QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 22:43 (GMT+7)
Cục Phòng không Lục quân với nhiệm vụ xây dựng lực lượng phòng không lục quân và phòng không nhân dân

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam XHCN, ngày 10-7-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ký quyết định thành lập Cục Phòng không Dã chiến, nay là Cục Phòng không Lục quân (PKLQ), thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), để giúp Tư lệnh Quân chủng thực hiện chức năng Chủ nhiệm Phòng không toàn quân làm tham mưu cho BQP về công tác tác chiến, huấn luyện, xây dựng lực lượng PKLQ và Phòng không nhân dân (PKND).  

Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Cục PKLQ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được BQP, Quân chủng PK-KQ giao. Điểm nổi bật là Cục PKLQ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và đệ trình Chủ nhiệm Phòng không toàn quân làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, BQP ban hành hệ thống văn bản pháp quy để lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ công tác PKLQ, PKND, trọng tâm là về quản lý, bảo vệ vùng trời, thực hiện chế độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện (tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện, tác chiến...); đồng thời, tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác PKLQ, PKND. Theo đó, lực lượng PKLQ, PKND thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ SSCĐ và tác chiến; tổ chức canh trực 24/24 giờ trong ngày, kịp thời phát hiện, thông báo, báo động các mục tiêu, không để bị động, bất ngờ xảy ra, quản lý chặt chẽ vùng trời trên từng khu vực, địa bàn; chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống trên không, nhất là các mục tiêu trọng yếu về phòng không, vùng biển, đảo, biên giới, góp phần cùng Quân chủng PK-KQ, toàn quân và cả nước quản lý chặt chẽ, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.  

Đối với lực lượng PKLQ, Cục đã giúp Chủ nhiệm phòng không toàn quân tổ chức, xây dựng ngày càng vững mạnh; bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa lực lượng chiến đấu và lực lượng bảo đảm, giữa lực lượng pháo phòng không, súng máy phòng không, tên lửa tầm thấp và ra đa, tên lửa tầm gần; giữa lực lượng mang vác, lực lượng tự hành và lực lượng xe kéo,... tạo thành hệ thống phòng không tương đối hoàn chỉnh cả ở tầm thấp, tầm trung trên vùng trời cả nước. Hệ thống tổ chức, biên chế lực lượng PKLQ các cấp, từ Cơ quan Chủ nhiệm Phòng không toàn quân đến cơ quan và đơn vị phòng không các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, các sư đoàn bộ binh, vùng hải quân của bộ đội chủ lực đến phòng không bộ đội địa phương (cấp tỉnh, cấp  huyện) thường xuyên được kiện toàn theo đúng quy định của Bộ; lực lượng dự bị động viên (DBĐV) được tổ chức, quản lý, huấn luyện theo đúng Pháp lệnh DBĐV,... phù hợp với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời từng khu vực trong cả thời bình và thời chiến. Sở chỉ huy PKLQ các cấp, nhất là cấp chiến dịch, các lữ đoàn phòng không trên từng địa bàn, khu vực được xây dựng tương đối khang trang, đồng bộ; từng bước được đầu tư, bổ sung các loại trang thiết bị tiên tiến,...đáp ứng yêu cầu chỉ đạo-chỉ huy phòng không trong toàn quân. Vũ khí, trang bị kỹ thuật của các đơn vị PKLQ và các địa phương có số lượng lớn, nhiều chủng loại, tương đối đồng bộ, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao, nhất là súng, pháo, đáp ứng yêu cầu SSCĐ. Thế trận phòng không được hình thành trên từng địa bàn chiến lược và trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), có trọng điểm, bảo vệ vững chắc các mục tiêu và sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống phức tạp xảy ra.

Đối với lực lượng PKND, Cục PKLQ đã giúp Chủ nhiệm Phòng không toàn quân, BQP tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 65/2002/NĐ-CP ngày 01-7-2002 về công tác PKND; thành lập Ban Chỉ đạo PKND Trung ương và Ban Chỉ đạo PKND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước. Ban Chỉ đạo PKND các cấp đã phát huy tốt chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác PKND. Lực lượng phòng không dân quân tự vệ (DQTV) được các địa phương quan tâm xây dựng với số lượng hợp lý, có cơ cấu cân đối giữa lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Chất lượng tổng hợp của lực lượng phòng không DQTV từng bước được nâng cao, trước hết là chất lượng chính trị và trình độ kỹ thuật chuyên môn,...nên lực lượng này sẽ phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tổ chức sơ tán, phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch (nếu xảy ra), góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ tài sản Nhà nước và tính mạng của nhân dân.

Với thành tích đạt được trong 30 năm qua, Cục PKLQ đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, BQP, Quân chủng PK-KQ. Đây là tiền đề quan trọng để Cục PKLQ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được cấp trên giao trong thời gian tới.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PKLQ, PKND còn những hạn chế. Đó là, nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ SSCĐ, quản lý vùng trời, đánh địch đột nhập đường không của một số đơn vị chưa đầy đủ. Hệ thống sở chỉ huy phòng không các cấp chưa ngang tầm yêu cầu đòi hỏi; vũ khí, khí tài, trang bị chưa được bổ sung đồng bộ; trình độ khai thác, sử dụng một số loại vũ khí, trang bị thế hệ mới của bộ đội còn hạn chế...

Dự báo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của nước ta vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế tất yếu dẫn đến số lượng đường bay, các phương tiện bay tăng nhanh,... đặt ra cho lực lượng PKLQ, PKND nói chung, Cục PKLQ nói riêng, những yêu cầu mới rất cao.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Cục PKLQ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng trong tình hình mới, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của BQP, Quân chủng PK-KQ. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt chức năng làm tham mưu giúp Chủ nhiệm Phòng không toàn quân về công tác PKLQ, PKND, đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời, nâng cao hiệu lực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác PKLQ, PKND phù hợp với tình hình thực tế.

Vấn đề rất quan trọng là phải tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân đối với công tác PKLQ, PKND. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn dân, trước hết là cơ quan và các đơn vị phòng không trong toàn quân thường xuyên nêu cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch; nắm chắc lực lượng, phương tiện bay, những phát triển mới của đối tượng tác chiến và hoạt động trên không, trên biển, mặt đất để chủ động đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ xảy ra; tổ chức sử dụng lực lượng đúng đắn, chính xác khi có các tình huống tác chiến.  

Thường xuyên duy trì lực lượng PKLQ, PKND thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chiếntheo đúng Chỉ lệnh số 82/CL-BQP của Bộ trưởng BQP về SSCĐ đối với Quân đội nhân dân và DQTV; Chỉ thị số 86/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về tổ chức trực SSCĐ phòng không đối với lực lượng PKLQ, phòng không kiêm nhiệm tại cơ quan quân sự địa phương và Bộ đội Biên phòng. Duy trì chế độ canh trực 24/24 giờ trong ngày ở cơ quan và đơn vị phòng không các cấp, đặc biệt là ở Sở Chỉ huy Phòng không các quân khu, quân chủng, quân đoàn, các tỉnh (thành phố); các phân đội, các đài quan sát phòng không; xử lý đúng, chính xác, kịp thời các tình huống trên không. Nghiên cứu, tăng cường lực lượng trực phòng không và lực lượng cơ động đánh địch. Từng bước bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin chỉ huy, đảm bảo tác chiến, trước hết là Sở Chỉ huy Phòng không cấp chiến dịch và các đơn vị phòng không. Đẩy mạnh luyện tập xử lý kịp thời, chính xác các tình huống tác chiến phòng không theo Chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng. Tổ chức hiệp đồng tác chiến phòng không chặt chẽ ở từng khu vực và thực hiện từng nhiệm vụ, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, biên giới, SSCĐ đánh địch đột nhập đường không trong mọi tình huống. Tăng cường chỉ đạo cơ quan, đơn vị phòng không các cấp rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn kiện chiến đấu, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, thềm lục địa của từng lực lượng và hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng bảo vệ vùng trời trên đất liền và trên biển, đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc.

Tập trung xây dựng lực lượng PKLQ, PKND có số lượng hợp lý, cơ cấu cân đối, chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ SSCĐ. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng PKLQ theo đúng quy định của Bộ, từ cơ quan Chủ nhiệm Phòng không các cấp đến các đơn vị chiến đấu phòng không (từ quy mô đơn vị hỏa lực tầm thấp đến lữ đoàn phòng không); đồng thời, chú trọng xây dựng các đơn vị tham gia tác chiến phòng không (lực lượng đặc nhiệm của cấp chiến dịch) để đánh địch từ các căn cứ xuất phát. Thường xuyên quan tâm xây dựng cơ quan phòng không các cấp vững mạnh toàn diện; chú trọng xây dựng cơ quan phòng không Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thành phố) vững mạnh và tăng cường bồi dưỡng trợ lý kiêm nhiệm phòng không cơ quan quân sự cấp huyện để có đủ khả năng thực hiện vai trò tham mưu nòng cốt về công tác phòng không trong khu vực phòng thủ. Bên cạnh lực lượng thường trực, chú trọng xây dựng lực lượng phòng không DBĐV đủ số lượng quy định, bảo đảm chất lượng; thường xuyên rà soát, kiểm tra tổ chức biên chế; giao chỉ tiêu, chỉ đạo quy hoạch khu vực động viên cho từng đơn vị một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, huy động khi có yêu cầu; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kết hợp giữa động viên tuyển quân hàng năm với tạo nguồn lực lượng phòng không DBĐV trên từng khu vực; phấn đấu nâng tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự các đơn vị từ 70% trở lên. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng lực lượng phòng không DQTV có số lượng hợp lý, cân đối trên từng khu vực, đủ thành phần lực lượng cần thiết (trinh sát, trực tiếp chiến đấu, bắt giặc lái, lực lượng chuyên trách làm công tác PKND...), phù hợp với đặc điểm, điều kiện tác chiến của từng địa phương, vùng, miền và theo quy mô của lực lượng DQTV địa phương, bảo đảm hiệu quả thiết thực cả trong chiến đấu và làm nòng cốt trong công tác PKND.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu, đề xuất cấp trên bổ sung, khôi phục đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng PKLQ, PKND cả vũ khí triển khai và dự trữ ở đơn vị, ở kho. Trước mắt, tập trung bảo đảm đồng bộ đủ xe, pháo, khí tài cho các lữ đoàn phòng không làm nhiệm vụ SSCĐ. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; nghiên cứu, cải tiến để từng bước đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trong điều kiện ban đêm, thời tiết xấu, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ cho lực lượng PKLQ, PKND. Bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ cả cơ quan, đơn vị và huấn luyện chuyên sâu binh chủng, sát với tình huống và phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng đơn vị, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự và truyền thống quân sự Việt Nam, nhằm đối phó có hiệu quả với phương thức tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch. Chú trọng bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan, trợ lý đầu ngành giỏi, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch trong các tình huống, thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức, chỉ huy chiến đấu. Tập trung huấn luyện cho bộ đội giỏi sử dụng vũ khí trang bị hiện có; thuần thục thao tác chiến đấu từ cá nhân đến hiệp đồng phân đội, kíp chiến đấu sở chỉ huy các cấp. Tăng cường huấn luyện bắn mục tiêu ban đêm, đánh máy bay bay thấp, tên lửa hành trình; huấn luyện cơ động nhanh, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp. Chú trọng tổ chức huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy có nền nếp, đúng quy định; nâng cao hiệu quả các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập bắn đạn thật, các cuộc hội thi, hội thao. Chỉ đạo huấn luyện cho lực lượng phòng không DQTV và phòng không DBĐV theo nội dung chương trình, thời gian quy định, trọng tâm là huấn luyện thao tác cá nhân, hiệp đồng khẩu đội, huấn luyện nhận dạng, phân biệt máy bay của ta, của địch; tăng cường huấn luyện bắn máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm phòng không, các đơn vị SSCĐ trong mọi tình huống.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác PKND; trong đó, tập trung xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể về PKND, nhằm xây dựng thế trận PKND phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân trong cả nước, vừa đáp ứng yêu cầu của thời bình, vừa kịp thời phục vụ cho yêu cầu khi có tình huống xảy ra. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể về PKND cho từng khu vực phòng không trọng điểm (gồm một số tỉnh, thành phố trong cùng một khu vực và từng tỉnh, thành phố cụ thể). Trước mắt, tập trung hoàn chỉnh hệ thống thông báo, báo động phòng không cho các vùng trọng điểm phòng không thuộc khu vực Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh... Các địa phương cần thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PKND các cấp; triển khai xây dựng, hoàn thiện kế hoạch tổng thể công tác PKND; tăng cường luyện tập, diễn tập công tác PKND trong diễn tập khu vực phòng thủ, phù hợp với thực tiễn địa phương; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng phòng không DQTV theo Chỉ thị số 45/2006/CT-BQP của Bộ trưởng BQP; tiếp tục nhân rộng mô hình đại đội phòng không DQTV tập trung, có một bộ phận thường trực SSCĐ.

Kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm thời gian qua, Cục PKLQ tiếp tục phấn đấu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, làm cơ sở để thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Chủ nhiệm Phòng không toàn quân trong tình hình mới, góp phần cùng cả nước, toàn quân, Quân chủng PK-KQ quản lý chặt chẽ, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong mọi tình huống, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

Cục trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)