QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:47 (GMT+7)
Công tác quân sự, quốc phòng địa phương ở huyện Côn Đảo
Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nằm giữa vùng tiếp giáp Biển Đông với vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế, cách Vũng Tàu 187 km về hướng Đông Nam, cách cửa sông Hậu 83 km về phía Đông. Huyện Côn Đảo là một quần đảo, gồm có đảo Côn Lôn lớn và 15 đảo nhỏ bao quanh. Diện tích tự nhiên 76 km2, trong đó đồi núi chiếm khoảng 70%, chủ yếu là núi cao, vách đứng; riêng hòn Côn Lôn lớn có diện tích 56 km2, là nơi tập trung toàn bộ dân cư sinh sống. Côn Đảo có tuyến đường bộ từ trung tâm Huyện đến sân bay Cỏ ống và cảng Bến Đầm, có tuyến đường biển nối đảo với đất liền và tuyến đường hàng không Côn Sơn- thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Côn Đảo có đặc thù riêng về cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính một cấp (huyện đến 9 khu dân cư, không có cấp xã, phường). Côn Đảo còn là di tích nổi tiếng với những hệ thống nhà tù, cầu tàu 914, nghĩa trang Hàng Dương... Những yếu tố về địa lý, lịch sử cho thấy Côn Đảo là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh và là một vị trí tiền tiêu chiến lược trong thế trận phòng thủ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và của cả nước.

Những năm qua, Côn Đảo tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng của các bộ, ngành Trung ương, của Quân khu 7, của Tỉnh và các thành phần kinh tế; tốc độ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) ngày càng tăng; tổng sản phẩm quốc nội(GDP) năm 2006 ước thực hiện 45.440 triệu đồng, tăng 25,9%; GDP bình quân đầu người đạt 769 USD, tăng 12,26% so với năm 2005; đời sống của quân và dân ngày càng ổn định. Tận dụng và phát huy những điều kiện thuận lợi, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân (UBND) Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân, các cấp, các ngành và các lực lượng vũ trang (LLVT) thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, kết hợp với tăng cường tiềm lực quốc phòng địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng huyện Côn Đảo ngang tầm với vị trí vốn có và gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.

Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt công tác quốc phòng của huyện là tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động nắm bắt tình hình mọi mặt, kịp thời ứng phó các tình huống xảy ra, nhằm giữ vững ổn định chính trị, tạo mọi thuận lợi cho phát triển KT-XH của địa phương. Vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với huyện Côn Đảo vốn có đặc điểm địa lý phức tạp, xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, các hoạt động, nhất là hoạt động tác chiến có tính độc lập cao. Côn Đảo nằm án ngữ cửa ngõ giao thông từ biển Đông sang vịnh Thái Lan, có tiềm năng về dầu khí, khai thác hải sản, nên không tránh khỏi sự nhòm ngó của các thế lực thù địch. Hơn nữa, Côn Đảo có vị trí thuận lợi cho các phương tiện tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh bão và tiếp tế hậu cần, nên dễ xảy ra khả năng đột nhập, trà trộn của địch. Đặc biệt, vào mùa gió chướng, biển động, số lượng ngư dân lên đảo có thời điểm nhiều hơn số dân của Huyện, nên cũng tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Mật độ dân số trên đảo không cao, không có cơ sở hoạt động tôn giáo, nhưng lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng nhiều, trong đó đã phát hiện một số phần tử có biểu hiện truyền đạo trái phép. Vì vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, Huyện uỷ, UBND Huyện luôn coi trọng công tác giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho các LLVT và nhân dân; đồng thời chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra trên địa bàn.
 Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác quốc phòng- an ninh giai đoạn 2006-2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện xác định: “Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đường lối, quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho mọi đối tượng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, đối phó có hiệu quả các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch”. Ngoài số cán bộ được cử đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo phân cấp, Huyện thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn huyện quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để mọi người thấu suốt quan điểm “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”. Trong giáo dục, Huyện luôn đề cập yếu tố: Côn Đảo xa đất liền, chi viện của cấp trên gặp nhiều khó khăn, cho nên phải tìm mọi cách để phát huy sức mạnh tại chỗ của tất cả các thành phần, các lực lượng đứng chân trên đảo. Hằng năm, Chủ tịch UBND Huyện đều ra chỉ thị về công tác quốc phòng, quân sự địa phương và củng cố Ban chỉ huy Quân sự thống nhất để chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an Huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị đứng chân trên địa bàn theo dõi, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, kịp thời phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ vùng biển, trên đảo và có biện pháp ứng phó các tình huống xảy ra. Nhờ vậy, nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng của đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên đảo được nâng lên, tạo sự chuyển biến khá tốt về ý thức và trách nhiệm đối với công tác quốc phòng ở địa phương. Đặc biệt, sự đoàn kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng được củng cố, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng- an ninh của Huyện.
 Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo. Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa vừa cơ bản, lâu dài, vừa có tính thời sự, vì Côn Đảo đang trong quá trình phát triển và chuyển đối cơ cấu, quy mô sản xuất theo Đề án phát triển KT - XH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch xây dựng, phát triển KT - XH, Huyện chỉ đạo các cấp, các ngành gắn kết chặt chẽ kinh tế với quốc phòng- an ninh, tích cực xây dựng thành khu vực phòng thủ. Các dự án đầu tư về  phát triển KT- XH được nghiên cứu kỹ, có tính đến tác động tích cực và ảnh hưởng đối với quốc phòng- an ninh, nhất là các dự án đầu tư có yếu tố liên quan đến nước ngoài. Quá trình phê duyệt các dự án đầu tư, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND coi trọng việc thẩm định, tham mưu đề xuất của cơ quan quân sự, nhờ đó sự phát triển KT-XH của Côn Đảo luôn được gắn kết chặt chẽ với quốc phòng-an ninh. Các dự án đã triển khai thực hiện như, hệ thống đường nội ô thị trấn được chỉnh trang đúng quy hoạch; đường chính từ trung tâm Huyện đi cảng Bến Đầm, đi sân bay Cỏ ống, đường lên núi Nhà Bàn, đường sang bãi Ông Đụng... đang được mở rộng và nâng cấp theo quy hoạch. Mạng lưới bưu chính-viễn thông của Huyện phát triển nhanh, các cụm dân cư trên đảo đều được phủ sóng, tỷ lệ sử dụng điện thoại 35 máy/100 dân; trung tâm y tế quân dân y kết hợp được trang bị máy móc, dụng cụ y tế tương đối hiện đại, giải quyết căn bản điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào, chiến sĩ trên đảo...
Trên cơ sở Đề án phát triển KT -XH huyện Côn Đảo đến năm 2020, Huyện đang tập trung điều chỉnh các loại quy hoạch theo cơ cấu kinh tế “dịch vụ- du lịch- công nghiệp”, trong đó chú trọng xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, trọng tâm là phục vụ tốt phát triển du lịch và bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tập trung phát triển mạng lưới giao thông, bao gồm cả đường nội bộ đảo, quanh đảo, đường không, đường thuỷ và hệ thống cảng; trước mắt ưu tiên làm đường vòng quanh Côn Sơn; xây dựng các tuyến đường nhánh nối liền trục chính Côn Đảo đến các điểm du lịch; kết hợp đường vòng quanh đảo với đường lên núi... Tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu Cỏ ống, khu Đầm Tre, hoàn thành quy hoạch cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Bến Đầm để tạo điều kiện thu hút  đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Triển khai các dự án nâng cấp tại cảng Vũng Tàu, cầu tàu du lịch tại Hòn Cau, Bảy Cạnh, bãi Ông Đụng và cảng du lịch để khai thác tuyến Vũng Tàu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ  đến Côn Đảo và ngược lại. Khi triển khai các chương trình KT - XH, xây dựng cơ sở hạ tầng... , Huyện đều quan tâm đến yêu cầu phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường và tạo cơ sở cho việc hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, tiến hành các hoạt động tác chiến phòng thủ, bảo vệ an ninh của các LLVT trong cả thời bình và thời chiến. Các dự án về giao thông, bến cảng, sân bay và khu công nghiệp tập trung ở Bến Đầm đều được gắn với quốc phòng-an ninh, trước hết phục vụ thiết thực cho phát triển KT - XH, đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong cả thời bình và thời chiến.
 Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, Huyện luôn chú trọng xây dựng, nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của các LLVT địa phương. Những năm qua, các LLVT được quan tâm xây dựng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, được huấn luyện chu đáo... Nhờ đó, chất lượng tổng hợp, khả năng, trình độ SSCĐ và chiến đấu ngày càng được nâng cao. Sự phối hợp giữa các lực lượng bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân và dân quân, tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên biển đảo cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Do tính đặc thù của huyện đảo xa đất liền, khi xảy ra tác chiến, các LLVT trên đảo trước hết phải  có khả năng độc lập tác chiến cao, phải duy trì sức chiến đấu liên tục cho đến khi có sự chi viện của cấp trên, cho nên sức mạnh chiến đấu của LLVT là sự sống còn của đảo. Vì vậy, trong xây dựng LLVT, Huyện tập trung nâng cao phẩm chất cách mạng và khả năng SSCĐ, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị. Kiện toàn các đơn vị thường trực SSCĐ, bảo đảm đủ quân số, kỷ luật nghiêm và quan hệ tốt với nhân dân, với các đơn vị bạn. Xây dựng lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên ở 9 khu dân cư, lực lượng tự vệ ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... bảo đảm đúng Pháp lệnh, đúng thành phần, chỉ tiêu, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ, độ tin cậy chính trị, sẵn sàng nhận hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Để phát huy sức mạnh của các LLVT trong phối hợp hoạt động, UBND Huyện ra quyết định thành lập Ban chỉ huy Quân sự thống nhất, do Chủ tịch UBND Huyện làm Trưởng ban, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự Huyện làm Phó ban thường trực, các uỷ viên là chỉ huy các đơn vị LLVT, Công an Huyện, đồn Biên phòng. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban chỉ huy Quân sự thống nhất là thường xuyên duy trì sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các LLVT trên địa bàn Huyện, tham mưu cho UBND Huyện về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chỉ huy các lực lượng SSCĐ và chiến đấu; xây dựng phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, sự điều hành của UBND Huyện, Ban chỉ huy Quân sự thống nhất hoạt động hiệu quả, chỉ huy các lực lượng phối hợp bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ sở kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền tuyến biên giới biển, đảo phía Nam của Tổ quốc.
Phan Hòa Bình
Chủ tịch UBND Huyện
      
 

Ý kiến bạn đọc (0)