QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:04 (GMT+7)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - đòn chiến lược làm rung chuyển nước Mỹ

Sau 40 năm, nhìn lại cuộc Tổng tiến công (TTC) Tết Mậu Thân (1968) gắn liền với diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao; nhìn từ phía ta, phía địch, chúng ta có điều kiện xem xét lại sự kiện lịch sử trên một cách sâu sắc hơn, xác thực hơn.

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với ý đồ “bẻ gãy xương sống Việt Cộng”, bình định miền Nam. Số quân Mỹ đưa vào miền Nam lên tới 545.000 người và 72.000 quân các nước phụ thuộc, chiến đấu trực tiếp trong 7 năm (1965-1972); huy động số lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại nhất, kể cả máy bay chiến lược B.52 và 2 sư đoàn không vận trực thăng mới xây dựng. Chiến tranh cục bộ trở thành đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ. Với lực lượng đông và vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ đã mở các cuộc hành quân “tìm diệt” bộ đội chủ lực và cơ quan chỉ đạo cách mạng bằng hai cuộc phản công chiến lược lớn mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967; dùng không quân và hải quân leo thang phá hoại miền Bắc. Nhưng thực tế đã không mang lại hiệu quả như Mỹ mong muốn. Ngược lại, quân và dân ta luôn nắm vững tư tưởng tiến công, tích cực, chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, làm cho quân Mỹ, ngụy luôn bị động, lúng túng. Trong thế tiến công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực trên khắp chiến trường, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân miền Nam tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, chống lại sự đàn áp của địch. Nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của địch.

Tháng 12 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược về cuộc TTC Tết Mậu Thân. Đầu năm 1968, Người đã chúc quân và dân ta: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà...”.

Tháng 01 năm 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) đã nhận định: “Về chính trị, quân địch đang lâm vào tình trạng mâu thuẫn, khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, chúng không còn có thể cai trị nhân dân miền Nam được nữa và nhân dân miền Nam cũng không chịu sống dưới ách thống trị của chúng nữa. Trong khi đó, ta đang trong thế thắng và đang nắm quyền chủ động trên khắp các chiến trường, lực lượng vũ trang của ta đã lớn mạnh về mọi mặt...”.

Căn cứ vào các nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã vạch phương án TTC Tết Mậu Thân; trong đó xác định: “Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là Đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố, quy mô toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị-Thiên, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn”1. Thời gian tiến hành TTC được chọn vào dịp Tết Mậu Thân và Quân ủy Trung ương đã khẩn trương chỉ đạo các quân khu ở miền Nam sắp xếp, tổ chức lại các mặt trận, các chiến trường, phù hợp với yêu cầu tổng tiến công trên toàn miền Nam.

Cuộc TTC Tết Mậu thân đã làm cho địch bất ngờ cả về chiến lược, chiến thuật và mục tiêu, thời điểm tiến công. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn trước TTC Tết Mậu Thân 10 ngày đã làm cho Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV) và ngụy quyền lầm tưởng rằng: sắp có một Khe Sanh như một Điện Biên Phủ trên chiến trường miền Nam. Nhưng ta mở chiến dịch Khe Sanh chỉ là một hướng để phân tán, giam chân quân Mỹ và nghi binh để đưa chiến tranh quy mô lớn vào các thành phố, thị xã, quận lỵ và hàng loạt căn cứ, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy... Yếu tố bí mật, bất ngờ đã làm cho Mỹ và ngụy luôn bị động, phân tán lực lượng đối phó và không phát huy được sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại. Ta chủ động tiến công vào nơi địch không phòng bị, vào thời điểm địch sơ hở nhất. Tiến công vào các mục tiêu này đã tác động nhanh chóng, sâu sắc cả về chính trị và quân sự, gây nên những đột biến trong đối sách chiến lược cũng như cục diện chung của chiến tranh ở miền Nam.

Nghệ thuật quân sự trong cuộc TTC thể hiện nổi bật ở sự phối hợp tiến công đồng loạt, quy mô lớn mang tầm vóc chiến lược, đưa chiến tranh vào 41 thành phố, thị xã ở miền Nam, tạo ra hiệu lực cộng hưởng đánh mạnh vào ý chí của đối phương. Đây là một sáng tạo độc đáo về nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Nó chứng minh rằng: có sự lãnh đạo thống nhất trên cả nước của một Đảng với tầm cao trí tuệ trong chỉ đạo chiến lược, có lực lượng vũ trang cách mạng với kỷ luật nghiêm, dựa vào sự đồng tâm nhất trí của toàn dân. Trong 2 tháng, cuộc TTC Tết Mậu Thân đã diễn ra ở 4 trong số 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ; loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, ngụy và chư hầu; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hủy, phá hỏng 13.000 xe quân sự, 1000 tàu, xuồng chiến đấu; bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu, làm rối loạn hậu phương của chúng.

Hướng tiến công chủ yếu nhằm vào kẻ địch ở các thành thị, chứng tỏ chiến tranh nhân dân Việt Nam không phải chỉ mạnh ở nông thôn và rừng núi, mà khi cần còn đưa chiến tranh vào thành thị. Điều đó đã làm đảo lộn thế chiến lược của quân Mỹ.

Đánh giá về nghệ thuật lựa chọn thời cơ, chúng ta thấy: cuộc TTC Mậu Thân nổ ra đúng vào dịp Tết, và nhất là vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà tình hình chính trị nước Mỹ rất nhạy cảm, nên đã tác động mạnh mẽ tới nước Mỹ, làm “rung chuyển nước Mỹ” như báo chí Mỹ khi đó đã nhận xét chính xác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thường cứ 4 năm chúng ta tổ chức đánh lớn một lần: 1964, 1968, 1972. Điều đó phản ánh tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta. Thời cơ chiến lược được chúng ta xem xét toàn diện, cả từ thực tế trên chiến trường và thực tế tình hình nước Mỹ; cả về quân sự và chính trị, nên có bước đi sáng tạo và sớm có sự chuẩn bị về chiến lược; khi có thời cơ, tập trung sức mạnh của các đòn tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao đánh thẳng vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ. Cuộc TTC Tết Mậu Thân là không sớm, không muộn; bởi lúc đó, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đã lên đến đỉnh cao và đúng vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo tướng Oét-molen: nếu TTC nổ ra sớm một năm thì khi đó chưa đủ điều kiện; nếu muộn hơn một năm, sau bầu cử Tổng thống thì áp lực không mạnh. Vì là nước nhỏ phải chống lại sự xâm lược của nước lớn nên Việt Nam phải giành thắng lợi từng bước, thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Cuộc TTC Tết Mậu Thân là đòn chiến lược quyết định đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ; là sự sáng tạo về một hình thức tiến công chưa từng có trên thế giới. Đây là sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo, sáng tạo của Đảng ta; một cuộc đấu trí tuyệt vời của quân và dân ta với Mỹ, ngụy. Thực tế cho thấy, đã thua về chiến lược thì không thể cứu vãn thất bại như thua một trận đánh, một chiến dịch, mà phải thay đổi về chiến lược với lực lượng lớn hơn, thời gian lâu dài hơn mới hòng cứu vãn được thất bại. Thắng lợi của cuộc TTC còn chứng minh ý chí, tinh thần quyết tâm chiến đấu giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Cuộc TTC đã giáng một đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ. Đồng thời, tạo ra bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán để bắt đầu rút quân (năm 1969 Mỹ rút 6 vạn quân, năm 1970 18 vạn và năm 1971 13 vạn...). Nó còn làm đảo lộn thế trận của quân Mỹ, làm cho chiến tranh không bị đẩy lùi ra vùng rừng núi và biên giới như mong muốn của Mỹ, mà lại nổ ra ở hầu hết các thành phố với quy mô lớn chưa từng có; ta tiến công liên tục vào Sài Gòn và giữ Huế trong 25 ngày. Cuộc TTC còn phơi bày thất bại về quân sự không thể cứu vãn của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ sau 3 năm, khi mà tướng Oét-mo-len vừa tuyên bố “chiến thắng trong tầm tay”. Bộ máy chiến tranh xâm lược khổng lồ, hiện đại, hùng mạnh vào bậc nhất thế giới bị “mắc cạn”, phải từ bỏ chiến lược “tìm diệt”, “bình định”, nhằm “đánh gãy xương sống Việt Cộng” để quay về với chiến lược “quét, giữ” và chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị bốn bên ở Pa-ri.

Cuộc TTC đã làm rung chuyển nước Mỹ. Mỹ không chỉ thua về tâm lý trong Tết Mậu Thân như có người lầm tưởng. Ngày 25, 26 tháng 6 năm 1968, Tổng thống L.Giôn-xơn đã phải mời 16 nhà chiến lược khôn ngoan nhất của nước Mỹ đến Nhà trắng để tham khảo ý kiến thì có 11 người đã khuyên không nên tăng quân nữa, mà nên phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh. Mắc Na-ma-ra đã công khai thừa nhận: từ sau Tết Mậu Thân, không một ai trong giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ nói tới giành chiến thắng quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mà chỉ nói tới “hòa bình trong danh dự”, “rút quân trong danh dự”. Cuộc TTC Tết Mậu Thân còn làm bộc lộ sự phân hóa mạnh mẽ nội bộ chính quyền và trong đảng Dân chủ của L.Giôn-xơn; đã thúc đẩy các thượng nghị sĩ chống chiến tranh lên tiếng mạnh mẽ buộc Tổng thống L.Giôn-xơn phải tính toán lại toàn bộ kế hoạch tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 13 tháng 8 năm 1968, tại Hạ nghị viện Mỹ, 139 nghị sĩ (trong đó có 89 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 41 nghị sĩ đảng Dân chủ) đã ra nghị quyết yêu cầu Quốc hội Mỹ xem xét lại toàn bộ chính sách và chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động chính trị Mỹ đã cho rằng: cuộc TTC Tết Mậu Thân của Việt cộng chứng tỏ “chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được đất nước này” và cuộc chiến tranh là bế tắc, sai lầm... Qua đó, nhân dân Mỹ nhận ra rằng: chính quyền và Tổng thống L.Giôn-xơn đã và đang lừa dối họ. Nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ với quy mô lớn phản đối chiến tranh: "công khai đấu tranh cho một chiến lược mới của Mỹ, nhằm kết thúc cuộc chiến tranh không cần thắng lợi, không cần vinh quang"2. Sự chia rẽ trong giới cầm quyền Mỹ còn thể hiện rõ trong vụ Oa-tơ-ghết sau này, Lơ-ry Béc-man đã viết: Việt Nam là một yếu tố quan trọng gây ra vụ Oa-tơ-ghết, bọn “thợ ống nước” của R.Ních- xơn đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ cốt để theo dõi Đa-ních En-béc xem có tiết lộ tin tức gì có hại cho R.Ních-xơn liên quan đến việc móc ngoặc với tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu phá hoại việc đàm phán ở Pa-ri không, để tạo cơ hội cho R.Ních-xơn trúng cử Tổng thống.

Chiến tranh ở miền Nam nói chung và cuộc TTC Tết Mậu Thân nói riêng, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, quân sự mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, tài chính của Mỹ. Thâm hụt tài chính và lạm phát tăng lên, giá trị đồng đô-la sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều ngân hàng ở châu Âu đã tung đô-la ra để thu vàng về. Vàng dự trữ trong ngân khố của Mỹ ngày một vơi đi, có lúc buộc Mỹ phải đóng cửa thị trường vàng. Giữa Mỹ và các nước tư bản phát triển đã xuất hiện những khối mậu dịch riêng rẽ. Chi phí quân sự dành cho quốc phòng tính đến năm 1968 bị ‘tiêu trội” tới 110 tỷ đô-la mà phần lớn là do ném vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thực tế này khiến cho giới tài chính và quân phiệt Mỹ phải thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Sa lầy trong chiến tranh Việt Nam còn kéo theo sự suy sụp nhanh chóng trong lĩnh vực quân sự toàn cầu của Mỹ. Do phải dồn sức vào chiến tranh ở Việt Nam, lực lượng của Mỹ đã bị căng mỏng ở hàng trăm căn cứ quân sự trên toàn cầu. Khi cuộc TTC Tết Mậu Thân nổ ra, Mỹ đã phải soát xét, cân đối lại toàn bộ chiến lược ở Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu.

Rõ ràng, cuộc TTC Tết Mậu Thân đã ảnh hưởng toàn diện cả về quân sự, chính trị- xã hội, kinh tế của Mỹ.

Mặc dù còn những ý kiến đánh giá khác nhau về mức độ thắng lợi của cuộc TTC Tết Mậu Thân, nhưng hôm nay - sau 40 năm, chúng ta có thể khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của cuộc TTC lịch sử đó. Thắng lợi của cuộc TTC là không thể phủ nhận. Mỹ đã thua trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và không thể xoay chuyển cục diện chiến tranh, phải đơn phương xuống thang, ngừng ném bom miền Bắc, đình chỉ việc tăng quân, thực hiện rút quân; từ bỏ ý định giải quyết chiến tranh bằng sức mạnh quân sự tối đa để đi vào đàm phán, tạo ra cục diện mới để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Điều đó còn khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định mở cuộc TTC Tết Mậu Thân là đúng đắn, sáng tạo. Chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu chiến lược: đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ miền Bắc XHCN. Đồng thời, TTC Tết Mậu Thân cũng phản ánh nguyện vọng, ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trung tướng, PGS. NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC

                        

1- Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập 1, Nxb ST, H. 1990, tr. 287.

2- Lời phán quyết về Việt Nam, tr. 99

 

Ý kiến bạn đọc (0)