QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 22:58 (GMT+7)
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang Bắc Ninh

Nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh có vị trí quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh cơ bản ổn định; nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao; bản sắc văn hóa dân tộc vùng quê Kinh bắc được giữ gìn, phát huy; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của Bắc Ninh, cũng đã nảy sinh một số vấn đề xã hội bức xúc; tình hình an ninh nông thôn diễn biễn phức tạp; tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội chưa giảm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình đổi mới, phát triển toàn diện của Tỉnh nói chung, đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh nói riêng. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là một nội dung quan trọng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu (QK) 1; của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, trực tiếp là sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp (HĐPH) công tác PBGDPL QK và của Tỉnh, BCHQS Tỉnh đã thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực.

 Để công tác PBGDPL trong LLVT Tỉnh đi vào nền nếp và đúng chỉ đạo của trên, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Tỉnh đã tổ chức quán triệt trong toàn lực lượng Chỉ thị số 32- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Chỉ thị số 13/2003/CT-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ Tướng chính phủ; Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP ngày 07/02/2003 của Bộ Quốc phòng (BQP); Kế hoạch số 531/KH-QK ngày 17/04/2003 của Tư lệnh QK về công tác PBGDPL; chương trình thực hiện các luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. HĐPH công tác PBGDPL của BCHQS Tỉnh được thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn, bảo đảm đúng, đủ thành phần cơ cấu theo quy định. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật được lựa chọn, bồi dưỡng trong số những cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật đã được đào tạo cơ bản, có kiến thức về pháp luật, có phương pháp sư phạm tốt, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và được tập thể tín nhiệm (hiện nay có 29 đồng chí; 100% có trình độ từ cao đẳng trở lên).

Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn về công tác đảng, công tác chính trị, kế hoạch PBGDPL hằng năm của QK và của Tỉnh, BCHQS Tỉnh xây dựng kế hoạch PBGDPL cho các đối tượng sát với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của đơn vị; đồng thời, hướng dẫn, tổ chức thực hiện cho tất cả các đầu mối cơ quan, đơn vị. Đối với lực lượng thường trực, bên cạnh giới thiệu các luật và bộ luật của Nhà nước theo quy định, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập, quán triệt Quyết định của BQP về xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định về quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong quân đội; Quy định bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập; Quy định về phòng chống cháy nổ;... Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng BQP, các nghị quyết của Đảng ủy QK, Đảng ủy Quân sự Tỉnh về cấm uống rượu, bia buổi sáng, buổi trưa, trong giờ hành chính và cấm uống rượu, bia say, vừa qua, cấp ủy và các chi bộ trong toàn Đảng bộ đã ra nghị quyết chuyên đề nhằm chấn chỉnh thói quen không tốt này trong từng cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ, chiến sĩ đã viết cam kết không vi phạm điều cấm. Gần đây, LLVT Tỉnh đã tổ chức cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ học tập Nghị quyết số 32 của Chính phủ, Chỉ thị 128 của Bộ trưởng BQP, Chỉ thị 1384 của Tư lệnh QK về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Với lực lượng dân quân, tự vệ, tập trung giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống các hoạt động thu thập tình báo, bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia; tổ chức giáo dục Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh Đê điều và các nội dung pháp luật khác có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Với lực lượng dự bị động viên, ngoài các nội dung theo quy định, tổ chức nghiên cứu kỹ Pháp lệnh Dự bị động viên và Luật Nghĩa vụ quân sự...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, các cơ quan, đơn vị thường xuyên chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục; tích cực khai thác các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương) và phát huy tối đa vai trò của hệ thống tủ sách, ngăn sách, giá sách pháp luật; lồng ghép PBGDPL với giáo dục chính trị cơ bản và các hình thức khác như: nói chuyện thời sự, thông báo chính trị, đọc báo buổi sáng. Đặc biệt, việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi tìm hiểu về pháp luật dưới hình thức “sân khấu hóa”.... được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng và có tác dụng rất tích cực. Cùng với đó, công tác PBGDPL còn được kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua trong đơn vị. Tiêu biểu là phong trào “Tuổi trẻ Quân đội tiếp bước cha anh, giành 3 đỉnh cao quyết thắng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Xây dựng đơn vị môi trường xanh, sạch, đẹp”… Đặc biệt, trong đợt thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các nội dung, yêu cầu về rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội, đều được các đơn vị cụ thể hóa thành những yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu của từng tập thể, cá nhân. Khi bình xét, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động, việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội được coi là những tiêu chí để đánh giá về mức độ rèn luyện đạo đức, tư cách của mỗi người. Ngoài ra, thông qua công tác quản lý, rèn luyện nếp sống chính quy, xây dựng nền nếp, thói quen, lễ tiết, tác phong của người quân nhân; việc kiểm tra quân nhân ra, vào doanh trại, tham gia giao thông trên đường;... cũng được LLVT Tỉnh hết sức coi trọng. Bởi lẽ, chúng tôi nhận thức rằng, hiệu quả công tác PBGDPL không chỉ dừng lại ở nhận thức, ý thức mà quan trọng là phải thể hiện bằng hành động cụ thể của mỗi người.

Một nội dung khác cũng được LLVT Bắc Ninh quán triệt và thực hiện tốt là, tham gia công tác PBGDPL trong nhân dân. Hằng năm, LLVT Tỉnh đều có kế hoạch cử các tổ công tác (thành phần là 4 cơ quan) về các xã trọng điểm, kết hợp làm công tác dân vận với công tác PBGDPL; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trước các quyết sách của chính quyền, nhất là việc đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng... Cán bộ, chiến sĩ các tổ công tác đã phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên trì bám dân, bám địa bàn, thuyết phục nhân dân có lý, có tình. Việc làm đó không chỉ góp phần tạo sự ổn định chính trị trên địa bàn, mà còn củng cố mối quan hệ quân - dân thêm bền chặt. Ngoài ra, các tổ còn phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương (cơ quan Tư pháp, Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…) cùng tiến hành tuyên truyền, PBGDPL trong thanh niên và học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Tỉnh về Luật Nghĩa vụ quân sự. Đối với đồng bào có đạo, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi trực tiếp, tuyên truyền những nội dung liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về vấn đề tôn giáo; gắn với bồi dưỡng kiến thức quốc phòng vận động các tăng ni, phật tử, chức sắc, chức việc tôn giáo động viên con, cháu làm tròn nghĩa vụ công dân, sống “tốt đời, đẹp đạo”... Bằng những việc làm đó, từ năm 2003 đến nay, LLVT Tỉnh đã tham gia cùng địa phương giải quyết tốt 23 vụ tranh chấp đất đai, 8 vụ khiếu kiện, 3 vụ truyền đạo trái pháp luật; tuyển chọn 7.535 thanh niên nhập ngũ. Hằng năm tỷ lệ đăng ký của thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đạt 90 đến 95%, trong đó tỷ lệ đăng ký trực tiếp tăng 0,6 đến 3,7%; có 50% số thanh niên làm đơn tình nguyện; từ 20 đến 30% đã được bồi dưỡng cảm tình Đảng.

 Đến nay, công tác PBGDPL ở Bắc Ninh đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả đáng kể. Các chương trình, kế hoạch, nội dung giáo dục cơ bản được thực hiện một cách nghiêm túc. Quân số tham gia học tập hằng năm đều đạt 98,7% trở lên; kiểm tra nhận thức các đối tượng: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 90% đạt khá, giỏi. Từ năm 2003 đến nay, LLVT Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 125 buổi, cho 2.000 lượt người nghe; có 1.860 bài dự thi tìm hiểu về luật, các bộ luật, pháp lệnh, văn bản có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; đầu tư 20 triệu đồng để xây dựng 13 tủ sách, ngăn sách pháp luật; mua 450 đầu sách, báo pháp luật các loại, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ; có 55 chuyên trang, 163 chuyên mục, 79 phóng sự và 2.500 tin, bài, ảnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng,v.v.

Có thể nói rằng, công tác PBGDPL trong LLVT Tỉnh Bắc Ninh trong mấy năm gần đây đã góp phần quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức và hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị; đồng thời, góp phần tích cực vào xây dựng ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước trong nhân dân. Điều đó tác động mạnh mẽ tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của tỉnh Bắc Ninh nói chung và LLVT Tỉnh nói riêng. Tổng kết phong trào thi đua quyết thắng 5 năm qua (2003-2007) toàn LLVT Tỉnh có trên 900 tập thể, cá nhân được khen thưởng. Đặc biệt, ba năm liền (2005, 2006, 2007) BCHQS Tỉnh được BQP tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của QK.

Từ kết quả với kinh nghiệm thu được, LLVT Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tập trung phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng PBGDPL và cơ quan chức năng; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục làm cho công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGÔ KHẮC MINH

Chính ủy BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)