Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:58 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Từ ngày thành lập cho đến nay Đảng ta tròn tám mươi tuổi. Khi ấy, thực dân Pháp hung bạo và giai cấp phong kiến hèn hạ đã cấu kết với nhau thống trị nước ta; dân ta một cổ hai tròng, thân phận nô lệ bị đọa đày áp bức, đau khổ và căm hờn không kể xiết.
Giai cấp công nhân (GCCN) chết mòn nơi đồn điền, hầm mỏ. Giai cấp nông dân bị cướp mất đất ruộng, đầu tắt mặt tối, tô tức đè nặng, bát khoai, lát sắn chan nước mắt. Trí thức, tiểu thương, tiểu chủ lận đận chìm nổi bấp bênh. Thanh niên thì tương lai mờ mịt. Tầng lớp giàu có tuy đời sống khấm khá, nhưng cũng là những kẻ chịu chung cảnh mất nước. Sĩ phu yêu nước tràn đầy nhiệt huyết, song trăm lần dấy nghĩa thì trăm lần thất bại. Có chí sĩ định dựa vào Nhật, có nhà canh tân định dựa vào Hà Lan để đuổi Pháp, nhưng làm sao có thể dựa vào đế quốc mà đánh được đế quốc, dựa vào bọn đi áp bức dân tộc mà giành được độc lập dân tộc. Quốc dân đảng đứng trên lập trường tư sản, muốn giương cao ngọn cờ cứu nước của giai cấp tư sản, nhưng mới trải qua một vài trận đã bị thực dân và bọn tay sai hạ ngã không thể nào gượng dậy. Giữa hoàn cảnh mịt mờ đen tối ấy, từ trong phong trào yêu nước rộng lớn kết hợp với phong trào công nhân quả cảm, tự giác nhận lấy sứ mệnh lịch sử, Đảng ta đã ra đời.
Chúng ta đội ơn lớp lớp thế hệ anh hùng, kinh qua những tấm gương lẫm liệt của các vị tiền bối đã truyền lại cho chúng ta tinh thần gan góc của dân tộc. Chúng ta khắc sâu công ơn sinh thành của GCCN, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức yêu nước và cách mạng, cùng với toàn dân đã nuôi nấng, đùm bọc, giáo dục Đảng ta, từ thuở mới lọt lòng và trong suốt 80 năm. Năm nay, nhân dân ta và bè bạn quốc tế kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Rời Tổ quốc yêu dấu, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Đưa tiễn Người là nỗi hận mất nước hơn bốn mươi năm và cao trào chống sưu, chống thuế rộng lớn, từ đấu tranh dân sinh rồi biến thành bạo động chính trị năm 1908. Với hai bàn tay trắng, Người làm đủ nghề, nấu bếp, phu tàu, thợ ảnh, viết báo, phiên dịch, lấy lao động của chính mình tự nuôi sống để làm cách mạng. Người đã vượt hàng vạn cây số biển, ngang qua năm châu lục, đến các trung tâm của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ), các hang cùng ngõ hẻm của áp bức và bóc lột. Người đã sống qua hai cuộc đại chiến thế giới do CNĐQ và chủ nghĩa phát-xít gây nên; tận mắt chứng kiến cuộc đại suy thoái 1929 - 1933 của tư bản độc quyền, trước hết là tư bản độc quyền Mỹ, từ đó hiểu sâu tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản (CNTB) và CNĐQ, con đỉa hai vòi. Người đã đặt chân đến những nơi in dấu các nền văn minh, tìm hiểu khoa học, văn chương, nghệ thuật, tích lũy cho mình trí tuệ và văn hóa của nhân loại. Với tư cách là người cộng sản đầu tiên của các dân tộc bị áp bức, Người tổ chức phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, xuất bản báo Người cùng khổ, tham gia đội quân quốc tế, các hoạt động của công nhân, nông dân, thanh niên thế giới. Học tập không mệt mỏi trong trường đời và trường tranh đấu, Người đã tự rèn luyện trở thành một chiến sĩ dày dạn của GCCN. Yêu nước nồng nàn, như chính tên Người, Nguyễn Ái Quốc, kết tinh sâu sắc bản chất GCCN trong sáng, Người đã gắn bó máu thịt với nhân dân, vì GCCN và nhân dân lao động, vì dân tộc và vì con người, trước hết là những con người cùng khổ. Người đã hy sinh chiến đấu suốt đời, lấy sức ta mà giải phóng cho ta, dựa vào Tổ quốc để giải phóng Tổ quốc, dựa vào GCCN và nhân dân lao động để giải phóng GCCN và nhân dân lao động, dựa vào con người để giải phóng con người. Là người Việt Nam đầu tiên từ lòng yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, Người đã nhận ra sâu sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga, rằng: thời đại quá độ lên CNXH cũng là thời đại giải phóng các dân tộc bị áp bức, muốn giải phóng dân tộc thì phải làm cách mạng vô sản. Cách mạng XHCN thắng lợi không những tiếp tục củng cố sự nghiệp giải phóng đất nước về chính trị mà còn giải phóng một bước cao hơn về kinh tế, xóa bỏ một bước cao hơn áp bức bóc lột đối với GCCN và nhân dân lao động, thực hiện trên một chất lượng mới dân chủ, công bằng, tự do, bình đẳng, đem lại nền văn minh chưa từng có trên Tổ quốc, nền dân chủ XHCN, nền văn minh XHCN với lực lượng sản xuất tiên tiến và hiện đại, với quan hệ mới giữa người và người, "một người vì mọi người, mọi người vì một người", quan hệ sản xuất XHCN. Cách mạng XHCN là sự thực hiện cao nhất, bảo vệ hiệu quả nhất độc lập dân tộc, nền văn hóa dân tộc, đưa dân tộc ta từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, trở thành một dân tộc khoa học, trí tuệ, một dân tộc hiện đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, một dân tộc XHCN trong một thế giới mà CNXH, trải qua trăm ngàn thử thách, ngày càng giành thêm những thắng lợi mới.
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối nhất quán của Đảng ta, Nhà nước ta và nhân dân ta từ ngày thành lập Đảng. Kiên định và thực hiện sáng tạo đường lối nhất quán ấy, mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến cứu nước, giành độc lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc, kéo dài và liên tục suốt 45 năm, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH ở nửa nước (miền Bắc XHCN) và cả nước trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo, vừa kháng chiến vừa xây dựng, vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, bị kẻ thù bao vây cô lập. Đảng đã đề xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới mô hình kinh tế ngay trong khi cuộc chiến đấu giúp bạn Cam-pu-chia hồi sinh dân tộc đang diễn ra ở giai đoạn quyết định, giữa lúc hệ thống XHCN tan rã, tình đoàn kết giữa các nước anh em chưa khôi phục được, phong trào XHCN lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình. Sự nghiệp đổi mới thu được thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mà thành tựu có ý nghĩa lịch sử nhất là thay đổi mô hình kinh tế cũ (kế hoạch hóa tập trung) sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mà vẫn giữ vững chế độ XHCN. Sự giữ vững chế độ XHCN không những bảo đảm việc chuyển đổi mô hình kinh tế thắng lợi, củng cố sự ổn định chính trị - xã hội, đánh bại âm mưu có hệ thống của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, đẩy nước ta trượt vào quỹ đạo chế độ tư bản như ở một số nơi khác, mà còn là nhân tố có ý nghĩa quyết định để ta tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế theo mô hình mới, giữ vững độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc ta. Chiến thắng rực rỡ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược kế liền nhau và kéo dài 45 năm, giữ vững chế độ XHCN, chuyển đổi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN thắng lợi, không ngừng giương cao ngọn cờ hòa bình, Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước vì hợp tác và phát triển, chính đó là nguồn gốc nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế và niềm tin vững chắc của nhân dân các dân tộc Việt Nam đối với Đảng ta.
Năm nay, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trân trọng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 50 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Hà Nội: Hà Nội phải làm thế nào để trở thành Thủ đô XHCN. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của CNXH. Những ngày đánh Mỹ cực kỳ ác liệt, Người đã nói: Mỹ chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội. Lời dạy của Người đã cổ vũ nhân dân Thủ đô và cả nước quyết chiến quyết thắng trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy. Dưới con mắt của bạn bè, Việt Nam đã trở thành phẩm giá và lương tâm của thời đại. Nắm vững đường lối nhất quán độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu đến năm 1996 vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, hoàn thành chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Và phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chặng đường thứ hai đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đúng với định hướng XHCN.
CNĐQ hình thành và phát triển bằng cướp bóc thuộc địa, xâm chiếm thị trường, gắn liền với chiến tranh phi nghĩa và khủng hoảng kinh tế. Cuối thế kỷ 19, các đế quốc già đã xâm chiếm xong thuộc địa. Cuộc đại chiến thế giới 1914 - 1918 là cuộc chiến tranh giữa các đế quốc trẻ, kẻ cầm đầu là Đức, chống lại các đế quốc già để chia lại thuộc địa, chia lại thị trường bóc lột. Đế quốc Mỹ đã tìm cách đứng ngoài cuộc chiến ấy, nhờ đó không tốn của, hao người vì chiến tranh đế quốc mà còn chiếm được thêm thuộc địa, kiếm thêm những món lợi lớn qua buôn bán vũ khí, dụng cụ quân sự và lương thực, thực phẩm. Thực hiện lý thuyết thị trường tự do, thúc đẩy sự phát triển của tư bản độc quyền, bóc lột siêu lợi nhuận, lợi dụng thế yếu của các đế quốc khác, nhanh chóng mở mang và tận dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, kích động chủ nghĩa cá nhân cực đoan, Mỹ trở thành một nước có kinh tế đế quốc chủ nghĩa mạnh vào bậc nhất thế giới. Nhưng, tư bản độc quyền dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, vốn chứa đựng trong lòng nó mâu thuẫn ngày càng sâu sắc với nền sản xuất xã hội hóa ngày càng cao. Cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã lột trần bộ mặt tàn bạo của CNTB, phơi bày những mâu thuẫn cơ bản của CNTB; là sự tích lũy toàn bộ những ngọn núi lửa bất công, bóc lột, xấu xa, lừa bịp của CNĐQ Mỹ trong mấy thế kỷ; là mầm mống phát sinh cuộc đại chiến thế giới thứ hai 1939 - 1945. Đại chiến thế giới lần thứ hai bắt nguồn từ CNĐQ, do CNĐQ phát động. Để bảo vệ lợi ích giai cấp của tư bản độc quyền và bảo đảm cho tư bản độc quyền phát triển, giới cầm quyền với các nhà lý thuyết của CNTB kết với nhau, đồng tình giấu kín nguyên nhân gốc rễ của cuộc đại khủng hoảng, đổ tội hết cho kinh tế thị trường tự do mà họ gọi bóng bẩy là bàn tay vô hình và tìm cách cứu vãn bằng thuyết thị trường tự do có sự điều tiết của nhà nước, được họ gọi là bàn tay hữu hình. Nhưng, sau nhiều cuộc khủng hoảng chu kỳ, cuộc khủng hoảng lớn vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước lại đã làm phá sản lý thuyết cứu nguy ấy. CNĐQ lại nói: "không ai vỗ tay bằng một tay", nhưng bàn tay vô hình phải nhiều hơn, bàn tay hữu hình phải ít hơn. Lý thuyết kinh tế thị trường tự do mới ra đời. Nhưng cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng trầm trọng lại diễn ra, và cũng xuất phát từ nước Mỹ, nơi có lực lượng sản xuất, khoa học công nghệ, tiềm năng kinh tế - tài chính, lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay. Qua mỗi lần khủng hoảng kinh tế, tư bản độc quyền càng tích lũy thêm vốn tư bản. Nhà nước tư bản độc quyền lại can thiệp vào nền kinh tế, thực chất là cứu vãn lợi ích sống còn của tư bản độc quyền. GCCN, nhân dân lao động gánh hậu quả lạm phát và thất nghiệp, đời sống càng khó khăn, nền kinh tế các nước nghèo; chậm phát triển và đang phát triển chịu những hệ lụy xấu. Còn tư bản lũng đoạn ngày càng lũng đoạn hơn, độc quyền hơn, giàu có và xa hoa hơn. CNĐQ tuyên bố: "CNTB là vĩnh viễn", nhưng thực tiễn đã làm rõ ràng: CNTB, CNĐQ là bóc lột giá trị thặng dư, lợi dụng khoa học - công nghệ cướp bóc thuộc địa, xâm chiếm thị trường, cá lớn nuốt cá bé, chèn ép các nước nghèo, đòi mở cửa thị trường cho hàng hóa công nghiệp của họ, nhưng lại dùng mọi thủ đoạn làm rào cản thương mại, bảo hộ mậu dịch có lợi cho tư bản độc quyền, lợi dụng "toàn cầu hóa, tự do hóa" để trói buộc và thúc đẩy thế giới đi theo "hình ảnh của họ", tư bản hóa toàn cầu. Nhưng, trên tiến trình lịch sử, qua mỗi lần khủng hoảng, tư bản độc quyền, cầm đầu là Mỹ, lại suy yếu thêm một bước. Họ tìm cách khắc phục, nhưng chỉ khắc phục được triệu chứng, không thể khắc phục được nguyên nhân gốc rễ. Các cuộc khủng hoảng chu kỳ của CNTB cùng với hai cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 và cuối năm 2007 cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, làm chúng ta nhớ lại lời của Mác về khủng hoảng của CNTB: "Lịch sử ban đầu xảy ra như một thảm kịch, sau đó lại lặp lại chính nó như một tấn hài kịch". CNTB không thể nào khắc phục được khủng hoảng chu kỳ và đại khủng hoảng. Cuộc đại khủng hoảng thứ nhất (1929 - 1933) là một thảm kịch. Cuộc đại khủng hoảng diễn ra từ cuối năm 2007 lại lặp lại tấn thảm kịch xảy ra trước đó 74 năm như một tấn hài kịch, tấn trò đời luẩn quẩn của CNTB. Và rất có thể không cần đến 74 năm mà sớm hơn, dù cho tư bản độc quyền thế giới còn tiềm lực kinh tế và đang tìm lý thuyết kinh tế mới để phục hồi, song từ trong lòng nó lại bùng phát một cuộc đại khủng hoảng nữa, một tấn bi hài kịch mới.
Trải qua các cuộc khủng hoảng chu kỳ của CNTB, cùng với hai cuộc đại chiến thế giới (1914 - 1918) - (1939 - 1945), thế giới cùng chứng kiến sự kiện vĩ đại: Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) và hệ thống XHCN ra đời (1945), mở đầu thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH. Thực tiễn đã chứng minh dù còn tiềm lực kinh tế tài chính, nắm được khoa học - công nghệ, có bộ máy cầm quyền đồ sộ, CNTB vẫn không thể nào khắc phục được khủng hoảng vốn do nó sinh ra. CNTB không phải là sự lựa chọn cuối cùng của lịch sử, CNTB sẽ bị thay thế bởi một hình thái kinh tế xã hội phù hợp với sự vận động của lịch sử, đó là CNXH. CNXH, các Đảng Cộng sản, Đảng công nhân trên thế giới sẽ từng bước được phục hồi, tuy còn gặp khó khăn nhưng đã và đang củng cố. GCCN và Đảng của mình cùng với các dân tộc mới được giải phóng sẽ càng nhận rõ sứ mệnh lịch sử cao cả và quyết tâm làm tròn trách nhiệm thời đại - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.
Xây dựng bằng được CNXH trên đất nước Việt Nam là trọng trách có ý nghĩa lịch sử của Đảng ta. Đó là lòng kính yêu vô hạn của Đảng ta với dân tộc. Đó cũng là khát vọng nồng nàn của nhân dân ta gần một thế kỷ qua. Trọng trách ấy từ trước tới nay chưa từng có. CNXH sẽ làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc văn minh, hiện đại, giàu có về đạo đức, phẩm giá, tiên tiến về khoa học công nghệ, quan hệ giữa người với người là anh em, là đồng chí, là bầu bạn, mọi người được sống hạnh phúc trong một xã hội hạnh phúc, "một người vì mọi người, mọi người vì một người", hòa hiếu lâu dài với các nước. Xã hội XHCN dựa trên lực lượng sản xuất công nghiệp hiện đại phát triển ngày càng cao và chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu. Đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào là đánh đổ chế độ tư nhân chiếm hữu tư liệu sản xuất, đánh đổ áp bức bóc lột giai cấp của đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, bảo đảm cho nhân dân, nhân dân lao động làm chủ. Chế độ ấy hoàn toàn khác với chế độ tư nhân chiếm hữu tư liệu sản xuất, một chế độ mà số ít nhà tư bản chiếm đoạt của cải do xã hội làm ra, còn đại bộ phận nhân dân lao động bị áp bức chỉ hưởng một số ít thành quả do mồ hôi của họ mà có. Chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu dựa trên lực lượng sản xuất phát triển cao. Nhưng chúng ta không tuyệt đối hóa công hữu. Mỗi người lao động (chân tay và trí óc) đều có quyền sở hữu một phần tài sản trong tài sản chung của đất nước. Lợi ích của mỗi cá thể hài hòa trong lợi ích của toàn dân và tập thể. Đó là động lực vĩ đại của CNXH. Công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu không phải là một thứ công cụ mà là lý tưởng và mục tiêu của Đảng và nhân dân ta. Chúng ta phân biệt chế độ sở hữu và hình thức sở hữu. Trong chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu, nền kinh tế của chúng ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Chúng ta đã tìm cách phát huy quyền tự chủ của kinh tế hộ, kinh tế cá thể vốn có vai trò rất lớn trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và sự nghiệp đổi mới. Chúng ta đã khuyến khích kinh tế tiểu chủ, tiểu thương phát triển. Chúng ta đã cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài thành lập các nhà máy, xí nghiệp ở những lĩnh vực mà nhà nước cho phép. Tất cả các hình thức sở hữu ấy đều phát triển theo định hướng XHCN. Chúng ta đã sửa chữa sai lầm tuyệt đối hóa vai trò của quan hệ sản xuất XHCN, nhưng chúng ta không hề coi nhẹ vai trò, tác dụng tích cực trở lại của quan hệ sản xuất XHCN đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất công nghiệp, hiện đại.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, Đảng và Nhà nước ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Không có kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, vai trò nòng cốt, cùng với kinh tế tập thể làm nền tảng ngày càng vững chắc trong nền kinh tế quốc dân, thì không thể xây dựng được CNXH, không thể bảo vệ được độc lập dân tộc và chế độ XHCN, không thể chủ động đề kháng và vượt qua các cuộc khủng hoảng thổi đến từ các nước tư bản, không xử lý được các tình huống phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển đầy biến động. Mọi hiện tượng coi nhẹ vai trò kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác là sai lầm. Thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đó là do Đảng, Nhà nước, nhân dân đã đồng lòng thay đổi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là vũ khí để xây dựng CNXH ở nước ta, là một thực thể thống nhất hữu cơ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, không phải là số cộng giữa nhà nước và thị trường, giữa tự do cạnh tranh và định hướng xã hội XHCN. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của dân, do dân, vì dân khác hẳn bản chất và mục đích nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa vì lợi nhuận ích kỷ của tư bản và tư bản độc quyền. Vai trò của Nhà nước XHCN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng khác về bản chất và mục đích vai trò của Nhà nước tư bản. Nhà nước ta có nhiệm vụ xây dựng, xác lập, thể chế hóa, chỉ đạo quản lý và điều hành tổng thể, chủ động xử lý các tình huống nảy sinh trong nền kinh tế thị trường, bảo đảm xây dựng CNXH thành công. "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là khẩu hiệu tập hợp rộng rãi quần chúng trong nước và ngoài nước. Khẩu hiệu ấy phản ánh lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH và đang đi vào lòng người. Nhưng sự nghiệp vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phải được xây dựng trên nền tảng XHCN và độc lập dân tộc bền vững, trên nền tảng của chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu, từng bước xóa bỏ áp bức và bóc lột giai cấp. Chúng ta quá độ lên CNXH trong một thế kỷ đầy biến động. Kinh tế tri thức sẽ làm cho kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ. Tuy rằng, phải cùng thỏa hiệp, cùng hợp tác; tuy rằng, các chế độ chính trị khác nhau vẫn song song tồn tại, nhưng đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn sâu sắc, đọ sức giữa "toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa" và "toàn cầu hóa vì sự phát triển của nhân dân các nước nghèo, các nước chậm phát triển, đang phát triển, theo con đường độc lập tự chủ" vẫn vô cùng quyết liệt.
Là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, để làm trọng trách cao quý ấy, GCCN và toàn thể nhân dân đòi hỏi Đảng phải có sự chuyển mình vượt bậc; phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo những yêu cầu mới ngày càng cao. Đảng ta là Đảng của GCCN, của nhân dân lao động, đồng thời đại diện cho quyền lợi của dân tộc. Nhưng bản chất của Đảng là bản chất GCCN. Vấn đề cốt tử trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng bản chất GCCN, bản chất XHCN của Đảng. Lợi ích của GCCN thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và trí thức cách mạng, đại diện và gắn liền với lợi ích toàn dân tộc. Ngoài phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Bản chất GCCN là nền tảng của đường lối nhất quán độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là sáng tạo, chứ không phải là giáo điều, không phải là mọi thứ đã bày sẵn. 80 năm qua chỉ ra rằng: Khi nào Đảng ta nắm vững tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn thì thu được thắng lợi to lớn. Khi nào giáo điều, dập khuôn máy móc, bê nguyên xi mô hình cách mạng hoặc mô hình kinh tế từ nước ngoài vào thì vấp phải sai lầm và khó khăn. Bản chất GCCN của Đảng ta đòi hỏi Đảng phải là Bộ tham mưu, đội tiên phong chiến đấu, là người lãnh đạo và công bộc trung thành hết lòng vì giai cấp, vì nhân dân và toàn dân tộc. Tính giai cấp, tính tiên phong gương mẫu của Đảng đã thể hiện trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong sự nghiệp đổi mới, hoàn thành chặng đường đầu thời kỳ quá độ lên CNXH, thì ngày nay càng phải thể hiện sâu sắc hơn nữa. Đảng là đạo đức, là văn minh, kết tinh trí tuệ của dân tộc, và là người con yêu quý của tất cả 54 dân tộc anh em, miền xuôi cũng như miền ngược, là tấm gương dân chủ thật sự cho toàn xã hội, là người đấu tranh bền bỉ vì sự công bằng, tự do chân chính. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải quán triệt nắm vững các vấn đề cốt lõi nêu trên mới phản ánh đúng bản chất GCCN của Đảng ta trong thời kỳ mới. Trong quá trình xây dựng Đảng ta, Hồ Chủ tịch từng nhắc phải luôn luôn chú ý hai vấn đề phải đề phòng:
Thứ nhất là sai lầm về đường lối. Do quan liêu tự mãn xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn.
Thứ hai, nội bộ Đảng suy thoái biến chất. Thoái hóa biến chất là thoái hóa bản chất GCCN của Đảng, suy giảm lòng yêu nước, thương dân, suy giảm tinh thần phục vụ nhân dân, niềm tin vào GCCN, suy giảm tinh thần XHCN, lý tưởng cách mạng.
Những tồn tại trong Đảng ta hiện nay tuy đã có đấu tranh song đạt kết quả thấp; những biểu hiện tiêu cực như tham nhũng, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa vẫn kéo dài; niềm tin trong Đảng, trong dân đang bị ảnh hưởng, uy tín của một số đảng viên cộng sản bị giảm sút. Những nguyên tắc cơ bản của Đảng về tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chấp hành chưa thật nghiêm và còn hình thức. Quan hệ giữa Đảng, giữa Nhà nước với dân có những biểu hiện chưa thực hết lòng vì dân phục vụ; chưa thực bảo vệ tính chất dân chủ, bảo vệ và giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân, khiến lòng dân không yên. Trong khi đó thì ta vẫn chủ quan chưa thấy sâu sắc sự giảm sút lòng tin của không ít người dân đối với Đảng, với Nhà nước, với những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu về đạo đức, thiếu tầm cao về trí tuệ. Phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng thì mới phát huy được dân chủ ngoài xã hội; thực hành dân chủ ngoài xã hội tốt cũng là nhân tố quan trọng để thực hành dân chủ trong Đảng. Vì vậy, phải bảo đảm quyền dân chủ của dân (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra); phải có những quy định cụ thể, thông báo rõ ràng, công khai và thực hiện một cách nghiêm túc; khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, xóa bỏ giáo điều xơ cứng, tạo ra trong Đảng, trong dân một không khí dân chủ, cởi mở, thoải mái mà vẫn giữ vững được nguyên tắc, kỷ cương.
Đảng phải đổi mới trong công tác cán bộ, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, các đoàn thể cho đến các địa phương. Cán bộ Đảng, cán bộ nhà nước các cấp là cán bộ của nhân dân, cho nên phải thực hành dân chủ rộng rãi trong việc tham khảo ý kiến nhân dân, đánh giá, giới thiệu, đề cử, ứng cử, kiểm tra, thảo luận và bầu cử từ đại hội chi bộ lên đến Đại hội Đảng toàn quốc. Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền mua lòng nhau để kiếm phiếu.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tư tưởng yêu nước và yêu CNXH, là biểu hiện cao đẹp của văn hiến Việt Nam, của bản chất XHCN. Học tập tư tưởng và đạo đức của Người chính là để củng cố và nâng cao tính GCCN của đảng viên, lòng yêu nước và yêu CNXH của toàn dân tộc ta.
Đảng ta đã kinh qua bao gian nan thử thách. Trước tình hình trong nước và thế giới đang diễn ra, Đảng ta biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc về lý tưởng, mục tiêu, về tổ chức, đẩy lùi các nguy cơ, nâng cao sức chiến đấu, giữ vững vai trò lãnh đạo, có quyết sách đúng, Đảng ta và chế độ ta sẽ vững vàng, đất nước ổn định, tiếp tục phát triển tiến lên vững chắc.
Bác Hồ nói, dân tộc ta là dân tộc gan góc; trong phong trào công nhân quốc tế, Đảng ta là con nòi.
Những thắng lợi 80 năm qua là thắng lợi rực rỡ của nhân dân Việt Nam vĩ đại, của tấm lòng bè bạn quốc tế mà chúng ta vô cùng kính trọng và biết ơn.
Nhờ có nhân dân anh hùng, GCCN anh hùng mà sinh ra Đảng anh hùng.
Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, không gì quý báu hơn là phát huy tinh thần gan góc của dân tộc, truyền thống con nòi của GCCN trước mọi bão tố của cách mạng, xây dựng bản lĩnh kiên cường, đánh giá đúng tình hình chiến lược, ngày càng vận hành nhuần nhuyễn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trong một thời kỳ lịch sử dài các chế độ chính trị khác nhau vẫn song song tồn tại. CNTB tuy còn tiềm năng, nhưng chứa chất những mâu thuẫn gay gắt không thể tự nó giải quyết nổi, đã và đang từng bước suy yếu. CNXH đang được từng bước củng cố và phát triển.
Tương lai thuộc về CNXH.
Chúng ta quyết hoàn thành chặng đường thứ hai, tiến tới hoàn thành các chặng đường quá độ tiếp sau, xây dựng bằng được một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại XHCN trong thế kỷ 21.
LÊ KHẢ PHIÊU
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011