Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:55 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh (QP-AN), QP-AN với kinh tế là quan điểm, chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh 1991 của Đảng đã xác định: “Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của QP-AN. Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đi đôi với tăng cường tiềm lực QP-AN. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong các kế hoạch phát triển KT-XH. Từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng bảo đảm cho các lực lượng vũ trang…”1. Như vậy, nội dung trong Cương lĩnh đã phản ánh đúng quy luật khách quan và được Đảng ta tổng kết qua quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, Đảng ta khẳng định sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trong các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN. KT-XH và QP-AN là hai lĩnh vực khác nhau, có những đặc điểm và quy luật hoạt động riêng, nhưng giữa chúng cũng có mối quan hệ biện chứng, gắn kết với nhau, trong đó sự ổn định, phát triển KT-XH là cơ sở để tăng cường tiềm lực QP-AN; ngược lại, QP-AN được củng cố vững chắc là yếu tố, điều kiện bảo đảm cho KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Về nội dung và phương thức kết hợp cũng được Đảng ta vận dụng cụ thể trong xây dựng các kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước qua từng thời kỳ. Cương lĩnh còn nhấn mạnh, sự kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng phải nhằm từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng để đảm bảo vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang.
Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh, sự gắn kết giữa KT-XH với QP-AN đã được thực hiện qua hai kỳ chiến lược phát triển KT-XH của đất nước (lần thứ nhất từ 1991-2000, lần thứ hai từ 2001-2010). Nhìn lại quá trình thực hiện các chiến lược, có thể thấy kết quả của sự kết hợp đó đã có những bước phát triển quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, trước đây, nhận thức của chúng ta về sự kết hợp giữa KT-XH với QP-AN còn đơn giản và chưa toàn diện. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng kinh tế là lĩnh vực xây dựng, còn QP-AN là lĩnh vực bảo vệ; an ninh có chức năng chống thù trong, còn quốc phòng để chống giặc ngoài nên quan niệm việc kết hợp giữa các lĩnh vực đó chỉ là “hỗ trợ nhau” hoặc “quan tâm, chiếu cố lẫn nhau” mà chưa thấy rõ mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa các lĩnh vực. Trải qua quá trình hoạt động thực tiễn, nhận thức về sự kết hợp giữa các lĩnh vực này đã từng bước phát triển và hoàn thiện.
Nếu như tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991), khi thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển KT-XH” thời kỳ 1991-2000, mới chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng và yêu cầu phải kết hợp KT-XH với QP-AN trong các kế hoạch phát triển KT-XH, thì đến Đại hội VIII (năm 1996), lần đầu tiên Đảng ta xác định vấn đề này là một trong sáu quan điểm cơ bản của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và là một trong sáu tư tưởng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Đây là bước phát triển mới về lý luận, là cơ sở để đưa những quan điểm về kết hợp KT-XH với QP-AN của Cương lĩnh vào hoạt động thực tiễn.
Đến Đại hội IX (năm 2001), trong Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2001-2010 với tên gọi: “Chiến lược đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”, vấn đề lý luận về sự kết hợp đã được nghiên cứu và phát triển lên một tầm cao mới. Thông qua chuyên đề: “Kết hợp KT-XH với QP-AN trong chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2001-2010”, nhiều vấn đề lý luận đã được xác định như: khái niệm về sự kết hợp với những đặc trưng, bản chất và mối liên hệ giữa các lĩnh vực; các mục tiêu của quá trình kết hợp, bảo đảm vừa khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tổng hợp cho nhiệm vụ chung, vừa duy trì sự ổn định, phát triển của từng lĩnh vực; đề cập các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nhấn mạnh phải kết hợp chặt chẽ giữa tự bảo vệ, tham gia bảo vệ với được bảo vệ; xác định các phương thức, nội dung và phương pháp kết hợp trong quá trình xây dựng cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực và vùng. Những phát triển lý luận về sự kết hợp đã được vận dụng ngay trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2001-2010 và các kế hoạch 5 năm.
Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng qua bốn kỳ Đại hội (từ Đại hội VII đến Đại hội X), sau gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh, sự gắn kết QP-AN trong hai kỳ chiến lược phát triển KT-XH đã đạt được những thành tựu quan trọng.
1. Kinh tế phát triển đã tạo cơ sở để tăng cường tiềm lực QP-AN. Thấm nhuần quan điểm của Đảng, việc kết hợp KT-XH với QP-AN đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực thực hiện ngay từ trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước và thông qua chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm, hằng năm ở mỗi ngành, khu vực, vùng và từng tỉnh, thành phố. Nhờ có tăng trưởng kinh tế mà “Tiềm lực quốc phòng và an ninh đã được tăng cường, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực bảo đảm kỹ thuật, giữ gìn, bảo quản và từng bước cải tiến vũ khí, trang thiết bị hiện có; cải thiện đáng kể đời sống bộ đội, công an; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu về doanh trại, cấp điện, cấp nước và các nhu cầu về đời sống tinh thần”2.
Trong phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế Nhà nước, chúng ta đã chú trọng chỉ đạo gắn kết quy hoạch phát triển với củng cố QP-AN, tập trung vào các lĩnh vực, ngành quan trọng, các địa bàn trọng yếu, mà trọng điểm là tuyến biên giới đất liền và vùng biển đảo của Tổ quốc. Các quy hoạch về KT-XH đều chú trọng bảo đảm phát huy hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, duy trì được sự ổn định cần thiết về QP-AN. Các cơ sở kinh tế không chỉ thường xuyên bảo đảm tăng trưởng cao để tích lũy tiềm lực QP-AN, mà còn sẵn sàng được điều chỉnh để ứng phó kịp thời với mọi tình huống bất trắc xảy ra.
2. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc. Sự kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN đã tạo cho thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc. Các cơ sở bảo đảm vật chất, kỹ thuật đã từng bước được điều chỉnh, bố trí, xây dựng hợp lý trên các vùng, miền của đất nước; đảm bảo vừa phát huy được hiệu quả KT-XH, vừa đáp ứng nhu cầu QP-AN. Việc đầu tư phát triển KT-XH đã chú trọng hơn đối với các vùng xung yếu, khu vực biên giới, biển đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu kinh tế mở, kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất..., chúng ta không chỉ chú trọng giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế, mà còn quan tâm đến thế bố trí đan xen các công trình quốc phòng, bảo đảm cho chúng được liên kết với nhau thành các tuyến phòng thủ, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm quốc gia, như: khu kinh tế mở Chu Lai, cảng Cam Ranh, đảo Phú Quốc...
Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên các khu vực, địa bàn và cả nước, thế trận QP-AN đã từng bước được điều chỉnh, bố trí phù hợp. Nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực, chúng ta đã chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án kinh tế gắn với thế trận phòng thủ; tích cực rà soát quy hoạch và điều chỉnh đất QP-AN đáp ứng yêu cầu bố trí chiến lược, dành thêm đất cho phát triển KT-XH; bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ở các địa bàn trọng điểm về QP-AN.
3. Xây dựng, phát triển các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP). Tổ chức xây dựng các khu KT-QP là một nội dung thể hiện trực tiếp sự gắn kết KT-XH với QP-AN trong các chiến lược phát triển KT-XH. Đó là sự đổi mới về tư duy quốc phòng, một bước phát triển quan trọng về tổ chức thế trận phòng thủ quốc gia. Các khu KT-QP nhằm mục tiêu xây dựng thành những địa bàn vững mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, phát triển về văn hoá, xã hội và mạnh về QP-AN. Trong những năm qua, việc triển khai các khu KT-QP đã được chỉ đạo chặt chẽ, từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tuy phạm vi, quy mô, tính chất các khu KT-QP khác nhau, nhưng đến nay, đã hình thành một hệ thống trên toàn quốc, tập trung vào các địa bàn biên giới đất liền và đang nghiên cứu để phát triển ở vùng biển đảo. Kết quả xây dựng các khu KT-QP những năm qua đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tiếp tục chỉ đạo đầu tư phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, đã nảy sinh mâu thuẫn: nhiều khu vực trọng điểm về QP-AN, có giá trị chiến lược, nhưng điều kiện xây dựng phát triển kinh tế có nhiều khó khăn, nếu đầu tư xây dựng kinh tế, thì khó có thể tự cân đối. Vì vậy, cần nghiên cứu để xây dựng mô hình mới về kết hợp KT-XH với QP-AN ở những khu vực đó theo hướng: “Tiếp tục phát triển các khu KT-QP, xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế với mục tiêu tăng cường QP-AN là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”3.
4. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) có bước phát triển mới. Từ Cương lĩnh 1991, thông qua hai kỳ chiến lược phát triển KT-XH, nền CNQP của đất nước đã có bước chuyển biến quan trọng. Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, CNQP đang từng bước được chuyển giao sang Nhà nước để trở thành một bộ phận của nền công nghiệp quốc gia. Cơ cấu công nghiệp được điều chỉnh dần, năng lực nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng nâng cao; khả năng tự bảo đảm nhu cầu tác chiến thường xuyên cho lực lượng vũ trang tiến bộ rõ rệt. Chính phủ luôn chú trọng chỉ đạo sản xuất những mặt hàng vừa bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN, vừa phục vụ cho KT-XH; đồng thời, chú ý tận dụng năng lực dân sinh để phục vụ quốc phòng và an ninh.
Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng đều chỉ rõ phương hướng đầu tư xây dựng nền CNQP có cơ cấu hợp lý, có cơ chế thích ứng với quản lý chung của Nhà nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các chính sách động viên tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ QP-AN. Đến nay, các chủ trương đó đã và đang từng bước được thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhà nước đã chú trọng đầu tư phát triển CNQP nhằm nâng cao khả năng tự chủ trong việc hiện đại hóa các trang bị kỹ thuật cho Quân đội và Công an; xây dựng một số cơ sở CNQP vừa phục vụ cho QP-AN, vừa tham gia xây dựng, phát triển KT-XH; tập trung đầu tư vào những khâu đặc thù phục vụ cho QP-AN mà công nghiệp dân sinh không có khả năng bảo đảm… Bên cạnh đó, cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành nền CNQP đã có sự đổi mới quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Xây dựng CNQP trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ, đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh”4.
5. Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ XHCN. Nhờ sự gắn kết chặt chẽ QP-AN trong các chiến lược phát triển KT-XH nên chúng ta đã có được sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN. Hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia không ngừng nâng cao; từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Sức mạnh tổng hợp của toàn dân đã được phát huy trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Chúng ta đã giải quyết thành công việc hoạch định biên giới trên đất liền và vùng chồng lấn trên biển với một số quốc gia. Những kết quả trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN đã được Đảng ta khẳng định: “Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có nhiều thành tích trong xây dựng lực lượng, nâng cao tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu…”5.
Nhìn lại gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, sự gắn kết QP-AN trong hai kỳ chiến lược phát triển KT-XH của đất nước cho thấy, đó là một quá trình phát triển toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Từ quan niệm sự kết hợp một cách giản đơn, cơ học đã đi đến nhận thức có cơ sở lý luận ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn; từ việc kết hợp trong phạm vi xây dựng quy hoạch, kế hoạch đến tổ chức kết hợp trong xây dựng các cơ sở KT-XH. Sự gắn kết đó còn được thể hiện cụ thể trong thực hiện các kế hoạch 5 năm với các biện pháp thiết thực và đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức kết hợp còn bộc lộ nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục. Trước hết là nhận thức về sự kết hợp trong một số cơ quan lãnh đạo các cấp chuyển biến còn chậm, còn ỷ lại vào khó khăn khách quan. Việc chỉ đạo kết hợp còn chung chung, thiếu kế hoạch và biện pháp cụ thể nên nhìn chung hiệu quả chưa cao. Đó là những vấn đề cơ bản cần quan tâm giải quyết trong bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991.
PGS, TS. HOÀNG XUÂN LÂM
___________
1- ĐCSVN - Các nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 306.
2- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H. 2001, tr. 250.
3- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H. 2006, tr. 110.
4- Sđd, tr. 110.
5- Sđd, tr. 59.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011