Thứ Năm, 24/04/2025, 11:53 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 01-01-2004, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh có diện tích tự nhiên 658.287 ha, dân số trên 430.000 người, gồm 29 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34,5% (chủ yếu là dân tộc Mạ, Ê Đê và M’Nông); có 130 km đường biên giới quốc gia với Cam- pu- chia. Từ đặc điểm tình hình trên, có thể thấy, Đắk Nông có vị trí quan trọng về quốc phòng- an ninh (QP-AN) đối với địa bàn Tây Nguyên và cả nước.
Trong điều kiện Tỉnh mới thành lập, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế chậm phát triển, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị có thời điểm diễn biến phức tạp do các thế lực thù địch từ bên ngoài cấu kết, chỉ đạo lực lượng phản động Fulro tăng cường các hoạt động chống phá trên địa bàn Tỉnh. Thủ đoạn phổ biến của chúng là xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động, chia rẽ đồng bào các dân tộc; lôi kéo, mua chuộc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình đó đặt ra cho công tác QP-AN yêu cầu mới ngày càng cao và bức thiết. Vì thế, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh xác định: phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP-AN, nhằm giữ vững ổn định chính trị, xử lý hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo cơ sở phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Với chủ trương đúng đắn và giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa bàn, những năm qua, Đắk Nông đã tạo được sự chuyển biến khá toàn diện, vững chắc cả về QP-AN và KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh liên tục ở mức cao (15%/năm). Năm 2007, tổng thu ngân sách đạt trên 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 7,7 triệu đồng/năm; các chỉ tiêu KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết về đời sống, văn hóa, xã hội của nhân dân, như: tạo việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo (trong 3 năm 2004-2006 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 47% xuống còn 15%). Hệ thống giao thông được đầu tư cải tạo và nâng cấp, nhất là các tuyến đường ra cửa khẩu, các đồn biên phòng, đường tuần tra biên giới…, vừa tạo điều kiện phát triển KT-XH, vừa đáp ứng nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn và quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược, quan điểm kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành trong Tỉnh cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Từ thực tiễn có thể khẳng định sự kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữa chuyển dịch cơ cấu, phân vùng kinh tế với củng cố thế trận khu vực phòng thủ (KVPT), gắn phát triển kinh tế bền vững với tăng cường tiềm lực QP-AN ở Đắk Nông được thể hiện ngày càng rõ hơn, hiệu quả hơn. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế, nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Tỉnh đã tiến hành xây dựng, điều chỉnh thế trận và tổ chức lực lượng của KVPT trên từng vùng, địa bàn; đồng thời, có phương án sẵn sàng chuyển một phần năng lực sản xuất phục vụ quốc phòng khi có nhu cầu. Hệ thống giao thông liên tỉnh như quốc lộ 14A, 14C, 28B, tỉnh lộ 15 và các trục đường liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn được nâng cấp; làm mới nhiều cầu, cống kiên cố, từng bước tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của Tỉnh. Ngoài các phương tiện, trang bị kỹ thuật đã được đăng ký theo chỉ tiêu trên giao, Tỉnh thường xuyên rà soát, phúc tra nắm chắc tổng số phương tiện kỹ thuật hiện có trong toàn Tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch động viên, bảo đảm khi có tình huống chiến tranh có thể huy động được khoảng 40-50% phương tiện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Hệ thống y tế được củng cố, tăng cường cả về lực lượng, trang thiết bị và cơ sở vật chất; 100% các trạm y tế cấp xã có y sỹ, bác sỹ (tỷ lệ bác sỹ đạt 44,2%), triển khai chương trình quân- dân y kết hợp rộng khắp, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trên tuyến biên giới, Tỉnh chỉ đạo các nông, lâm trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh tế- quốc phòng của Binh đoàn 16 triển khai các dự án phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN; trong đó, chú trọng việc giao đất canh tác, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Tỉnh thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Hậu cần các cấp, nhằm bảo đảm hậu cần tại chỗ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng KVPT của tỉnh và các huyện; đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; chú trọng xây dựng các công trình chiến đấu trọng điểm, sở chỉ huy cho các cơ quan, đơn vị bộ đội thường trực, hệ thống kho, trạm hậu cần, kỹ thuật.
Để phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn và sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến, chuẩn bị tốt các nội dung để tổ chức diễn tập KVPT tỉnh trong năm 2008; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng chỉ đạo các lực lượng vũ trang của Tỉnh (Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng) phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, đối tượng, nắm chắc tình hình và làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn vượt biên trái phép, bóc gỡ các cơ sở ngầm của các tổ chức phản động.
Công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đắk Nông luôn coi trọng. Tỉnh đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp để đẩy mạnh công tác GDQP, coi trọng việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên, GDQP cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần, có quy chế hoạt động, kế hoạch công tác, phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác GDQP. Đến nay, Tỉnh đã có 88,76% cán bộ đối tượng 2; 71,39% cán bộ đối tượng 3; 70% cán bộ đối tượng 4; 46,4% cán bộ, đảng viên (đối tượng 5) và 64,8% chức sắc, chức việc các tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. GDQP cho học sinh các trường trung học phổ thông và trường dân tộc nội trú được coi trọng, Tỉnh đã chủ động phối hợp với trường Đại học Quy Nhơn đào tạo giáo viên, kịp thời đáp ứng nhu cầu về giáo viên chuyên trách giảng dạy môn GDQP. Đối với công tác GDQP cho các tầng lớp nhân dân, Tỉnh đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lồng ghép với các hình thức sinh hoạt cộng đồng dân cư trong các dịp lễ hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD ở địa phương.
Trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS, Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh, trước hết là chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền trong mọi tình huống. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QP,QS địa phương, công tác dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBDV) phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. Bộ đội địa phương được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chú trọng xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh, đủ khả năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Lực lượng DQTV được quan tâm xây dựng có số lượng hợp lý, tổ chức biên chế chặt chẽ, chất lượng tổng hợp được nâng lên, nhất là chất lượng chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, tỷ lệ DQTV toàn Tỉnh đạt 1,86% so với số dân, trong đó dân quân là 6.846 đồng chí (đạt 1,58% so với số dân), tự vệ là 1.331 đồng chí (đạt 18,6% so với số cán bộ, công nhân viên); tỷ lệ đảng viên đạt 10,8%, đoàn viên đạt 44,6%. Hằng năm, DQTV được tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, bảo đảm nội dung, chương trình, thời gian, quân số. Tỉnh đã hoàn thành 2 khóa đào tạo cho 65 Chỉ huy trưởng Quân sự xã (phường, thị trấn). Số cán bộ sau khi qua đào tạo được bố trí đúng quy hoạch nên đã phát huy tốt vai trò làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền về công tác QP,QS; nhiều đồng chí được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở. Công tác đăng ký, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở và nguồn DBDV. Quân nhân hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về địa phương được cơ quan quân sự các cấp tổ chức đăng ký đưa vào lực lượng DBDV, quản lý chặt chẽ và lựa chọn để bố trí vào nguồn cán bộ cơ sở ở các địa bàn trọng điểm.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác QP-AN, Đắk Nông cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Một số tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức đầy đủ và đề cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ QP-AN. Việc tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và nhân dân địa phương ở một số cơ quan, đơn vị chưa sâu, chưa toàn diện. Một số cán bộ ở các cấp, các ngành chưa nhận thức đúng và đầy đủ nhiệm vụ QP,QS, chưa thực sự đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác thanh tra, kiểm tra công tác quốc phòng chưa đạt hiệu quả, năng lực thực hiện công tác quốc phòng địa phương của một số cán bộ, công chức còn hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.
Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc quán triệt sâu sắc những định hướng lớn của Đảng về bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới"; Nghị định 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về GDQP-AN và các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Quốc phòng, Luật Biên giới, Pháp lệnh DQTV, Pháp lệnh DBĐV… Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự và các ban, ngành, đoàn thể, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo môi trường ổn định cho công cuộc xây dựng Đắk Nông phát triển toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Đặng Đức Yến
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011