Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:47 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Từ đầu xuân 1965, sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sụp đổ, đế quốc Mỹ vội ồ ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” – “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Tướng Oét-mo-len, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam được Nhà trắng và Lầu Năm góc bật đèn xanh, tiến hành liên tiếp hai cuộc phản kích chiến lược lớn:
Cuộc phản công chiến lược lớn lần thứ nhất diễn ra ngay đầu mùa khô năm 1965-1966, bằng cuộc hành quân “tìm diệt” ở Khu 5 và miền Đông Nam Bộ, mà trọng điểm là Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và Bộ Tư lệnh Đặc khu; tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Giải phóng (Mỹ gọi là “bẻ gẫy xương sống của Việt cộng”); phá tan địa đạo Củ Chi - căn cứ kháng chiến đã có từ lâu đời của quân và dân Sài Gòn-Gia Định; củng cố ngụy quyền tay sai.
Tiếp theo là cuộc phản công chiến lược lớn lần thứ hai, được thực hiện vào mùa khô 1966-1967, và được điều chỉnh theo chiến lược 2 gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”, mà trọng điểm là cuộc hành quân Gian-xơn Xiti. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ từ khi quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, nhằm mục tiêu cao nhất là tiêu diệt Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, tiêu diệt Sư đoàn 9 - chủ lực Quân Giải phóng, xóa bỏ căn cứ địa kháng chiến của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, hòng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam ngay trong mùa khô 1966-1967.
Khốn thay cho thày, trò Mỹ, ngụy, cả 2 cuộc phản công chiến lược đầy tham vọng ấy đều bị quân và dân miền Nam bẻ gãy tan tành. Đó là những thất bại rất nặng nề ngay từ đầu chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Nhưng, giới cầm quyền Mỹ, “đánh chết nết hiếu chiến và xâm lược chẳng chừa”, vẫn tiếp tục tăng quân lên tới 1,2 triệu, trong đó có 50 vạn quân Mỹ. Tướng Oét-mo-len vẫn huênh hoang, sẽ chiến thắng “Việt cộng” bằng quân sự ở chiến trường.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cấp ủy đảng ở miền Nam cùng Bộ Tư lệnh các chiến trường mở các cuộc họp, rà soát kỹ lại tình hình tại chỗ, xuất phát từ thực tế từng địa phương, từng đơn vị, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và của địch; tìm hiểu và phát hiện chính xác âm mưu và những ý đồ hoạt động của địch trong mùa khô 1968-1969; đề ra những phương án hoạt động của ta, nhằm tiếp tục giành quyền chủ động trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi to lớn hơn.
Cũng vì vậy, từ nửa cuối năm 1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tiến hành nhiều cuộc họp “kín”, khẩn trương xây dựng thành một phương án chiến lược mới, hoàn chỉnh, để kịp trình ra Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1/1968), và đã được Trung ương nhất trí thông qua. Tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 (khoá III) đã nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đã dao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ; để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước, tuần tự đặt ra chỉ tiêu: diệt ngần này địch và ngần này dân giành quyền làm chủ,v.v. Vì như vậy thì cuộc chiến tranh sẽ nhùng nhằng và kéo dài. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Đó là một cách đánh chưa từng diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ, ngụy không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới.
Nghị quyết Trung ương 14 còn nêu rõ hướng tiến công lần này không phải là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị; là các thành phố, thị xã, thị trấn; là các cơ quan đầu não chiến tranh, các trung tâm chỉ huy, hậu cứ của địch. Cuộc tiến công sẽ diễn ra trên toàn Miền, nhưng lấy 3 thành phố lớn làm trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng - những nơi địch có nhiều sơ hở; cũng là nơi dễ tạo chấn động lớn cả trong nước ta, ở nước Mỹ và trên thế giới.
Nghị quyết còn chỉ ra phương châm, phương pháp và cách đánh chiến lược là kết hợp tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên diện rộng ở cả 3 vùng chiến lược; thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, thật bất ngờ, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta...
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm chiến lược của Đảng, đêm 30, rạng ngày 31 tháng giêng năm 1968 (đêm giao thừa), quân và dân miền Nam, từ Trị – Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ, với khí thế mãnh liệt như nước vỡ bờ, đã tiến công và nổi dậy đồng loạt, hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng lớn, gây cho Mỹ, ngụy những tổn thất lớn, choáng váng và rơi vào thế bị động, lúng túng trên tất cả các vùng chiến lược trong nhiều ngày. Ở Huế, ta đã làm chủ hoàn toàn thành phố, tổ chức chính quyền cách mạng, chiếm giữ 25 ngày, đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Ở Sài Gòn – Gia Định, quân và dân ta đã đánh trúng nhiều mục tiêu quan trọng như: Toà Đại sứ Mỹ, Dinh Gia Long, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh ngụy,... là những trung tâm đầu não, đề xướng và điều hành bộ máy kìm kẹp chống nhân dân ta; đồng thời, làm tê liệt, ngưng trệ hệ thống giao thông, thông tin liên lạc của địch trong nhiều ngày, nhiều giờ. Phối hợp với các mũi tiến công quân sự, lực lượng chính trị ở cả nông thôn và thành thị toàn miền Nam cũng đồng loạt nổi dậy, phá tan “ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ ở nhiều nơi, tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng. Tính đến cuối tháng 2 năm 1968, ta đã diệt 147.000 tên địch (trong đó có 43.000 quân Mỹ); làm tan rã 20 vạn quân ngụy; đánh phá trên 200 kho xăng, gần 250 kho bom, đạn; bắn rơi và phá hủy 2.370 máy bay; bắn cháy, phá hủy 1.700 xe cơ giới các loại... Tính chung, thiệt hại vật chất của địch chiếm tới 34% dự trữ chiến tranh của Mỹ, ngụy trên toàn chiến trường miền Nam.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một đòn sét đánh bất thần đối với bọn trùm hiếu chiến xâm lược Mỹ; làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động toàn thế giới. Trong chính giới Mỹ lúc bấy giờ nổi lên ý kiến: đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ, quân đội Mỹ có nguy cơ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh.
Cũng vì vậy, sau 1 tháng, tướng Oét-mo-len, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam bị lột lon, cách chức. Hai tháng sau, đến lượt Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn buộc phải ra tuyên bố 3 điểm:
- Đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, từ vĩ tuyến 20 trở ra;
- Chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Pa-ri;
- Không ra tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai.
Cục diện chiến tranh đã thay đổi, dù có ngoan cố Mỹ vẫn phải xuống thang chiến tranh; phải thay đổi chiến lược bằng cụm từ mỹ miều là: “Phi Mỹ hóa” chiến tranh. Đó là sự thú nhận công khai thất bại ê chề của Mỹ; sự phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam.
40 năm nhìn lại giai đoạn có ý nghĩa lịch sử quan trọng này, tôi thấy nổi lên mấy bài học sau:
Trước hết, đó là bài học về xây dựng quyết tâm chiến đấu và ý chí quyết đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ cho toàn thể quân và dân miền Nam. Có thể nói rằng, những năm 1965-1967 là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước những thử thách hết sức ngặt nghèo. Việc Mỹ tăng quân ở miền Nam và phong toả, đánh phá hậu phương lớn miền Bắc XHCN là một thách thức lớn đối với ý chí giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta, nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Để xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, các cấp ủy đảng trong và ngoài quân đội, các cơ quan công tác chính trị đã chủ động làm tốt công tác tư tưởng ngay từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, nhất là từ cuộc phản công chiến lược lớn lần thứ nhất của Mỹ. Công tác giáo dục đã tập trung vào việc khơi sâu lòng căm thù địch, vạch rõ tội ác của Mỹ, ngụy đã gây ra cho đồng bào cả hai miền Nam-Bắc; vạch rõ bản chất hiếu chiến, xâm lược cực kỳ tàn bạo của Mỹ và bè lũ tay sai bán nước; khẳng định sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, tất thắng của quân và dân ta. Công tác tuyên truyền trong nhân dân và các đơn vị lực lượng vũ trang đã tập trung cổ vũ truyền thống yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược và thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Trong quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, công tác tư tưởng còn chú trọng xây dựng quyết tâm chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho từng lực lượng, từng hướng chiến trường; làm rõ những thắng lợi, sự phát triển của ta và những thất bại của địch trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967. Nhờ đó, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra, ngay từ đầu, tinh thần “Cả nước ra trận”, “Tất cả xuống đường”, “Tất cả để chiến thắng”,... đã trở thành những khẩu hiệu thôi thúc mọi người hành động. Cái từ “xuống đường” ngày ấy đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổng tiến công và nổi dậy; là vinh dự, là niềm tự hào của mỗi người, làm cho ai nấy đều hăm hở được “xuống đường”, được có mặt trong đội hình hành quân, xốc tới trong khí thế sôi sục khắp miền Nam. Bằng quyết tâm ấy, nhiều “Dũng sĩ diệt Mỹ” từ cơ sở đã xuất hiện; phong trào thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” từ Đặc khu Sài Gòn – Gia Định đã nhanh chóng tỏa rộng thành phong trào sôi động khắp các chiến trường miền Nam. Tiêu biểu là anh hùng Phạm Văn Cội, đội trưởng du kích xã Đức Lập, huyện Củ Chi và toàn đội du kích của anh, đã đeo bám địch, đêm nào cũng diệt được Mỹ, người nào cũng diệt được Mỹ; ai ai cũng quyết tâm giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Hai là, bài học về cách đánh địch. Quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, các Bộ Tư lệnh, các vị chỉ huy đã phải làm việc đêm, ngày, xác định trọng điểm của đơn vị mình; thường xuyên đeo bám địch, trăn trở tìm ra cách đánh hiểm, vắt óc vào việc tổ chức lực lượng ít mà tinh; tìm mọi cách đưa vũ khí vào ém sẵn, đưa quân vào phục kích trước giờ G. Đó là những việc làm khác hẳn các chiến dịch trước, rất khó khăn, gian khổ và nguy hiểm. Chỉ sơ hở một chút, để địch “đánh hơi” thấy là hỏng cả việc lớn, có thể làm đổ bể toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Ở Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, việc tổ chức lực lượng đã phải công phu để hình thành 3 khối lực lượng với nhiệm vụ và cách đánh khác hẳn nhau. Trước hết là khối tại chỗ, gồm các đội Biệt động Thành, được tăng cường Đặc công vào “nằm vùng”, đợi lệnh tới giờ G có nhiệm vụ đánh chiếm ngay các điểm đã được phân công, kết hợp với quần chúng nổi dậy diệt tề, ngụy, ác ôn, thám báo cả “chìm” và nổi. Sau đó là khối các đơn vị mũi nhọn của các phân khu phục sẵn ở gần đó, vào tiếp tay chiếm giữ vị trí, đánh địch phản kích, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở cơ sở. Tiếp theo là khối đơn vị gồm các Sư đoàn 5, 7, 9 - chủ lực của Miền, từ các hướng vào kết hợp đánh địch phản kích, giữ vững các vị trí, hỗ trợ nhân dân củng cố các vùng đã giành được quyền làm chủ... Với việc vận dụng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam và cách đánh linh hoạt, tài tình, sáng tạo, quân và dân miền Nam đã làm cho địch choáng váng, trở tay không kịp.
Ba là, bài học về giữ bí mật tuyệt đối, từ ý đồ chiến lược của Trung ương đến kế hoạch tiến công và nổi dậy ở cơ sở, nhất là ở các trọng điểm lớn: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Trong thời gian chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy, ta đã tích cực diệt trừ thám báo, biệt kích trong vùng giải phóng; không để một cán bộ, chiến sĩ trinh sát nào bị địch bắt; không một ai bỏ hàng ngũ chạy theo giặc. Mọi công tác chuẩn bị, động thái diễn ra, địch đều không hay biết. Đây cũng là một thành công lớn của công tác đảng, công tác chính trị trong việc quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, xây dựng tinh thần, ý chí quyết thắng Mỹ và tinh thần cảnh giác, phòng gian, giữ bí mật của quân và dân ta. Thêm vào đó, việc nghi binh, lừa địch cũng góp phần làm tăng thêm yếu tố bí mật, bất ngờ của toàn bộ chiến dịch. Trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, quân ta đã mở hoạt động lớn ở Mặt trận Đường 9 và Khe Sanh, thu hút quân cơ động Mỹ tới, qua đó ta vừa thực hiện được mục tiêu tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, vừa giam chân và vây hãm chúng lâu ngày ở ngoài xa, tạo điều kiện cho các trọng điểm Huế, Đà Nẵng dễ bề hoạt động.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tuy chưa mang lại thắng lợi trọn vẹn, thậm chí, sau đó, ta còn gặp phải những khó khăn, tổn thất, thiếu sót nhất định khi địch tổ chức lực lượng phản kích, nhưng với phương pháp nhìn nhận biện chứng, toàn diện, cần thấy rằng, đây là một thắng lợi quan trọng mang tầm vóc lịch sử; là một bước phát triển tất yếu trong chiến lược tiến công của toàn bộ cách mạng miền Nam. Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không chỉ có ý nghĩa khẳng định ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta, mà còn tạo ra bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
VĂN PHÁC
Nguyên Chủ nhiệm Chính trị
Quân Giải phóng miền Nam
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011