QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:04 (GMT+7)
Đặc điểm và xu hướng xây dựng sức mạnh quốc phòng của một số nước

Mặc dù dòng chính của thế giới, của thời đại ngày nay là hoà bình, hợp tác và phát triển, nhưng hầu hết các nước vẫn đều không ngừng chăm lo xây dựng sức mạnh quốc phòng (SMQP) của mình.

Đặc điểm chung của việc xây dựng SMQP của nhiều nước trên thế giới ngày nay là để đối phó với những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ; và không chỉ để thực hiện mục tiêu bảo vệ tổ quốc mà còn phục vụ nhiều mục tiêu chiến lược khác của quốc gia.
Nhìn chung, nền quốc phòng, an ninh quốc gia của các nước trên thế giới ngày nay đều dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá những thách thức và mối đe doạ đa dạng, phức tạp, khó lường. Các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đến từ nhiều mặt, nhiều chiều, cũ và mới, truyền thống và phi truyền thống. Các khái niệm bạn, thù, đối tượng, đối tác đan xen và có thể thay đổi trong từng thời điểm, từng lĩnh vực. Quan niệm “không có bạn, thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn” khá phổ biến. Những thay đổi trên đòi hỏi quân đội (nòng cốt của SMQP) các nước buộc phải thích ứng với môi trường an ninh ngày càng phức tạp. Quân đội không chỉ đối phó được với đối thủ cạnh tranh chiến lược còn phải đối phó được với những mối đe doạ an ninh phi quân sự hoặc lĩnh vực phi truyền thống. Đặc biệt sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, chủ nghĩa khủng bố quốc tế cùng với việc lợi dụng chống khủng bố để thực hiện chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền đã nổi lên. Điều đáng lưu ý là các mối đe doạ không phải chia đều cho các quốc gia, mức độ nghiêm trọng của các mối đe doạ không giống nhau trong các khu vực khác nhau của thế giới. Nếu như tất cả các quốc gia đều bị đe doạ bởi nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt thì đối với các nước đang phát triển, kém phát triển, đói nghèo và dịch bệnh được coi là mối đe doạ nghiêm trọng hơn, trong khi đối với các nước phát triển phương Tây lại là nguy cơ khủng bố là chủ yếu. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại thì nguy cơ “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch lại không thể xem nhẹ. Điều quan trọng là mỗi nước phải xác định đầy đủ, đúng mức, phải “xếp hạng” các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ nào là chủ yếu, thứ yếu, là trước mắt hay về lâu dài… để có phương sách xử lý phù hợp.
Xu hướng xây dựng SMQP của đa số các nước trên thế giới ngày nay   đều mang tính tổng hợp, bao gồm sức mạnh vật chất (sức mạnh “cứng”), sức mạnh tinh thần (sức mạnh “mềm”); kết hợp sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm”; kết hợp sức mạnh quân sự, với chính trị, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh trong nước với ngoài nước; sức mạnh truyền thống, lịch sử với thực tại, v.v. Điều đáng lưu ý nữa là, trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế như ngày nay, tất cả các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đều ít nhiều mang tính toàn cầu, đều liên quan chặt chẽ với nhau. Cho nên trong xây dựng SMQP ngày nay, các nước đều rất chú ý tranh thủ sức mạnh của quốc tế, của thời đại, tiến hành hợp tác song phương, đa phương, hợp tác khu vực và hợp tác toàn cầu; tham gia các khối liên minh, liên kết trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể về địa lý, chính trị, kinh tế, mục tiêu chiến lược… ở từng nước mà họ có những quan điểm, biện pháp, cách thức cụ thể xây dựng SMQP cụ thể khác nhau.
Nước Mỹ dưới thời chính quyền G.W.Bu-sơ xác định các nguy cơ: chủ nghĩa khủng bố; phổ biễn vũ khí huỷ diệt; các quốc gia “không lương thiện” phát triển vũ khí hạt nhân và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố; các nước có tiềm lực mạnh muốn tranh giành ảnh hưởng, vị thế của Mỹ…là các mối đe doạ chủ yếu, hàng đầu. Mục tiêu trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia của Mỹ không chỉ là bảo vệ nước Mỹ mà còn nhằm phục vụ chiến lược toàn cầu làm bá chủ thế giới, bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới.Với tiềm lực và thực lực lớn mạnh hàng đầu thế giới, Mỹ chủ trương xây dựng SMQP, nòng cốt là quân đội Mỹ có sức mạnh nhất thế giới, áp đảo mọi đối thủ. Đồng thời Mỹ đưa ra các học thuyết quân sự “cùng một lúc có thể tiến hành và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh cục bộ, công nghệ cao”; học thuyết “chiến tranh chống khủng bố”, “đánh đòn phủ đầu” vào các đối thủ, các tổ chức khủng bố, các quốc gia “bất trị” nằm trong “trục ác quỷ”. Cuộc chiến tranh I-rắc là một cuộc thử nghiệm toàn diện cho SMQP, thử nghiệm các học thuyết quân sự của Mỹ. Oa-sinh-tơn coi I-rắc là mối đe doạ cho nước Mỹ nên đã phát động chiến tranh chống nước này. Với sức mạnh quân sự áp đảo, chỉ trong vòng ba tuần lễ, Mỹ đã lật đổ chính quyền Xát-đam Hút-xen, chiếm đóng I-rắc. Nhưng đã hơn ba năm rồi, tình hình I-rắc vẫn rất căng thẳng, không ổn định, Mỹ bị sa lầy, “tiến thoái lưỡng nan”. Mỹ đã thừa nhận sai lầm về công tác tình báo cho rằng I-rắc có vũ khí huỷ diệt và ủng hộ khủng bố để lấy cở tiến công nước này. Nhưng sự thực không phải như vậy.  Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ đã phạm sai lầm trong việc xác định mối đe doạ đối với quốc phòng, an ninh của mình và đang phải chịu hậu quả nặng nề cho sai lầm đó. Qua đây, các nước có thể rút ra bài học kinh nghiệm: xác định đúng đắn các nguy cơ, thách thức và mối đe doạ là điều hết sức cần thiết và hệ trọng cho việc xác định đối tượng, đối tác, để xây dựng và tăng cường SMQP. Nếu xác định không đầy đủ hoặc không đúng đắn sẽ dẫn đến những sai lầm trong sử dụng SMQP, xây dựng quân đội và sai lầm trong phương hướng hành động quân sự. Về phía I-rắc, buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh này, bảo vệ tổ quốc. Nhưng I-rắc đã thất bại, sụp đổ nhanh chóng, điều này có rất nhiều nguyên nhân. Về góc độ xây dựng SMQP có thể thấy, I-rắc đã không xây dựng được SMQP trên nền tảng sức mạnh tổng hợp, không phát huy được ưu thế chính trị, tinh thần của nhân dân, không phát huy được sức mạnh của quốc tế, của thời đại, v.v. Có phát huy được SMQP một cách tổng hợp như vậy hay không, phát huy đến mức nào còn tuỳ thuộc vào bản chất của chế độ chính trị, vào phẩm chất, năng lực của giới cầm quyền các quốc gia.
Nước Nga đang xây dựng “Học thuyết quân sự mới”, một vấn đề then chốt của việc xây dựng SMQP. Theo báo “Độc lập” của Nga, thì học thuyết này do  một “Uỷ ban công tác đặc biệt” với sự tham gia của các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu và các nhân viên “Hội đồng an ninh” đã bí mật soạn thảo. Học thuyết này dự kiến sẽ ra đời vào năm 2007. Các học thuyết quân sự cũ của Nga ra đời vào các năm 1993 và 2002 chỉ bảo đảm an ninh quân sự cho Nga trong thời kỳ quá độ chuyển đổi chế độ chính trị ở Nga, nay không còn thích hợp với hoàn cảnh mới. Nhược điểm của các học thuyết cũ là chưa xác định đúng mức các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ, chưa xác định rõ ai là đồng minh, ai là kẻ thù trong những hoàn cảnh cụ thể. Nhược điểm lớn nhất của các học thuyết cũ là chúng đã “phá vỡ tính ưu tiên về mặt chính trị đối với các chiến lược quân sự và dành quá ít cho mảng đấu tranh chống khủng bố”. Học thuyết quân sự mới sẽ khắc phục được các nhược điểm của các học thuyết quân sự cũ, phải xác định được đầy đủ, đúng mức các mối đe doạ, nhất là chủ nghĩa khủng bố quốc tế; xác định mục tiêu chiến lược không chỉ bảo vệ nước Nga mà còn mang đậm dấu ấn của nước Nga mới đang trên con đường tái chinh phục vị trí siêu cường. Nga phải xác định rõ ai là đồng minh, ai là kẻ thù trong những hoàn cảnh cụ thể, nhất là trong cuộc “chiến” tranh giành ảnh hưởng địa - chính trị và lôi kéo các đồng minh. Việc nêu ra những đồng minh cụ thể của Nga trong những hoàn cảnh cụ thể, trong những hình thức chiến tranh khác nhau có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga có thể tham gia với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ và NATO trong hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và thanh lọc các chế độ độc tài bị quốc tế lên án. Nhưng mâu thuẫn chính là Mỹ và NATO lại là thế lực nặng ký của Nga trong cuộc “chiến” tranh giành vị thế ảnh hưởng và sắp xếp lại trật tự thế giới. Trong trường hợp cụ thể này, Nga cần phải xác định có thể liên minh với các chế độ dân chủ hay chuyên chế, và học thuyết quân sự mới cần phải ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia, kết hợp hài hoà luật pháp quốc tế, các vấn đề nhân đạo, và đặc biệt tận dụng các thời cơ.
Lịch sử đã chứng minh phần lớn các cuộc chiến tranh đều do tranh chấp các nguồn tài nguyên (nước Nga đang sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ, rõ ràng là đối tượng dễ bị nhòm ngó nhất). Có thể vì lợi ích trước mắt hoặc lâu dài, những người bạn hữu hảo hoặc vốn là đồng minh của Nga có thể quay lưng lại, trở thành kẻ thù của Nga. Học thuyết quân sự mới cần phải dựa vào những bài học của quá khứ và phải tính đến những thay đổi  bất kỳ của cục diện địa- chính trị nào. Kẻ thù hôm nay, ngày mai có thể trở thành bạn hữu và ngược lại. Học thuyết quân sự mới của Nga theo xu hướng: cố gắng vô hiệu hoá những mối đe doạ đối với các lợi ích của Nga, xây dựng sự hợp tác bình đẳng với tất cả các nước, không chỉ với các quốc gia láng giềng, bạn hữu cũ, mà cần phải củng cố và phát triển quan hệ với cả NATO, thiết lập với liên minh này một quan hệ ổn định, duy trì ổn định và hoà bình thế giới. Xây dựng quan hệ chặt chẽ với các quốc gia Hồi giáo để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố đội lốt tôn giáo.
Ô-xtrây-li-a xây dựng SMQP cũng xuất phát từ sự phân tích, đánh giá các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ và việc xác định các mục tiêu chiến lược lâu dài cũng như các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, xoay quanh các vấn đề này vẫn đang còn có tranh luận trong giới học thuật quân sự Ô-xtrây-li-a. Các “Sách trắng quốc phòng” của Ô-xtrây-li-a đưa ra vào các năm 2003 và 2005 đều nhấn mạnh “Môi trường chiến lược thế giới đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố, việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tình hình bất ổn tại các nước láng giềng đang tạo ra các nguy cơ mới đối với Ô-xtrây-li-a”. Về mục tiêu xây dựng SMQP, xây dựng quân đội không đơn thuần là bảo vệ lãnh thổ, mà còn là bảo vệ các “lợi ích, giá trị, con người” Ô-xtrây-li-a, và mục tiêu lâu dài là “mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài với tư cách là một nhân tố quyền lực quan trọng”, “đóng vai trò then chốt tại khu vực châu á - Thái Bình Dương”. Vì vậy, việc xây dựng SMQP nói chung, quân đội Ô-xtrây-li-a nói riêng phải nhằm vào các mục tiêu nêu trên, cụ thể là ưu tiên cho việc xây dựng các đơn vị quân viễn chinh, chống khủng bố, bảo đảm an ninh khu vực và tham gia các cuộc can thiệp của đồng minh. Những năm gần đây, Ô-xtrây-li-a đã góp quân tham dự các cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ ở áp-ga-ni-xtan, I-rắc; đưa quân can dự vào các cuộc xung đột ở các đảo quốc láng giềng phía Bắc như Xa-lô-mông, Pa-pua Niu Ghi-nê, Đông Ti-mo. Việc bảo vệ lãnh thổ Ô-xtrây-li-a được coi là không cấp bách và được đưa xuống hàng thứ yếu. Điều này xuất phát từ nhận định rằng, không một quốc gia nào trong khu vực lợi ích chiến lược của Ô-xtrây-li-a có các quan điểm thù địch, hoặc có khả năng tấn công Ô-xtrây-li-a bất ngờ.
Trong việc xây dựng SMQP để phục vụ các mục tiêu chiến lược của mình, Ô-xtrây-li-a rất chú trọng lợi dụng các sức mạnh từ bên ngoài, thông qua việc tham gia các tổ chức đồng minh, liên quân, liên kết, đối tác, hợp tác, v.v. Ô-xtrây-li-a là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, được Mỹ dành cho sự bảo trợ bằng chiếc ô hạt nhân, nhờ đó Ô-xtrây-li-a không phải xây dựng lực lượng hạt nhân cho riêng mình. Đổi lại, Ô-xtrây-li-a rất tích cực tham gia các cuộc chiến tranh của liên quân do Mỹ cầm đầu (trước kia đã từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, nay là chiến tranh áp-ga-ni-xtan, chiến tranh I-rắc). Báo chí Ô-xtrây-li-a gần đây cho biết, được sự khuyến khích của Mỹ, Ô-xtrây-li-a đang cân nhắc chủ trương gia nhập quan hệ đối tác đặc biệt với NATO nhằm nâng cao vị thế của mình tại khu vực và trên thế giới. Chủ trương này của Ô-xtrây-li-a cũng trùng hợp với chủ trương của Mỹ và NATO. Dưới sức ép của Mỹ, trong cuộc họp vào cuối tháng 4-2006 vừa rồi tại Xô-phi-a, thủ đô của Bun-ga-ri, các ngoại trưởng NATO  đã thảo luận về việc thiết lập quan hệ đối tác đặc biệt, còn có tên là “mở rộng mềm” với những quốc gia ven Thái Bình Dương, gồm Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực chất đây là sự tập họp các quốc gia đồng quan điểm, cùng theo mô hình dân chủ phương Tây và có lợi ích tương tự, qua đó chính thức đưa họ vào phạm vi ảnh hưởng của NATO trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cho nên xây dựng SMQP của Ô-xtrây-li-a lâu nay, như  ông Paul Dibb, cựu Thứ trưởng quốc phòng, giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ô-xtrây-li-a, Chủ tịch danh dự Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Đại học quốc gia Ô-xtrây-li-a đã viết bài về chính sách quốc phòng của Ô-xtrây-li-a đăng trên tờ “Thời đại” ngày 30-8-2006, có nhận xét rằng: “ Cách thức xây dựng SMQP của Ô-xtrây-li-a hiện nay có nhiều lúng túng và thiếu nhất quán. Quân đội Ô-xtrây-li-a không hoàn toàn được xây dựng theo hướng viễn chinh mà cũng chẳng tập trung vào việc bảo vệ Ô-xtrây-li-a và khu vực xung quanh… Có nhiều ý kiến cho rằng Ô-xtrây-li-a cần tăng cường sử dụng quân đội trong chiến lược can dự trên thế giới, trong bối cảnh không có các nguy cơ quân sự trực tiếp và rõ ràng đối với Ô-xtrây-li-a, quan điểm này không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, việc xây dựng lực lượng viễn chinh cần được tiến hành sao cho không làm giảm sút khả năng bảo vệ lãnh thổ Ô-xtrây-li-a”.
Qua một vài đặc điểm và xu hướng xây dựng SMQP ở một số nước nêu trên, có thể thấy rằng: cùng với việc xác định đầy đủ, đúng mức các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ với từng quốc gia, thì việc xác định mục tiêu xây dựng SMQP sao cho đúng mức, chính xác cũng là hết sức quan trọng. Xác định mục tiêu không đúng thì phương hướng đầu tư, hành động xây dựng SMQP nói chung, hành động quân sự nói riêng sẽ sai lầm, không hiệu quả, thậm chí thất bại. Ngoài mục tiêu bảo vệ tổ quốc, những mục tiêu chiến lược và mục tiêu cụ thể khác trong xây dựng SMQP phải “lượng sức mà làm”, nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường.
 
Nguyễn Trung
 

Ý kiến bạn đọc (0)