QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:14 (GMT+7)
Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và một số biện pháp cần tập trung thực hiện
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, Đảng ta đã xác định: trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) phải chú trọng đầy đủ tới việc củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN). Đây là phương hướng cơ bản bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, trong những năm qua, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, ngành) đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện công tác quốc phòng và đạt được kết quả trên nhiều mặt. Công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) cho cán bộ, công nhân viên, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp được các bộ, ngành tích cực thực hiện. Trong năm 2006, đã có 227 cán bộ chủ chốt ở các bộ, ngành (đối tượng 1 và 2) tham gia 4 khóa (19, 20, 21, 22) bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Học viện Quốc phòng. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, đã có 95 cán bộ chủ chốt các bộ, ngành (trong tổng số 159 cán bộ chủ chốt cùng cấp của cả nước) tham dự hai khóa (23, 24) bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Học viện Quốc phòng; các bộ, ngành còn chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với các tỉnh (thành phố) mở 73 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3, 4, 5 với 7.257 người. Nhờ được bồi dưỡng nâng cao ý thức, kiến thức QP-AN nên sự kết hợp giữa kinh tế với QP-AN nói chung và thực hiện công tác quốc phòng nói riêng ở bộ, ngành và các đơn vị thành viên tốt hơn. Việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của nhiều bộ, ngành đã tính đến yêu cầu của nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong thời bình cũng như thời chiến.

Các bộ, ngành đã thực sự coi trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự từ trên bộ, ngành đến các đơn vị cơ sở. Ngay từ đầu năm, nhiều nơi đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác quốc phòng và chỉ thị cho các đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương trên địa bàn xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ, dự bị động viên, thực hiện công tác tuyển quân và chính sách hậu phương quân đội. Công tác xây dựng lực lượng tự vệ được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ cả ở trên cơ quan bộ, ngành và ở các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị tự vệ của các bộ, ngành được công nhận là đơn vị vững mạnh toàn diện. Một số đơn vị tự vệ có chất lượng chính trị cao: tự vệ Công ty đóng tàu Bạch Đằng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam có tỷ lệ đảng viên đạt 28,5%; tự vệ Công ty Xây dựng Bạch Đằng thuộc Bộ Xây dựng có tỷ lệ đảng viên đạt 22,6%. Tổ chức, biên chế cán bộ, chiến sĩ lực lượng tự vệ trong các đơn vị thành viên ở nhiều bộ, ngành được điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời, bảo đảm tỷ lệ đúng quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Các đơn vị thành viên thuộc bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân sự địa phương trong huấn luyện và hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nơi đứng chân. Qua kiểm tra kết quả huấn luyện của một số đơn vị tự vệ thuộc Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có 100% cán bộ, chiến sĩ đạt yêu cầu, trong đó trên 60% đạt khá, giỏi. Đối với công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, các bộ, ngành đã phối hợp với cơ quan quân sự địa phương chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký nguồn dự bị động viên, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng chính trị, huấn luyện và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH, các bộ, ngành đã gắn với nhiệm vụ bảo đảm QP-AN. Vì vậy, quan điểm kết hợp kinh tế với QP-AN đã được quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nổi bật là Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập trung nghiên cứu nhiều công trình khoa học, có nhiều đề tài được nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng; Bộ Y tế đã chỉ đạo củng cố tổ chức các bệnh viện dã chiến ở 58 tỉnh (thành phố), sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân khi xảy ra tình huống đấu tranh vũ trang; Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng xác định các khu vực liên quan đến QP-AN, nhất là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, vùng biên giới, hải đảo, để xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch vùng và quy hoạch chi tiết của ngành. Các tập đoàn kinh tế: Bưu chính-Viễn thông, Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam..., mặc dù phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa, nhưng vẫn quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; xây dựng tiềm lực và chuẩn bị sẵn sàng động viên lực lượng, phương tiện vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quốc phòng, quân sự.
Về mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với địa phương đã được củng cố, phát triển cả bề rộng, chiều sâu, làm được nhiều việc lớn: giúp Chính phủ xây dựng các kế hoạch, phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở các bộ, ngành và đơn vị thành viên; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác quốc phòng. Đồng thời, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy Quân sự (BCHQS) các cấp, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở bộ, ngành và các đơn vị thành viên. Đến nay đã có 66/66 bộ, ngành thành lập BCHQS; nhiều BCHQS đã đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả.
Những kết quả của việc thực hiện công tác quốc phòng ở các bộ, ngành trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, ngăn ngừa và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH đất nước.
Tuy vậy, quá trình chỉ đạo, thực hiện công tác quốc phòng của các bộ, ngành cũng còn một số hạn chế. Việc chỉ đạo quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng của một số bộ, ngành chưa sâu sắc, đầy đủ, kịp thời. Chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện công tác quốc phòng ở một số cơ quan, đơn vị thành viên còn hạn chế. BCHQS ở một số ít bộ, ngành chưa phát huy tốt vai trò tham mưu về công tác quốc phòng; chỉ đạo thực hiện chế độ giao ban, báo cáo, thông báo tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chưa được nghiêm túc. Tổ chức biên chế BCHQS, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở một số bộ, ngành còn thiếu hoặc chưa được kiện toàn. Việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác quốc phòng của một số cơ quan liên quan thuộc Bộ Quốc phòng với BCHQS các bộ, ngành và việc chỉ đạo của BCHQS bộ, ngành với BCHQS các đơn vị thành viên thiếu cụ thể, chưa đồng bộ... Những thiếu sót, hạn chế đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác quốc phòng ở một số bộ, ngành. 
Trong thời gian tới, công tác quốc phòng ở các bộ, ngành đòi hỏi phải được đẩy mạnh và đạt kết quả cao hơn nữa. Để thực hiện điều đó, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1- Tiếp tục quán triệt sâu sắc, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng; xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân gắn với phát triển KT-XH, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước. Trước hết tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định 119/2004/NĐ-CP ngày 11-5-2004 của Chính phủ “Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương”; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 30-5-2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”. Đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thành việc khảo sát, phân loại các đối tượng cần được bồi dưỡng kiến thức QP-AN; trên cơ sở đó lập kế hoạch cho số cán bộ này được đi bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường quân đội theo phân cấp, đúng quy định của Ban Tổ chức Trung ương và Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương. Chỉ đạo thực hiện tốt môn học GDQP trong hệ thống nhà trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp-dạy nghề, đại học, cao đẳng, các học viện, trường chính trị, hành chính, đoàn thể... do các bộ, ngành quản lý. Tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn và đầu tư xây dựng các trung tâm GDQP theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ và lực lượng dự bị động viên ở các đơn vị thành viên thuộc bộ, ngành. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, nhất là các doanh nghiệp thuộc địa bàn trọng điểm, xung yếu về QP-AN. Chỉ đạo các đơn vị tự vệ rà soát, củng cố, bổ sung phương án chiến đấu bảo vệ cơ quan, kế hoạch phòng chống cháy nổ, phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương trên địa bàn chỉ đạo lực lượng tự vệ tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch động viên công nghiệp, động viên quốc phòng của ngành, lĩnh vực theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng.
3- Các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH gắn với việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN trên tuyến ven biển, hải đảo và ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhất là trên địa bàn chiến lược, trọng điểm Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên. BCHQS các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng làm tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bộ, ngành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án phát triển KT-XH liên quan đến QP-AN.
4-  Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm của BCHQS  các bộ, ngành về mọi mặt, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc Quyết định số 189/2006/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ của cán bộ BCHQS” và Quyết định số 209/2006/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về quy chế hoạt động của BCHQS”. Thực hiện tốt chế độ giao ban giữa BCHQS bộ, ngành với BCHQS các đơn vị thành viên để nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quốc phòng. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, đề xuất kịp thời với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu những nội dung chỉ đạo việc thực hiện công tác quốc phòng ở các bộ, ngành; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với BCHQS các bộ, ngành tổ chức thực hiện các mặt công tác quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực. Trước mắt, Cục Tác chiến chủ trì phối hợp với Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng bộ, ngành, địa phương (Cục Dân quân tự vệ) và các cơ quan khác liên quan của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, hướng dẫn BCHQS các bộ, ngành xây dựng kế hoạch B, kế hoạch động viên quốc phòng trong các trạng thái quốc phòng.
5- BCHQS các bộ, ngành tiếp tục làm tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bộ, ngành chỉ đạo thực hiện tốt chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ BCHQS, cán bộ tự vệ, thống nhất trang phục cho lực lượng tự vệ theo Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Nghiên cứu lập dự toán ngân sách năm 2008 và hướng dẫn các BCHQS đơn vị thành viên lập dự toán để bảo đảm thực hiện tốt công các quốc phòng của bộ, ngành và các đơn vị thành viên.
Trung tướng, TS. Hoàng Kỳ
Phó Tổng tham mưu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)