QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:21 (GMT+7)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nền lý luận chính trị-quân sự
Trong lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với nhiều công lao to lớn khác đối với cách mạng Việt Nam, còn là người kế tục xứng đáng Hồ Chủ tịch trong việc hình thành và phát triển nền lý luận chính trị - quân sự, làm nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện  đại.

Có thể thấy, thực tiễn hoạt động trên các  cương vị lãnh đạo chủ chốt (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình- Trị -Thiên, Bí thư Liên Khu ủy Liên khu IV) ở dải đất miền Trung khói lửa trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giúp đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành một cán bộ lãnh đạo giỏi cả về chính trị và quân sự. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống xâm lược của quân và dân Bình- Trị -Thiên đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nức lòng, gọi đùa đồng chí là “Ông tướng du kích”. Và tài năng về lý luận chính trị- quân sự của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã hé mở từ bản “Tổng kết kinh nghiệm khôi phục phong trào kháng chiến ở Bình-Trị-Thiên”... Vì những lẽ đó, năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh về Trung ương để phụ trách công tác Tuyên huấn, Thanh vận và Đối ngoại. Khi Cục Chính trị của quân đội nâng cấp thành Tổng cục Chính trị (TCCT), ngày 1-7-1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có mặt tại cơ quan Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm TCCT. Đã từng qua phụ trách công tác tuyên huấn ở Trung ương, mà tình hình chính trị- tư tưởng quân đội vốn là một trọng điểm cần nắm vững, nay được phân công làm “phó thường trực”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có đủ cơ sở để nghiên cứu, đề xuất những vấn đề mang tầm chiến lược.

Trên cương vị mới, đồng chí xác định: “Lãnh đạo tư tưởng là trọng tâm của công tác lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác, cho tất cả các mặt khác, các ngành khác của mọi hoạt động quân sự”. Lần lượt các cơ quan ngôn luận, lý luận và xuất bản trong quân đội, từ báo Quân Giải phóng, Sao Vàng, Vệ Quốc quân, Quân du kích, tới Quân sự tập san, Quân chính tập san, đến Nhà xuất bản Vệ quốc quân đều được quy về dưới “mũ chung”: Quân đội nhân dân. Đây không chỉ đơn thuần là đổi tên mà là sự khẳng định bản chất: “Quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, chỉ có được trong chế độ dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đồng thời khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Tổng Quân ủy, TCCT đối với báo chí quân đội và quyết tâm xây dựng báo chí quân đội trở thành một “binh chủng đặc biệt” trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đây là một công việc đặt nền móng, dưới thời  đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm TCCT.
Tháng 2-1951, Đại hội Đảng II của Đảng, ra nghị quyết về xây dựng công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) trong quân đội và đề cao việc học tập lý luận kết hợp với thực tế của chiến trường Việt Nam. Là một trong bảy ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, được bầu trong Đại hội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chẳng những góp phần xây dựng Nghị quyết, mà còn tự giác lĩnh nhiệm vụ triển khai, quán triệt Nghị quyết trong toàn quân, bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bao quát chung và chuyên lo các vấn đề quân sự. Trước hết, vào tháng 7-1951, Trường  Chính trị trung cấp trong quân đội được thành lập do Chủ nhiệm TCCT trực tiếp làm giám đốc. Tiếp đó, tháng 8-1951, hội nghị Tuyên huấn toàn quân họp trong 9 ngày (21 đến 30-8). Sau khi thông qua chương trình giáo dục chính trị với “Nhiệm vụ, phương châm giáo dục chính trị trong quân đội” do đồng chí Lê Quang Đạo trình bày, hội nghị đã nhất trí cao với báo cáo trung tâm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, làm rõ tầm quan trọng của công tác tư tưởng nhằm nâng cao giác ngộ chính trị, phân rõ thù, bạn, ta; kiên trì quan điểm trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Ngày 28-8-1951, Khóa I, Trường Chính trị trung cấp khai giảng với 190 học viên, học trong ngót hai tháng về cách mạng Việt Nam; làm kiểm điểm tư tưởng, xác định thù, bạn, ta một cách dứt khoát; báo cáo lý lịch, chấn chỉnh động cơ tham gia cách mạng... Có thể nói, khóa học này như một lớp học “làm mẫu”, đưa Nghị quyết Tuyên huấn toàn quân vào đời sống bộ đội.
Sau chiến dịch Hòa bình (10-12-1951/25-2-1952), Hội nghị Trung ương IV(Khóa II) ra Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt là chỉnh huấn bộ đội, lấy chính trị làm gốc, nhằm làm cho quân đội ta thật là một đội quân cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch. Là ủy viên Bộ Chính trị đặc trách về các vấn đề chính trị trong quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đương nhiên chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo triển khai Nghị quyết này. Tháng 5-1952, các đơn vị từ Khu V trở ra tiến hành chỉnh huấn chính trị (đồng thời với chỉnh huấn quân sự). Hình thức này được phát triển sau đó một năm trong cuộc “Chỉnh quân chính trị” toàn quân, được tiến hành theo Nghị quyết của Tổng Quân ủy, nhằm nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp của bộ đội, làm cho tổ chức được trong sạch và củng cố, đề cao sức chiến đấu, để bộ đội trở thành một lực lượng lớn mạnh; kiên quyết ủng hộ việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ.
Làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tô, chia ruộng đất vắng chủ cho nông dân nghèo, cuộc Chỉnh quân chính trị 1952 có thể coi là bước chuẩn bị trực tiếp về chính trị–tư tưởng trong quân đội cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sau này (Nếu nhớ lại đợt sinh hoạt “chống hữu khuynh” tiến hành sau Đợt 2 chiến dịch khi ta chưa diệt được đồi A.1, lại bị địch phản kích chiếm lại đồi C). Từ đó, có thể rút ra kết luận: chính cuộc chỉnh quân chính trị và cuộc sinh hoạt phê phán "tư tưởng cầu an, dao động, ngại gian khổ hy sinh" trước Đợt 3 chiến dịch đã góp phần đắc lực tạo nên "một trong những thảm họa lớn nhất phương Tây, báo trước sự sụp đổ của thực dân”, như nhà báo người Pháp Jules Roy đã viết về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, tháng 5-1952, Bộ Chính trị ra nghị quyết “Về tổ chức Đảng trong quân đội chủ lực”, bỏ chế độ “Chính ủy tối hậu quyết định”, thiết lập chế độ “Cấp ủy Đảng trong quân đội lãnh đạo toàn diện; Chính ủy chuyên lo CTĐ,CTCT”. Đầu tháng 8-1952, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì Hội nghị Tổ chức toàn quân, họp trong 11 ngày (từ ngày 2 đến 13-8-1952), nhằm tổng kết công tác chi bộ; chấn chỉnh tổ chức và sinh hoạt Đảng; nâng cao chất lượng đảng viên, phát huy sự lãnh đạo của chi bộ trong mọi nhiệm vụ. Hội nghị cũng ra nghị quyết củng cố Hội đồng quân nhân và Đoàn Thanh niên trong quân đội (Chi đoàn Thanh niên quân đội đầu tiên được lập ngày 2-8-1952).
Nếu những tổng kết từ thực tiễn giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong suốt quá trình chiến đấu, từ cuộc đấu tranh khôi phục phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên, qua thời gian phụ trách Tuyên huấn Trung ương sang làm Chủ nhiệm TCCT trong quân đội, đã làm nên sức sống trong bản báo cáo trung tâm “Tích cực tiến hành và nắm chắc việc lãnh đạo tư tưởng trong quân đội” trong Hội nghị Tuyên huấn toàn quân lần thứ nhất, thì việc tổng kết thực tiễn lãnh đạo từ ngày làm Bí thư chi bộ (1937), qua các cương vị Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Xứ ủy, Bí thư Phân khu ủy, Bí thư Liên khu ủy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy của đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại góp phần đưa đến hiệu quả thiết thực cho Hội nghị Tổ chức toàn quân lần thứ nhất. Qua đó, tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy trong quân đội được củng cố; trách nhiệm trụ cột của chi bộ được đề cao; các tổ chức quần chúng phát huy vai trò làm chủ, không trở lại chế độ “Chính ủy quyết định tối hậu” trước đây, cũng không rập theo chế độ “Hội đồng quân sự” sau này, đã đặt cơ sở vững chắc cho hệ thống tổ chức đảng và chế độ Chính ủy, Chính trị viên, theo Nghị quyết số 51-NQ/TW khóa IX của Bộ Chính trị, hiện đang vận hành hiệu quả.
Cùng với hai cuộc hội nghị Địch vận toàn quân (8-1951 và 8-1952), Hội nghị Bảo vệ toàn quân lần thứ nhất được triệu tập (2-1954), khi cả nước khẩn trương bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Những hội nghị lịch sử trên đây đã góp phần tạo nên sức mạnh đặc thù của quân đội nhân dân, kèm theo “chiếc khóa” an toàn về chính trị, đảm bảo sự trong sạch cho từng đơn vị bước vào trận đánh quyết định số phận của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Hòa bình lập lại, TCCT đã nhạy bén lãnh đạo tốt cuộc tập kết, chuyển quân rộng lớn, đưa nhiều đơn vị quân đội làm đội quân chống cưỡng ép di cư; chủ động làm chuyển biến tư tưởng “thái bình hưởng lạc” sau cuộc kháng chiến lâu dài, cảnh giác với “viên đạn bọc đường” khi tiếp quản các vùng bị tạm chiếm. Trong tình thế đất nước còn bị tạm thời chia cắt, quân đội với vai trò bảo vệ miền Bắc, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh đã sớm nhìn ra nhu cầu trang bị lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng, chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho cán bộ quân đội. Sau khi Trường Bổ túc Chính trị trung - cao cấp được thành lập (5-1955) cùng Trường Bổ túc Quân sự, tháng 6-1956, Trường Lý luận Chính trị trực thuộc TCCT được thành lập, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp làm giám đốc. Trước khi sang phụ trách nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho quân đội hai lớp chuyên tu về triết học và kinh tế chính trị trong quân sự. Vào chiến trường miền Nam trên cương vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam, vấn đề nổi cộm phải giải quyết lúc đó là “dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Với phong cách “miệng nói tay làm”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bám sát thực tiễn chiến trường, phát động phong trào thi đua “Bám thắt lưng địch mà đánh ”, “Tìm Mỹ mà diệt”. Kết quả, quân và dân miền Nam đã lần lượt đánh bại các hình thức chiến tranh tân kỳ của địch, thúc đẩy toàn chiến trường dũng cảm tiến lên, giành thắng lợi trong hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. “Mười bài học đánh Mỹ” do Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn- Gia Định tổng kết từ thực tiễn đánh Mỹ ở Củ Chi là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Chính ủy Quân Giải phóng - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta càng thấy sâu sắc những cống hiến của đồng chí trong lĩnh vực xây dựng nền chính trị–quân sự cho quân đội, thể hiện xuất sắc trên cả ba phương diện:
- Chú trọng tổng kết thực tiễn, rút ra phương châm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, hướng những hoạt động lãnh đạo chính trị trong quân đội phát triển đúng quy luật, tránh được những sai lầm, vấp váp không đáng có.
- Mở những khóa học, những cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân chính trị dài ngày, kết hợp với xây dựng, củng cố tổ chức lãnh đạo – chỉ huy và tổ chức quần chúng trong quân đội; xây dựng cơ sở chính trị - tinh thần vững chắc, là yếu tố hàng đầu quyết định thắng lợi của quân đội nhân dân.
- Sớm triển khai việc trang bị lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề cách mạng, chiến tranh cách mạng và xây dựng các lưc lượng vũ trang nhân dân, tạo nên một đội ngũ giảng viên lý luận và nghiên cứu lý luận chính trị-quân sự có trình độ cao trong quân đội, góp phần đắc lực quán triệt và bảo vệ đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng, được dư luận xã hội thừa nhận và tin cậy.
Cùng với sự biết ơn chung về những công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với cách mạng Việt Nam, cán bộ quân đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chính trị hiện nay, ghi sâu công lao và học tập tấm gương sáng ngời của đồng chí trong lĩnh vực xây dựng nền lý luận chính trị –quân sự, góp phần xây dựng quân đội ta cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ
 

Ý kiến bạn đọc (0)