QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:51 (GMT+7)
Đảng viên làm kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong nhiều năm gần đây, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân (KTTN), kinh tế tư bản tư nhân (TBTN) đã thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, nhất là trong giới khoa học lý luận, các nhà lãnh đạo của Đảng và các nhà chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Đại hội lần thứ X của Đảng ta đã khẳng định chủ trương "Đảng viên làm KTTN phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban chấp hành Trung ương"1. Bài viết này xin được bàn thêm, nhận thức rõ hơn chủ trương trên của Đảng ta.

I- Quan điểm của Đảng ta về KTTN.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã nêu ra 6 thành phần kinh tế, trong đó, thành phần kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (bao gồm thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể, và thành phần kinh tế TBTN), được hiểu là những thành phần KTTN. Tuy vậy, phạm trù KTTN chỉ chính thức được sử dụng từ Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI), tháng 3-1989, trong đó có kinh tế cá thể, tiểu chủ và TBTN. Kinh tế cá thể, tiểu chủ và TBTN được coi là các hình thức của KTTN. Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng, kinh tế cá thể, tiểu chủ và TBTN được coi là hai thành phần kinh tế hợp thành KTTN. Từ đó, thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ được sử dụng trong các Văn kiện của Đại hội VIII, Đại hội IX. Và trong Văn kiện của Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), Đảng ta đã khẳng định: "Hơn 10 năm qua, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân, KTTN gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế TBTN hoạt động dưới hình thức kinh tế kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế"2. Như vậy, phạm trù KTTN đã xuất hiện và sử dụng trong nhiệm kỳ Đại hội IX. Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: "Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN (cá thể, tiểu chủ, TBTN), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài"3.
Như vậy, KTTN, theo chúng tôi không phải là một chỉnh thể thuần nhất mà là một khu vực kinh tế gồm thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ và thành phần kinh tế TBTN; cả hai thành phần kinh tế này thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, dĩ nhiên về qui mô sở hữu là khác nhau.
           
Cần nhận thức rằng: KTTN, nhất là TBTN ở nước ta hiện nay không phải là sản phẩm của xã hội cũ để lại, mà nó là sản phẩm của công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, nó ra đời gắn liền với chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, với hiện thực hoá sự đổi mới tư duy lý luận kinh tế của Đảng ta và với sự nhận thức rõ hơn con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Từ các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá IX) và Nghị quyết Đại hội lần thứ X, ta thấy quan điểm của Đảng ta về KTTN được thể hiện ở những điểm chủ yếu dưới đây:
1- KTTN là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Đại hội lần thứ X của Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh"4. Trong nền KTTT định hướng XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chúng ta không xem KTTN là gắn với chủ nghĩa tư bản, mà phát triển theo định hướng XHCN.
2- Tư duy nhất quán của Đảng ta là các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế không phân biệt hình thức sở hữu đều bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên xã hội, mọi thành phần kinh tế phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, kinh nghiệm quản lý, nhân tài, vật lực để tổ chức sản xuất, kinh doanh tạo nhiều của cải cho xã hội, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
3- KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Đánh giá một cách khách quan, chúng ta thấy rằng: thừa nhận KTTN là một bộ phận của nền KTTT định hướng XHCN, đã khơi dậy và phát huy được các tiềm năng về vốn, sức lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật... của toàn xã hội, do đó đã góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế của đất nước, giải phóng đáng kể lực lượng sản xuất xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước khắc phục sự đói nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp đáng kể vào GDP và ngân sách Nhà nước. Mặt khác, sự phát triển của KTTN đã thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong cơ chế mới, thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Sự phát triển khu vực KTTN cũng đã góp phần làm lớn mạnh đội ngũ doanh nhân Việt Nam, góp phần "Thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nhiều về số lượng, có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu uy tín, trong đó chủ lực là một số tập đoàn kinh tế lớn dựa trên hình thức cổ phần"5. Tuy vậy, cũng cần thấy rằng: KTTN phát triển còn thấp so với tiềm năng của nó; còn nhỏ bé, và sức cạnh tranh yếu; cũng có nhiều hiện tượng tiêu cực, hạn chế chưa được khắc phục.
4- Đường lối nhất quán của Đảng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình KTTN đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, khu vực, địa bàn. Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm thực sự bình đẳng, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh được tiếp cận các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng Nhà nước...; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn của tư nhân, các tập đoàn KTTN có nhiều chủ sở hữu với hình thức công ty cổ phần...; bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân và doanh nghiệp; bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động...
Phát triển KTTN là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong phát triển KTTT định hướng XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát huy nội lực của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
II- Đảng viên làm KTTN: vấn đề và điều kiện.
Trên cơ sở nhận thức về KTTN ở nước ta thông qua các Văn kiện của Đảng, chúng ta sẽ bàn đến một vấn đề cụ thể, nhưng rất hệ trọng là đảng viên làm KTTN.
Vấn đề đảng viên làm KTTN (chủ yếu là kinh tế TBTN) là vấn đề chính trị - tư tưởng rất nhạy cảm và hệ trọng, vì nó liên quan đến quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng ghi: "Đa số ý kiến nhất trí cao đối với vấn đề đảng viên làm KTTN"6 và "Đó là một bước tiến quan trọng trong nhận thức của chúng ta sau 20 năm đổi mới. Tuy nhiên,... đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, cho nên có những ý kiến khác nhau, thậm chí gay gắt là điều dễ hiểu"7.
Chúng ta đã biết, KTTN bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế TBTN. Trước đây, Đảng ta đã cho phép đảng viên làm kinh tế cá thể, tiểu chủ. Điều mà nhiều người quan tâm là đảng viên có được phát triển kinh tế TBTN hay không? Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến khác nhau về vấn đề đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư bản tư doanh: "Những đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân chấp hành tốt Điều lệ Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước thì vẫn là đảng viên của Đảng". Thực tế hiện nay, số đảng viên làm chủ doanh nghiệp TBTN ở nước ta còn ít, quy mô rất nhỏ bé, phần đông họ là những cán bộ, đảng viên đã từng làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nay về hưu, về nghỉ mất sức hoặc là bộ đội xuất ngũ, công an chuyển ngành, đã được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết đều gương mẫu chấp hành điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 Trước khi đề cập đến điều kiện nhất định đối với đảng viên làm kinh tế TBTN, cần thiết phải thống nhất một số điểm sau:
Thứ nhất, đảng viên làm kinh tế TBTN cùng một lúc đóng hai vai trò: công dân Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là công dân làm chủ doanh nghiệp TBTN thì phải tuân thủ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam. Là đảng viên làm KTTN thì ngoài việc chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, còn phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng và phải chịu sự giám sát của Đảng.
Thứ hai, kinh tế TBTN có tính chất hai mặt: vừa tiến bộ, cần phải khuyến khích phát triển; vừa bóc lột giá trị thặng dư, nên còn có sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa người công nhân làm thuê và nhà tư bản. Song không phải vì thế mà kỳ thị, phân biệt đối xử với doanh nghiệp TBTN. Nhà nước cần có chính sách phù hợp, một mặt, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi sao cho nhà tư bản có thể thu được lợi nhuận thỏa đáng để họ mạnh dạn đầu tư và tái đầu tư phát triển; mặt khác, phải có những biện pháp điều hoà lợi ích của nhà tư bản và của công nhân sao cho "chủ và thợ cùng có lợi", để tránh xảy ra mâu thuẫn gay gắt làm cản trở sự phát triển sản xuất.
Thứ ba, vấn đề bóc lột ở nước ta hiện nay. Theo C.Mác, trong xã hội có giai cấp đối kháng, bóc lột là hành vi của một số người hoặc tập đoàn người trong xã hội dựa vào sự độc quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ để chiếm hữu tư liệu sản xuất, chiếm hữu lao động không công (lao động thặng dư), thậm chí cả lao động tất yếu của một bộ phận hoặc tập đoàn người khác. Như vậy, điểm chính yếu và thực chất của sự bóc lột là: chiếm hữu không hoàn trả hoặc lao động, hoặc tài sản; đây cũng là nghĩa gốc của sự bóc lột.
           
Xét về ngoại diên của sự bóc lột, có thể nói, các hành vi sau đây đều thuộc về phạm trù bóc lột. Đó là: sự cướp đoạt siêu kinh tế, tức là dựa vào bạo lực và quyền lực làm thủ đoạn mưu toan giành lợi ích như tham ô, ăn cắp, nhận hối lộ, trốn lậu thuế, buôn lậu, tham nhũng... Những hành vi kiểu này thường là những hành vi phi pháp, giấu giếm. Cả hai loại hành vi trên đều là kiểu vơ vét không phải mất bất cứ đồng vốn nào, chiếm hữu không hoàn trả lao động và tài sản của người khác, đều thuộc về bóc lột. Trao đổi không ngang giá (không bình đẳng), nghĩa là trong trao đổi, một bên chiếm hữu không hoàn trả lợi ích của bên kia. Hình thức biểu hiện là hành vi kiếm lợi kếch xù. Điều khẳng định là trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, chế độ người bóc lột người đã dần dần bị thủ tiêu và cũng sẽ không còn tình trạng giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp vô sản như C. Mác đã nói. Những hiện tượng: tham ô, nhận hối lộ, tham nhũng, chiếm hữu tài sản công cộng không hoàn trả.... là sự bóc lột tồn tại ở nước ta hiện nay. Và các hình thức bóc lột (nhất là bóc lột kiểu TBCN) vẫn còn tồn tại, gắn liền với sự tồn tại trên thực tế các hình thức của sở hữu tư nhân (nhất là sở hữu tư nhân TBCN). Tuy vậy, cần nhận thức rằng: hiện tượng bóc lột trong nền kinh tế - xã hội nước ta rất hạn chế, trong phạm vi nhỏ và nó không quyết định bản chất chế độ chính trị - xã hội. Hiểu và xem xét sự bóc lột trong điều kiện nước ta hiện nay, thiết nghĩ phải có tính thực tế, cụ thể và lịch sử. Điều đó có nghĩa là, phải:
- Xem xét mối quan hệ giữa những ông chủ KTTN tư bản và người lao động làm thuê là mối quan hệ giữa người được sử dụng lao động và người lao động, là mối quan hệ hợp tác, đôi bên cùng có lợi.
- Xem xét sự bóc lột phải đặt trong điều kiện nước ta nhiều lao động, đại đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất thấp, đang thiếu việc làm nghiêm trọng. Trong trường hợp này, rõ ràng là một số người "chấp nhận" sự bóc lột để có việc làm và thu nhập.
Thứ tư, đảng viên làm kinh tế TBTN thì họ là người lao động hay là người bóc lột.
 Đảng viên làm KTTN, vốn dĩ họ đã là người lao động. Khi làm chủ doanh nghiệp tư nhân, thì một mặt, họ tham gia lao động, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh họ vận dụng kỹ thuật mà họ có, tham gia quản lý doanh nghiệp, đưa ra những quyết sách thiết thực, đúng lúc trong cuộc cạnh tranh gay gắt làm cho doanh nghiệp phát triển, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Để làm những việc đó, chủ doanh nghiệp bỏ ra nhiều công sức lao động phức tạp và có tính sáng tạo. Từ đó, thu nhập hoặc là lợi nhuận cao của họ đều là thu nhập từ lao động. Mặt khác, chủ doanh nghiệp tư nhân thành lập doanh nghiệp đều mong muốn doanh nghiệp mình phát triển và đều theo đuổi mục đích tối đa hoá lợi nhuận, có thể kiếm lợi dựa vào tư liệu sản xuất, nguồn vốn ... mà họ sở hữu hợp pháp. Do vậy, có thu nhập từ sở hữu tư liệu sản xuất và vốn của họ. Hơn nữa, là chủ doanh nghiệp tư nhân, họ thuê mướn một số công nhân ... do đó, họ có tham gia bóc lột kiểu TBCN - bóc lột giá trị thặng dư.
Tuy nhiên, đối với đảng viên là chủ doanh nghiệp TBTN (chủ doanh nghiệp tư nhân) cần tuân thủ một số điều kiện nhất định. Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng ( khoá X) đã thảo luận và cho ý kiến vào bản quy định các điều kiện đối với đảng viên phát triển kinh tế TBTN. 
Về đối tượng: phải là cán bộ, công chức, viên chức, bộ đội đã về hưu, xuất ngũ hoặc thôi việc, những đảng viên chưa hoạt động trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, các tổ chức chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, có đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật hiện hành thì có thể làm KTTN.
Đảng viên làm KTTN phải công khai rõ xuất xứ nguồn vốn đầu tư, nếu nguồn vốn có xuất xứ không rõ ràng thì không được làm KTTN. Điều này liên quan đến Luật Phòng chống tham nhũng. Mặt khác, đảng viên làm KTTN nhất thiết phải biết nghề và phải đăng ký sản xuất - kinh doanh phù hợp với nghề nghiệp mình có.
Phải gương mẫu, đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và chống sự xâm hại quyền lợi của người lao động.  Bởi trong điều kiện KTTT, doanh nghiệp có quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh, tự chịu trách nhiệm lời lỗ, trong quá trình sản xuất - kinh doanh có thể xuất hiện xu hướng kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động, hạ thấp thù lao của người lao động. Trong trường hợp ấy, quyền của người lao động bị xâm hại. Là đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân phải gương mẫu đi đầu để các chủ doanh nghiệp khác noi theo trong việc bảo vệ lợi ích và chống xâm hại quyền lợi của người lao động. Đồng thời, Nhà nước phải hoàn thiện các luật kinh tế, như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm... để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nhà nước phải đưa ra những qui định chặt chẽ về quyền sở hữu tài sản và thu nhập hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân; đưa ra những qui định ràng buộc, rõ ràng đối với người sử dụng lao động và người lao động.
Phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và hoàn thiện các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp của mình: tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, và phải dựa vào các tổ chức này để phát triển sản xuất, kinh doanh, để xử lý tốt mối quan hệ lợi ích kinh tế, chính trị giữa chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và những người lao động trong doanh nghiệp mình.
 
GS,TS. Chu Văn Cấp
Học viện CTQG Hồ Chí Minh
 
1- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb. CTQG, H. 2006, tr. 302.
2- ĐCSVN- Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá IX. Nxb. CTQG, H.2002, tr.55.
3- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb. CTQG, H.2006, tr.83.
4- Sđd, tr. 83
5- Sđd, tr. 84
6- Sđd, tr. 356
7- Sđd, tr. 358.

 

Ý kiến bạn đọc (0)