Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:31 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong quá trình phát triển của nhân loại, biển có tầm quan trọng đặc biệt. Vì thế, mối quan tâm và nhận thức của con người về biển có từ rất sớm và phát triển cùng với thời gian. Từ sau thế kỷ XV, khi nhận thức được rằng: tài nguyên biển không phải là vô tận, hơn nữa, tài nguyên trên đất liền đang dần cạn kiệt, nên trên thế giới đã xuất hiện các cuộc chiến tranh, xung đột nhằm tranh giành quyền lợi và quyền lực trên biển. Cuộc chiến này có xu hướng ngày càng phức tạp, quyết liệt; buộc Liên hợp quốc phải triệu tập hai Hội nghị về Luật biển (Hội nghị về Luật biển năm 1958 và Hội nghị về Luật biển năm 1960), nhằm ngăn chặn âm mưu mở rộng quyền lực trên biển của một số nước.
Tuy nhiên, kết quả của hai hội nghị trên chưa làm đại đa số các quốc gia thỏa mãn. Do còn quá nhiều tranh cãi nên nhiều vấn đề về biển vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, ngày 16-11-1973, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 3067 quyết định triệu tập Hội nghị lần thứ ba, nhằm “thông qua một công ước giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến luật biển”. Hội nghị được tổ chức từ năm 1973 đến năm 1982, với sự tham gia của 165 nước và vùng lãnh thổ. Các quốc gia tham dự Hội nghị đều mong muốn có một Công ước “mang tính cả gói” về tất cả các vấn đề của luật biển mà không có một bảo lưu nào. Sau 5 năm trù bị (1967-1972), 9 năm đàm phán (1973-1982) và trải qua 11 khóa họp, dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển đã được thông qua ngày 30-4-1982 với 130 phiếu ủng hộ, 4 phiếu chống và 17 phiếu trắng. Văn bản cuối cùng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (gọi tắt là Công ước 1982) được 119 đoàn đại biểu quốc gia và thực thể (trong đó có Cộng hòa XHCN Việt Nam) ký tại Mông-tê-gô Bay, Gia-mai-ca, ngày 10-12-1982.
Công ước 1982 gồm 17 phần với 320 điều, trên 1.000 quy phạm pháp luật, 9 phụ lục và 4 nghị quyết; ngoài ra, còn có một nghị quyết kèm theo hiệp định bổ sung về việc thực hiện phần XI của Công ước này liên quan đến Vùng (ký ngày 29-7-1994). Công ước 1982 có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 (Theo Điều 308 của Công ước, Công ước có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn hay có sự tham gia của nước thứ 60. Ngày 16-11-1993, Guy-a-na là nước thứ 60 phê chuẩn).
Công ước 1982 là đỉnh cao của luật biển quốc tế và là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc). Đây là một Công ước “mang tính cả gói”, có tính tổng hợp, bao quát tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, đáp ứng lợi ích của các nước ven biển cũng như đảm bảo mọi công bằng đối với các nước thành viên Liên hợp quốc. Việc thông qua Công ước 1982 là một thành công và là bước tiến cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập trật tự trên biển.
Với Việt Nam, Công ước 1982 có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa mà Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên bố ngày 12-5-1977 và ngày 12-11-1982 là hoàn toàn phù hợp với Công ước 1982. Là một quốc gia ven biển và vì lợi ích chung, Việt Nam đã tham gia Hội nghị và ký Công ước 1982 từ ngày đầu; đồng thời, luôn ủng hộ và đi đầu tại khu vực trong việc áp dụng Công ước 1982 vào giải quyết các vấn đề về biển có liên quan. Ngày 23-6-1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Ngày 28-7-1994, Hội nghị toàn thể lần thứ 101 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết và Hiệp định về việc thực hiện phần XI của Công ước 1982 và Việt Nam cũng đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết và Hiệp định này. Trước khi Công ước có hiệu lực, Việt Nam đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước 1982 để bảo vệ các quyền lợi của mình trên biển. Từ khi Công ước 1982 có hiệu lực, Việt Nam luôn tuân thủ và đã có những bước đi cụ thể, nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước. Những nỗ lực của Việt Nam được thể hiện rõ về những lĩnh vực liên quan đến Công ước, như: an ninh - quốc phòng, đối ngoại, giao thông vận tải biển, thủy sản, dầu khí, bưu chính - viễn thông, xây dựng bản đồ biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, v.v. Cùng với đó, Việt Nam luôn chủ động giải quyết các tranh chấp trên biển Đông với các nước láng giềng, thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế; góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với xu thế chung của thời đại.
(Thực hiện: LÊ CƯỜNG)
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011