QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:45 (GMT+7)
Dân chủ xã hội chủ nghĩa - chế độ dân chủ ưu việt của chúng ta

Hiện nay, một trong các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ” và những tiêu cực trong xã hội để xuyên tạc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận những thành tựu của cách mạng nước ta. Cùng với những luận điệu bóp méo sự thật, chúng vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là “trở lực” cho việc thực hiện dân chủ… Những luận điệu như thế được các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài kết hợp chặt chẽ với nhau liên tiếp tung ra; đặc biệt, được rộ lên khi nước ta đang tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII... Các quan điểm trên được thực hiện rất tinh vi, vì được che đậy bằng cái vỏ “vì dân chủ”, “vì dân, vì nước”, đồng thời đã lợi dụng chính những khó khăn, phức tạp và cả khuyết điểm của chúng ta trong quá trình thực thi dân chủ để xuyên tạc. Đây thực sự là một thủ đoạn hết sức nguy hiểm nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội, xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ phi XHCN.

Tính nguy hiểm của thủ đoạn này biểu hiện ở nội dung của các quan điểm dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, dao động về niềm tin trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Vì thế, đấu tranh vạch trần thủ đoạn chống phá ta về dân chủ của các thế lực thù địch là hết sức quan trọng và cấp bách; đòi hỏi chúng ta, một mặt, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ của chúng; mặt khác, phải ra sức xây dựng, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các hoạt động của đời sống xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, cần phải nhắc lại luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin rằng, dân chủ bao giờ cũng gắn liền với vấn đề nhà nước, chuyên chính; là vấn đề mang tính giai cấp sâu sắc. Không có thứ dân chủ chung chung, trừu tượng, phi giai cấp; không thể có thứ dân chủ vô hạn độ, vô kỷ cương. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ, thì vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động. Dân chủ XHCN khác hẳn về chất với dân chủ tư sản. Đó là nền dân chủ của dân, do dân, vì dân; dân chủ “gấp triệu lần” hơn bất cứ chế độ dân chủ nào trong lịch sử, như V.I.Lê-nin khẳng định. Điều cốt tử trong thực hành dân chủ XHCN là phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bảo đảm quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân. Xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội (CNXH), từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì sẽ trượt sang dân chủ phi XHCN; đồng nghĩa với việc thủ tiêu CNXH.

Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc đều trái với bản chất của nền dân chủ XHCN, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Cần nhớ lại một bài học đau xót và thấm thía về sự vi phạm dân chủ và thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên Xô trong thời gian cải tổ đã tạo “thời cơ” cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến thủ tiêu chế độ xô-viết. 

Phát huy dân chủ bao giờ cũng phải gắn liền với tăng cường kỷ cương, pháp luật; tăng cường kỷ cương, pháp luật luôn gắn với việc mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân. Đó là biện chứng của mối quan hệ giữa phát huy dân chủ với tăng cường kỷ cương, pháp luật trong xã hội ta hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chươa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhương khi đã quyết định rồi thì không đơược bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho đươợc, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta ngày càng thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Kể từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chính thức làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội mới. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước, thực hiện và phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền làm chủ đó không chỉ thể hiện trong các văn bản Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong đời sống hiện thực. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân ngày càng được đề cao. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 2004, có tới hơn 99% số cử tri đi bầu. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội Việt Nam ngày càng cao, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại trực tuyến của Chủ tịch Nước, của Thủ tướng Chính phủ… với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình với Nhà nước. Điều đó thể hiện sâu sắc tính chất của dân, do dân và vì dân của Nhà nước Việt Nam, phản ánh bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta. Đảng ta khẳng định: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”.

Trong chế độ ta, nhân dân có quyền lập và tham gia các tổ chức xã hội; có quyền tự do báo chí, tự do hội họp theo quy định của pháp luật. Hiện nay cả nước có 18.259 cơ sở của các tổ chức xã hội, 1.681 cơ sở thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; có hơn 500 cơ quan báo chí, với hơn 700 ấn phẩm báo chí, hơn 2500 trang thông tin điện tử đang hoạt động3; hệ thống phát thanh truyền hình phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, số xã được phủ sóng truyền hình lên tới gần 100%. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp quy định, được bảo đảm bằng pháp luật và thể hiện sinh động trong cuộc sống. Số lượng tín đồ các tôn giáo cả nước chiếm đến hơn 20% dân số; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo đoàn kết gắn bó cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt đối xử. Mọi công dân đều được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư, đảm bảo an toàn về chỗ ở... Đúng như ông E-ric Giôn, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương nhận xét: Việt Nam đã đạt được “những thành tựu hết sức tích cực trong việc bảo đảm quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền tự do thờ phụng”. Thực tế trên đã hoàn toàn bác bỏ những luận điệu vu cáo Việt Nam mất dân chủ và là câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi đầy ác ý: “dân mình có được tự do gì không”!

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Mười năm gần đây, mức sống trung bình của người dân đã tăng lên hơn hai lần; vấn đề xóa đói giảm nghèo đạt được những tiến bộ to lớn, được Liên hợp quốc xếp vị trí đứng đầu thế giới; thực hiện công bằng xã hội được coi là mục tiêu chiến lược quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Tuy GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn ở tốp cuối trong nhóm các nước đang phát triển, nhưng chỉ số phát triển người (HDI) lại đứng ở mức trên trung bình trong nhóm các nước này. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đến con người và dân chủ ở Việt Nam được đặc biệt coi trọng.

Ở nước ta, mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các hoạt động của xã hội ta; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Thực tế trên chưa phải là đầy đủ nhưng đã cho thấy tính ưu việt của chế độ dân chủ ở Việt Nam; không thể vì những sự vụ nào đó mà cố tình xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ của nước ta. Những thiếu sót, khuyết điểm của chúng ta trong quá trình thực thi dân chủ đang được Đảng và Nhà nước ta nhận rõ và tích cực khắc phục nhằm củng cố, hoàn thiện nền dân chủ XHCN. Ấy thế mà, biện hộ cho  những kẻ mới đây bị Nhà nước ta truy tố, xét xử vì lợi dụng dân chủ tập hợp lực lượng chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật Việt Nam, bà Lô-rét-ta Xan-chét, Hạ nghị sỹ Mỹ, đã cố tình xuyên tạc tình hình ở Việt Nam khi cao giọng cho rằng "tình trạng nhân quyền ngày càng tệ hại ở Việt Nam...". Việc làm này chứng tỏ bà ta không hiểu, hoặc cố tình không hiểu việc thực thi dân chủ ở nước ta. Dư luận cả trong và ngoài nước đều hết sức bất bình trước thái độ và việc làm thiếu thiện chí của bà Xan-chét, bởi thực chất, bà ta đã lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nước ta.

Để dân chủ XHCN thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn nhiều việc phải làm; thế nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được cùng bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta. Đó là kết quả của biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ. Bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ này sẽ tiếp tục được giữ gìn, nâng cao và phát huy với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội là nguyên tắc bất di bất dịch của việc xây dựng và thực hành dân chủ XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Mạnh Hưởng
 
Ý kiến bạn đọc (0)