Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:13 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991) đã xác định nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta…”. Thực tiễn gần 20 năm qua cho thấy, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có sự biến động, phát triển nhiều mặt, nhưng những định hướng cơ bản đó vẫn giữ nguyên giá trị và đã trở thành nội dung xuyên suốt trong quan điểm, đường lối về QP-AN của Đảng; đồng thời, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.
Thực hiện và phát triển Cương lĩnh 1991, Đảng ta khẳng định: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, chúng ta phải nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, trong đó LLVT làm nòng cốt. Đồng thời, xác định rõ BVTQ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của đất nước, bao gồm sức mạnh về chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội, QP-AN và đối ngoại... Tuy nhiên, sức mạnh đó được biểu hiện tập trung ở nền QPTD, chiến tranh nhân dân (CTND), mà nòng cốt là LLVT. Vì thế, để nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLVT, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp, mọi nguồn lực, tiềm năng của đất nước, cả vật chất và tinh thần, cả dân tộc và thời đại, cả truyền thống và hiện tại...Trong đó, xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh và phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam là hai yếu tố trực tiếp, quan trọng nhất.
Thực hiện định hướng của Cương lĩnh 1991: “Xây dựng LLVT nhân dân với số quân thường trực thích hợp theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, có sức chiến đấu cao. Phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự CTND trong hoàn cảnh mới”, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật, nhằm cụ thể hóa và phát triển Cương lĩnh. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành đã từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt là, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT và sự nghiệp QP-AN là nhân tố quyết định bản chất cách mạng của LLVT, xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện. Công tác chính trị, tư tưởng đã tập trung xây dựng cho LLVT có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ cán bộ là nhân tố quyết định sức mạnh của LLVT, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục, đào tạo cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có trình độ lý luận quân sự, kiến thức chuyên môn ngày càng cao, có năng lực chỉ huy và tổ chức hoạt động thực tiễn tốt, thực sự là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng trong xây dựng LLVT.
Để tổ chức LLVT phù hợp với điều kiện thời bình, theo tinh thần của Cương lĩnh 1991, chúng ta đã từng bước điều chỉnh, giảm quân số của lực lượng thường trực, tăng cường xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Do vậy, mặc dù số quân thường trực giảm, nhưng sức mạnh của LLVT vẫn được bảo đảm. Lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có số lượng hợp lý “gọn, mạnh”. Lực lượng DBĐV được xây dựng “hùng hậu”, có tổ chức chặt chẽ từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý nguồn đến công tác huấn luyện, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực mở rộng khi cần thiết. Cùng với xây dựng quân đội, lực lượng dân quân, tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng chính trị ngày càng cao, trở thành một lực lượng chiến lược cả trong chiến tranh và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong thời bình.
Nhằm nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của quân đội, ngày 22-6-1999, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị 917/1999/CT-QPVề xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD). Sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước phát triển mới đồng đều, vững chắc ở các đơn vị trong toàn quân. Công tác huấn luyện được đổi mới toàn diện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; trong đó, lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm; chú trọng nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, rèn luyện khả năng cơ động cao, tác chiến liên tục, dài ngày trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập có bắn đạn thật, hội thi, hội thao, kiểm tra, phúc tra được chỉ đạo sát sao, tổ chức chặt chẽ, đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các cuộc diễn tập thực nghiệm phục vụ các đề tài nghiên cứu khoa học được tổ chức tốt, đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, nâng cao trình độ lý luận, công tác chỉ huy tham mưu cho người chỉ huy và cơ quan các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện mới.
Quán triệt và thực hiện Chỉ lệnh SSCĐ số 1662/CL-BQP (được thay thế bằng Chỉ lệnh số 82/CL-BQP về SSCĐ đối với quân đội và dân quân, tự vệ), Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng hệ thống văn kiện chuyển trạng thái SSCĐ thành mẫu biểu thống nhất trong toàn quân; hằng năm, tổ chức luyện tập và áp dụng kiểm tra SSCĐ ở các đơn vị. Theo đó, công tác huấn luyện SSCĐ được đổi mới cả về nội dung và tổ chức, phương pháp. Đặc biệt là, quyết tâm, phương án, kế hoạch tác chiến trên các hướng, địa bàn chiến lược theo yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ đã thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Sau 20 năm triển khai thực hiện chủ trương chiến lược xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng; KVPT đã thực sự trở thành nền tảng, chỗ dựa vững chắc, góp phần nâng cao khả năng tác chiến của LLVT.
Quán triệt và thực hiện Cương lĩnh 1991 “Phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự CTND trong hoàn cảnh mới”, chúng ta đã tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự (cả khoa học nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự), nên đã đạt được kết quả quan trọng. Đặc biệt là, xây dựng nền QPTD vững mạnh và nghiên cứu, từng bước hoàn chỉnh phương thức tiến hành CTND. Chú trọng kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam trong điều kiện phải tiến hành chiến tranh BVTQ mà địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tổ chức tốt công tác tổng kết nghệ thuật quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước; nghiên cứu nghệ thuật chỉ đạo CTND, nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong chiến tranh BVTQ. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ tham mưu chiến lược, chiến dịch, tổ chức chỉ huy, điều hành tác chiến của các cấp trong việc tổ chức cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy LLVT làm nòng cốt. Đẩy mạnh nghiên cứu nghệ thuật tác chiến đánh địch tiến công trên cả ba môi trường không-bộ-biển. Tập trung rèn luyện tư duy xem xét, phân tích tổng hợp, đánh giá tình hình của người chỉ huy và cơ quan; phát triển nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, lấy vũ khí, trang bị chưa hiện đại đánh thắng kẻ thù có vũ khí, trang bị (VKTB) hiện đại hơn.
Để góp phần nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLVT, những năm qua, công tác hậu cần, kỹ thuật có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức tổ chức bảo đảm. Các đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy định về dự trữ SSCĐ theo tinh thần Chỉ thị 38/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng; thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần theo quyết tâm và phương án tác chiến, với phương châm lấy bảo đảm tại chỗ và theo khu vực là chính. Công tác kỹ thuật tập trung tạo chuyển biến mới về bảo đảm VKTB kỹ thuật; nâng cao chất lượng sửa chữa, cải tiến phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Chú trọng điều chuyển lượng dự trữ VKTB kỹ thuật, bảo đảm cân đối, phù hợp trên từng vùng, từng khu vực. Việc mua sắm VKTB được chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm thiết thực, phù hợp với yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới; trong đó, tập trung ưu tiên cho lực lượng Hải quân, Không quân và một phần lục quân... Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, nâng cấp VKTB hiện có và tiến tới đủ khả năng sản xuất VKTB tương đối hiện đại và hiện đại, góp phần nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLVT.
Thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta diễn ra trong hoàn cảnh quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường,“biến đổi to lớn và sâu sắc”như Cương lĩnh đã nhận định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá toàn diện cách mạng nước ta; đồng thời, chúng sẵn sàng sử dụng vũ trang xâm lược khi có thời cơ. Chiến tranh xâm lược của kẻ địch (nếu xảy ra) đối với nước ta sẽ dựa trên những thành tựu khoa học - công nghệ quân sự mới, chủ yếu là vũ khí công nghệ cao, với phương thức và nhiều thủ đoạn tác chiến mới. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLVT, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, xây dựng nền QPTD, LLVT nhân dân vững mạnh; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi lẽ, điều quan trọng đối với chúng ta là phải đánh địch theo cách đánh của ta, đánh bằng mưu kế, thế trận của CTND Việt Nam. Muốn vậy, phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; nhất là quan điểm xây dựng nền QPTD, CTND; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước đối với sự nghiệp QP-AN và LLVT nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường sức mạnh QP-AN, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tạo điều kiện nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLVT. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cùng với xây dựng bộ đội có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, cần chú trọng xây dựng lòng tin vào vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam, cũng như niềm tin vào khả năng đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế của quân đội, bảo đảm tỷ lệ phù hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV, giữa bộ binh với các quân chủng, binh chủng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đổi mới công tác tổ chức, nâng cao chất lượng quân DBĐV (tuổi đời, trình độ chuyên môn, sức khỏe, phương pháp tạo nguồn, tổ chức huấn luyện, động viên...); nhất là tạo nguồn, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan DBĐV làm nòng cốt, tạo bước phát triển mới về trình độ và khả năng tác chiến của lực lượng này.
Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác huấn luyện chiến đấu, từ chỉ đạo, điều hành, nội dung, tổ chức, phương pháp đến công tác bảo đảm cơ sở vật chất. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với SSCĐ; thường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ SSCĐ ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị. Chú trọng nâng cao chất lượng diễn tập, gắn diễn tập với luyện tập các phương án, kế hoạch tác chiến chống chiến tranh xâm lược trên các hướng, các địa bàn chiến lược. Trong điều kiện KVPT địa phương được xây dựng ngày càng vững chắc, cần nâng cao trình độ, khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị chủ lực với LLVT địa phương trong KVPT, hình thành thế trận vững chắc, rộng khắp, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong các tình huống chống chiến tranh xâm lược, vừa sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Trung tướng PHẠM NGỌC KHÓA
Cục trưởng Cục Tác chiến
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011