QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:23 (GMT+7)
Cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây và vấn đề an ninh trên thế giới

5 năm sau vụ khủng bố nước Mỹ hôm 11-9-2001, các phương tiện thông tin đại chúng của nhiều nước phương Tây đã đua nhau cho đăng tải những ý kiến, tranh luận của giới học giả, các chính trị gia, các nhà quân sự xung quanh cuộc chiến chống khủng bố mà phương Tây đang tiến hành trên toàn cầu; trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là những nhận định, đánh giá về kết quả cuộc chiến chống khủng bố và bài học kinh nghiệm cho cuộc chiến này. Bàn về kết quả chống khủng bố, một số ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây đã thu được những kết quả khả quan, đã làm cho các tổ chức khủng bố bị tổn thất nặng nề và bị suy yếu, thế giới đã có được một môi trường an ninh an toàn hơn, an ninh của nhiều nước phương Tây đã được đảm bảo. Theo họ, kết quả đó có được, trước hết là do Chính quyền các nước phương Tây đã tạo được sự thống nhất nhận thức về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố đối với thế giới và từng quốc gia, về tầm quan trọng, tính cấp thiết của cuộc chiến chống khủng bố mà phương Tây đang tiến hành là “một cuộc chiến đấu tư tưởng mang tính chất quyết định của thế kỷ 21”. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, đồng thời cũng là nền tảng vững chắc để phương Tây tiến hành chiến tranh đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Thứ nữa là, khủng bố, vốn được xác định là mối đe dọa “phi truyền thống” nguy hiểm nhất, kẻ thù “ảo”, kẻ địch “vô hình”, phương Tây đã huy động lực lượng hùng hậu, dựa trên sức mạnh của quốc gia, liên minh các quốc gia, tiến hành một cuộc chiến toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, đối ngoại..., chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Chiến dịch quân sự “đánh đòn phủ đầu” ở áp-ga-ni-xtan, ở I-rắc, cùng các hoạt động quân sự khác được tiến hành ở nhiều khu vực trên thế giới, đã lật đổ chính quyền Ta-li-ban, phá tan “sào huyệt” của tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng Al Qaeda –trực tiếp gây ra vụ khủng bố hôm 11-9 vào nước Mỹ - tiêu diệt hoặc bắt giữ nhiều chỉ huy cấp cao của Al Qaeda và của các tổ chức khủng bố khác. Đến nay, tuy thủ lĩnh Bin La-đen của Al Qaeda vẫn còn đang lẩn trốn, nhưng tổ chức khủng bố này đã bị suy yếu và đang đứng trước nguy cơ tan rã trong tương lai không xa. Những nỗ lực tăng cường các biện pháp an ninh nội địa, thiết lập các cơ chế phối hợp hành động giữa các lực lượng, giữa các quốc gia trong trao đổi thông tin tình báo, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính, kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch..., đã phát huy được hiệu quả, làm cho các tổ chức khủng bố bị phân rã, không còn đủ khả năng tập hợp lực lượng, tổ chức, tiến hành các vụ khủng bố lớn kiểu như vụ 11-9. Nhiều âm mưu khủng bố đã bị phát hiện và bị đập tan, bắt giữ và tiêu diệt nhiều tên khủng bố. Điển hình là lực lượng an ninh của Anh, Mỹ, Thụy Điển đã phát hiện và phá vỡ nhiều vụ khủng bố âm mưu đánh bom ga tầu điện ngầm, bắt cóc máy bay ở các nước này.

Tuy nhiên, trái với các ý kiến được cho là lạc quan nêu trên, có rất nhiều ý kiến lại tỏ ra lo ngại, thất vọng về hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố mà phương Tây đang tiến hành trên thế giới; thậm chí một số ý kiến còn nêu thẳng thừng rằng, phương Tây đang bị thất bại trong cuộc chiến này. Các ý kiến bi quan cho rằng, những năm qua, phương Tây đã tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ cho cuộc chiến chống khủng bố; chỉ tính riêng nước Mỹ, trong 5 năm vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn chi 437 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố, số tiền lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh mà Mỹ đã tiến hành trước đây. Chính phủ Mỹ cũng đã phải chi số tiền hơn 250 tỷ USD cho các hoạt động bảo đảm an ninh nội địa và còn rất nhiều khoản chi phí “ngầm” khác không được tiết lộ. Phí tổn chi cho cuộc chiến chống khủng bố là không thể thống kê nổi, nhưng vấn đề mấu chốt là tình hình an ninh của phương Tây vẫn không được cải thiện, dân chúng các nước vẫn đang phải sống trong tâm trạng lo sợ trong một môi trường an ninh không chắc chắn, bởi nguy cơ bị khủng bố vẫn đang hiện hữu rất lớn, kể cả khi họ đang sống ở trong nước cũng như khi đi ra nước ngoài. Một số tờ báo phương Tây đã nêu một hình ảnh đáng lo ngại đối với người dân ở các thành phố lớn của phương Tây là, khi ra đường, nhìn ai người ta cũng có cảm giác đó là một tên khủng bố, cần phải cảnh giác. Những phân tích gần đây đều thừa nhận, để đối phó với phương Tây, các tổ chức khủng bố đang tiến hành điều chỉnh chiến thuật khủng bố. Chúng chuyển từ tổ chức các vụ khủng bố quy mô lớn sang các hoạt động khủng bố nhỏ, lẻ; địa bàn hoạt động khủng bố trước đây chỉ tập trung ở một số nước, nay đã mở rộng ra tất cả các nước phương Tây; thành phần lực lượng tham gia khủng bố ngày càng đa dạng hơn, tổ chức thành các nhóm nhỏ, lẻ; phương thức, thủ đoạn khủng bố ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Kết quả điều tra vụ đánh bom ở thủ đô Ma-đrít (Tây Ban Nha) năm 2004, cho thấy, những tên khủng bố này hoàn toàn không có liên hệ với Al Qaeda. Vụ khủng bố tấn công xe buýt và ga tầu điện ngầm ở thủ đô Luân Đôn (Anh) năm 2005, tất cả 4 tên đánh bom liều chết đều là người Anh. Cơ quan tình báo một số nước phương Tây còn cho biết, điều đáng lo ngại hiện nay là, Al Qaeda đã trở thành hình tượng đại diện cho một thứ trào lưu cho nhiều thanh niên Hồi giáo mới lớn ở Tây Âu bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, lấy “thánh chiến” làm tôn chỉ chống phương Tây. Và rằng, các tổ chức khủng bố đang tích cực củng cố về mặt tổ chức, bổ sung lực lượng và tìm kiếm, phát triển các phương tiện khủng bố kỹ thuật cao, các phương tiện khủng bố “bẩn”, như vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân để tiến hành các vụ khủng bố mang tính hủy diệt lớn, vô cùng nguy hiểm.
Cũng theo những ý kiến này, cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây tiến hành trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập làm cho cuộc chiến này bị phản tác dụng. Bất cập lớn nhất, cốt lõi nhất là đến nay, phương Tây vẫn đang rất lúng túng, tựa như “gà mắc tóc” trong việc hoạch định một đường lối chiến lược chống khủng bố phù hợp, hiệu quả. Những năm qua, phương Tây đã đề ra hai chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cả hai chiến lược này đều thiếu tính khả thi, mơ hồ về mặt lý luận, phi thực tiễn và chính vì thế mà cuộc chiến chống khủng bố không thu được kết quả như họ mong đợi. Chiến lược thứ nhất là chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu”, được thông qua năm 2002, mà I-rắc được xác định là “mặt trận chống khủng bố trung tâm”. Cuộc tiến công quân sự “đánh đòn phủ đầu” chống I-rắc (2003) tuy đã lật đổ được chính quyền Xa-đam Hút-xen, nhưng đã để lại những hậu quả nặng nề cho phương Tây. Hành động quân sự tàn bạo, bất chấp luật pháp quốc tế, sự phản đối của Liên hợp quốc (LHQ), mà phương Tây tiến hành ở I-rắc và ở khu vực Trung Đông, đã gây nên làn sóng bất bình, phản đối gay gắt trong dư luận thế giới, kể cả ở các nước phương Tây và làm cho liên minh chống khủng bố của phương Tây bị chia rẽ sâu sắc. Dư luận thế giới lên án Mỹ, Anh lấy chống khủng bố làm cái cớ để tiến hành chiến tranh xâm chiếm I-rắc, độc chiếm nguồn dầu mỏ khổng lồ và biến nước này thành “bàn đạp”, hòng đánh chiếm toàn bộ khu vực Trung Đông- khu vực có địa-chiến lược, địa-kinh tế vô cùng quan trọng. Nhất là gần đây khi mà Uỷ ban Tình báo Thượng viện Mỹ trình Quốc hội một báo cáo khẳng định, I-rắc không có vũ khí hủy diệt và cựu Tổng thống I-rắc Xa-đam Hút-xen không có quan hệ với Al Qaeda – lý do để Mỹ, Anh phát động chiến tranh chống I-rắc - thì dư luận lại càng bức bối, vạch trần hành động quân sự đó là đội lốt chống khủng bố để tiến hành thực hiện mưu đồ sâu xa của mình. Cuộc chiến tranh I-rắc để lại cho người dân I-rắc, khu vực Trung Đông và nhiều nước phương Tây những hậu quả vô cùng nặng nề và còn kéo dài chưa biết đến khi nào mới kết thúc.  Kết quả điều tra công bố mới đây cho thấy, kể từ tháng 3-2003, đã có khoảng 655.000 người I-rắc chết do chiến tranh và bạo lực. Tính đến cuối tháng 10-2006 đã có khoảng 2.800 lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc. Đến nay, Mỹ vẫn phải duy trì ở I-rắc 140.000 quân, nhưng tình hình an ninh ở đây vẫn ngày một xấu đi, xung đột, bạo lực đang đẩy đất nước này đến bên bờ của một cuộc nội chiến đẫm máu. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây do các hãng truyền thông nổi tiếng như CNN, viện Ga-lớp, Mỹ công bố, cho thấy, trên 64% người dân Mỹ cho rằng cuộc chiến I-rắc là sai lầm; uy tín của Chính quyền Mỹ xuống chỉ còn khoảng 36%, mức thấp kỷ lục kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nước Mỹ vừa qua (11-2006), đảng Cộng hòa đã chịu thất bại tại cả hai viện Quốc hội, một kết cục mà nhiều nhà phân tích cho là có thể đoán trước. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của cuộc chiến chống khủng bố bằng quân sự do phương Tây tiến hành còn đáng lo ngại hơn, bởi nó lại chính là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng hận thù, thúc đẩy bạo lực, xung đột, làm cho khủng bố ngày càng sinh sôi, nẩy nở và phát triển. Giám đốc “lực lượng đặc nhiệm chống Bin La-đen” thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Michael Schever, mới đây đã phải chua xót thừa nhận, “đồng minh quan trọng nhất mà Al Qaeda có được chính là chính sách đối ngoại sai lầm của phương Tây đối  với thế giới Hồi giáo”.
Chiến lược thứ hai là chiến lược “ thúc đẩy tự do, dân chủ trên toàn thế giới” (thông qua năm 2006), được phương Tây ca ngợi là “chiến lược gốc” và sự thành công của nó sẽ làm cho chủ nghĩa khủng bố “không còn đất sống”. Các hành động được gọi là hỗ trợ các nền “dân chủ trẻ”, thúc đẩy, mở rộng dân chủ ra toàn thế giới, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao hậu trường cho các cuộc “cách mạng mầu sắc”, “cách mạng đường phố” ở nhiều nước, nhiều khu vực; phán xét nước này, đe nẹt nước kia về tình trạng dân chủ, nhân quyền, tôn giáo,v.v, mà phương Tây thực hiện thời gian qua, tựu trung lại, cái “dân chủ hóa thế giới” của phương Tây là sử dụng sức mạnh có ưu thế vượt trội về kinh tế, quân sự, trình độ khoa học-kỹ thuật, để ép buộc các nước phải tuân theo các giá trị về “đạo đức”, “dân chủ”, “nhân quyền” của họ. Họ không tôn trọng những giá trị lịch sử, văn hóa, đặc thù tín ngưỡng của các dân tộc, các tôn giáo, phớt lờ những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế về quan hệ giữa các nước, áp đặt cho toàn thế giới một “khuôn mẫu dân chủ phương Tây”, mà họ gọi là “đại diện duy nhất”. Dư luận phản đối, lên án, coi dân chủ dựa trên sự áp đặt bằng sức mạnh của phương Tây là phản dân chủ, phản nhân quyền, vi phạm  nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nước khác. Đó là chính sách thực dân kiểu mới, một phát triển mới của chiến lược “đánh đòn phủ đầu” bằng bạo lực phi vũ trang. Chính sách đó không thể chống được khủng bố; trái lại, chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới.
Nhân loại tiến bộ trên thế giới nhận thức sâu sắc hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, coi cuộc chiến chống khủng bố là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cấp thiết hiện nay, được tiến hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quân sự là một mặt trận, trên cơ sở phát huy cao nhất nỗ lực của từng quốc gia, với nỗ lực hợp tác, phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế, trên tinh thần tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống khủng bố phải đồng thời với đấu tranh giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân gây ra khủng bố là áp bức, bóc lột, đói nghèo, bất bình đẳng, bất công. Kiên quyết phản đối việc lợi dụng chống khủng bố để tiến hành các hành động nhằm thực hiện mưu đồ cường quyền, bá quyền khu vực và thế giới. Chỉ có như vậy chúng ta mới đánh bại được chủ nghĩa khủng bố, xây dựng được thế giới hòa bình, ổn định, công bằng, hợp tác và phát triển.
 
Đồng Đức
 

Ý kiến bạn đọc (0)