QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:00 (GMT+7)
Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Đoàn B.95 kết quả và kinh nghiệm

Đoàn B.95 là đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu 3, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Nhận thức rõ trọng trách đó, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng, trình độ SSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Những năm gần đây, Đoàn luôn là một trong những đơn vị "lá cờ đầu" của Quân khu về công tác huấn luyện, SSCĐ. Riêng năm 2009, 100% nội dung huấn luyện của Đoàn đều đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 85% khá, giỏi, có 3 đơn vị bộ binh và 2 đơn vị binh chủng đạt tiêu chuẩn "Đơn vị huấn luyện giỏi"; tham gia 9 cuộc hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng và Quân khu tổ chức, giành 1 giải Xuất sắc, 4 giải Nhất, 3 giải Nhì và 1 giải Ba; các cuộc diễn tập (diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp có bắn đạn thật cấp đại đội, tiểu đoàn; diễn tập chỉ huy-cơ quan một bên hai cấp trên bản đồ, có một phần thực binh) đạt kết quả khá, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị...

Có được những thành tích trên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, sự giúp đỡ của các cơ quan cấp trên, của cấp uỷ, chính quyền nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân...; trong đó, sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn là yếu tố quyết định. Từ hoạt động thực tiễn của mình, Đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Đoàn. Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu 3 và hướng dẫn của các cơ quan chức năng; trong đó, tập trung quán triệt nắm vững phương hướng, phương châm huấn luyện và nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Đoàn. Trên cơ sở đó, Đoàn tập trung nghiên cứu, cụ thể hoá các mệnh lệnh, chỉ thị huấn luyện chiến đấu của trên sát hợp với tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng, đặc điểm địa bàn tác chiến của từng đơn vị. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt sâu rộng, nghiêm túc nhiệm vụ huấn luyện trong các cơ quan, đơn vị, tới từng cán bộ, đảng viên, trước hết trong cấp uỷ, người chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp và cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện; chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo công tác huấn luyện cụ thể, sát với đối tượng huấn luyện, bảo đảm sự thống nhất, chính quy, khoa học, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của người chỉ huy các cấp. Bám sát nhiệm vụ, hằng năm, các cấp uỷ đảng ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Nghị quyết lãnh đạo hằng tháng của các tổ chức cơ sở đảng cũng tập trung vào kiểm điểm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác huấn luyện và đề ra phương hướng, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của tháng tới. Theo đó, các đơn vị tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng quyết tâm, cam kết thi đua với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể hướng vào nâng cao chất lượng huấn luyện; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh và quyết thắng; làm cho bộ đội có niềm tin vào vũ khí, trang bị hiện có, cách đánh của ta và quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Đoàn chú trọng giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị; gắn công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đơn vị huấn luyện giỏi, SSCĐ tốt; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”; từ đó, đề cao cảnh giác cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các đơn vị tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhân dân nơi đơn vị đóng quân, nắm tình hình, quản lý chắc mục tiêu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hai là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Đoàn tập trung kiện toàn, ổn định tổ chức biên chế đơn vị theo đúng Chỉ thị 31, Chỉ lệnh 50 của Tổng Tham mưu trưởng, Chỉ lệnh 145 của Bộ Tư lệnh Quân khu; trong đó, chú trọng ưu tiên các phân đội trực tiếp làm nhiệm vụ SSCĐ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện (năm, quý, tháng) sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và từng đối tượng, theo đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Các chế độ phê duyệt kế hoạch huấn luyện, xây dựng tiến trình biểu huấn luyện ở các đơn vị được duy trì nền nếp; hệ thống sổ sách đăng ký, thống kê huấn luyện đầy đủ, thống nhất, đúng quy định; đề cương, giáo án, bài giảng huấn luyện kỹ, chiến thuật bộ binh, chuyên ngành binh chủng, giáo dục chính trị... được chuẩn bị chu đáo. Các đơn vị coi trọng việc xây dựng, củng cố hệ thống thao trường, bãi tập, bảo đảm vật chất huấn luyện theo nhiệm vụ huấn luyện; đồng thời, phát động phong trào nghiên cứu, sáng kiến cải tiến mô hình học cụ trong đơn vị phục vụ cho công tác huấn luyện, khắc phục triệt để tình trạng học chay, học lý thuyết đơn thuần.

Ba là, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp xem đó là yếu tố then chốt quyết định nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Đoàn. Để việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ sát với đối tượng, phù hợp với tính chất, đặc điểm địa bàn hoạt động và nhiệm vụ của từng đơn vị, Đoàn tập trung bồi dưỡng những vấn đề mới, yêu cầu mới và những nội dung do các đơn vị, phân đội xác định, đề nghị. Cách làm này đã giúp cấp dưới chủ động về kế hoạch, biết rõ những mặt yếu, khâu yếu của cán bộ trong huấn luyện để bồi dưỡng đạt hiệu quả thiết thực. Trong quá trình huấn luyện cán bộ, Đoàn thực hiện theo phân cấp, kết hợp chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cơ quan với đơn vị. Đối với cán bộ khối cơ quan, cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên, Đoàn chú trọng chỉ đạo đi sâu nghiên cứu nắm vững những vấn đề về đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự, khoa học-kỹ thuật quân sự hiện đại, vũ khí công nghệ cao...; bồi dưỡng công tác chỉ huy-tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện; công tác lập kế hoạch, tổ chức quản lý, điều hành huấn luyện; công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu trong điều kiện thời gian gấp, địa hình, thời tiết khắc nghiệt, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đối tượng bồi dưỡng là cán bộ đại đội, trung đội, cán bộ mới ra trường, còn ít kinh nghiệm thực tiễn huấn luyện, Đoàn tập trung bồi dưỡng về cách thức tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, binh chủng, diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật, phương pháp soạn thảo giáo án và thông qua giáo án huấn luyện tại thực địa. Ngoài ra, đoàn chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ hạ sĩ quan các nội dung chủ yếu như: công tác quản lý bộ đội trong huấn luyện, trong diễn tập, cách thức điều hành tiểu đội (khẩu đội, tổ) luyện tập, phương pháp sửa tập cho chiến sĩ... Thực hiện chủ trương này, năm 2009, Đoàn đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp được 45 lớp cho trên 2.000 lượt cán bộ các cấp, các ngành, thời gian mỗi lớp từ 5 đến 10 ngày; kết quả các lớp tập huấn đều đạt loại khá. Bên cạnh đó, Đoàn còn duy trì thực hiện tốt chế độ học tập tại chức và bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp vào thứ tư hằng tuần; đồng thời, động viên khích lệ đội ngũ cán bộ cùng cấp, có kinh nghiệm trong huấn luyện kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ mới ra trường, cán bộ năng lực còn yếu; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ chủ động tận dụng thời gian ngoài giờ để tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Để phát huy trách nhiệm của cán bộ đối với việc học tập, bồi dưỡng, Đoàn lấy kết quả huấn luyện cán bộ của phân đội và của từng cán bộ vừa là một nội dung thi đua, vừa là một trong những tiêu chuẩn để phân tích chất lượng đảng viên, bình xét khen thưởng, đề bạt quân hàm hằng năm. Điều này đã có tác dụng tích cực, làm cho việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cán bộ của Đoàn trở thành phong trào sôi nổi trong suốt quá trình huấn luyện. Nhờ kết hợp tốt nhiều hình thức, biện pháp thiết thực đó, một số điểm yếu của cán bộ, như: chưa nắm chắc nội dung huấn luyện, tổ chức phương pháp còn lúng túng, nhất là trong huấn luyện đội ngũ chiến thuật, diễn tập tổng hợp, cơ bản đã được khắc phục; đồng thời, chất lượng huấn luyện của cán bộ ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% cán bộ của Đoàn huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 90% cán bộ cấp tiểu đoàn, 80% cán bộ cấp đại đội, trung đội đạt trình độ huấn luyện khá, giỏi; 50% cán bộ tiểu đội, khẩu đội trưởng huấn luyện được một số nội dung kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh, chuyên ngành, và điều lệnh, thể lực.

Trong huấn luyện đơn vị, Đoàn luôn quán triệt, vận dụng tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tập trung huấn luyện chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; huấn luyện đồng bộ cả chỉ huy, cơ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp; huấn luyện toàn diện, song, đột phá vào những nội dung mới, nội dung còn yếu, nhất là rèn luyện tác phong chỉ huy của người chỉ huy phân đội, động tác kỹ thuật, chiến thuật của chiến sĩ. Các đơn vị tổ chức huấn luyện theo nhiệm vụ, với yêu cầu đặt ra là sát với đối tượng tác chiến, đặc điểm địa hình, thời tiết khu vực tác chiến (dự kiến)..., từ đó xác định những nội dung huấn luyện cần thiết, phù hợp. Theo đó, đối với đơn vị tác chiến ở địa hình rừng núi, Đoàn chỉ đạo tăng cường huấn luyện các nội dung hành quân bộ dài ngày, mang vác nặng, biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc. Đối với đơn vị tác chiến chủ yếu ở vùng đồng bằng, tuyến mép nước, chú trọng huấn luyện cho bộ đội kỹ thuật bơi vũ trang, vượt sông, ghép bè, phao bằng trang bị hiện có và tận dụng tại chỗ; huấn luyện hành quân cơ động trong điều kiện đêm tối, cách nguỵ trang che dấu lực lượng, phương tiện. Trong quá trình huấn luyện, Đoàn chú ý huấn luyện cho đơn vị nâng cao khả năng chiến đấu độc lập và hiệp đồng tác chiến quy mô lớn, tác chiến trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); giỏi đánh địch bằng vũ khí, trang bị có trong biên chế và khi được tăng cường binh khí, kỹ thuật; có khả năng kế thừa, phát huy cách đánh truyền thống của quân đội và của Đoàn trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, lễ tiết tác phong chính quy; huấn luyện dã ngoại với tổ chức các hoạt động dân vận, giúp đỡ nhân dân địa phương, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng vững mạnh.

Cùng với đó, việc tổ chức các hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện, SSCĐ ở các đơn vị cũng được duy trì thường xuyên, có hiệu quả. Điều đó, đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của bộ đội, khả năng, trình độ SSCĐ của các đơn vị, bảo đảm cho Đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ trong thời kỳ mới.

Đại tá PHẠM ĐỨC LÂM

Đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)