QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:48 (GMT+7)
Cuộc cách mạng quân sự mới và vấn đề tổ chức quân đội hiện nay của một số nước

Trong lịch sử, thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng quân sự: cuộc cách mạng lần thứ nhất là về vũ khí kim loại; cuộc cách mạng lần thứ hai là về hỏa khí và cuộc cách mạng lần thứ ba là cách mạng cơ giới hóa. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, khoa học- công nghệ mới phát triển như vũ bão và việc vận dụng các thành tựu mới này đã làm thay đổi mang tính cách mạng mọi mặt trong lĩnh vực quân sự, mà theo giới hoạch định chiến lược của nhiều nước đã hình thành một cuộc cách mạng quân sự mới - cuộc cách mạng quân sự lần thứ tư. Đặc trưng của cuộc cách mạng quân sự lần này là khả năng liên kết các hệ thống, ưu thế tri thức, phương tiện tự động hóa, trí năng hóa, chiến tranh thông tin, vũ khí chính xác, phương tiện tàng hình, v.v. Và dưới tác động của nó, phương thức và nghệ thuật tác chiến đã có những phát triển vượt bậc, các yếu tố tác chiến như tầm bắn xa, độ chính xác tiến dần đến cực đại, yếu tố thời gian tiến dần đến bằng không (tác chiến theo thời gian thực). Ranh giới truyền thống giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa chiến lược, chiến dịch và chiến đấu ngày càng mờ nhạt. Tác chiến tiến công và tác chiến phòng ngự ngày càng chuyển hóa lẫn nhau; tiến công từ xa, phòng ngự từ xa... Mặt khác, sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới, nhưng xung đột, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên, các họat động ly khai, khủng bố, can thiệp từ bên ngoài.., vẫn diễn ra gay gắt. Nhất là một số cường quốc phương Tây, dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân đạo”, đang tăng cường sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự tiến hành các họat động quân sự, chiến tranh chống nước khác, hòng thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia trong tình hình mới, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, các nước rất coi trọng tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng quân sự vào xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại hóa, đủ sức đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài và bên trong. Trong xây dựng quân đội, hết sức coi trọng việc điều chỉnh tổ chức quân đội cho phù hợp với chiều hướng phát triển của cuộc cách mạng quân sự mới và yêu cầu nhiệm vụ chính trị - quân sự của quốc gia, coi đó là thành tố quan trọng hàng đầu để tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Do đặc thù riêng nên mỗi nước có cách thức và biện pháp điều chỉnh tổ chức quân đội khác nhau, song về tổng thể nổi lên một số nội dung chủ yếu sau.

1-Thu nhỏ quy mô, điều chỉnh biên chế tổ chức theo hướng gọn, nhẹ, nâng cao khả năng cơ động, tác chiến linh họat của quân đội.

Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, để nâng cao sức mạnh của quân đội, sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu, các nước đều có xu hướng tổ chức lực lượng vũ trang có quy mô ngày càng lớn, điều đó khiến cho cơ cấu tổ chức của quân đội ngày càng phình to, cồng kềnh, phức tạp. Thời kỳ đó, việc xác định sức mạnh quân đội của một nước, yếu tố quan trọng đầu tiên được tính tới là ưu thế về quân số, số lượng các binh đoàn, binh đội và vũ khí, trang bị chiến đấu. Ngày nay, việc sử dụng vũ khí, trang bị công nghệ cao có tính năng kỹ thuật-chiến thuật ưu việt hơn hẳn vũ khí, trang bị truyền thống, đã thúc đẩy phương thức, thủ đoạn tác chiến, chiến tranh phát triển chưa từng thấy. Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính (C3I) tiên tiến có khả năng làm cho chiến trường trở nên “trong suốt”, tiến hành trinh sát - định vị và chỉ huy binh lực, hỏa lực tiến công gần như tức thời, từ tầm xa “ngoài đường chân trời”, với độ chính xác gần như tuyệt đối, cùng một lúc tiêu diệt hàng lọat mục tiêu. Tên lửa, bom thế hệ mới không chỉ có thể tiến công chính xác, tầm xa, trong mọi điều kiện môi trường mà còn có khả năng sát thương tương đương với vũ khí hạt nhân. Trong tác chiến, bên tiến công có thể sử dụng đòn tiến công kết hợp cả “cứng” và “mềm”, cùng lúc đánh vào các mục tiêu chiến lược, nhanh chóng đánh quỵ tiềm lực chiến tranh của đối phương, để đạt mục tiêu tác chiến đề ra... Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là quân đội phải đảm bảo được tính cơ động cao và khả năng tác chiến linh họat. Cách thức tổ chức quân đội truyền thống theo hướng quy mô lớn, cơ cấu cồng kềnh ngày càng bộc lộ những bất cập, vừa không kinh tế lại vừa hạn chế đến khả năng và sức chiến đấu của các lực lượng, cần phải được điều chỉnh để có thể đáp ứng các yêu cầu tác chiến mới. Thời gian qua, nhiều nước đã tiến hành thu nhỏ quy mô, tinh giản biên chế tổ chức quân đội  theo hướng hợp lý, chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, coi đây là một nội dung điều chỉnh mang tính chiến lược trong xây dựng quân đội hiện đại hóa.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành những cải cách lớn trong quân đội. Giai đoạn 2001-2005, quân đội Trung Quốc đã cắt giảm 200.000 quân, chủ yếu là lục quân; tinh giản cơ cấu bộ máy quản lý hành chính ở cơ quan Bộ Quốc phòng, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh các Đại quân khu và Quân khu; giải thể 3 trong tổng số 24 tập đoàn quân: tập đoàn quân 40 thuộc Đại quân khu Thẩm Dương, tập đoàn quân 24 và 63 thuộc Đại quân khu Bắc Kinh. Trong các tập đoàn quân, tiến hành chuyển các sư đoàn pháo binh, xe tăng thành cấp lữ đoàn, nhằm giảm cơ cấu trung gian, nâng cao tính cơ động và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ huy và hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục chương trình cắt giảm quân số theo kế hoạch đề ra, dự kiến xóa bỏ cấp Quân khu và rút gọn từ 7 Đại quân khu hiện nay xuống còn 3 Đại quân khu mới, phụ trách 3 hướng chiến lược là Bắc, Tây Nam và ven biển. Các quân chủng cũng tiến hành tinh giản tổ chức, biên chế theo hướng rút gọn quy mô, điều chỉnh kết cấu hợp lý, nâng cao hàm lượng kỹ thuật cao để tạo thực lực tác chiến, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh cục bộ hiện đại công nghệ cao.
Tính đến cuối năm 2005, quân đội Liên bang Nga đã tiến hành cắt giảm quân số từ 2,75 triệu người xuống còn dưới 1 triệu người; hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức quân đội, cơ cấu gồm 3 quân chủng: lục quân, không quân, hải quân và 3 binh chủng: bộ đội vũ trụ, bộ đội tên lửa chiến lược, bộ đội đổ bộ đường không; sáp nhập một số quân khu và triển khai thực hiện các biện pháp để tiến tới xây dựng quân đội theo hướng chuyên nghiệp hóa. 
2- Hiện đại hóa nâng cao năng lực, trình độ chỉ huy tác chiến cho cơ quan chỉ huy các cấp, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh cục bộ hiện đại.
Một đặc điểm nổi bật của chiến tranh cục bộ công nghệ cao hiện nay là mục tiêu và quy mô chiến tranh được hạn chế, nhưng không gian tác chiến ngày càng mở rộng cả trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trường điện từ. Trong tác chiến, nếu như trước đây, tác chiến điện tử, tác chiến thông tin-chỉ huy chỉ đóng vai trò trợ giúp cho các họat động tác chiến khác thì nay đã trở thành một phương thức tác chiến chủ yếu, trong nhiều trường hợp có vai trò quyết định sự thành bại của chiến tranh. Trong chiến tranh vùng Vịnh (1991), cùng với thực hiện tiến công hỏa lực, quân đội Mỹ đã tiến hành tác chiến điện tử quy mô lớn, bằng các phương tiện tác chiến điện tử tiên tiến bố trí trên đất liền, trên biển, trên không trung và trong vũ trụ, hình thành thế trận tiến công “mềm” lập thể, nhiều chiều trên toàn bộ không gian chiến trường đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống chỉ huy, kiểm soát của quân đội I-rắc, khiến cho quân đội nước này lâm vào tình trạng “mù”, “điếc”, nhanh chóng thất bại. Để đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao của công tác chỉ huy tác chiến trong chiến tranh cục bộ công nghệ cao, các nước đều rất coi trọng hiện đại hóa nâng cao năng lực, trình độ chỉ huy tác chiến cho cơ quan chỉ huy các cấp của quân đội, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên trong xây dựng quân đội hiện đại. Điều lệnh tác chiến của quân đội Mỹ được công bố mới đây đã khẳng định, trong chiến tranh tương lai, tác chiến điện tử, tác chiến thông tin - chỉ huy sẽ là phương thức tác chiến chủ yếu. Ưu thế quân sự của quân đội Mỹ là ưu thế C4I2 ( trinh sát, chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và liên kết). Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi một khoản ngân sách lớn cho việc phát triển mạng thông tin toàn cầu và mua sắm, trang bị cho cơ quan chỉ huy các cấp hệ thống C3I, C4I2 tiên tiến nhất, có trình độ tự động hóa và trí năng hóa cao, có khả năng mô phỏng chiến trường, thu thập, xử lý thông tin nhanh và giúp người chỉ huy lựa chọn các phương án tác chiến tối ưu, khả năng đảm bảo thông tin-chỉ huy tác chiến, kể cả chỉ huy vượt cấp, từ cấp chiến lược tới từng đơn vị chiến đấu và khả năng tác chiến điện tử. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức sở chỉ huy của các Bộ tư lệnh tác chiến; tăng cường đổi mới công tác huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ chỉ huy cho đội ngũ sĩ quan chỉ huy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật..., đáp ứng yêu cầu của chiến tranh cục bộ hiện đại. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, hệ thống chỉ huy của quân đội Mỹ đã đạt trình độ hiện đại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đây cũng chính là “gót chân A-sin” mà trong tác chiến, quân đội đối phương có thể khai thác để chống lại sức mạnh của quân đội Mỹ. Bởi vì, trong xu thế toàn cầu hóa, các nước đều có thể dễ dàng nhập khẩu các công nghệ hiện đại để hiện đại hóa hệ thống chỉ huy của quân đội theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị-quân sự đề ra, và từ các công nghệ đó có thể nghiên cứu phát triển các vũ khí, trang bị, phương thức, thủ đoạn tác chiến điện tử đối phó hiệu quả, kể cả với hệ thống chỉ huy hiện đại nhất như của quân đội Mỹ. Quân đội của nhiều nước đang phát triển, bên cạnh việc nghiên cứu hiện đại hóa nâng cao năng lực tác chiến và phòng hộ cho hệ thống chỉ huy, cũng rất chú trọng phát triển các phương tiện tác chiến điện tử, như phát triển các “con rệp điện tử”, “vi rút máy tính", vũ khí phi sát thương: vũ khí âm thanh, vũ khí xung điện từ, vũ khí vi-ba, v.v. Trung Quốc đã phát triển “ngôi sao ký sinh” có khả năng theo bám để thu thập hoặc phá hoại dữ liệu hệ thống máy tính điện tử của bất kỳ loại vệ tinh hiện đại nào hiện nay. Ưu điểm của loại vũ khí này là nhỏ, gọn (chỉ vài chục ki-lô-gam), do đó rất khó bị phát hiện  và giá thành thấp. Cùng với việc nâng cao khả năng cơ động cho hệ thống chỉ huy của quân đội, nhiều nước cũng rất coi trọng sử dụng các biện pháp ngụy trang, nghi binh, gây nhiễu, các thủ đoạn tác chiến trinh sát-chỉ huy để đối phó với các phương tiện  trinh sát-chỉ huy hiện đại của đối phương.
3- Thành lập lực lượng phản ứng nhanh, lực lượng tác chiến đặc biệt.
Để nâng cao tính cơ động, khả năng tác chiến linh họat, nhất là khả năng phản ứng nhanh đối phó với các tình huống bất ngờ, các mối đe dọa phi truyền thống ngày càng đa dạng, nguy hiểm, như các họat động khủng bố, xung đột cục bộ sử dụng vũ khí công nghệ cao..., nhiều nước đã thành lập các đơn vị phản ứng nhanh, đơn vị tác chiến đặc biệt, làm lực lượng tác chiến xung kích của quân đội. Trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng phức tạp, để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và các nước đồng minh, Nga đã thành lập các sư đoàn phản ứng nhanh, được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, trang bị các phương tiện cơ động hiện đại, vũ khí đa năng, có sức đột kích mạnh, có thể đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ tác chiến quan trọng. Quân đội Trung Quốc đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh ở các Đại quân khu và các quân chủng, binh chủng. Thời gian qua, quân đội nước này rất chú trọng cải cách tổ chức biên chế, tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đổi mới công tác huấn luyện, nhằm nâng cao trình độ và khả năng tác chiến cho các đơn vị phản ứng nhanh. Quân đội Mỹ thành lập các lữ đoàn phản ứng nhanh có khả năng cơ động và triển khai chiến đấu trong vòng 48 tiếng đồng hồ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng tổ chức các lực lượng chiến đấu liên hợp nhất thể hóa, được trang bị các vũ khí hiện đại có trình độ tự động hóa, trí năng hóa cao, để tiến hành các họat động tác chiến đặc biệt, như tiến hành các chiến dịch tiến công đường không chiến lược (ví dụ cuộc tiến công đường không chiến lược chống Li-bi năm 1986), tiến hành chiến tranh thông tin, các họat động lật đổ (như tiến hành các cuộc “cách mạng nhung”), v.v. Trong “Phương hướng phát triển quân đội thế kỷ 21”, quân đội Mỹ chủ trương xây dựng quân đội số hóa và hiện nay đang tiến hành xây dựng bộ đội số hóa trong một số đơn vị lục quân. Theo họ, nếu xây dựng được quân đội số hóa thì đây sẽ là một “bước ngoặt” trong lịch sử chiến tranh. Đặc điểm của quân đội số hóa là các hoạt động tác chiến, chiến tranh sẽ được thực hiện theo các kịch bản đã được số hóa, lúc đó chiến tranh sẽ là chiến tranh “bấm nút”. Tuy nhiên, nhiều tướng lĩnh Mỹ lo ngại rằng, xây dựng quân đội số hóa kiểu Mỹ là “thiếu thực tiễn”, chỉ làm cho sức chiến đấu của quân đội ngày càng bị suy giảm, bởi nó đang biến lính Mỹ thành những “rô-bốt”- điều vô cùng nguy hiểm, khi mà chiến tranh hiện đại đang đòi hỏi quân nhân phải có tư duy và trí tuệ ngày càng cao.
Cách mạng quân sự vốn không phải tự nó sinh ra mà do con người tạo nên và quyết định chiều hướng phát triển của nó. Hình thức, nội dung của cuộc cách quân sự lần thứ tư như thế nào, kể các đặc trưng nêu ở phần trên cũng mới chỉ là những biểu hiện ban đầu, còn phải tiếp tục được nghiên cứu. Nhưng vấn đề đặt ra là một số cường quốc, nước lớn đang thúc đẩy cuộc cách mạng đó cho chạy đua vũ trang, tiến hành các hoạt động quân sự, chiến tranh chống nước khác, hòng thực hiện tham vọng bá quyền, thống trị thế giới. Hành động nguy hiểm đó đang đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, chúng ta phải theo dõi chặt chẽ, nắm chắc những phát triển của cuộc cách mạng đó, đồng thời phải chủ động nghiên cứu vận dụng, phát triển các thành tựu của cuộc cách mạng đó vào công cuộc xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đồng Đức – Ngọc Thanh

 
 

Ý kiến bạn đọc (0)