Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:01 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
25 năm qua, sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có được kết quả trên là do Đảng ta không ngừng tự đổi mới, đề ra được đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo. Ngày nay, để công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới theo sự phát triển của tình hình trong nước và của thời đại.
Thập niên 80 của thế kỷ XX, CNXH thế giới lâm vào khủng hoảng, dẫn tới sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu những năm 1989-1991. Trong bối cảnh đó, Đại hội VI (1986) của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy lý luận, quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, tiếp tục con đường xây dựng CNXH trên cơ sở nhận thức lại quy luật khách quan. Sau đó, tại Đại hội VII, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991).
Hai mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta thực hiện Cương lĩnh 1991 trong hoàn cảnh quốc tế đầy biến động và sự phát triển của thời đại có nhiều nội dung mới.
Về chính trị, mặc dù CNXH thế giới lâm vào thoái trào, song các nước XHCN còn lại vẫn kiên định con đường, mục tiêu xây dựng CNXH với tư duy và nhận thức mới. CNXH hiện thực được củng cố và khẳng định. Thực tế cho thấy, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ lên CNXH; dù phải trải qua nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng các dân tộc nhất định sẽ đi tới CNXH.
Về học thuyết lý luận, mặc dù chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhưng thực tiễn xây dựng CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác, với những nhận thức mới về CNXH đã chứng minh giá trị khoa học bền vững và giá trị hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (2007), 160 năm ra đời bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2008), 190 năm ngày sinh Các Mác (2008), 140 năm ngày sinh V.I. Lê-nin (2010) và kỷ niệm 190 năm ngày sinh Ph. Ăng-ghen (2010) là những dịp để các Đảng Cộng sản, những người cộng sản trên thế giới và giới nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học xã hội suy nghĩ nghiêm túc và thấy rõ hơn tính đúng đắn của học thuyết Mác - Lê-nin và sự cần thiết phải phát triển sáng tạo cho phù hợp với những biến đổi vô cùng nhanh chóng và nhiều mặt của thế giới đương đại.
Cùng với nhận thức về quy luật vận động khách quan của thời đại, về CNXH, cũng cần thấy rõ những nội dung mới về thời đại trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, thế giới từ hai cực chuyển thành đa cực, xuất hiện xu thế đối thoại thay cho đối đầu. Đến nay, hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn. Sự hợp tác, phát triển diễn ra trên quy mô thế giới ngày càng sâu sắc, toàn diện và có hiệu quả. Liên minh quân sự vẫn còn tồn tại (NATO), song thế giới cũng chứng kiến sự ra đời các diễn đàn, như: Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ACEM), khối các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) bên cạnh G8 (các nước kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu)... Xu thế lớn của thế giới là hoà bình, hợp tác, phát triển, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, nạn khủng bố vẫn tồn tại và gia tăng ở nhiều khu vực, nhiều nước. Vì vậy, chi phí quân sự của các nước vẫn tăng lên (theo Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Kỳ họp Đại hội đồng khoá 65 (10-2010) thì chi phí quân sự của thế giới năm 2010 là 1,5 nghìn tỷ USD, tăng gấp rưỡi năm 2000).
Quá trình toàn cầu hoá về kinh tế không ngừng phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen nhau. Quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng; kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ; hội nhập kinh tế quốc tế phát triển đồng thời hội nhập quốc tế cũng diễn ra trên các lĩnh vực khác. Sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có của khoa học-công nghệ đã hiện đại hoá nhanh chóng lực lượng sản xuất. Quá trình đó gắn liền với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Con người có trí tuệ cao trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều vấn đề về sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đối phó hiệu quả với những biến đổi khí hậu ngày càng trở nên bức thiết. Những vấn đề về xã hội, xoá bỏ tình trạng đói nghèo, nạn mù chữ, dịch bệnh trở thành vấn đề toàn cầu. Giữ gìn giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá của các dân tộc cũng trở thành vấn đề lớn trên thế giới.
Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH,HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thế giới đương đại đang diễn ra và đặt ra nhiều nội dung và xu thế mới, đan xen cơ hội và nguy cơ trong sự phát triển của nhân loại và của từng quốc gia, dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam với sứ mệnh lịch sử là người lãnh đạo duy nhất toàn bộ tiến trình cách mạng, lãnh đạo công cuộc đổi mới hiện nay, phải không ngừng tự đổi mới về mọi mặt mới có thể hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Theo đó:
Trước hết, Đảng cần không ngừng bồi đắp trí tuệ, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao trình độ lý luận, nắm vững và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan vào thực tiễn cách mạng. Năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng phụ thuộc rất lớn vào trình độ lý luận và tầm tư duy chiến lược của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở tất cả các cấp. Phải nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là lý luận, tư tưởng về CNXH và con đường đi lên CNXH, những nội dung kinh tế, chính trị, xã hội của thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, về Nhà nước pháp quyền XHCN, về văn hoá và con người XHCN; lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận về quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc XHCN; lý luận về thời đại và thế giới đương đại.
Trình độ lý luận thể hiện ở năng lực vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn, chứ không dừng lại ở câu chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nắm vững bản chất khoa học, tinh thần và phương pháp để vận dụng mang lại hiệu quả trong thực tế. Để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển đất nước phù hợp với thời đại, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trí tuệ, trình độ học vấn. Hiểu được khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị, khoa học, nghệ thuật lãnh đạo và quản lý, để Đảng thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là Đảng có trí tuệ cao.
Hai là, cần chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, bảo đảm tính đúng đắn, khoa học của Cương lĩnh, đường lối. Sai lầm về đường lối là một trong hai nguy cơ lớn nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền, như V.I. Lê-nin đã cảnh báo. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển và hiện thực hoá đường lối của mình. Sự phát triển về kinh tế-xã hội, ổn định về chính trị, đời sống nhân dân được nâng cao là sự kiểm chứng, là thước đo tính đúng đắn của đường lối. Tiến tới Đại hội XI, Đảng tiếp tục phát triển đường lối và bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 với một tư duy mới, trình độ trí tuệ cao hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và những vấn đề mới đặt ra của thời đại. Tự đổi mới, đòi hỏi Đảng phải nhạy cảm về chính trị, nắm bắt những vấn đề mới để bổ sung, hoàn chỉnh đường lối. Với trách nhiệm của Đảng cầm quyền, Đảng vừa phải phát triển, bảo đảm sự đúng đắn của đường lối chính trị; đồng thời, lãnh đạo Nhà nước hoàn chỉnh hệ thống chính sách và pháp luật.
Tự đổi mới, Đảng cần phải nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; giữa mục tiêu lâu dài với những lợi ích thiết thực của dân, của nước; giữa chiến lược và sách lược; giữa độc lập tự chủ với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội... Xử lý thành công các mối quan hệ đó phải dựa trên trình độ trí tuệ cao, sự từng trải và nhất là bản lĩnh chính trị vững vàng theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Bản lĩnh chính trị là ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ; là nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; là biết nhìn lại mình, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa nó; là sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nhưng biết hoà đồng vào thế giới, làm bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau; là yêu chuộng hoà bình và trân trọng tình hữu nghị, nhưng kiên cường giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...
Ba là, Đảng tự đổi mới và không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo. Tự đổi mới phương thức lãnh đạo phải bắt đầu từ thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở. Dân chủ trong Đảng là sự bảo đảm, phát huy dân chủ XHCN trong toàn xã hội. Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước. Trong lãnh đạo, Đảng phải giải quyết đúng đắn quan hệ giữa dân chủ và tập trung, tránh dân chủ hình thức; giữa dân chủ với kỷ luật, kỷ cương, pháp luật; giữa dân chủ với trách nhiệm của đảng viên, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ.
Thực hành dân chủ rộng rãi và thực chất sẽ đẩy lùi được những tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trên cơ sở dân chủ thật sự mà lựa chọn những đảng viên có đức, có tài bố trí vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp; nhờ đó, sẽ khắc phục được tệ "chạy" chức quyền, vì chỉ những người không đủ tài, đức, nặng chủ nghĩa cá nhân và cơ hội mới phải "chạy" chức quyền. Dân chủ thật sự sẽ khắc phục được tệ quan liêu, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của dân. Cũng trên cơ sở phát huy dân chủ thật sự trong Đảng và xã hội, mà tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Tham nhũng là ăn cắp, ăn cướp tiền bạc, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, phải bị trừng trị bằng pháp luật. Kẻ ăn cắp, ăn cướp không thể có chỗ đứng trong hệ thống chính trị, cũng không thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Những cán bộ do thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý kém, gây thiệt hại, trì trệ cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách cũng nên biết từ chức. Trong đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tấm gương đạo đức vì nước, vì dân của đảng viên có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, các cấp cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở thành nội dung tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh".
PGS,TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011