QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 00:02 (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhận thức về học thuyết kinh tế của C.Mác

Cuộc khủng hoảng tài chính (KHTC) toàn cầu bắt đầu từ nước Mỹ (năm 2008), lan ra các châu lục, tàn phá và đẩy hầu hết các nền kinh tế mà nó đi qua chìm sâu vào suy thoái. Đánh giá hậu quả bước đầu của nó, nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra nhận xét “kinh tế thế giới đang lặp lại bối cảnh của đại suy thoái kinh tế hồi đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX”. Cuộc khủng hoảng vừa phản ánh những sai lầm của các học thuyết về kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, vừa đề cao và củng cố niềm tin của chúng ta vào giá trị học thuyết kinh tế của C.Mác.

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ xác nhận, kinh tế nước Mỹ bắt đầu suy thoái từ cuối năm 2007; nhưng rõ nhất là từ cuộc KHTC bắt đầu từ Phố Uôn (Mỹ) cuối năm 2008. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự báo, cuộc khủng hoảng lần này sẽ không loại trừ bất cứ nước nào và sẽ làm mất đi những thành quả của cuộc chiến chống đói nghèo mà toàn thế giới phải nỗ lực phấn đấu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong tháng 2-2009, Mỹ có thêm 651 nghìn người mất việc, đưa tỉ lệ thất nghiệp của nước này lên 8,1%, mức cao nhất trong 25 năm qua. Nền kinh tế Mỹ đang suy thoái sâu với tỉ lệ giảm phát ước tính 4% trong năm 2009 và sẽ không có nhiều khởi sắc trong vòng 10 năm tới1. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đưa ra cảnh báo, thâm hụt ngân sách của năm tài khoá 2009 sẽ là 1.800 tỉ USD, cao hơn mức dự đoán của Chính phủ là 93 tỉ USD và cao gấp 4 lần mức thâm hụt ngân sách của năm tài chính 2008. Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc dự báo, số người thất nghiệp trên thế giới sẽ tăng tới 50 triệu người và trong năm 2009, thế giới sẽ có thêm 200 triệu người rơi vào cảnh bần cùng. Tình trạng mất việc làm và cuộc sống ngày càng khó khăn hơn là nguyên nhân khiến căng thẳng xã hội gia tăng, và từ căng thẳng xã hội chuyển sang khủng hoảng về chính trị, dẫn đến một số chính phủ sụp đổ (đầu năm 2008 là Chính phủ Ai-xơ-len, gần đây là chính phủ các nước Lít-va, Hung-ga-ri và Séc). Cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến không ít chính phủ phải tịch biên các ngân hàng, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài không thể rút vốn; thị trường chứng khoán mất phương hướng; đồng tiền mất giá, v.v.  Để vượt qua cuộc khủng hoảng, hàng loạt nước và nền kinh tế tuyên bố áp dụng các gói cứu trợ và kích thích kinh tế, chủ yếu là quốc hữu hoá nền kinh tế, thông qua hình thức mua lại cổ phần của các công ty đang trên đà phá sản với hàng trăm (thậm chí lên đến hàng nghìn) tỉ USD...  Nhưng những thống kê về nền kinh tế Mỹ mới được công bố cho thấy, hai gói kích cầu khẩn cấp tổng cộng gần 1.500 tỉ USD của Chính phủ vẫn không ngăn chặn được đà xuống dốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

G.Bu-sơ là người tin tưởng nhất vào thị trường tự do, khi đang tại chức đã chi một khoản tiền không nhỏ để mua cổ phần của các ngân hàng lớn nhất nước, nhưng lại biện minh “biện pháp này không nhằm chiếm lĩnh thị trường tự do, mà để bảo vệ nó”. Song với việc mua cổ phần như vậy, Nhà trắng đã thực sự làm một cuộc quốc hữu hoá các ngân hàng lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của mình. Bởi thế, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la H.Cha-vết, người bị Mỹ chỉ trích là phá vỡ luật lệ của thị trường, khi đi trước Mỹ trong lĩnh vực quốc hữu hoá, trong bài trả lời phỏng vấn thời báo McClatchy đã hài hước: “Xin chào đồng chí Bu-sơ! Đồng chí đang thẳng tiến vào con đường XHCN”(!)

Khủng hoảng kinh tế hiện nay đã làm người ta hoài nghi về học thuyết kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ. Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di cho rằng: cần phải “tư duy lại chủ nghĩa tư bản (CNTB)”. Ông nói: “Toàn cầu hóa đang tiến gần đến sự kết thúc của CNTB tài chính. Chủ nghĩa này đã áp đặt lô-gíc của nó trên toàn bộ nền kinh tế. Ý tưởng cho rằng thị trường luôn đúng là hoàn toàn sai lầm”. Ông cũng thẳng thừng chỉ trích sự đơn giản thái quá của chủ nghĩa tự do mới, với tư duy “thị trường sẽ tự điều tiết tất cả”, “nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh mọi vấn đề”, “thị trường luôn có lý”, “kinh tế có sức mạnh tự điều tiết”. Ngay chính G.Bu-sơ cũng phải thừa nhận rằng “cuộc khủng hoảng hiện thời sẽ thúc đẩy chúng ta xây dựng lại nền tảng của CNTB. Chúng ta cần tìm ra thế cân bằng giữa nhà nước và thị trường”. Trong Diễn văn nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng nhắc chúng ta rằng, nếu không có con mắt cảnh giác, thị trường có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát bất cứ lúc nào, và rằng một đất nước không thể thịnh vượng lâu dài nếu chỉ thiên về sự giàu có mà thôi”. Chính lý thuyết chủ nghĩa tự do mới - học thuyết kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ - là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc KHTC, kéo theo sự suy thoái kinh tế hiện nay trên toàn cầu. Nó đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng phá sản tài chính, làm cho huyền thoại về nước Mỹ như một “pháo đài tài chính bất khả xâm phạm”, với tư tưởng “tự do và dân chủ” bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của thế giới đang lung lay tận gốc, sức hấp dẫn của “mô hình Mỹ” đang lụi tàn dần...

Phân tích tình hình các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN), nhất là nước Mỹ, chúng ta sẽ thấy rõ nguyên nhân của cuộc KHTC hiện nay. Trước hết, do chạy theo lợi nhuận, CNTB đã tạo ra một xã hội tiêu dùng, nhưng tiêu dùng của xã hội lại chủ yếu dựa trên các khoản đi vay. Trong nền kinh tế Mỹ, chi phí cho tiêu dùng thường chiếm 2/3 GDP; nhưng nguyên nhân tăng tiêu dùng của dân cư không phải từ tăng tiền công mà là do tăng các khoản nợ ở các cơ sở tín dụng do nhà nước bảo trợ. Chính việc thực thi nguyên tắc của chủ nghĩa tự do đã kiềm chế xu hướng tăng tiền công; trong khi đó, tiêu dùng của dân cư vẫn tăng liên tục. Năm 2004, tiêu dùng tăng 3,9%, trong khi thu nhập chỉ tăng 3,4%; đến năm 2005, con số tương ứng là 3,5% và 1,4%2. Từ năm 2002 đến năm 2005, ở Mỹ, nợ gia đình trên thu nhập tăng từ 91% lên 120% và nợ gia đình trên tài sản tăng từ 13,3% lên 16,9%. Đến năm 2004, Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất và các điều kiện hoàn nợ được nới lỏng, khiến nhiều gia đình mở rộng tỉ lệ vay nợ trên thu nhập để tiêu dùng. Song năm 2005, khi nhận ra nguy cơ khủng hoảng nợ, FED đã đột ngột thay đổi chính sách tín dụng, đẩy lãi suất tăng nhanh, làm cho các khoản nợ trở thành gánh nặng thực sự đối với dân cư.

Hai là, Chính phủ Mỹ đã tạo điều kiện cho sự tăng lũy tiến của các khoản nợ tiêu dùng của dân cư vào bất động sản, bằng các khoản vay nợ dưới chuẩn - hay còn gọi là tín dụng thế chấp rủi ro cao, đối với thị trường bất động sản; đồng thời, việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, “đồng đô la rẻ”, duy trì trong thời gian dài, đã dẫn đến hình thành “siêu bong bóng” tài chính và bất động sản. Sự phát triển của nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã biến các khoản cho vay thành công cụ đầu tư, khiến thị trường tín dụng phục vụ cho thị trường bất động sản trở thành “sân chơi” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, nhà nước kiểm soát không chặt chẽ đã “châm ngòi nổ” cho sự đổ vỡ thị trường tín dụng nhà đất, sau đó lan sang hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ.

Ba là, quyền thu hồi nợ và hưởng dụng lãi suất định kỳ của các ngân hàng thương mại được tập trung vào một công ty tài chính đặc biệt và công ty này mua các khoản bảo lãnh của các định chế bảo hiểm tài sản rồi phát hành thành các hối phiếu công ty bán ra thị trường. Các nhà đầu tư khắp thế giới hoạt động trên thị trường tài chính Mỹ tin vào những đánh giá chất lượng của các cơ quan kiểm định có uy tín và đã mua các hối phiếu đó. Khi các cơ quan kiểm định nhận ra độ rủi ro cao của các hối phiếu và đã hạ điểm đánh giá, thì các hối phiếu mất tính khả năng thương mại, đẩy các công ty quản lý vốn hoạt động bằng tín dụng ngắn hạn mất khả năng thanh khoản, lâm vào nguy cơ sụp đổ.

Tóm lại, cội nguồn của cuộc KHTC hiện nay nằm ngay trong bản chất nội tại của nền kinh tế TBCN. Đó là sự mất cân đối giữa năng lực sản xuất của nền kinh tế TBCN với tiêu dùng có khả năng thanh toán của xã hội; đó là kết quả của việc nhà nước tư sản áp dụng chính sách kích cầu bằng mọi giá. Và, vấn đề cốt lõi là lòng tham của giới đầu tư đã tạo ra nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh, mở rộng nền kinh tế tài chính tiền tệ tách rời rất xa nền kinh tế thực, gây ra trạng thái ảo, lan truyền từ Mỹ sang các nền kinh tế khác.

Cuộc KHTC trên đã được C.Mác dự báo cách đây hơn một thế kỷ. Ông đã khẳng định: “Khi các nhà tư bản trao đổi tiền để lấy tiền, CNTB sẽ thoái trào”, và xã hội tư sản hiện đại, một xã hội phù phép ra những phương tiện sản xuất và trao đổi khổng lồ tới mức nó giống như thầy phù thủy không thể kiểm soát nổi những “âm binh” do chính mình triệu lên. Cách thức tốt nhất để can thiệp, giảm sức nóng của những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính là nhà nước phải ra tay cứu nền kinh tế, với những hoạt động gần như quốc hữu hoá nền kinh tế vốn do tư nhân thống trị; và cần có “sự tập trung hoá trong tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia cùng với vốn nhà nước”.

Vấn đề đặt ra là, tại sao cách đây hơn một thế kỷ, điều C.Mác đề cập đến nay vẫn đúng?. Câu trả lời là, C.Mác là người có phương pháp luận khoa học trong phân tích và được thực hiện một cách vô cùng khách quan. C.Mác đã phân tích một cách rõ ràng và sâu sắc về CNTB; đặc biệt, Ông đã phát hiện ra những quy luật vận động, phát triển của xã hội tư bản. Vì thế, những tiên đoán của C.Mác từ thế kỷ XIX về khủng hoảng trong xã hội TBCN (đã diễn ra ở thế kỷ XX (1929-1933) và hiện nay), đã và đang thuyết phục nhiều nhà chính trị cũng như các doanh nhân thành đạt nhất ở các nước phương Tây, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính toàn cầu và trí thức trẻ, trở lại nghiên cứu học thuyết của Ông để tìm nguyên nhân của cuộc KHTC và biện pháp đối phó. Vì thế, “Tư bản” và “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (các tác phẩm của C.Mác) được Nhà xuất bản Karl Dietz (Đức), hiện giữ bản quyền, đã tái bản nhiều lần với số lượng tăng vọt và đang được nhiều người tìm nghiên cứu. Bởi vậy, không phải là đại ngôn khi cho rằng, C.Mác không chỉ là nhà tư tưởng của thế kỷ XX, mà còn là của thế kỷ XXI.

Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở học thuyết kinh tế của C.Mác với phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đã đề ra chủ trương thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Chúng ta thực hiện kinh tế thị trường, vì đó là sản phẩm của nhân loại, không phải riêng có của CNTB. Song điểm khác biệt, đó không phải là “thị trường tự do” kiểu Mỹ, mà là thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Nhà nước XHCN quản lý nền kinh tế thị trường để bảo đảm lợi ích của toàn dân, của cả xã hội, chứ không phải là phục vụ cho lợi ích cục bộ của một nhóm cá nhân. Trên cơ sở nhận thức các quy luật của kinh tế thị trường, Nhà nước XHCN tác động vào những yếu tố, điều kiện, môi trường mà các quy luật đó đang vận hành, để hướng sự tác động của nó có lợi cho xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới luôn tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc KHTC toàn cầu, nhưng nền kinh tế nước ta trong năm 2008 vẫn có tốc độ tăng trưởng khá (đạt 6,18%), và trong quý I-2009 là một trong 12 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng dương (đạt 3,1%). Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố ngày 31-3-2009 tại Hà Nội, Việt Nam có thể tăng trưởng 4,5% trong năm nay và hồi phục ở mức 6,5% trong năm 2010, đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Đó cũng là thực tiễn bác bỏ những luận điệu phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, làm thức tỉnh những ai muốn thực hiện kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ.

Những điều trình bày trên với hy vọng bổ sung thêm căn cứ để củng cố niềm tin của chúng ta vào học thuyết kinh tế của C.Mác, cũng như tin tưởng vào đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS, TS. TRẦN QUANG LÂM* -

TS. NGUYỄN VĂN BẢY

____________

*- Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. 

1 -  Báo Nhân dân - Cần nỗ lực vượt qua khủng hoảng, ngày 31-3-2009, tr. 4.

2- David Koz: "Khủng hoảng và kết thúc của chủ nghĩa tự do mới", Tạp chí Động thái lý luận nước ngoài (Trung Quốc) tháng 12-2007.

 

Ý kiến bạn đọc (0)