QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:12 (GMT+7)
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII sẽ là cuộc bầu cử thật sự dân chủ
Ngày 20 tháng 5 năm 2007, nhân dân cả nước ta sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cuộc bầu cử này bằng những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt. Luận điệu của chúng vẫn là đòi thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, áp đặt “dân chủ”, “nhân quyền” theo kiểu phương Tây vào chế độ chính trị của nước ta. Chúng đưa ra những nhận định sai lệch, hòng gây sự hiểu lầm, hoài nghi, phân vân trong đảng viên, cán bộ, nhân dân về bản chất và phương thức tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta; từ đó kêu gọi “tẩy chay” hoặc dùng lá phiếu bầu để thực hiện mưu đồ chính trị của chúng. Những hành động đó đã đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước. 

 Cần hiểu rằng, ở nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội là những người có đức, có tài, được nhân dân tín nhiệm bầu ra; thực sự đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia các hoạt động theo sự phân công, bảo đảm cho Quốc hội thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta từ trước tới nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai; mọi công dân có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định; bảo đảm theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín;...
Thực tế đã chứng minh, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội luôn được bảo đảm và ngày càng được phát huy đầy đủ hơn, thực chất hơn. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kêu gọi nhân dân giới thiệu những người có đức, có tài, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, kể cả các nhân sĩ, trí thức có tinh thần phụng sự Tổ quốc và nhân dân, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc tự ứng cử để gánh vác công việc của quốc dân giao phó. Từ Quốc hội khoá II, Hiến pháp, Luật bầu cử của nước ta ngày càng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, do đó càng tạo thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Qua 11 khóa Quốc hội cho thấy, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội ngày càng cao; tỷ lệ cử tri tham gia ngày càng đông; trách nhiệm đối với lá phiếu ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, đại biểu được bầu vào Quốc hội đều là những người có đức, có tài, có tín nhiệm với nhân dân và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Người đại biểu nhân dân... Chính vì vậy, các khóa Quốc hội đều đã hoàn thành trọng trách của mình trước lịch sử. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại làm ngơ trước sự thật đó, họ thổi phồng hạn chế, thậm chí dựa vào những khiếm khuyết nhất định của một số đại biểu Quốc hội để quy kết cho chất lượng bầu cử và chất lượng của Quốc hội nước ta. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn, biểu hiện thái độ định kiến, thiếu khách quan; chắc chắn không thể đánh lừa được dư luận, nhất là đối với những người có kiến thức và hiểu biết thực sự về dân chủ.
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII này có trách nhiệm rất nặng nề, là phải tập trung lựa chọn, bầu ra được những đại biểu đủ đức, đủ tài, đáp ứng sự phát triển mới của tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhất là những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi nước ta đã gia nhập WTO. Do đó, phải bảo đảm công tác bầu cử được diễn ra đúng luật, thực sự dân chủ, công khai; mọi công dân (theo luật định) có quyền bầu cử và ứng cử; mọi ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều được tôn trọng như nhau; mọi cử tri đi bầu đều tự giác thực hiện nhiệm vụ đối với lá phiếu của mình, không chịu một sức ép nào. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định quy trình 3 lần hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có thẩm quyền chủ trì. Trong quá trình hiệp thương, để xác định danh sách chính thức những người ứng cử, nhân dân có quyền phát hiện, phản ánh những vấn đề liên quan đến năng lực, phẩm chất, lối sống, đạo đức của các ứng cử viên. Với tính chất và quy trình hiệp thương như vậy, không chỉ các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước mà tất cả các tổ chức khác trong xã hội và nhân dân đều có cơ hội lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài, có điều kiện, khả năng thực hiện nhiệm vụ đại biểu của nhân dân. Đó là một bước tiến mới trong thực thi quyền dân chủ ở nước ta. Điều đó bác bỏ luận điệu cho rằng, ở Việt Nam bầu cử diễn ra thiếu dân chủ, người dân không có quyền lựa chọn đại biểu, đề đạt chính kiến của mình.
Đáng chú ý là, quy định của Luật bầu cử và hướng dẫn về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII thể hiện rất rõ tinh thần khuyến khích và tạo thuận lợi cho công dân phát huy trách nhiệm, tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Nếu Quốc hội khoá XI có 67 người tự ứng cử, thì lần này, qua lần hiệp thương thứ hai ở Trung ương, số người tự ứng cử tăng rất cao (238 người). Địa phương có số người tự ứng cử đông nhất là thành phố Hồ Chí Minh (101 người); thành phố Hà Nội có 52 người; người trẻ tuổi nhất là 22 tuổi và người cao tuổi nhất là 74 tuổi. Thành phần những người tự ứng cử cũng đa dạng, gồm sinh viên, giáo viên, luật sư, luật gia, phóng viên, doanh nhân, cán bộ hưu trí,... Số người có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ cao. Có thể nói, chưa cuộc bầu cử Quốc hội nào có số lượng người tự ứng cử đông như lần này. Điều đó càng chứng tỏ không khí dân chủ ở nước ta; đây là bảo đảm quan trọng cho thành công của cuộc bầu cử. Chúng ta mong muốn có nhiều người thực sự đủ tài, đủ đức được giới thiệu và tự ứng cử, để cử tri có điều kiện lựa chọn những người xứng đáng nhất, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu. Trong một xã hội thực sự dân chủ, việc có nhiều người không trúng cử hoặc một số đơn vị bầu cử phải tiến hành bầu lại cho đủ số lượng cũng là vấn đề bình thường.
Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, việc xác định cơ cấu và thành phần đại biểu là hoàn toàn cần thiết và cũng là một điều kiện để phát huy dân chủ. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; đồng thời là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội phải được cơ cấu nhằm bảo đảm sự cân đối, hài hòa về nhân sự, trong đó có đại biểu của các dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo và đại biểu nữ; đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, các nhà khoa học, trí thức và doanh  nhân; đại biểu là người đang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Việc xác định cơ cấu đại biểu Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và hiệu lực hoạt động của Quốc hội; đương nhiên phải qua hiệp thương, có sự đồng thuận của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận. Mặt khác, cùng với việc bảo đảm cơ cấu đại biểu, khi giới thiệu các ứng cử viên vẫn phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo luật định, không có ngoại lệ. Đó là những người yêu nước, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tích cực phấn đấu vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành pháp luật, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật; có trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. 
Dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội còn được thể hiện ở chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 30% và giảm tỷ lệ đại biểu trong các cơ quan hành pháp. Đây là chủ trương hợp lý, bảo đảm cho các dự thảo luật, nghị quyết được thẩm tra kỹ hơn, chất lượng cao hơn trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thảo luận, đồng thời cũng tránh cho Quốc hội sa vào tình trạng quan liêu. Hơn nữa, giảm đại biểu kiêm nhiệm, nhất là giảm tỷ lệ đại biểu làm việc trong các cơ quan hành pháp, nhằm góp phần tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp.
Một vấn đề mà hiện nay các thế lực thù địch đang tập trung công kích để hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội. Người ta chỉ đơn thuần nêu lên tỉ lệ đảng viên nhiều hay ít trong Quốc hội mà không hề xem xét những vấn đề có liên quan; phân tích các số liệu một cách phi lịch sử, thiếu khoa học mà không tính đến các yếu tố chính trị, xã hội, bối cảnh, truyền thống, tập quán của dân tộc ta... Thực tế cách mạng nước ta đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, xây dựng CNXH; là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng nước ta không tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng, được nhân dân ta đồng tình, ủng hộ, bạn bè quốc tế ca ngợi. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đảng viên của Đảng nói chung là những người tiêu biểu về phẩm chất và năng lực trong xã hội, được nhân dân tin yêu. Đối chiếu với tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội, đảng viên của Đảng được nhân dân tín nhiệm, giới thiệu bầu làm đại biểu Quốc hội với tỷ lệ cao cũng là lẽ tự nhiên. Hơn nữa, dù ứng cử viên là người của tổ chức Đảng giới thiệu, nhưng cũng phải qua đầy đủ các bước hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, tiến hành bầu cử công khai, bình đẳng theo quy định của Luật bầu cử; nghĩa là được sàng lọc qua nhiều bước và cuối cùng nhân dân sẽ quyết định thể hiện sự tín nhiệm bằng chính lá phiếu của mình - đó là điều mấu chốt. Như vậy, ở đây không có chuyện “Quốc hội của Đảng”, mà trong bầu cử, mọi đảng viên và người dân bình thường đều bình đẳng trước pháp luật. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tuy không là đảng viên, nhưng có nhiều công lao đóng góp, được nhân dân tín nhiệm; hơn nữa, họ là những người yêu nước, nhiệt thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; nên việc tăng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng là phù hợp với thực tế, đồng thời là điều kiện để tập hợp trí tuệ của toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Phát huy dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội còn được thể hiện trong quá trình tuyên truyền, vận động bầu cử, tiếp xúc với cử tri. Thực tế các đơn vị bầu cử và các phương tiện thông tin đại chúng luôn tạo thuận lợi và bảo đảm bình đẳng cho hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử của các ứng cử viên. Văn bản "hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII", ban hành kèm theo Nghị quyết số 1078 ngày 29/01/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI khẳng định, người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Mục đích của hoạt động này là "để cử tri hiểu rõ hơn người ứng cử, trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội". Việc tổ chức vận động bầu cử "phải bảo đảm các yêu cầu dân chủ, bình đẳng và xây dựng, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri; không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; không được lạm dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri". Hướng dẫn còn quy định việc vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng phải bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa các ứng cử viên. Như vậy, hoạt động tuyên truyền vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là hoàn toàn dân chủ, bình đẳng giữa các ứng cử viên; không cho phép tồn tại sự áp đặt, mua chuộc cử tri, hoặc lợi dụng để xâm hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích của các ứng cử viên khác hoặc lợi ích của Nhà nước và xã hội.
Thực tế các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây cho thấy, ở nước ta, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao. Điều đó phản ánh ý thức chính trị, lòng yêu nước, trách nhiệm công dân của các cử tri. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, bôi nhọ, kích động. Họ cho rằng, sở dĩ tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao là do chính quyền bắt dân đi bầu; thậm chí, họ còn vu khống rằng, những cử tri không đi bầu sẽ bị chính quyền xử lý bằng nhiều “thủ đoạn xảo quyệt” như: không được tự do đi lại, đơn từ không được chứng nhận, con cái không được đi học, đau ốm không được nhập viện,… Sự thật thì Luật bầu cử Quốc hội nước ta xác định rõ, đi bỏ phiếu là quyền của công dân, không có điểm nào quy định đó là nghĩa vụ bắt buộc, cũng như không hề có quy định các biện pháp xử lý người không tham gia bỏ phiếu như họ xuyên tạc... Để bảo đảm phát huy hơn nữa dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội, chúng ta càng phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cử tri về tinh thần yêu nước, trách nhiệm và tính tích cực xã hội với tư cách là công dân. Cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm. Bản chất của dân chủ XHCN khác với dân chủ tư sản và các thứ dân chủ mị dân khác chính là ở điều đó.
Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhận thức đúng về dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và rộng hơn là dân chủ XHCN là một vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là đảng viên, cán bộ phải có sự phân tích, nhìn nhận đúng đắn bằng tư duy biện chứng, lịch sử và cụ thể. Đương nhiên, chúng ta hiểu rằng, dân chủ là một quá trình từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Vì thế, qua bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII này, chúng ta sẽ có điều kiện đúc rút thêm những bài học kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế để bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa tiếp theo ngày càng hoàn thiện.
PGS, TS.  Nguyễn Văn Mạnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)