QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:39 (GMT+7)
Đại đoàn kết toàn dân tộc - nền tảng sức mạnh xây dựng và củng cố chính quyền Nhà nước cách mạng
Đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó được phát triển lên một tầm cao mới về chất, trở thành quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta trong giai đoạn lịch sử mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống đó của dân tộc, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu trong kháng chiến chống thực dân đế quốc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa cách mạng nước ta đến thành công, giành độc lập cho dân tộc.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là một sự biến đổi vĩ đại trong lịch sử nước ta, từ chế độ nô lệ thuộc địa bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Nhưng, đây cũng là thời kỳ nước Việt Nam mới gặp phải những khó khăn, thử thách cực kỳ to lớn. Thù trong, giặc ngoài tìm mọi cách chống lại chính quyền nhân dân và phá hoại thành quả cách mạng. Về mặt quốc tế, Việt Nam lúc đó ở vào một tình thế không thuận lợi, nằm trong phạm vi tiếp quản của các nước đế quốc mang danh nghĩa Đồng Minh; hệ thống các nước XHCN mới hình thành và ở xa; cách mạng Trung Quốc chưa thắng lợi hoàn toàn; phong trào giải phóng dân tộc ở các nước xung quanh chưa phát triển mạnh... Nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân ta phải một mình đương đầu với các thế lực phản động quốc tế quyết tâm tiêu diệt Nhà nước non trẻ của mình. Trong khi đó, tình hình trong nước càng khó khăn, phức tạp. Những chính sách bóc lột của Pháp, Nhật và tác hại của cuộc chiến tranh đế quốc để lại cho nhân dân ta những hậu quả hết sức nặng nề. Sức sản xuất mọi mặt bị phá hoại nghiêm trọng. Di chứng của nạn đói, nạn lụt năm 1945 còn âm ỉ. Các xí nghiệp, hầm mỏ ngừng sản xuất hoặc hoạt động thoi thóp. Việc buôn bán với nước ngoài bị đình trệ. Tình hình tài chính hết sức nghiêm trọng, ngân khố hầu như trống rỗng. Ngân hàng Đông Dương vẫn do thực dân Pháp nắm và chúng lợi dụng tình thế đó để gây trở ngại cho hoạt động của Chính phủ Việt Nam. Trước những khó khăn chồng chất và trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” ấy, nhân dân ta vẫn trước sau tin tưởng sắt đá vào chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, đại đoàn kết toàn dân  tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng là một trong những nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh để giành chính quyền, thì nay một lần nữa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách trong nhiệm vụ củng cố và bảo vệ chính quyền Nhà nước cách mạng  non trẻ. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3-9-1945) và các cuộc họp của Ban thường vụ Trung ương Đảng tiếp sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những nhiệm vụ cấp bách: phát động tăng gia sản xuất chống nạn đói; mở phong trào chống mù chữ, diệt giặc dốt; xây dựng chính quyền nhân dân, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội; vũ trang toàn dân và xây dựng quân đội nhân dân; động viên, tổ chức nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất; đặt luật lao động, thực hiện giảm tô tức, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; xây dựng văn hóa mới; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết... Tất cả những nhiệm vụ ấy đều nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của toàn dân, phát triển thực lực cách mạng để đối phó với thù trong, giặc ngoài.
Phát động phong trào toàn dân đoàn kết chống giặc đói, giặc dốt, xây dựng nền văn hóa mới. Đây là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước nhằm kịp thời giải quyết vấn đề hệ trọng, bức xúc trong thời gian này. Phong trào được phát động sâu rộng đã động viên  mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân khắc phục mọi khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng” và qua đó đẩy lùi nạn đói. Đồng thời với đó, Nhà nước dân chủ nhân dân tiến hành xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi của thực dân phong kiến, giành quyền làm chủ về tài nguyên, hầm mỏ, ngoại thương, thuế quan. Giấy bạc Cụ Hồ ra đời tượng trưng cho nền kinh tế độc lập của đất nước. Một loạt biện pháp nhằm bước đầu cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân được thi hành: giảm tô, xóa bỏ các món nợ lâu đời ở nông thôn, ban hành chế độ lao động... Dựa trên khả năng tiềm tàng, to lớn và nỗ lực phi thường của toàn dân quyết tâm xây dựng đất nước mình, chính quyền cách mạng đã dần dần giải quyết thắng lợi những khó khăn về kinh tế. Song song với đó, chỉ một tuần sau Lễ Độc lập, Nha Bình dân học vụ được thành lập để “trông coi việc học tập của nhân dân”. Phong trào chống nạn mù chữ, học chữ quốc ngữ phát triển sôi nổi từ thành thị dến nông thôn. Các lớp học bình dân lôi cuốn mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia. Và chỉ hơn một năm sau ngày đất nước được độc lập, hai triệu người đã biết đọc, biết viết. Cùng với giáo dục, văn hóa cũng phát triển. Hội Văn hóa cứu quốc mở rộng hàng ngũ và đẩy mạnh các hoạt động trong các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, văn học, nghệ thuật. Uỷ ban Vận động đời sống mới ra đời nhằm mục đích giáo dục những tư tưởng, tình cảm và nếp sống của chế độ mới. Nhờ đó trong một thời gian ngắn, văn hóa mới đã loại trừ dần ra khỏi đời sống nhân dân những tư tưởng, tập quán xấu do chế độ xã hội cũ để lại.
 Phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm tăng cường củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Hồ Chí Minh là người đặt nền móng để xây dựng chính quyền dân chủ mới ở nước ta. Điều quan tâm hàng đầu của Người sau ngày nước nhà giành được độc lập là làm sao xây dựng cho được một nhà nước dân chủ để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Do vậy, ngày 8-9-1945, Người ra sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước. Nhằm hạn chế khả năng chống phá của bọn phản động trong nước, điển hình là hai đảng Việt quốc, Việt cách, đảm bảo cho cuộc tổng tuyển cử thành công, ngày 1-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời được thành lập có sự tham gia của hai đảng trên, với điều kiện “Chính phủ này phải tổ chức tốt Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập quốc dân đại hội". Ngày 6-1-1946, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, không kể già trẻ, trai gái, từ 18 tuổi trở lên nô nức đi bỏ phiếu. Đây là cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó có ý nghĩa một cuộc động viên chính trị sâu rộng, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền cách mạng. Sau Tổng tuyển cử, Quốc hội đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946. Để nhân dân thực sự coi chính quyền cách mạng là của mình, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, xây dựng phẩm chất cách mạng cho cán bộ chính  quyền. Người chỉ ra những khuyết điểm mà một số cán bộ các cấp chính quyền mắc phải, vạch rõ những tác hại nghiêm trọng và nhắc nhở phải kịp thời sửa chữa. Người khuyên mọi người phải hết sức làm việc gì có lợi cho dân, phải hết sức tránh làm việc gì có hại cho dân. Để quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, quyền lực của chính quyền được đảm bảo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào ba yếu tố: phải có hiến pháp thích hợp với sự phát triển của chế độ, bảo đảm được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân; phải có luật pháp thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền dân chủ tự do rộng rãi cho nhân dân lao động; phải có một bộ máy chính quyền có năng lực, tinh giản, nhạy bén với những người có trình độ và phẩm chất. Những biện pháp toàn diện và kịp thời của Chính phủ, thể hiện sự đúng đắn trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng sâu xa của nhân dân, phản ánh tính ưu việt của chế độ mới, đã được toàn dân đồng tình, ủng hộ. Chính quyền cách mạng, do đó được củng cố và giữ vững. Nhờ đó mà trải qua tiến trình cách mạng đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết xung quanh Đảng, Nhà nước, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng đất nước, tạo nên sức mạnh nội lực của cả dân tộc đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH.
Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày nay, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần đổi mới, tin cậy lẫn nhau với sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội; dựa trên mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên cơ sở điểm tương đồng ấy, tôn trọng những ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích của dân tộc. Đó là một đặc thù của đại đoàn kết toàn dân tộc và thể hiện tính nhân văn cao quý của dân tộc ta. Đảng ta luôn xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Vì vậy, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân lãnh đạo. Thực hiện đoàn kết thông qua nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, trong đó vấn đề quan trọng là trên cơ sở đổi mới toàn diện đất nước, tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhà nước thực hiện quản lý đất nước bằng hệ thống pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà nước trong sạch, vững mạnh là một yếu tố cực kỳ quan trọng để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Đảng cần tiếp tục đề ra những chủ trương cụ thể nhằm đưa đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc vào cuộc sống, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân như: công nhân, nông dân, trí thức, chủ doanh nghiệp, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo, kiều bào ta ở nước ngoài... Mỗi tầng lớp trong xã hội ta có yêu cầu và nguyện vọng riêng, Đảng, Nhà nước có chủ trương cụ thể sát với từng tầng lớp, nhằm đoàn kết, động viên mọi nguồn lực thật rộng rãi của mọi người Việt Nam yêu nước trong công cuộc phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương đối với mọi giai tầng, là nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng, hợp pháp của mọi giai tầng, kết hợp hài hòa lợi ích chung của đất nước với lợi ích riêng, kết hợp lợi ích của mỗi cá nhân, của tập thể và lợi ích của xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân sẽ có bước phát triển mới (trên cơ sở vững chắc của việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc), đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.
 
Hà Thành
           
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,  Nxb CTQG, H.2006, tr 40,41.

 

Ý kiến bạn đọc (0)