QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:23 (GMT+7)
Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc

Nhân dân ta, dân tộc ta đều hiểu rằng hơn 70 năm qua, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì lịch sử dân tộc gắn liền với lịch sử của Đảng, những bước thăng trầm của cách mạng đều gắn bó Đảng với dân, dân với Đảng. Trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, dân tộc ta cũng có thời kỳ có nhiều đảng phái; có những đảng đi cùng chiều với Đảng Cộng sản, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình đã tự nguyện tuyên bố kết thúc; nhưng cũng có những đảng phái đối lập đi ngược chiều với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, đã trở thành tổ chức chính trị phản động, nên bị lịch sử lần lượt đào thải, tan rã cùng với những thất bại của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Chính vì vậy mà sự thật là hơn 7 thập kỷ qua ở nước ta chỉ có chế độ một đảng lãnh đạo và là Đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam, đời sống chính trị, tinh thần, quyền tự do dân chủ, bình đẳng của nhân dân vẫn không ngừng được cải thiện. Nhân dân ta, dân tộc ta bày tỏ sự nhất trí cao thông qua Điều 4 Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Nhà nước. Cho nên nhân dân ta, dân tộc ta không có nhu cầu về đa nguyên, đa đảng, mà chỉ cần một thiết chế chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thiết chế chính trị này đã lãnh đạo, tổ chức, quản lý, phát huy được sức mạnh truyền thống đoàn kết, yêu nước của nhân dân ta, dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị- xã hội để phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó thể hiện rõ qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta.

Như vậy có thể nói cái cốt lõi vai trò tiên phong của Đảng đối với giai cấp, nhân dân và dân tộc trước hết là đề ra được đường lối đúng đắn sáng tạo phù hợp với từng điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, thế giới và khu vực, giữ vững sự ổn định chính trị- xã hội để phát triển đất nước.
"Thực tiễn là thước đo chân lý" - đó là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng thực tiễn đất nước trong hơn 7 thập kỷ qua với những bước chuyển mình lớn lao gắn liền với vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản dưới cách nhìn của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn chỉ là một bức tranh u ám, trong đó vai trò của Đảng Cộng sản chỉ là con số không, hoặc có chăng họ chỉ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc.
Sự hoài nghi, phủ nhận, bài bác vai trò Đảng Cộng sản trong việc lãnh đạo đất nước kể từ khi Đảng cầm quyền, thực hiện sự lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước hiện nay ngày càng được tăng cường với qui mô lớn hơn và tính chất tinh vi, xảo quyệt hơn. Họ tập trung phê phán chế độ một Đảng Cộng sản lãnh đạo là Đảng trị, là mất dân chủ, vi phạm nhân quyền, tôn giáo, họ nhen nhóm tổ chức ra cái gọi là đảng Dân chủ nhân dân, rồi đảng Xã hội dân chủ, có cả "cương lĩnh", "điều lệ" để lừa bịp nhân dân hình thành lực lượng chống đối, hòng có sự viện trợ của các thế lực phản động nước ngoài. Họ cho rằng những cơ sở lý luận và thực tiễn để hình thành nên quan điểm tư tưởng, phương hướng, chủ trương đổi mới, phát triển đất nước của Đảng trong thời kỳ mới là khiên cưỡng hoặc mơ hồ, không tưởng. Họ lớn tiếng chỉ trích các vấn đề về "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" và "dân chủ xã hội chủ nghĩa" mà Đảng ta đã đề ra, bởi lẽ họ cho rằng nền tảng tư tưởng lý luận của nó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời.
           
Thực tiễn qua 20 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra một số bài học lớn, mà trước hết là bài học trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu CNXH mà là làm cho CNXH được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Sự kiên định đó không phải là giáo điều, cứng nhắc, bởi lẽ những giá trị tư tưởng về giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội của học thuyết Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn là xu hướng phát triển ưu việt đối với nhân loại. Điều cơ bản là phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng đúng đắn, sáng tạo học thuyết đó vào thực tiễn hiện nay ra sao. Cách mạng là sáng tạo, phương hướng phát triển hoặc hình thái tổ chức xã hội của một quốc gia phải gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể; mọi sự sao chép, bê nguyên xi những mô hình, cách làm đã có sẵn nào đó sẽ không tránh khỏi những vấp váp, thất bại đáng tiếc. Thực tế sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thách thức rất lớn, nhiều vấn đề mang tính chất khai phá, chưa có trong tiền lệ. Nhìn lại 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đánh giá "Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử"1. Bộ mặt kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội của đất nước đã có sự đổi thay sâu sắc, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được tăng cường. Những phát triển tích cực đó là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, đồng thời cũng là câu trả lời thực tế hữu hiệu nhất cho những ai công kích, bài bác Đảng Cộng sản. Sự thật hiển nhiên là trải qua những tìm tòi và những vấp váp để tìm ra được đường hướng đổi mới đúng đắn, sáng tạo, nhờ đó mà chúng ta không bị suy yếu và sụp đổ như các thế lực thù địch mong muốn; trái lại, chiều hướng phát triển của đất nước hiện nay vừa mang bản sắc của riêng mình, vừa tiếp tục mở cửa hội nhập với tất cả các nước trên thế giới và khu vực để phát triển. Trong con mắt của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực, nhất là tăng trưởng kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội: xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm; giữ vững sự ổn định về chính trị- xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển... Bình quân mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 2001 đến 2005 của đất nước đạt 7,51%. Cũng trong thời gian này, cả nước đã tạo việc làm mới cho 7,5 triệu người, đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 16% xuống còn 7%, được Liên hợp quốc đánh giá là nước đã về đích trước 10 năm so với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong thực hiện mục tiêu của thiên niên kỷ. Năm 2005, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp thứ 108 trong 177 nước về chỉ số phát triển con người, vào hàng các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình, cho dù về kinh tế vẫn thuộc diện nước nghèo... Tới nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ thương mại với 188 quốc gia và vùng lãnh thổ... Những thành tựu trên là do sự đoàn kết, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Như vậy, hơn 3/4 thế kỷ qua, vận mệnh của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với vai trò tiền phong của Đảng Cộng sản. Thông qua tiêu chí, mục đích, đường lối, chủ trương hoạt động của Đảng và sự tận tụy, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã hình thành nên mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và dân tộc. Trong mọi thử thách, thăng trầm của lịch sử, đại đa số nhân dân đã gửi trọn lòng tin của mình về Đảng, thực sự coi Đảng là lực lượng lãnh đạo, là đại diện tiêu biểu, trung thành của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc. Điều này đồng thời cũng là cội nguồn sâu xa tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà trước đây và hiện nay ở nước ta chưa có lực lượng chính trị nào có thể thay thế được Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, vấn đề hiện nay là không ít người có biểu hiện giảm niềm tin và phân vân là: liệu Đảng Cộng sản có tiếp tục giữ vững được vai trò là đội tiền phong của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc hay không? Bởi lẽ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực, tệ quan liêu, tham nhũng đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện xa rời mục tiêu CNXH, hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn tồn tại ngay trong một bộ phận đảng viên và nghiêm trọng hơn là ở ngay trong một số đồng chí đã từng là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt yếu kém về phẩm chất và năng lực vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong lịch sử, Đảng đã sống trọn trong sự tin yêu của nhân dân, song điều đó không phải là bất biến, nếu như ngày nay Đảng không biết tự xây dựng mình lành mạnh hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn, giàu sức chiến đấu, giàu trí tuệ, phẩm chất lãnh đạo và gắn bó chặt chẽ với nhân dân hơn. Không làm được những điều đó thì chính là Đảng đã tự tước bỏ vai trò đội tiên phong của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc. V.I.Lê-nin đã thường nhắc nhở những người cộng sản rằng không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ. Sớm nhận thức về thực tế đó, Đảng ta đã có những chủ trương và giải pháp quan trọng động viên nỗ lực và ý chí của toàn Đảng nhằm tiếp tục thực hiện bằng được các yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII; tập trung vào việc ngăn ngừa, khắc phục tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong một số bộ phận đảng viên và cán bộ của Đảng.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một việc làm thường xuyên của Đảng ta, song Cuộc vận động "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" hiện nay có ý nghĩa toàn diện và sâu sắc hơn. Có thực hiện thành công được những yêu cầu mà Cuộc vận động đã đề ra mới tạo ra cho Đảng sinh lực lãnh đạo mới, đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước trước bước ngoặt lớn của giai đoạn lịch sử mới, mới củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, qua đó động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đưa đất nước vượt qua mọi thách thức, khó khăn để phát triển lên một tầm cao mới. Từ yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và từ thực tế tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, đòi hỏi hơn bao giờ hết Đảng ta phải nêu cao nghị lực và bản lĩnh cách mạng của mình, tiến hành tích cực, đồng bộ 9 nhiệm vụ cơ bản và cấp bách nhất mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã đề ra. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng đồng thời phải gắn liền với việc xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phát huy đầy đủ vai trò của quần chúng nhân dân đối với yêu cầu phê bình, giám sát đảng viên, cán bộ và xây dựng tổ chức Đảng. Tư tưởng "lấy dân làm gốc" được Đảng ta vận dụng không những đã tạo ra nền tảng chính trị- xã hội quan trọng cho công cuộc đổi mới đất nước, mà còn là điểm tựa thiết yếu cho quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò tiền phong của Đảng đối với giai cấp, nhân dân và dân tộc hiện nay.
 
Vũ Phù Nghĩa
 
1- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X - Nxb CTQG, tr. 17.

 

Ý kiến bạn đọc (0)