QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:26 (GMT+7)
Công tác tư tưởng, lý luận với việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Công tác tư tưởng, lý luận (TT-LL) trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, công tác này cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh để  làm tốt vai trò “Bó  đuốc soi  đường”.

 

Trong hơn 20 năm đổi mới đất nước, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X), công tác TT-LL đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, thường xuyên được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ đạo, nên ngày càng được coi trọng và tăng cường. Công tác TT-LL đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng; đặc biệt, đã đấu tranh có hiệu quả chống quan điểm sai trái, chủ động bảo vệ vững chắc “trận địa” tư tưởng của Đảng; thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về chính trị, tư tưởng. Từ kết quả trên, công tác TT-LL đã thật sự góp phần củng cố và phát triển sức mạnh tinh thần - sức mạnh nội sinh về chính trị, tư tưởng - của Đảng và nhân dân ta trong những năm qua, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp với thời cơ và thách thức đan xen. Tuy nhiên, công tác TT-LL còn một số yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng kịp những đòi hỏi của đời sống đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp; trong đó có đòi hỏi của cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí - đang là vấn nạn trong xã hội. Để cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả hơn, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân, công tác TT-LL phải quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về cuộc đấu tranh này; từ đó, đề ra các biện pháp phòng, chống đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Là một nhà chiến lược thiên tài và nhà hoạt động thực tiễn sâu sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đúng 15 ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (Nghệ An), Hồ Chí Minh đã chỉ ra việc một số cán bộ ở địa phương mắc phải những khuyết điểm như: hẹp hòi, bao biện, lạm dụng hình phạt, hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, độc đoán, chuyên quyền, lấy của chung làm của riêng, “Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư”1. Từ đó trở đi, việc chống quan liêu luôn được Người thể hiện một cách đậm nét cả trong tư duy lẫn hoạt động thực tiễn. Cho đến tận những ngày tháng cuối của đời mình, Người vẫn băn khoăn, trăn trở với bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nhân kỷ niệm ngày Đảng ta tròn 39 tuổi (3-2-1969), Hồ Chí Minh viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong bài viết này, Người phê phán gay gắt thói “ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành”2, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh”3. Trong các bài viết, bài nói của mình, Người gọi quan liêu, lãng phí là loại bệnh mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Mắc loại bệnh này, chủ yếu là “những người và những cơ quan lãnh đạo”, nhất là khi Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Theo Người: “ Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung”4. Người cho rằng, bệnh quan liêu để lại những hậu quả nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Trước hết, nó gây khó khăn cho sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ năm 1952, Hồ Chí Minh đã viết: “Nói tóm lại: vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”5. Đây thực sự là nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền.

Người còn thấy rõ mối quan hệ nguy hại giữa quan liêu với lãng phí, tham ô. Theo Hồ Chí Minh, sở dĩ có tham ô, lãng phí là vì có những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu. Do đó, “những người xấu, những cán bộ kém tha hồ lãng phí”. Trong bài: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Người đã viết: “Thế là, bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”6. Do đó, “muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”7. Mười năm sau (1962), trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước”, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”8. Do ý thức sâu sắc: quan liêu là nguồn gốc của tham ô, lãng phí, nên trong Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy có những bài viết với tiêu đề: chống quan liêu, tham ô, lãng phí, nghĩa là quan liêu đặt trước tham ô, lãng phí. Theo Người: cần khẳng định dứt khoát rằng, số đông cán bộ và công nhân ta đều tận tụy và trong sạch, nhưng vẫn còn một số người phạm sai lầm tham ô, lãng phí và còn mang nặng bệnh quan liêu... Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại những tệ hại ấy.

Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII, 1-1994), đã cảnh báo 4 nguy cơ đối với chế độ mà Hồ chí Minh và dân tộc ta đã lựa chọn. Một trong số đó là nạn tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhưng nguy cơ này xem ra chưa bị đẩy lùi, kết quả chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được như ý Đảng, lòng dân mong muốn. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X), chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân”9. Từ thực tiễn đó, Nghị quyết đòi hỏi phải: “ Đề cao trách nhiệm của toàn Đảng đối với công tác tư tưởng”10 và “Tổ chức thực hiện rộng khắp, có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Điều này khiến mỗi cán bộ, đảng viên thấm sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh: công tác TT-LL, trước hết phải tạo nhận thức chung về quyết tâm chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ; coi chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận chính trị-tư tưởng cam go, quyết liệt như ở các mặt trận khác. Muốn thắng ở mặt trận này, phải có sự chuẩn bị kế hoạch chu đáo về mọi mặt, có tổ chức và thực hiện chặt chẽ. Cần coi đây là một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng mà nội dung cốt lõi là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ  quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình thực hiện cần kết hợp giữa xây và chống. Có thể ví xây và chống như hai bánh xe vững chắc. Chống một cách triệt để là cơ sở bảo đảm cho công việc xây thành công và ngược lại, xây một cách chắc chắn là điều kiện để chống đạt được hiệu quả hơn. Cần đồng tâm nhất trí, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của toàn dân; trong đó, báo chí có vai trò rất quan trọng. Báo chí phải nêu những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng, làm cho mọi người thấy rõ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là tội ác. Và những ai, những cơ quan nào được nhân dân và báo chí phê bình, thì phải thật thà tự phê bình trước nhân dân trên báo chí. Các ban Thanh tra phải chú ý kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí, tham nhũng, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh;  nghiêm chỉnh, kịp thời xem xét các vụ khiếu nại, tố giác; triển khai thường xuyên nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trong tổ chức thực hiện, cần nắm vững trọng điểm; làm từng bước, từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cần lấy giáo dục là chính, trừng phạt là phụ; thưởng, phạt nghiêm minh; coi trọng tự phê bình và phê bình, chống thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình; nhận thức đúng chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính...

Sự phê phán nghiêm khắc và thái độ kiên quyết của Bác Hồ trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đến nay vẫn là nghiêm trọng. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh biểu thị quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội ta. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và nêu cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính là một trong những mục tiêu của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời, cũng là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng, hiện nay, đại hội điểm nhiệm kỳ 2010-2015 đã và đang được tiến hành ở các đảng bộ cấp cơ sở. Đây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa đặt ra yêu cầu mới đối với công tác TT-LL. Chỉ có tôn trọng thực tiễn, nhìn thẳng vào thực tiễn,  nắm chắc nguyên lý, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, công tác TT-LL mới làm tốt vai trò là “bó đuốc soi đường” trên mặt trận đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

ThS. NGUYỄN BÍCH HẠNH

__________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, Tập 4,  tr. 21.

2, 3 - Sđd - Tập12, tr. 438, 439.

4, 5, 6 - Sđd-Tập 10, tr. 574.

7 - Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương (Khóa X), Nxb CTQG, H.2007, tr. 34.

8, 9, 10 - Sđd -  tr. 43, 44, 45.

 

Ý kiến bạn đọc (0)