QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 00:08 (GMT+7)
Công tác quốc phòng ở huyện Dĩ An trước yêu cầu mới
Dĩ An là huyện trọng điểm trong vùng phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên 6.029,93 ha, số dân 212.917 người, trong đó số người tạm trú chiếm 52,3%, chủ yếu là lao động nhập cư. Trên địa bàn Huyện có 6 khu, 2 cụm công nghiệp, với trên 1.430 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, trong đó  247 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm 2007 ước thực hiện 8.731,6 tỷ đồng, tăng 11,2%; tổng giá trị sản xuất thương mại tăng 22,1%, nông nghiệp- phát triển nông thôn đạt 53,1% kế hoạch; văn hoá- xã hội có bước phát triển, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; giải ngân cho 1496 hộ nghèo với tổng vốn vay gần 12 tỷ đồng, giúp 162 hộ thoát nghèo... Cùng với việc chú trọng đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, quan tâm tới công tác chính sách xã hội, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở huyện Dĩ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương được củng cố về tổ chức, tỷ lệ hợp lý, đảm bảo số lượng, chất lượng, độ tin cậy về chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD kết hợp với thế trận an ninh nhân dân (ANND), xây dựng khu vực phòng thủ; đồng thời, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo thuận lợi cho Huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trên địa bàn Huyện còn xảy ra một số vụ việc khiếu kiện về đền bù đất dự án; tình trạng di dân tự do không giảm, nhiều cụm dân cư hình thành tự phát; hoạt động của các tôn giáo ngày càng phức tạp, có nơi xuất hiện tổ chức truyền đạo trái pháp luật; các vụ đình công, bãi công của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài vẫn xảy ra; các loại tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội chưa giảm,…ảnh hưởng không ít đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong quản lý địa bàn, quản lý xã hội và an ninh trật tự địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Huyện chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triểnKT - XH với củng cố quốc phòng- an ninh (QP - AN), bảo đảm cho sự phát triển KT - XH trên địa bàn luôn ổn định và bền vững. Đây là vấn đề mang tính tất yếu của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt đối với Dĩ An- một huyện đang đẩy mạnh tiến trình CNH,HĐH, tiếp tục mở hướng, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; cơ cấu kinh tế đang chuyển đổi theo hướng tích cực, các vùng nông thôn đang từng bước đô thị hoá. Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Huyện tập trung đẩy mạnh phát triển KT - XH, kết hợp kinh tế với quốc phòng, QP - AN với kinh tế, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH, Huyện chỉ đạo các cấp, các ngành phải chú ý đến nhu cầu quốc phòng, gắn kết chặt chẽ kinh tế với QP- AN, góp phần vào việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Với tinh thần đó, các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có yếu tố liên quan đến nước ngoài đều được nghiên cứu kỹ, có sự thẩm định của các cơ quan quân sự trước khi xét duyệt, nhằm bảo đảm phát triển KT - XH của Huyện luôn được gắn kết chặt chẽ với QP - AN. Các dự án đã triển khai thực hiện như, khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II, các cụm công nghiệp, công trình giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, bưu chính viễn thông,... đều gắn với nhiệm vụ bảo đảm QP-AN, có thể chuyển hoạt động sản xuất từ thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ chiến đấu theo yêu cầu đặt ra. Nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đã được đưa vào quy hoạch, trong đó có một số bộ phận, dây chuyền sản xuất theo kế hoạch; đồng thời, là lực lượng, phương tiện dự bị động viên theo chỉ tiêu được giao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc phòng khi có tình huống chiến tranh. Ngoài ra, Huyện còn chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương khảo sát và hướng dẫn một số công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân xây dựng lực lượng tự vệ, góp phần giữ gìn an ninh chính chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Hướng đến năm 2010 và những năm tiếp theo, Huyện chủ trương kết hợp chặt chẽ quy hoạch các cụm dân cư với kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn lao động có kỹ thuật. Chú trọng phát triển hệ thống các trường phổ thông, trường đào tạo nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên, góp phần nâng cao dân trí và đào tạo thợ kỹ thuật cho thanh niên đến tuổi lao động và bộ đội xuất ngũ, nhằm phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH và yêu cầu QP - AN theo kế hoạch chung, thống nhất của tỉnh Bình Dương. Chỉ đạo các ngành Quân sự, Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ việc nắm tình hình cơ sở, bảo vệ an toàn khu vực trọng yếu; đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh ở địa bàn, khu phố. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các đồn công an tại các cụm, khu công nghiệp để quản lý chặt chẽ lực lượng lao động cư trú trên địa bàn.
Chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; tăng cường giáo dục quốc phòng (GDQP) cho học sinh, sinh viên và nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, của thế hệ trẻ và toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ mới. Tuy là huyện nội địa, nhưng Dĩ An nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, số lao động nhập cư ngày càng nhiều, tình hình an ninh nông thôn, vấn đề giải quyết việc làm, nhà ở, môi trường và các tệ nạn xã hội còn nhiều phức tạp. Trong năm 2006, trên địa bàn Huyện xảy ra 68 vụ đình công của công nhân và 6 tháng đầu năm 2007 có 18 vụ; số Việt kiều về thăm quê, số người nước ngoài đến lưu trú và làm việc trong các công ty ngày càng tăng. Trong khi đó, một số cán bộ địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị mới chỉ chú trọng về kinh tế, chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân Huyện luôn coi trọng giáo dục QP-AN cho đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.
Ngoài số cán bộ được cử đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức QP –AN theo phân cấp, Huyện thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đối tượng 4 và 5, trong đó tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ QP -AN để cấp ủy các xã, thị trấn, chi bộ ấp, khu phố và ban, ngành, đoàn thể xã, trị trấn, ấp... nâng cao nhận thức, nắm vững các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thông qua đó làm chuyển biến về nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, khu vực phòng thủ của Huyện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Năm 2006, Huyện đã cử 14 cán bộ thuộc đối tượng 2 và 108 cán bộ thuộc đối tượng 3 đi bồi dưỡng kiến thức QP - AN do Tỉnh và Quân khu tổ chức; chỉ đạo Hội đồng GDQP Huyện tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 4 được 531 người và đối tượng 5 được 682 người và 118 cán bộ, viên chức ban, ngành, đoàn thể; 6 tháng đầu năm 2007 đã mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho 179 đối tượng 4 và cán bộ các cơ quan Huyện, riêng thị trấn Dĩ An và xã An Bình tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho 246 đối tượng 5; 100% Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn được tham gia lớp tập huấn Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn.
Công tác GDQP cho thế hệ trẻ, học viên, sinh viên được thực hiện tốt. Huyện đã phối hợp với Trường Quân sự Tỉnh và Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức GDQP định kỳ theo chương trình quy định của Bộ để củng cố, nâng cao kiến thức quân sự, quốc phòng và hướng nghiệp cho hơn 4 nghìn học sinh các trường phổ thông trung học, trường dạy nghề... GDQP cho các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh; kết hợp với tổ chức truyên truyền lưu động, mít tinh cổ động, triển lãm ảnh… đến các khu, ấp. Đối với công nhân trong các cụm, khu công nghiệp, Huyện chỉ đạo tổ chức in ấn tài liệu, tờ bướm có nội dung tuyên truyền về công tác quốc phòng, quân sự địa phương và các Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, các văn bản liên quan tới chính sách bảo hiểm, chế độ tiền lương… cho lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và người lao động. Các “Câu lạc bộ nhà trọ” của công nhân tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, phát động các phong trào giữ gìn trật tự trị an, xây dựng tổ dân cư, khu phố văn hóa… Đồng thời, Huyện còn xây dựng thí điểm mô hình “Nhà lưu trú”, tạo cuộc sống ổn định cho công nhân, giúp họ yên tâm làm việc và thực hiện việc quản lý nhân khẩu, quản lý địa bàn chặt chẽ. Nhờ kết hợp nhiều giải pháp tổng hợp, công tác GDQP trên địa bàn Huyện đã chuyển biến tích cực, có chiều sâu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, có sức chiến đấu cao,  thực sự làm nòng cốt xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD trên địa bàn được thường xuyên coi trọng. Những năm qua, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân Huyện đã tập trung lãmh đạo, chỉ đạo xây dựng các LLVT vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tập trung xây dựng cơ quan quân sự, công an huyện và các xã, thị trấn thực sự vững mạnh, đủ sức làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác QP - AN và tổ chức, chỉ huy các lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, huấn luyện cho LLVT. Trong huấn luyện tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu sát với thực tế, phương án tác chiến; đồng thời, coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng phòng chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, tác chiến bảo vệ trị an, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tháng 8-2007, Huyện đã chỉ đạo xã Tân Bình, Tân Đông Hiệp chuẩn bị kế hoạch diễn tập theo phương án A2, xã Bình Thắng diễn tập phòng không nhân dân... Đồng thời, tích cực kiểm tra các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác trực ban, trực chiến, trực phòng không và các chốt dân quân trọng điểm.
 Lực lượng DQTV được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có lực lượng thường trực, lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, bảo đảm độ tin cậy về chính trị, sự cân đối, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng các đơn vị dân quân binh chủng, tự vệ cơ quan, doanh nghiệp. Tỷ lệ DQTV toàn Huyện hiện nay đạt 1,74% so với dân số, 18 cơ sở tự vệ trong các cơ quan, doanh nghiệp duy trì hoạt động có nền nếp; về chất lượng, trong cán bộ, chiến sĩ DQTV có 10,4% là đảng viên, 31,2% là đoàn viên. Hiện tại, Huyện đang chỉ đạo nghiên cứu xây dựng điểm lực lượng tự vệ ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nhân rộng trên địa bàn. Các biện pháp nói trên đã từng bước đảm bảo cho việc xây dựng thế trận QPTD trên địa bàn thêm vững chắc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT – XH của Huyện trong hiện tại và tương lai.
Trần Quốc Bình
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy
 

Ý kiến bạn đọc (0)