buôn Ma Thuột và Huế - Đà Nẵng, thế mà vào ngày 9-4-1975, khi Quân đoàn 4 cùng Sư đoàn 341 tiến công Sư đoàn 18 ngụy ở Xuân Lộc vẫn gặp nhiều khó khăn, diệt địch không gọn để địch chạy thoát phần lớn. Nếu như, làm theo phương án, đánh vào  Sài Gòn ngay từ những ngày đầu của cuộc Tổng tiến công thì không biết còn gặp khó khăn đến đâu?
Trong tương lai, nếu kẻ thù liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, do mục tiêu gây chiến của chúng là áp đặt ý đồ chính trị hòng buộc ta phải thay đổi quỹ đạo nên mục tiêu tiến công chủ yếu sẽ là các trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa có quan hệ mật thiết đến vận mệnh chế độ, nhằm ép ta phải chấp nhận các điều kiện của chúng. Dự kiến, địch có thể chiếm được một phần vùng nông thôn, thành thị, nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn việc chúng có thể chiếm được một phần vùng rừng núi. Do đó, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, vị trí của “Ba vùng chiến lược” cũng sẽ có những thay đổi so với trong chiến tranh giải phóng. Vùng đồng bằng, đô thị trở thành vùng chiến lược hết sức quan trọng. Vùng rừng núi, bất kể trong hoàn cảnh nào, vẫn là căn cứ địa; hơn thế, hiện nay đây là vùng xung yếu về quốc phòng-an ninh, là địa bàn mà các thế  lực thù địch hết sức coi trọng, giành giật để làm chỗ đứng chân, tổ chức xây dựng lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, để làm chủ được thực sự vùng rừng núi, phải hết sức coi trọng công tác dân vận trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã ban hành; phát huy cao nhất hiệu quả của các dự án, các công trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh  nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân, đưa miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi về mọi mặt. Mỗi vùng chiến lược có một vị trí quan trọng riêng và giữa chúng luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau trong chiến tranh giải phóng trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì thế, trong nhận thức tư tưởng cũng như trong quá trình xây dựng, không coi nhẹ hoặc tuyệt đối hóa tầm quan trọng của bất cứ vùng nào, từ đó có giải pháp đồng bộ, phối hợp giữa mỗi vùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Trung tướng, PGS. Lê Hữu Đức
 

Ý kiến bạn đọc (1)

giáo dục quốc phòng
01/11/2021 13:32
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, ở Miền Nam quân và dân ta đánh địch trên các vùng chiến lược nào?
Hoàng phúc