QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:34 (GMT+7)
Dân chủ và nhân quyền trong thời kỳ đổi mới ở nước ta
Dân tộc độc lập, đất nước hòa bình, thống nhất; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là "mong muốn tột bậc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những hoài bão của Bác Hồ và mục tiêu trên của Đảng ta chính là nội dung, bản chất của quyền con người.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong đó Người khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Như vậy,  theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người là thành quả của sự phát triển liên tục của lịch sử, các dân tộc có thể kế thừa, chia sẻ những giá trị nhân quyền của nhau; quyền và phẩm giá của cá nhân gắn liền với quyền và phẩm giá của dân tộc. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước là tiền đề, điều kiện của quyền cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ nhắc lại tư tưởng cơ bản trong hai bản Tuyên ngôn bất hủ của cách mạng Mỹ và Pháp, mà còn nêu lên một quan niệm hoàn toàn mới về quyền con người: quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Hai loại quyền này thống nhất và làm tiền đề cho nhau. Điều này không chỉ khẳng định nền tảng chính trị - pháp lý cho việc đấu tranh giành độc lập dân tộc để làm cơ sở xây dựng, phát triển sâu rộng nền dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, mà còn là một đóng góp, phát triển sáng tạo tư tưởng dân chủ, nhân quyền của nhân loại trong thế kỷ XX. 

Từ đó đến nay, gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và quá trình nâng cao nhận thức của Đảng và Nhà nước ta, mục tiêu vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; hay nói cách khác, vì các quyền con người của nhân dân ta, tiếp tục được khẳng định và mở rộng.
Độc lập dân tộc, xét về mặt pháp lý và đạo lý, là quyền tự nhiên của các dân tộc mà cộng đồng quốc tế phải thừa nhận. Tuy nhiên, trong thực tế không một đế quốc nào lại tự nguyện trao lại độc lập dân tộc cho các dân tộc thuộc địa. Muốn có được độc lập thật sự, các dân tộc bị áp bức phải đứng lên giành lấy quyền đó bằng con đường đấu tranh cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó cũng chính là bảo vệ quyền thiêng liêng nhất, cơ bản nhất của mỗi người dân - quyền được sống trong độc lập, tự do. Cùng với việc đẩy mạnh kháng chiến chống xâm lược, Đảng và Nhà nước ta cũng thực thi nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các thiết chế dân chủ để đảm bảo thực thi quyền và nghĩa vụ công dân. Hiến pháp đầu tiên (1946) cũng như nhiều chính sách và các đạo luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều khẳng định tôn trọng và bảo vệ các quyền công dân - bộ phận chủ yếu của quyền con người. Phù hợp với tư tưởng tôn trọng và bảo vệ quyền con người, ngay sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), đầu những năm 80 (thế kỷ XX), Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, chính trị (1966), Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966), Công ước về quyền trẻ em (1980), Công ước về xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ (1979)...
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 20 năm đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho nước ta bảo đảm dân chủ và các quyền con người. Nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục; chính trị - xã hội ổn định; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể... Vì vậy, việc bảo đảm dân chủ và các quyền con người được quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn. Ngày 12-7-1992 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 12, trong đó khẳng định: Chúng ta phải phát huy thành tựu, khắc phục nhược điểm, khuyết điểm, bảo đảm ngày càng đầy đủ quyền con người ở nước ta. Báo cáo chính trị Đại hội IX cũng tiếp tục nhấn mạnh trách nhiệm: "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia".
Trên lĩnh vực xây dựng nền dân chủ, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bởi đó là điều kiện thiết yếu để thực thi dân chủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước”. Thành quả nổi bật trên lĩnh vực này là chúng ta đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân. Theo thống kê, từ 1986 đến năm 2005, Quốc hội đã thông qua 40 luật và bộ luật, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Lao động; Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình... Năm 1998, Đảng ta đã đề xuất thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và gần đây, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là một sáng tạo quan trọng trong việc củng cố và phát triển nền dân chủ XHCN của Đảng. Thực hiện quy chế này, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ở cơ sở của nhân dân được bảo đảm trong thực tế; đồng thời, đã góp phần khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng ở cấp cơ sở, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những đổi mới quan trọng của Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ, nhất là việc thực hiện chất vấn công khai các thành viên của Chính phủ; công bố, lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho các văn bản dự thảo luật... đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở thật sự của xã hội. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần thu hút tối đa sự tham gia có hiệu quả của người dân (không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần giai cấp, quá khứ) đối với công tác quản lý nhà nước và xã hội. Công tác cải cách hành chính đã thu được những thành quả quan trọng; phương châm "một cửa" đã đi vào cuộc sống, làm giảm đáng kể sự phiền hà đối với người dân; các thủ tục hành chính đã và đang được tinh giảm, hàng trăm giấy phép to, nhỏ mang tính trói buộc đã bị bãi bỏ, người dân được tự do sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm...
Trên lĩnh vực xây dựng và bảo đảm nhân quyền, chúng ta đã đạt được những thành quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, nhất là việc bảo đảm các quyền Dân sự, Chính trị. Quán triệt quan điểm của Đảng ta, tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ta đã được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 20 triệu người có đạo (chiếm 24% dân số); đại đa số tín đồ các tôn giáo đều yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới, vừa làm tròn bổn phận của tín đồ, vừa thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; cơ sở đào tạo chức sắc các tôn giáo được mở rộng đáng kể... Quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và hội họp được mở rộng. Báo chí không chỉ là tiếng nói của Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, mà còn là tiếng nói của đại đa số nhân dân. Hiến pháp 1992 ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (Điều 69). Luật Báo chí (1989) quy định: "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí...; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động...; Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng" (Điều 2). Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Tổ chức Báo chí ASEAN, Tổ chức các nhà báo quốc tế (OIJ); có trên 7.000 hội viên; hằng năm có trên 600 ấn phẩm các loại với gần 600 triệu bản. Từ năm 1997, Internet được triển khai ở Việt Nam và nhanh chóng trở thành một công cụ, phương tiện quan trọng bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin, truyền thông phổ cập. Sóng phát thanh và truyền hình đã phủ trên 90% các vùng, miền. Điều nổi bật là, nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được sử dụng trên sóng phát thanh, truyền hình ở địa phương. Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số được tôn trọng và nâng cao, tỷ lệ đại biểu là người các dân tộc thiểu số ở Quốc hội cao hơn hẳn tỷ lệ dân số: 13,9%/12,27%. Thông qua các Chương trình quốc gia, Nhà nước đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng cao; hệ thống giao thông đường bộ đã đến hầu hết các trung tâm xã; điện lưới quốc gia đã tới 98% số huyện và 64% số xã; hệ thống thông tin liên lạc ngày càng thuận tiện; trên hai triệu dân du canh, du cư đã định canh, định cư, cuộc sống ổn định... Trong giáo dục, Nhà nước đã dành ưu tiên cho con em các dân tộc thiểu số được hưởng chế độ tuyển cử vào các trường cao đẳng, đại học; trên 60.000 con em đồng bào dân tộc thiểu số được nuôi dưỡng và học tập không mất tiền trong 393 trường dân tộc nội trú.
Thông qua thực hiện có hiệu quả đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng và các chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh theo pháp luật cho mọi công dân, quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hóa được nâng cao đáng kể . Thành tựu nổi bật là đã thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam (chuẩn cũ) đã giảm từ 17,5% (2001) xuống 7% năm 2005, được Liên hợp quốc đánh giá đứng đầu các nước. Nhờ chính sách thu hút đầu tư (trong và ngoài nước), phát triển các khu công nghiệp, trong 5 năm qua, chúng ta đã tạo ra thêm 7,5 triệu việc làm. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả nhờ mở rộng mạng lưới y tế ở cơ sở. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã nâng cao, từ 67,8 tuổi (2000) lên 71,5 tuổi (2005). Quyền bình đẳng của phụ nữ cũng có những tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia các cơ quan dân cử và nhiều lĩnh vực khác cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Xét trong Quốc hội, đại biểu là phụ nữ chiếm tỷ lệ là 26%, đứng thứ hai sau Niu-Di-lân (29%); ở khu vực châu Á: cao hơn Trung Quốc (21%), Hàn Quốc (5,9%), Malaixia (10,4%), Thái Lan (9,2%)...
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội lớn để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng, phát triển nền dân chủ, bảo đảm quyền con người. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là niềm tin vào những giá trị của độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; niềm tin vào sự phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”; đó cũng là dân chủ và nhân quyền đích thực mà chúng ta đang hướng tới.
TS. Cao Đức Thái
Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Quyền con người,
Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
 

Ý kiến bạn đọc (0)