QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:40 (GMT+7)
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Quân chủng Hải quân

Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác này, nhất là Chỉ thị 32- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 21/CT-BQP ngày 7-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác PBGDPL trong quân đội và dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Tư lệnh Hải quân đã có nhiều chỉ thị, kế hoạch về thực hiện công tác PBGDPL, trong đó nêu bật mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; đồng thời, xác định các chủ trương, giải pháp cơ bản về quản lý, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật sát hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của Quân chủng. Đây là những cơ sở quan trọng để các đơn vị tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho mọi đối tượng. Hằng năm, các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Quân chủng đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác PBGDPL. Trong nghị quyết hằng quý, tháng, các tổ chức đảng đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL; kịp thời bổ sung nội dung, chương trình thực hiện pháp luật sát với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng đơn vị.

Trọng tâm của công tác PBGDPL được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định là, tập trung hoàn thành tốt chương trình giáo dục pháp luật theo quy định; thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với việc gắn chặt công tác PBGDPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, các đơn vị đã tập trung mọi nỗ lực, chủ động, sáng tạo tìm các biện pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể đối với công tác này. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn cơ sở các cấp đều có chương trình hành động với những yêu cầu, nội dung, giải pháp cụ thể, đúng chức năng, nhiệm vụ của mình để phát huy ý thức, trách nhiệm trong học tập và thực thi pháp luật của mọi thành viên.

Để công tác PBGDPL đạt kết quả cao, Quân chủng đã quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Đội ngũ giáo viên PBGDPL của Quân chủng hiện nay chủ yếu là cán bộ tư pháp, giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật trong các học viện, nhà trường của Quân chủng. Đội ngũ này không chỉ đảm nhiệm các nội dung PBGDPL theo quy định, mà còn được phân công báo cáo các chuyên đề, các nội dung văn bản pháp luật mới ban hành. Hằng năm, trước các giai đoạn huấn luyện, đội ngũ giáo viên PBGDPL được Quân chủng cung cấp các văn bản pháp luật mới; được tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do các cơ quan trong và ngoài quân đội tổ chức. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật bao gồm cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cán bộ Đoàn Thanh niên; trong đó, nòng cốt là cán bộ chính trị, chính trị viên tiểu đoàn, đại đội, hải đội, tàu, trạm ra đa. Đội ngũ này thường xuyên được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực tiếp bồi dưỡng về chuyên môn và khi cần thiết Quân chủng tổ chức bồi dưỡng tập trung về nghiệp vụ và phương pháp tiến hành công tác. Đây là lực lượng chủ yếu tuyên truyền về pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) ở các đơn vị cơ sở; làm nòng cốt trong các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật của đoàn viên, thanh niên ở các đơn vị. Trong những năm qua, nhất là năm 2009, lực lượng này còn đảm nhiệm các nội dung của chuyên mục PBGDPL trên hệ thống truyền thanh nội bộ; hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, tài liệu về pháp luật ở Phòng Hồ Chí Minh, thư viện, tủ sách, giá sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị; đồng thời, trực tiếp phối hợp với địa phương để tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Quân chủng đã tập trung chỉ đạo tiến hành công tác PBGDPL một cách toàn diện, sát với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của từng đơn vị và đề ra yêu cầu cụ thể với từng đối tượng. Đối với đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, yêu cầu đặt ra không chỉ có nhận thức đúng, đủ về pháp luật để chấp hành và truyền thụ cho cấp dưới, mà còn phải làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy đề ra các nội dung, biện pháp PBGDPL và thực thi pháp luật mang lại hiệu quả cao. Với đội ngũ cán bộ khối các đơn vị, ngoài yêu cầu về nhận thức còn phải thực hiện tốt chức trách quản lý, chỉ huy và tham gia tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng thuộc quyền. Đối với học viên ở các học viện, nhà trường, phải căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng theo bậc học khác nhau để đề ra yêu cầu về nội dung và có phương pháp truyền thụ kiến thức pháp luật cho phù hợp. Bởi vậy, Cục Chính trị Quân chủng đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo bổ sung các nội dung cần thiết đối với từng loại hình đơn vị, để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn. Cùng với đó, Quân chủng yêu cầu các cơ quan, đơn vị hết sức chú trọng các đối tượng là sĩ quan trẻ, chiến sĩ mới, công nhân viên lao động hợp đồng. Đây là những đối tượng chưa được trải nghiệm nhiều trong môi trường hoạt động quân sự. Do vậy, Quân chủng đã chỉ đạo các cấp chú trọng giáo dục cho các đối tượng này một cách cơ bản về nội dung các văn bản pháp luật: Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Bảo vệ môi trường; Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2005; Luật Phòng, chống các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền khu vực châu Á,... Là một đơn vị có số lượng quân nhân chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ lớn và tỷ lệ vi phạm kỷ luật thường cao hơn các đối tượng khác, nên Quân chủng đã rất chú trọng tăng cường PBGDPL cho họ; các nội dung PBGDPL không chỉ tiến hành một lần mà phải nhiều lần... Cùng với đó, công tác quản lý bộ đội theo phân cấp đã được các đơn vị thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là công tác quản lý trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ, ở các đơn vị nhỏ lẻ, làm nhiệm vụ độc lập ở xa trung tâm chỉ huy. Ngoài việc duy trì nghiêm các chế độ, quy định theo điều lệnh, điều lệ, chỉ huy các đơn vị còn chủ động tăng cường nhiều biện pháp quản lý hành chính: tăng cường các tổ kiểm sát quân sự cơ động để đăng ký, quản lý quân nhân ra, vào doanh trại, khi tham gia giao thông; mỗi quân nhân trước khi nghỉ phép hoặc nghỉ tranh thủ đều có bản đăng ký, cam kết chấp hành kỷ luật, đơn vị kết hợp gửi thư về gia đình để quản lý quân nhân trong thời gian nghỉ;... Nhờ đó, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội trong toàn Quân chủng có sự chuyển biến rõ nét; việc thực hiện nhiệm vụ theo chức trách ngày càng tốt hơn, các mối quan hệ công tác được giải quyết hài hòa; nguyên tắc lãnh đạo của Đảng luôn được giữ vững, dân chủ cơ sở được phát huy, nội bộ đoàn kết, thống nhất; các vụ việc vi phạm kỷ luật giảm xuống còn 0,03%.

 Cục Chính trị Quân chủng đã chủ trì phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bội đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tuyên truyền về biển, đảo gắn với thực hiện PBGDPL có hiệu quả. Công tác tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan đến chủ quyền biển, đảo, nhằm xây dựng ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên biển của Đảng, Nhà nước ta. Các ngư dân trước khi ra biển đều được các đơn vị của Quân chủng phối hợp với các đồn Biên phòng phổ biến, quán triệt đầy đủ các văn bản pháp luật (Luật Biển năm 1982; những căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của ta trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các hiệp định phân định biên giới biển đã được ký kết giữa nước ta với Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Căm-pu-chia...; các thỏa thuận đa phương, song phương giữa nước ta với các nước có liên quan đến lãnh thổ quốc gia trên biển), làm cơ sở để nhân dân chấp hành nghiêm các điều luật định; đồng thời, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các nội dung này cũng được Cục Chính trị Quân chủng phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thành các phóng sự, sản xuất thành băng, đĩa để tuyên truyền cho các đối tượng là người nước ngoài hoạt động trên vùng biển giáp ranh với lãnh hải Việt Nam. Đối với nhân dân ven biển, Cục Chính trị Quân chủng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại, thông qua các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, truyền thống của quân đội, địa phương, đơn vị để tuyên truyền, phổ biến, đạt hiệu quả cao, thiết thực. Đến nay, Quân chủng đã phối hợp tuyên truyền về biển, đảo và PBGDPL với 37 tỉnh, thành phố, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Quân chủng đã căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ của các đơn vị để có các hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp. Học viện Hải quân, Trường Trung học Kỹ thuật Hải quân đã đưa các nội dung tuyên truyền về biển, đảo, PBGDPL vào chương trình giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài học tập theo chương trình đào tạo, các học viện, nhà trường còn chú trọng những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ sau khi tốt nghiệp ra trường đảm đương chức vụ ở đơn vị. Theo chỉ đạo của Quân chủng, việc tổ chức các buổi diễn đàn thanh niên với chủ đề: “Tiếp lửa truyền thống - mãi mãi tuổi 20”, “Văn minh Thanh niên Hải quân”; các cuộc thi “Tìm hiểu về pháp luật”, “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người” dưới hình thức viết, sâu khấu hóa, đã thu hút đông đảo CB,CS tham gia, được Hội đồng PBGDPL của Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Cùng với các hình thức trên, Quân chủng còn chỉ đạo Tòa án Quân sự Quân chủng tổ chức xét xử các vụ án lưu động tại các địa bàn xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật; tổng hợp kết quả gửi tới các cơ quan, đơn vị làm tài liệu để giáo dục cho các đối tượng. Cục Chính trị Quân chủng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, phát hành cuốn "Biển và hải đảo Việt Nam"; biên soạn tài liệu “Những vấn đề cần nắm vững đối với các lực lượng hoạt động trên biển”, gửi tới các đơn vị, địa phương làm tài liệu nghiên cứu, học tập; chỉ đạo Báo, Tạp chí Hải quân nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục “An ninh pháp luật”, tăng cường các bài viết về biển, đảo; phát hành tờ gấp, tờ rơi bằng 3 thứ tiếng (Việt, Anh, Trung Quốc) để các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo kết hợp tuyên truyền miệng và phân phát cho ngư dân. Năm 2009, Quân chủng đã trích hàng chục triệu đồng để xây dựng hệ thống giá sách, tủ sách pháp luật; in ấn tài liệu, mua thêm các loại sách về pháp luật, với nhiều chủng loại có nội dung về đề tài biển, đảo và  hoạt động của Bộ đội Hải quân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của CB,CS. Với những việc làm thiết thực trên, chất lượng công tác PBGDPL trong Quân chủng đã được nâng lên, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của CB,CS. Kết quả kiểm tra nhận thức hằng năm của các đối tượng đều đạt kết quả cao, riêng năm 2009: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 87, 2% trở lên khá, giỏi; tỉ lệ CB,CS vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội giảm (năm 2005 là 0,18% đến nay giảm xuống còn 0,03%)...

Trong thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng tiếp tục có nhiều biện pháp bảo đảm cho công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi để Quân chủng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá ĐINH GIA THẬT

Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)