QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:19 (GMT+7)
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Cho học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật quân sự

Học viện Kỹ thuật quân sự là một trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự của Bộ Quốc phòng. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ trình độ đại học và sau đại học có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, xứng đáng là nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thật quân sự bậc cao góp phần trực tiếp vào xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Những năm qua, trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Học viện không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Học viện vừa tổ chức đào tạo tại Trường, vừa liên kết đào tạo, góp phần thực hiện “chuẩn hóa” đội ngũ giáo viên của một số học viện, nhà trường quân đội. Từ năm 2002 lại đây, Học viện  còn được Nhà nước giao nhiệm vụ  tham gia đào tạo nguồn nhân lực (đào tạo dân sự) cho đất nước. Do địa bàn đóng quân của Học viện ở trung tâm các đô thị lớn, nên cùng với những tác động tích cực, các tiêu cưc, tệ nạn xã hội cũng luôn tác động chi phối đến tư tưởng, tình cảm và chất lượng học tập, rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm của Học viện còn chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu, nhiệm vụ, nên việc quản lý học viên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là quản lý đối tượng sinh viên dân sự. Đối với học viên đào tạo dài hạn, mặc dù học lực đầu vào tương đối cao, nhưng do chưa từng trải và nhận thức về mục tiêu, yêu cầu đào tạo không đều, nên phần lớn học viên có tâm lý coi trọng các môn tự nhiên, kỹ thuật hơn, ít quan tâm đến các môn học xã hội và nhân văn, trong đó có các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật(PB,GDPL). Điều này nếu không được khắc phục tốt, sẽ dẫn đến tư tưởng “học lệch”, “kỹ thuật thuần tuý”, ảnh hưởng đến chất lượng, mục tiêu đào tạo của Học viện.

Xuất phát từ đặc điểm đó, Đảng uỷ và Ban giám đốc Học viện đã thường xuyên coi trọng xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện theo những tiêu chí của Bộ Quốc phòng đề ra, trong đó công tác PB,GDPL cho đội ngũ học viên được Học viện hết sức quan tâm và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, thiết thực góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách của học viên trong quá trình đào tạo; đồng thời củng cố kỷ luật, xây dựng nền nếp chính qui, xây dựng môi trường sư phạm của Học viện trong sạch, lành mạnh, bảo đảm cho toàn Học viện “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và qui chế đào tạo.
Trước hết, Đảng uỷ và Ban giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa, hệ, tiểu đoàn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, quyết định và kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác PB,GDPL; coi nhiệm vụ PB,GDPL cho đội ngũ học viên là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; một nội dung trong chương trình, kế hoạch giáo dục, đào tạo cơ bản; một mặt công tác của lãnh đạo, chỉ huy và là trách nhiệm của toàn Học viện. Với tinh thần đó, Đảng uỷ Học viện đã triển khai nghị quyết chuyên đề định hướng lãnh đạo thực hiện công tác PB,GDPL; Học viện có Quyết định  1177/QĐ- HV ngày 28/7/1998 về việc thành lập Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL do đồng chí Phó Giám đốc về chính trị (nay là Chính uỷ) Học viện làm chủ tịch và đồng chí Chủ nhiệm chính trị làm phó chủ tịch; thành viên là thủ trưởng các cơ quan, phòng, khoa chức năng; Quyết định 1589/QĐ-HV ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, trong đó có phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách cơ quan, đơn vị thực hiện công tác PB,GDPL theo kế hoạch của Hội đồng. Nền nếp hoạt động của Hội đồng được duy trì thường xuyên; mọi vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện được kịp thời giải quyết. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện công tác PB,GDPL, Đảng uỷ Học viện luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng; nắm vững những qui định, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, đồng thời phát huy vai trò tham mưu của cơ quan Chính trị, khoa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa Công tác Đảng, công tác chính trị và một số cơ quan chức năng khác nhằm  xây dựng nội dung, chương trình giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch PB,GDPL. Nội dung giáo dục pháp luật cho học viên có sự kết hợp giữa hệ thống giáo dục cơ bản với các chuyên đề theo qui định chung của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Để nâng cao chất lượng công tác PB,GDPL, Học viện rất coi trọng khâu chuẩn bị tài liệu học tập và xây dựng đội ngũ giáo viên Pháp luật. Do học viên đông, tài liệu trên cấp có hạn, Học viện đã chủ động nhân bản tài liệu, đảm bảo đủ cho học viên học tập, nghiên cứu. Đối với đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, trước hết, Học viện làm tốt công tác qui họach, bồi dưỡng giáo viên có trình độ đáp ứng với yêu cầu và nội dung của công tác PB,GDPL. Việc tổ chức giảng dạy, từ khâu nghiên cứu, xây dựng giáo án, thông qua giáo án, thực hành giảng đều tuân theo một qui trình hết sức chặt chẽ. Những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật trong chương trình chính khoá do giáo viên giảng dạy môn Nhà nước và Pháp luật đảm nhiệm. Một số nội dung mới, Học viện mời các chuyên gia trong và ngoài quân đội đến truyền đạt; các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL cùng đến dự. Đây cũng là một hình thức để nâng cao trình độ kiến thức về Luật pháp cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật của Học viện. Trong quá trình triển khai tiến hành công tác PB,GDPL, Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL của Học viện đã thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch PB,GDPL của các cá nhân, đơn vị; qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót. Định kỳ sáu tháng tiến hành sơ kết, một năm tổ chức tiến hành tổng kết, đánh giá ưu, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, biện pháp tiến hành công tác PB,GDPL trong thời gian tiếp theo. Làm tốt điều này là một bảo đảm quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới việc nâng cao chất lượng công tác PB,GDPL đối với đội ngũ học viên của Học viện.
Một trong những biện pháp hết sức quan trọng được Học viện quan tâm là thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PB,GDPL. Bởi lẽ, đa số học viên học tập, rèn luyện tại Học viện được tuyển từ thanh niên, học sinh bên ngoài quân đội vào; họ có kiến thức về văn hoá, xã hội, song ý thức pháp luật của một bộ phận còn hạn chế, chưa thực sự tự giác tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, PB,GDPL. Trong khi đó, nội dung PB,GDPL chủ yếu là những chương, điều khoản chi tiết, nên khi giáo viên lên lớp thường cảm thấy khô cứng, nếu học viên không tự giác, tập trung tư tưởng rất dễ dẫn đến nhàm chán, khó nhận thức và chấp hành. Vì vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức PB,GDPL được hướng vào làm rõ lợi ích thiết thân của việc chấp hành nghiêm pháp luật và các chế độ qui định; qua đó sẽ làm chuyển biến nhận thức và hành động của họ. Biện pháp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, PB,GDPL ở Học viện được thể hiện ở việc kết hợp giữa lên lớp tập trung với tổ chức cho học viên tham gia các hoạt động bổ trợ khác phù hợp với đặc điểm của tuổi trẻ như lồng ghép nội dung PB,GDPL trong các cuộc thi tìm hiểu, “sân khấu hoá” các nội dung giáo dục pháp luật; tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, tranh ảnh, pa nô, khẩu hiệu; với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, diễn đàn thanh niên, trao đổi, toạ đàm về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật với trên 300 đầu sách và hơn 600 cuốn tại phòng đọc của thư viện và ở các đơn vị, trong đó có đủ 14 đầu sách theo qui định của Bộ Quốc phòng. Những việc làm đó đã thu hút đông đảo học viên, sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu với ý thức trách nhiệm cao, tích cực hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật do Học viện tổ chức. Năm 2000, thường trực Hội đồng PB,GDPL đã triển khai thực hiện và hướng dẫn thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự, kết quả có 2612 bài tham gia dự thi, trong đó có 100% đạt yêu cầu, 75,5% đạt khá và giỏi. Học viện gửi năm bài đạt giải nhất, nhì, ba cấp Học viện dự thi cấp toàn quân và đạt hai giải khuyến khích.
PB,GDPL là khâu trọng tâm, phương thức cơ bản đưa pháp luật vào cuộc sống. Điều đó chỉ có thể được khẳng định khi nhận thức, hiểu biết của học viên về pháp luật được biểu hiện cụ thể thông qua hành vi tôn trọng và tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các qui định của Học viện. Nhận thức được tình hình đó, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác PB,GDPL với quản lý, rèn luyện kỷ luật, duy trì chế độ nền nếp, xây dựng Học viện chính qui theo năm tiêu chuẩn đã được xác định chung cho các nhà trường; xây dựng môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, lối sống văn minh, lịch thiệp, không bị lây nhiễm bởi các tệ nạn xã hội; xây dựng ý thức, thái độ, động cơ học tập đúng đắn của học viên. Những yêu cầu, qui định về chấp hành pháp luật, điều lệnh quản lý bộ đội, những lĩnh vực có nguy cơ vi phạm cao như thực hiện Luật Giao thông đường bộ thường xuyên được đôn đốc, nhắc nhở trong các buổi giao ban, chào cờ và trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ. Đặc biệt, qui định học viên  đào tạo dài hạn cấp phân đội không được sử dụng xe gắn máy được duy trì nghiêm túc. Công tác quản lý học viên là một trong những nội dung được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện quan tâm và chỉ đạo sâu sát, nhất là trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Trong những dịp nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán, Học viện đều tổ chức cho học viên viết cam kết, trong đó có nội dung chấp hành pháp luật của Nhà nước và qui định của địa phương; sau kỳ nghỉ phép có giấy xác nhận của chính quyền địa phương và gia đình, nhờ đó mà quản lý và  nắm  chắc được tình hình học viên trong mọi lúc, mọi nơi. Làm được điều đó là nhờ Học viện đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý học viên vừa có trình độ, kinh nghiệm quản lý, có tinh thần trách nhiệm cao; vừa là tấm gương mẫu mực cho học viên noi theo về ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, lễ tiết tác phong chính qui cả trong Học viện cũng như khi ra ngoài doanh trại.
Để nắm bắt được tình hình địa bàn nơi đóng quân và  hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài xã hội đối với học viên, Học viện đã chủ động liên hệ, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, trực tiếp là lực lượng Công an của huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy (Thành phố Hà Nội) và thị xã Vĩnh Yên (Tỉnh Vĩnh Phúc) làm tốt công tác PB,GDPL, thường xuyên thông báo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những việc làm đó đã góp phần ngăn chặn, khắc phục về cơ bản tình trạng một số phần tử xấu ở bên ngoài lợi dụng các mối quan hệ, lôi kéo học viên trong Học viện tham gia vào các tệ nạn xã hội, chấm dứt được việc học viên tham gia đánh lô, đề, uống rượu, bia say và các quan hệ không lành mạnh khác.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là để nâng cao hiệu quả công tác PB,GDPL phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục với công tác Thi đua - Khen thưởng,  kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện kỷ luật; đồng thời xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân để mất an toàn, để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và các qui định của Học viện. Thường xuyên gắn chặt việc nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện với chăm lo yếu tố con người, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, học viên; xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua nâng cao chất lượng học tập, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội. Thời gian vừa qua, Học viện đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua gắn với yêu cầu của công tác PB,GDPL như: “Xây dựng nền nếp chính qui”, “Xây dựng môi trường văn hoá”, “Tháng an toàn giao thông”, “Tháng phòng chống các tệ nạn xã hội’, “Tuần lễ không hút thuốc lá”,… từng bước góp phần thực hiện “Sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật”, “Toàn quân hành động theo Điều lệnh” trong Học viện. Trong bình xét thi đua, kết quả thực hiện công tác PB,GDPL ở từng đơn vị và cá nhân được Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Học viện coi trọng. Do vậy, dù nhiệm vụ trung tâm có thực hiện tốt mà đơn vị có nhiều vụ việc, ý thức pháp luật của học viên kém thì kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị cũng không được xếp vào loại cao.  Cách làm đó đã động viên, đề cao được ý thức, trách nhiệm  của mỗi tập thể, cá nhân học viên trong toàn Học viện tích cực tham gia đầy đủ vào các hoạt động PB,GDPL và quản lý, giữ gìn tốt tình hình kỷ luật ở đơn vị, đấu tranh với các hiện tượng sai trái làm ảnh hưởng đến phẩm chất, nhân cách cuả người học viên.
 Qua hơn năm năm triển khai thực hiện công tác PB,GDPL, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám  đốc Học viện; sự chủ động, tích cực, sáng tạo của Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL và sự cố gắng của các đơn vị trong Học viện, có thể khẳng định rằng, công tác PB,GDPL ở Học viện Kỹ thuật quân sự đã được triển khai đúng hướng, đạt được kết quả tốt, ý thức pháp luật của học viên đã có chuyển biến tích cực; đặc biệt, nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân - người học viên được nâng lên. Kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính qui, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện. Trong mấy năm liên tục gần đây, Học viện đã không để xảy ra các trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, số vụ việc vi phạm thông thường giảm đáng kể; năm 2001 tỷ lệ vi phạm kỷ luật là 0,26%, nhưng đến năm 2005 tỷ lệ đó chỉ còn 0,11%. Mặc dù tình hình an toàn giao thông trên địa bàn trong thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp, nhưng hai năm liên tục vừa qua, Học viện đã không để xảy ra một vụ mất an toàn giao thông nào, tình hình Học viện ổn định. Đó cũng là một trong những yếu tố để Học viện Kỹ thuật quân sự luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, được vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước và quân đội; xứng đáng là một trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có uy tín, chất lượng cao của quân đội và của cả nước; là địa chỉ tin cậy để học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học và gia đình họ yên tâm gửi gắm con em vào học tập tại Học viện. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Học viện còn phải tiếp tục có những biện pháp đồng bộ hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác PB,GDPL, tạo sự chuyển biến sâu rộng từ nhận thức đến hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của từng cán bộ, học viên và của các thành phần khác trong Học viện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Học viện trong tình hình mới.
 
Đại tá, TS.  Trần Tấn Hùng
Chủ nhiệm Chính trị Học viện Kỹ thuật quân sự

 

Ý kiến bạn đọc (0)