QPTD -Thứ Năm, 27/10/2011, 22:39 (GMT+7)
Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo vì tương lai của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân

Trải qua hơn 70 năm kể từ khi thành lập đến nay, tuy gặp không ít những bước thăng trầm, đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt, nhưng Đảng đã luôn nắm chắc tôn chỉ mục đích và có đường lối đúng đắn, sáng tạo qua từng giai đoạn, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi ghềnh thác đến thắng lợi ngày nay. Đó là thắng lợi của cách mạng Tháng Tám và của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra, mặc dù có lúc cách mạng bị dìm trong biển máu. Chế độ thuộc địa gần 100 năm bị đánh đổ, chế độ phong kiến hàng nghìn năm ở nước ta bị xóa bỏ, đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Với sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN. Cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, vượt qua thời kỳ khủng hoảng, vượt qua những thử thách hiểm nghèo trong bối cảnh chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, trải qua thử thách và hy sinh, Đảng ta ngày một trưởng thành, uy tín và ảnh hưởng của Đảng ngày càng được nâng cao cả trong nước và trên thế giới. Nhân dân ta, dân tộc ta  đã thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới với phương châm là bạn và là đối tác tin cậy của các nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tuy còn không ít những khó khăn, thách thức, nhưng nó sẽ là thời cơ thuận lợi để tiếp tục tạo đà cho nền kinh tế phát triển, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên thế giới và khu vực. Có thể nói, nhìn lại 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng vị thế của nước ta lên tầm cao mới trên thế giới. Đó là niềm tự hào của nhân dân ta, dân tộc ta, đó cũng là một thực tế hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng hiện nay có những người với dụng ý xấu do có thâm thù với cách mạng hoặc cơ hội về chính trị hoặc do bất mãn cá nhân, nên có thái độ hằn học, tìm mọi cách xuyên tạc, đổi trắng thay đen, họ phủ lên xã hội ta một màu xám xịt. Họ cho rằng ngày hôm nay xã hội Việt Nam đang trong tình trạng bi thảm, đạo đức bị băng hoại, suy đồi, tham nhũng tràn ngập... Lòng dân ly tán, giới trẻ mất niềm tin vào tương lai tiền đồ, tủi nhục trước thế giới văn minh. Và theo họ, nguyên nhân của mọi nguyên nhân - tất cả tình cảnh bi thảm đó là do Đảng Cộng sản Việt Nam thoán quyền nhân dân, thiết lập nền độc tài, lập quyền chuyên chế, toàn trị, ngồi trên đầu trên cổ quốc dân đồng bào. Và do đó họ hô hào tổ chức ra những tổ chức dân chủ này, dân chủ nọ; hội đoàn kết này, hội thanh niên kia, nhằm đấu tranh cho đa nguyên đa đảng để thực hiện "dân chủ"... Rõ ràng đây thực chất là trò lừa bịp, cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử cũng như hiện tại của đất nước.

Điều cần phải nhận thức rõ ở đây là không phải như những ai đó đưa ra cái gọi là đấu tranh đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Chế độ đa đảng chưa hẳn đã là dân chủ; chế độ một đảng không phải là nguồn gốc, nguyên nhân của mất dân chủ. Điều chính yếu là ở bản chất giai cấp của đảng cầm quyền quyết định. Chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các phe cánh của các tập đoàn tư bản lớn; các nhà tỷ phú trong giai cấp tư sản, ví như đảng Dân chủ, hay đảng Cộng hòa ở Mỹ chẳng hạn, cứ 4 đến 5 năm một lần nhân dân lại được phép bầu ra những người đại diện cho một trong hai đảng thuộc tập đoàn tư bản đó để thống trị nhân dân. Vì vậy, trước hết họ phải bảo vệ quyền dân chủ và lợi ích cho những đảng thuộc những tập đoàn tư bản lớn, những nhà tỷ phú, còn ban phát quyền dân chủ cho nhân dân đến đâu là do sự điều chỉnh của mỗi đảng này khi lên cầm quyền.

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước của dân tộc. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn thể hiện nắm chắc tôn chỉ mục tiêu, lý tưởng nhằm thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tâm nguyện đó đã trở thành tôn chỉ mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời, tồn tại và phát triển với mục đích duy nhất là đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, hòa bình, ổn định, phát triển, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu theo di huấn của Hồ Chí Minh: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng luôn nhận thức rằng, mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đảng. Chức năng của người lãnh đạo và bổn phận người đầy tớ thống nhất trong một chủ thể đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng người lãnh đạo cũng là để làm tròn bổn phận người đầy tớ của nhân dân, và chỉ có làm tròn bổn phận ấy thì vị trí, vai trò người lãnh đạo mới được giữ vững. Cái gì có lợi cho dân thì ra sức làm bằng được, cái gì có hại cho dân phải kiên quyết tránh. Dựa vào dân, đem tài dân, sức dân để mang lại lợi ích cho dân, mưu cầu lợi ích cho dân. Đó là một tiêu chí rất cơ bản đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tu dưỡng, rèn luyện để đạt tới.

Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy những nguy cơ, tệ nạn bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ thói quen của người sản xuất nhỏ, từ tàn dư tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn ảnh hưởng khá nặng nề trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Quan liêu xa rời nhân dân khi đã có chức, có quyền, không tin cậy dân, không hiểu biết dân, không thương dân. Những lỗi lầm, khuyết điểm mà một số cán bộ ta mắc phải thường là cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Do đó, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực sửa đổi lối làm việc, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện "vác mặt làm quan cách mạng".

Trong những năm gần đây, Đảng ta nhận thức rõ bên cạnh những thành tựu, ưu điểm mà Đảng ta đã đạt được, thì công tác xây dựng Đảng còn có những yếu kém, khuyết điểm, chưa theo kịp với đòi hỏi của tình hình mới; nổi lên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nơi diễn ra khá nghiêm trọng; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn đẩy lùi, làm giảm lòng tin của cán bộ và nhân dân.

Nhìn nhận, xem xét tệ quan liêu tham nhũng với thái độ khách quan, khoa học, Đảng ta đã chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, biện pháp đấu tranh, phòng chống có hiệu quả. Trong Báo cáo xây dựng Đảng tại Đại hội X, Đảng ta xác định: đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Các cấp uỷ và tổ chức Đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; có hệ thống giải pháp đồng bộ, cụ thể và có hiệu lực về tuyên truyền, giáo dục và hành chính, về kinh tế, tài chính và pháp luật, về thanh tra, kiểm tra, giám sát, về chế độ chính sách đãi ngộ và kỷ luật Đảng; sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng.

Rõ ràng, tệ quan liêu, tham nhũng không phải là những hiện tượng phản ảnh bản chất của chế độ ta. Nó cũng không phải là những căn bệnh nảy sinh do chế độ một đảng lãnh đạo dẫn đến mất dân chủ như một số người rêu rao, do đó cũng không cần chữa chạy bằng liều thuốc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Điều cơ bản để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém hiện nay là cần tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình, nói thẳng nói thật; gìn giữ và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh kiên quyết đối với những phần tử cơ hội. Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Cần xây dựng các thiết chế mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh ý chí, lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Cán bộ, đảng viên và công chức Nhà nước phải thật sự là công bộc của nhân dân.

Đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề mấu chốt là phải giữ cho đất nước hòa bình, ổn định chính trị-xã hội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất cả những người có ý đồ xấu cố tình nhen nhóm thành tổ chức này, tổ chức khác để chống đối, gây rối, làm mất ổn định chính trị-xã hội, đi ngược lại xu thế đó đều bị nhân dân ta, dân tộc ta tẩy chay, lên án. Vì sự ổn định của đất nước và lợi ích của nhân dân các dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên chăm lo củng cố xây dựng mình trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân, của dân tộc.

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Phát

Phó chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT,

Học viện Chính trị quân sự 

Ý kiến bạn đọc (0)