Thứ Bảy, 23/11/2024, 21:44 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 03 tháng 02 năm 1930 Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam được thành lập. Sự ra đời, phát triển của ĐCS Việt Nam là một tất yếu lịch sử do yêu cầu của chính xã hội Việt Nam.
Nhưng, vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam đối với toàn dân tộc chỉ được xác lập trong thực tiễn khi Đảng làm tốt nhiệm vụ của mình, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Vai trò lãnh đạo của Đảng được toàn thể dân tộc thừa nhận và được khẳng định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Nếu ĐCS Việt Nam không tỏ rõ được năng lực và sự hoạt động xuất sắc của mình trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đưa đất nước phát triển theo con đường: dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì dù điều đó có ghi vào Hiến pháp đi chăng nữa, cũng chỉ là hình thức mà thôi.
Ngót tám thập kỷ qua, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam đã biến cái có thể thành hiện thực sinh động: đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH và hiện nay đang thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điều đó khẳng định rằng, vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam không tự nhiên mà có và cũng không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó được xác lập trên cơ sở ĐCS Việt Nam đã thay mặt giai cấp công nhân Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN, đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc, yêu cầu của thời đại.
Thế nhưng, một số người lại cho rằng: ĐCS Việt Nam không những không có công lao gì, mà ngược lại, còn là lực cản sự phát triển của xã hội Việt Nam; bởi lẽ, ĐCS Việt Nam đi theo hệ tư tưởng Mác - Lê-nin - hệ tư tưởng lỗi thời, lạc hậu - làm cho xã hội Việt Nam vận hành theo lối "Đảng trị", mất dân chủ, không tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc… Và như thế, ĐCS Việt Nam không xứng đáng với lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc, v.v.
Cần khẳng định ngay rằng, những ý kiến đó không xuất phát từ thực tế khách quan của dân tộc ta trong gần 80 năm qua và cũng không đứng về phía lợi ích của dân tộc Việt Nam. Trái lại, lập luận của họ mang nặng sự thâm thù, hằn học với sự nghiệp cách mạng do ĐCS Việt Nam lãnh đạo, đi ngược lại lợi ích của nhân dân ta, xu hướng chung của thời đại. Sự thật lịch sử đã diễn trong suốt 79 năm trên đất nước ta là bằng chứng hùng hồn bác bỏ các lập luận đó; đồng thời, là cơ sở để đánh giá vai trò của ĐCS Việt Nam đối với dân tộc. Dẫn ra ba điểm chủ yếu dưới đây để cùng nhau đánh giá một cách khách quan về sự ra đời, vai trò, bản lĩnh, năng lực của ĐCS Việt Nam.
Trước hết, sự ra đời của ĐCS Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử. Bởi lẽ, trong tất cả các trào lưu có tính chất cách mạng (ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) để thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển thì chỉ có trào lưu cách mạng theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phù hợp và phát triển mạnh mẽ. Những con đường khác, như: phong trào Cần Vương, trào lưu tư sản và tiểu tư sản… đều không được thực tế lịch sử Việt Nam chấp nhận, vì chúng hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc.
ĐCS Việt Nam ra đời, gắn liền với vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chính là tổ chức chính trị đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. ĐCS Việt Nam đã đưa ra được một chiến lược đúng đắn, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, đưa đất nước đi lên theo con đường tiến bộ. Trải qua các thời kỳ, tuy biểu hiện cụ thể của chiến lược đó có khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng đáp ứng yêu cầu nội tại của đất nước.
Nhiệm vụ đưa dân tộc phát triển là nhiệm vụ chung của mọi người Việt Nam yêu nước và của mọi tổ chức chính trị hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Nhưng, thực tế lịch sử Việt Nam gần một thế kỷ qua đã cho thấy: không một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được ĐCS Việt Nam, với tư cách người tổ chức, dẫn dắt xã hội phát triển. Vì thế, cả dân tộc Việt Nam tin tưởng trao cho ĐCS Việt Nam trách nhiệm trọng đại: lãnh đạo toàn dân tộc phát triển theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Hai là, ĐCS Việt Nam đã lãnh trách nhiệm do nhân dân giao phó là giải phóng dân tộc và đã hoàn thành một cách xuất sắc. Giải phóng dân tộc là yêu cầu cơ bản và cấp bách, nhằm bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam bị rất nhiều thế lực bên ngoài xâm lược; là nạn nhân của những cuộc chiến tranh. Đó là điều không may mắn của dân tộc Việt Nam so với rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Giờ đây vẫn có những thế lực cố tình lẫn lộn trắng đen, đổ lỗi cho ĐCS Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Hồ Chí Minh đã gây ra hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. Sự thực thì hết thảy những người có lương tri; những nhà khoa học (cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài) có tâm lành, đức dày, trí sáng, đều khẳng định rõ: trách nhiệm gây ra hai cuộc chiến tranh ấy thuộc về những kẻ đi xâm lược.
Cả dân tộc Việt Nam không ai đồng tình với những lập luận cho rằng, việc chúng ta đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước là sai lầm. Thứ ý kiến cho rằng, nhân dân Việt Nam không cần hy sinh xương máu để giành lấy độc lập, hãy cứ để cho thực dân, đế quốc "khai hoá văn minh", rồi đến một thời điểm thuận lợi, họ sẽ trao lại độc lập cho Việt Nam…(!) là điều bịp bợm. Lịch sử nhân loại đã chứng tỏ rằng: chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người. Thế kỷ XX được cả thế giới mệnh danh là "Thế kỷ phi thực dân hoá". Dân tộc đi tiên phong của thế giới trong thế kỷ phi thực dân hoá đó là dân tộc Việt Nam; người lãnh đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh cho sự nghiệp phi thực dân hoá, đó là ĐCS Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Với tư cách đại diện cho lương tâm, danh dự của toàn dân tộc, bằng cả trách nhiệm đối với sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại, ĐCS Việt Nam đã lãnh đạo, tập hợp, phát huy được trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (tháng 7-1954) của nhân dân Việt Nam đã làm tan rã cả hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (tháng 4-1975) ở Việt Nam đã báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới. Như vậy, ĐCS Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm kép: vừa lãnh đạo sự nghiệp giành độc lập dân tộc, mở đường cho đất nước phát triển với mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", vừa đóng góp tích cực vào quá trình phi thực dân hoá, thúc đẩy nhân loại tiến nhanh hơn trên con đường văn minh.
Ba là, ĐCS Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành CNH,HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Độc lập dân tộc gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của ĐCS Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngoài lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc, của nhân dân, ĐCS Việt Nam không có lợi ích nào khác. Làm cho mọi người dân Việt Nam được ấm no, tự do, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, đó là thông điệp nhất quán của ĐCS Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là những nội dung cơ bản của CNXH ở Việt Nam; của việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam.
ĐCS Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất, có đầy đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập sâu và đầy đủ vào đời sống quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam là một đất nước ổn định về chính trị, có kinh tế tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện… Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được. Vẫn biết rằng, "trong cuộc chiến đấu chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi"1, ĐCS Việt Nam và nhân dân Việt Nam chắc chắn vẫn còn phải phấn đấu nhiều, nhưng tương lai phát triển của dân tộc Việt Nam rất sáng lạn.
Ba điểm chủ yếu trên đây làm thành một thể thống nhất nói lên rằng, ĐCS Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh của mình do dân tộc giao phó; Đảng xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Trong thời kỳ mới của đất nước, việc ĐCS Việt Nam có còn tiếp tục xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc nữa hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân Đảng. Vì vậy, ĐCS Việt Nam phải ra sức phấn đấu để luôn làm tròn nhiệm vụ do dân tộc giao phó.
Trước hết, Đảng phải tiếp tục đề ra được đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn để phát triển đất nước nhanh và bền vững, vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu phức tạp hiện nay. Đường lối, chủ trương, giải pháp của Đảng đề ra phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là phải căn cứ vào diễn biến cụ thể của đất nước và quốc tế. Muốn vậy, Đảng phải có tầm trí tuệ cao, tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc; có khả năng tổ chức, tập hợp, phát huy được sức mạnh, trí tuệ của toàn dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển tiến lên. Nhân dân tin tưởng trao cho ĐCS Việt Nam trách nhiệm là người dẫn đường của dân tộc trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo, và Đảng phải luôn luôn có ý thức, hành động để xứng tầm trách nhiệm ấy.
Thứ hai, ĐCS Việt Nam phải là tổ chức tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đảng phải là tổ chức chính trị đầy bản lĩnh, vững vàng trước mọi thử thách của thời cuộc, dám đương đầu với mọi khó khăn, trở ngại, luôn luôn là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc. Đoàn kết là kết quả từ sức mạnh của tổ chức và chính đoàn kết lại tạo ra sức mạnh vô biên cho toàn Đảng và toàn dân tộc. Khối đoàn kết trong Đảng, từ Trung ương đến các chi bộ, là nhân tố có tính chất quyết định tới việc bảo đảm, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không thể có một sự đồng thuận toàn xã hội, nếu ĐCS Việt Nam không bảo đảm được sức mạnh đoàn kết. Ý nghĩa của việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình” mà Hồ Chí Minh đã nêu trong bản Di chúc, thật sự có ý nghĩa cực kỳ to lớn không chỉ trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà còn cả trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH,HĐH, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Thứ ba, ĐCS Việt Nam chỉ thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc khi đội ngũ cán bộ, đảng viên thể hiện được phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc. Đội ngũ đảng viên của Đảng trong các thời kỳ lịch sử, về cơ bản đã thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu trước toàn dân. Đội ngũ đó đã góp phần làm rạng danh dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những căn bệnh xa dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự đáng lo ngại trong thời kỳ hiện nay.
Hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phấn đấu xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân; phải “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là những người “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc” (khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ)… như Hồ Chí Minh đã mong muốn. Trong chiến tranh gian khổ, cán bộ, đảng viên đã chịu đựng bao hy sinh, gian khổ, không tiếc máu xương cho nền độc lập, tự do của đất nước. Trong thời bình, nếu không rèn luyện, phấn đấu, họ có thể gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”…
ĐCS Việt Nam có quyền tự hào về vai trò, trách nhiệm của mình trước giai cấp và dân tộc. Không có gì quang vinh hơn khi Đảng được toàn thể nhân dân gọi bằng cái tên “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”. Chừng nào Đảng vẫn được nhân dân tin tưởng, và Đảng luôn luôn phấn đấu để nhân dân tin tưởng, thì Đảng vẫn xứng đáng là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc.
GS,TS. MẠCH QUANG THẮNG
________________
1- Hồ Chí Minh-Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 505.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011