QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:01 (GMT+7)
Đặc điểm về tổ chức tổ hợp công nghiệp quốc phòng của một số nước

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (THCNQP) có vị trí, vai trò quan trọng trong nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung. Trên thế giới hiện có một số hình thức tổ chức THCNQP tiêu biểu. Đó là, THCNQP Mỹ, điển hình của quốc gia tư bản công nghiệp phát triển cao, có nền kinh tế thị trường; trong đó, các tập đoàn công nghiệp tư nhân giữ vai trò chủ yếu. THCNQP Pháp, điển hình cho một quốc gia tư bản công nghiệp có nền kinh tế thị trường; trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng. THCNQP I-xra-en, điển hình cho một quốc gia có sự giúp đỡ của Mỹ nhưng vẫn độc lập, tự chủ xây dựng nền CNQP sáng tạo, có trình độ phát triển cao. THCNQP Nhật Bản, điển hình cho một quốc gia tư bản công nghiệp phát triển cao, có cơ sở công nghệ lưỡng dụng phát triển nhất thế giới. THCNQP Ấn Độ, điển hình cho một quốc gia đang phát triển có định hướng đa phương hoá trong hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước, trong đó Nhà nước có vai trò rất lớn. THCNQP Hàn Quốc, điển hình cho các nước công nghiệp mới áp dụng thành công mô hình của Mỹ. THCNQP Nga, điển hình cho nền kinh tế chuyển đổi, trong đó vẫn duy trì vai trò quản lý của Nhà nước. THCNQP Trung Quốc đã từng đi theo mô hình THCNQP của Liên Xô trước đây và nay đang đi theo mô hình kinh tế chuyển đổi. THCNQP In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, điển hình cho các nước Đông Nam Á... Qua các mô hình này, bước đầu rút ra một số đặc điểm về tổ chức THCNQP sau:

Một là, THCNQP là một hiện tượng phổ biến. THCNQP là một thực thể kinh tế- xã hội ra đời đầu tiên ở Anh và Pháp trong những năm 1880-1890 (thời kỳ khai sinh cuộc cách mạng công nghiệp), sau đó phát triển mạnh trong nửa đầu thế kỷ XX và đến nay đã trở thành hiện tượng phổ biến. Thời kỳ “chiến tranh lạnh”, xuất phát từ cuộc đối đầu về ý thức hệ, có hai luồng tư tưởng về THCNQP. Các nhà nghiên cứu lý luận của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, coi THCNQP là một hiện tượng phổ biến. Còn giới nghiên cứu lý luận ở Liên Xô cho rằng, ở Liên Xô không có THCNQP. Trên thực tế, tổ chức ngành CNQP của Liên Xô và Trung Quốc thời kỳ đó đã hàm chứa các thành phần cơ bản của THCNQP, đã từng phát huy năng lực và hiệu quả to lớn, cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ đất nước và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế quốc dân. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường;Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa, thì khái niệm THCNQP đã được sử dụng phổ biến trong các văn kiện chính thức ở các quốc gia này. Cũng như nhiều nước khác, Nga, Trung Quốc đều xây dựng và phát triển CNQP theo mô hình THCNQP. Như vậy, trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, THCNQP đã trở thành một hiện tượng phổ biến. 

Hai là, THCNQP có mô hình rất đa dạng. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là chiến lược phát triển vũ khí, trang bị, thể chế kinh tế và mục tiêu chính trị- quân sự, mỗi nước có cách thức tổ chức THCNQP phù hợp.  Có thể khái quát ba mô hình chủ yếu: 1- Mô hình THCNQP dựa trên nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung được xây dựng ở Liên Xô trước đây (nghiên cứu chế tạo vũ khí), trang bị và quản lý sản xuất theo cơ chế mệnh lệnh-hành chính). Đi theo mô hình này có ngành CNQP Trung Quốc trước đây, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và một số nước Đông Âu. 2- Mô hình THCNQP của Mỹ dựa trên cơ sở phát triển công nghệ trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị và quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường thông qua hợp đồng kinh tế. Đi theo mô hình này, có nhiều nước công nghiệp tư bản khác, như: Pháp, Anh và các nước công nghiệp mới. 3- Mô hình THCNQP chuyển đổi dựa trên cơ sở cơ chế của nền kinh tế chuyển đổi, trong đó kết hợp cơ chế quản lý kế hoạch hoá- tập trung với cơ chế thị trường. Đi theo mô hình này có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Ba là, mục tiêu hàng đầu xây dựng và phát triển THCNQP là nghiên cứu phát triển và chế tạo vũ khí, trang bị để trang bị cho quân đội và xuất khẩu; đồng thời, tham gia sản xuất các mặt hàng dân dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc dân. Như vậy, THCNQP liên quan đến tiềm lực, sức mạnh quốc phòng; hay nói cách khác, là đến sự an nguy và thịnh vượng của quốc gia. Do đó, mục tiêu xây dựng và phát triển THCNQP phụ thuộc vào mục tiêu đề ra trong các chiến lược phát triển quốc gia, như Chiến lược an ninh quốc gia (Mỹ, Nga và một số nước khác); Chiến lược phát triển quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (Nga, Trung Quốc,...); Chiến lược đối ngoại (tất cả các nước); Chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự (tất cả các nước) và một số chiến lược chuyên ngành khác.

Bốn là, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý THCNQP phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, thế chế kinh tế và chính trị của từng quốc gia, nhưng đều có các thành phần không thể thiếu là: các cơ quan lập pháp (Quốc hội) có chức năng thể chế hoá ngân sách, kế hoạch, chương trình hoạt động của THCNQP; các cơ quan hành pháp (Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ liên quan) có chức năng quản lý, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, ngân sách đã được các cơ quan lập pháp phê chuẩn; giới công nghiệp (các tập đoàn, công ty, hãng, xí nghiệp,...) là đơn vị cơ sở thực hiện các nhiệm vụ đề ra cho THCNQP; các tổ chức nghiên cứu và phát triển (các viện nghiên cứu khoa học-công nghệ, các văn phòng thiết kế,...) có chức năng dự báo, lập kế hoạch và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, thiết kế, thử nghiệm vũ khí, trang bị và công nghệ mới; giới quân sự có chức năng và nhiệm vụ đề ra các yêu cầu về chiến - kỹ thuật của vũ khí, trang bị để THCNQP nghiên cứu và phát triển, tiến hành thử nghiệm, khai thác, sử dụng các phương tiện đó và cung cấp thông tin phản hồi về tính năng của vũ khí, trang bị để THCNQP cải tiến, nâng cấp hoặc phát triển thế hệ và chủng loại mới.

Cơ chế quản lý THCNQP rất đa dạng, tuỳ thuộc vào cơ chế quản lý kinh tế, thể chế chính trị, vai trò và vị trí của các thành phần kinh tế (nhà nước, tập thể và tư nhân). Tuy nhiên, dù áp dụng cơ chế quản lý nào thì nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý THCNQP; bởi đây là một lĩnh vực đặc thù liên quan đến an ninh đất nước và sự hưng thịnh của quốc gia.

Năm là, kết hợp quốc phòng với kinh tế vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của THCNQP hiện đại. Dù xây dựng và phát triển theo mô hình nào, THCNQP vẫn là một thành phần đặc biệt quan trọng trong tiềm lực kinh tế quốc gia, đều có chức năng và nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế do chính bản chất của quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị. Đây là quy luật chung trong nền kinh tế quân sự của tất cả các nước, không phân biệt đó là nước tư bản công nghiệp hàng đầu thế giới và là cường quốc quân sự như Mỹ hay các nước đang phát triển. Do đó, mỗi nước có chủ trương chiến lược khác nhau trong tổ chức THCNQP để xử lý mối quan hệ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Sáu là, xu hướng toàn cầu hoá một số lĩnh vực của CNQP. Quá trình toàn cầu hoá hiện nay lan sang cả lĩnh vực CNQP, thể hiện ở một số mặt chủ yếu sau: Thứ nhất, toàn cầu hoá thị trường một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, dưới tác động của sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ quân sự, một số loại vũ khí, trang bị vừa dư thừa, vừa bị lạc hậu, tạo ra thị trường một số loại vũ khí vừa rẻ, vừa có trình độ cộng nghệ từ trung bình đến cao. Để cạnh tranh, cùng với xuất khẩu vũ khí, các hãng sản xuất còn chuyển nhượng bản quyền, bàn giao bí quyết một số loại công nghệ; nhờ đó, ngày càng nhiều nước đang phát triển tìm cách tận dụng cơ hội, điều kiện thuận lợi đó để xây dựng nền CNQP nội địa. Thứ hai, toàn cầu hoá sản xuất quốc phòng. Trước đây, các nước có nền CNQP mạnh cho rằng độc quyền các hệ vũ khí công nghệ cao là một lợi thế chiến lược quan trọng. Ngày nay, việc phổ biến bí quyết công nghệ sản xuất một số loại vũ khí ngày càng được nhiều nước coi là một xu hướng chung thu lợi nhuận cao. Thứ ba, toàn cầu hoá quá trình lưỡng dụng công nghệ. Do thị trường quân sự ngày càng thu nhỏ, trong khi thị trường dân dụng không ngừng mở rộng, nên trong tổ chức THCNQP, các nước đều chú ý nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng để vừa sản xuất vũ khí, trang bị, vừa sản xuất hàng dân dụng. Để phát triển, các hãng CNQP đang cải tiến cách tổ chức nghiên cứu phát triển và sản xuất; đồng thời, thay đổi cách điều hành các mối quan hệ giữa các ngành dân dụng và quân sự. Trên phạm vi quốc tế, các nước và các hãng hàng đầu về công nghệ dân dụng có thể giành được lợi thế cạnh tranh trên các thị trường quân sự. Thứ tư, toàn cầu hoá chuyển giao công nghệ quân sự. Chuyển giao công nghệ quân sự đang trở thành hiện tượng phổ biến trên toàn cầu. Các nước không chỉ mua sắm vũ khí mà còn mua giấy phép sản xuất một số loại vũ khí; trao đổi tài liệu khoa học-kỹ thuật; trao đổi huấn luyện và hợp tác giữa các hãng, v.v.

Bảy là, nghiên cứu và phát triển ngày càng có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển THCNQP. Ngày nay, ngân sách quốc phòng của nhiều nước có xu hướng cắt giảm, nhưng tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển vẫn không ngừng tăng, vì đây là nguồn gốc sản sinh ra công nghệ mới, có vai trò và vị trí then chốt tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong thời kỳ hậu công nghiệp. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong THCNQP đều có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, kết hợp giữa nhà nước với tư nhân, trong đó đầu tư của nhà nước đang có xu hướng giảm dần, còn tỷ trọng phần đầu tư của các công ty và các hãng công nghiệp có xu hướng tăng. Định hướng nghiên cứu và phát triển ở các nước cũng khác nhau, tuỳ thuộc vào mục tiêu của chiến lược phát triển của từng quốc gia. Thí dụ, định hướng tự bảo đảm vũ khí, trang bị cho quân đội; định hướng giành ưu thế quân sự; định hướng nội địa hoá; định hướng xuất khẩu, v.v.

Tám là, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNQP. Đây là xu thế phát triển tất yếu ở tất cả các quốc gia, kể cả ở các cường quốc công nghiệp quốc phòng, như: Mỹ, Pháp, Anh và Nga. Nội dung hợp tác cũng đa dạng: hợp tác nghiên cứu và phát triển vũ khí, trang bị; hợp tác chuyển giao công nghệ; hợp tác cùng chế tạo, hợp tác giữa tư nhân với nhà nước; giữa nhà nước với nhà nước. Trong hợp tác, các nước rất chú trọng giữ vững độc lập, tự chủ, tránh bị rơi vào các "bẫy công nghệ", tránh bị lệ thuộc công nghệ; tăng cường công tác bảo mật, giữ gìn bí mật quân sự, quốc phòng, giữ gìn và bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản trong xây dựng và phát triển THCNQP, cần nghiên cứu tham khảo để xây dựng ngành CNQP nước ta trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng, đầy đủ hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)