Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:19 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho quân đội thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 10-12-1999 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ra Quyết định số 2447/1999/QĐ-BQP thành lập Cục Kỹ thuật Binh chủng với chức năng làm tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật và BQP về công tác kỹ thuật tăng- thiết giáp (TTG) và tên lửa- khí tài đặc chủng (TL-KTĐC); đồng thời, là cơ quan đầu ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật cho lực lượng TTG, TL-KTĐC toàn quân.
Vượt qua những khó khăn, phức tạp của một đơn vị mới được thành lập, Cục Kỹ thuật Binh chủng đã nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, xây dựng và tổ chức thực hiện các chế độ quy định, kịp thời triển khai thực hiện đạt kết quả toàn diện các mặt công tác. Nổi bật là, Cục tổ chức tốt việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý kỹ thuật đầu ngành và các cơ sở BĐKT theo quyết định của BQP; triển khai thực hiện điều chuyển an toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) theo quy hoạch trang bị và quy hoạch kho chiến lược; thu hồi khối lượng lớn trang bị, vật tư kỹ thuật (VTKT) từ các đơn vị trong toàn quân về kho cấp chiến dịch, chiến lược để dự trữ, bảo quản theo chế độ quy định; bảo đảm đồng bộ VKTBKT cho lực lượng TTG và TL-KTĐC (gồm đồng bộ theo trang bị và đồng bộ theo đơn vị), trước hết là các đơn vị làm nhiệm vụ thường trực SSCĐ, các đơn vị trên địa bàn trọng điểm và các đơn vị huấn luyện... Khu kỹ thuật của các đơn vị được quy hoạch, nâng cấp theo hướng thống nhất, đồng bộ; bước đầu triển khai thành công dự án bảo quản VKTBKT trong hang hầm, làm cơ sở rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng. Cục cũng đã tích cực khai thác, tạo nguồn VTKT, kết hợp với tự nghiên cứu, chế thử phụ tùng, vật tư TTG và TL-KTĐC để nâng cao hệ số kỹ thuật của VKTBKT; thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật của VKTBKT làm nhiệm vụ SSCĐ luôn bằng 1, số còn lại đạt từ 0,85 - 0,9; VKTBKT được sửa chữa, khôi phục đã bảo đảm tính đồng bộ năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống văn bản pháp quy của ngành được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ; xây dựng được hàng trăm bộ quy trình công nghệ, phiếu công nghệ sửa chữa, niêm cất VKTBKT theo công nghệ bảo quản thông thường và bảo quản bằng công nghệ mới... Công tác đào tạo, huấn luyện được chú trọng và tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc đề xuất gửi cán bộ, nhân viên đi đào tạo chính quy tại các nhà trường, Cục chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo chuyên ngành để liên kết đào tạo nhân viên kỹ thuật; tổ chức bồi dưỡng và thi nâng bậc thợ, nhân viên kỹ thuật, thủ kho bậc cao ngành TTG, TL-KTĐC cho các đơn vị trong toàn quân; tổ chức huấn luyện bổ túc chuyển loại, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật về chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ các hội thi, hội thao... Nhờ vậy, trình độ và khả năng của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong việc khai thác VKTBKT được nâng cao. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng ủy, chỉ huy Cục thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên ngành. Hằng năm, 100% cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, Đảng ủy Cục 10 năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh.
Với những kết quả đạt được, Cục Kỹ thuật Binh chủng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều phần thưởng của Chính phủ, BQP, Tổng cục Kỹ thuật...
Trải qua 10 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Cục Kỹ thuật binh chủng đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Thời gian tới, Cục Kỹ thuật Binh chủng tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của cấp trên, đặc biệt là Nghị quyết 382/NQ-ĐUSTW ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau:
1- Chủ động tham mưu cho Tổng cục và BQP về bảo đảm trang bị chuyên ngành TTG và TL-KTĐC; chú trọng tham mưu thực hiện tốt các mặt công tác trọng tâm. Đó là: quy hoạch trang bị, kế hoạch sử dụng, dự trữ VKTBKT năm 2010 và những năm tiếp theo; mua sắm VKTBKT bảo đảm phù hợp với yêu cầu tác chiến và khả năng BĐKT (mua đồng bộ trang bị chính với trang bị bổ trợ, trang bị bảo đảm, trang thiết bị huấn luyện kỹ thuật và VTKT); tổ chức bảo đảm đủ số lượng, đúng chủng loại, chất lượng tốt, đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển, biên giới, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác. Tiếp tục tổ chức cấp đổi VKTBKT cho các đơn vị SSCĐ, các đảo; thực hiện chương trình cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT đối với TTG, TL-KTĐC theo quyết định của BQP.
2- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BĐKT. Phát huy hiệu quả chỉ đạo của cơ quan đối với các đơn vị nhằm tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch BĐKT hằng năm đã được cấp trên phê duyệt; chủ động bảo đảm đầy đủ, đồng bộ nguồn VTKT sửa chữa theo tiến độ kế hoạch và có lượng gối đầu cho năm sau. Đẩy mạnh công tác sửa chữa, khôi phục đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị, chú trọng sửa chữa đồng bộ chuyên ngành vũ khí, thông tin, khí tài quan sát ngắm bắn ngày, đêm, hệ thống phòng hóa cho xe TTG, đồng bộ số xe công trình, xe dắt theo kế hoạch; nâng cao chất lượng đồng bộ hệ thống bơi của số xe lội nước trong toàn quân. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc niêm cất dài hạn và mở niêm cất để kiểm tra đánh giá chất lượng tại các đơn vị theo kế hoạch hằng năm; phấn đấu nâng thời hạn niêm cất dài hạn của VKTBKT so với hiện nay.
Tiếp tục đầu tư trang, thiết bị công nghệ cho các xưởng sửa chữa trực thuộc Cục và trạm bảo dưỡng-sửa chữa các đơn vị để đủ điều kiện sửa chữa VKTBKT theo phân cấp; đầu tư xây dựng, củng cố, cải tạo, nâng cấp kho tàng, trạm, xưởng các đơn vị TTG, TL-KTĐC toàn quân theo hướng thống nhất, chính quy. Chỉ đạo các nhà máy nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa VKTBKT, sản xuất VTKT; đầu tư lực lượng và trang, thiết bị cho trạm đo lường- chất lượng các xưởng để đủ khả năng kiểm tra chất lượng sửa chữa VKTBKT cho nội bộ và toàn Ngành; hoàn thiện hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các đơn vị theo quy định.
Tích cực mở rộng thị trường và đối tác ở trong nước và nước ngoài để mua sắm VTKT; đồng thời, đẩy mạnh chế thử và sản xuất trong nước các loại VTKT chủ yếu, quý hiếm, đáp ứng yêu cầu sửa chữa, khai thác của ngành TTG và TL-KTĐC. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, điều chuyển VTKT TTG, bảo đảm kịp thời cho các đơn vị; tiếp tục xây dựng các cơ số phụ tùng vật tư SSCĐ (vừa và nhỏ). Hoàn thành các chỉ tiêu mua sắm, bảo quản, bảo dưỡng hàng dự trữ quốc gia hằng năm.
3- Nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật và hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” (Cuộc vận động 50). Thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật để đề xuất nhu cầu đào tạo của các chuyên ngành, loại hình đào tạo và quy hoạch hệ thống nhà trường đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngành TTG và TL-KTĐC. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nội dung chương trình huấn luyện, đào tạo thợ, nhân viên kỹ thuật hằng năm; chú trọng huấn luyện thực hành khai thác, sử dụng, nhất là huấn luyện làm chủ VKTBKT mới và kiểm tra chất lượng VKTBKT, đạn dược trước khi sử dụng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện điều lệ mới và các văn bản khác của Ngành; tập huấn về công tác tham mưu kỹ thuật trong các loại hình tác chiến kết hợp với luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ, cơ động, di chuyển cơ sở kỹ thuật. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào giảng dạy trong nhà trường và huấn luyện kỹ thuật tại các đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ trưởng Tổng cục và BQP về tổ chức thực hiện các đề tài cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT; chú trọng các đề tài theo hướng nâng cao chất lượng khai thác, sửa chữa, phục hồi tính năng của VKTBKT.
Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động 50 đi vào chiều sâu, chú trọng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của cấp trên về công tác bảo đảm an toàn giao thông và các nội dung của Cuộc vận động. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả các hội thi, hội thao và hoạt động của "Câu lạc bộ kỹ thuật".
4- Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, xây dựng chính quy công tác kỹ thuật; chủ động làm tham mưu với Tổng cục, BQP về kiện toàn tổ chức, biên chế và hệ thống quản lý ngành TTG, TL-KTĐC ở các cấp; rà soát, bố trí, sắp xếp lại lực lượng nhân viên kỹ thuật, bảo đảm đúng quy định về tổ chức biên chế, cơ cấu, ngành nghề. Tổ chức kiểm tra, nắm chắc hoạt động công tác kỹ thuật, thực lực VKTBKT, khả năng SSCĐ của các đơn vị để có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra ở cơ sở. Tiếp tục triển khai xây dựng Điều lệ công tác kỹ thuật TL-KTĐC; biên soạn và ban hành các quy định, hướng dẫn của Ngành; cải tiến, đổi mới hệ thống mẫu biểu; hoàn thiện hệ thống định mức BĐKT, tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, phiếu công nghệ và hệ thống phần mềm quản lý công tác kỹ thuật của các đơn vị TTG, TL-KTĐC trong toàn quân.
Quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của trên về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc trong thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và bảo đảm an toàn. Chỉ đạo đơn vị bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện tác chiến phòng thủ; tổ chức các cuộc diễn tập chuyển trạng thái SSCĐ đạt hiệu quả thiết thực. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương trong việc khảo sát, nắm tình hình, năng lực sửa chữa của các doanh nghiệp động viên công nghiệp ngành kỹ thuật TTG, TL-KTĐC theo kế hoạch của BQP, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên và động viên công nghiệp khi có lệnh.
Kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm trong 10 năm qua, Cục Kỹ thuật Binh chủng tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tạo cơ sở nâng cao năng lực làm tham mưu và hiệu lực chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu BĐKT cho lực lượng TTG, TL-KTĐC toàn quân trong giai đoạn mới.
Đại tá LÊ XUÂN PHƯƠNG
Cục trưởng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011