QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:07 (GMT+7)
Công tác hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Đến tháng 12 năm 1967, Mỹ đã đưa vào cuộc chiến tranh Việt Nam 40% số sư đoàn bộ binh, 30% lực lượng hải quân và phần lớn lực lượng không quân của nước Mỹ (tổng số 535.000 quân) và 72.000 quân các nước chư hầu, với vũ khí, trang bị hiện đại nhất lúc đó. Mặc dù đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh đến đỉnh cao trên cả hai miền Nam- Bắc, dốc sức phản công chiến lược, hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường, nhưng chúng vẫn bị quân và dân cả nước ta đánh cho thất bại nặng nề và đang hết sức lúng túng cả về quân sự và chính trị. Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi lớn, buộc Mỹ phải thua về quân sự. Trên cơ sở những kết quả hoạt động về tạo thế, tạo lực, chuẩn bị tích cực của các chiến trường, tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết “Động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định", bằng kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị và tiến công ngoại giao; trong đó, cuộc tổng tiến công (TTC) của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường trọng điểm và sự nổi dậy của nhân dân ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính. Phương án tổng công kích và tổng khởi nghĩa được xác định bằng đòn tiến công của bộ đội chủ lực mà chiến trường chính là hướng Đường 9- Khe Sanh, nhằm tiêu diệt, thu hút, phân tán lực lượng của địch và đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân, lấy chiến trường chính là Sài Gòn- Nam Bộ, Trị-Thiên-Huế và các thành phố lớn, vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Toàn bộ chủ trương chiến lược và kế hoạch tác chiến được giữ bí mật rất nghiêm ngặt.

Cùng với việc chỉ đạo nâng cao khả năng tác chiến của bộ đội chủ lực, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các chiến trường chuẩn bị hậu cần (gồm cả kỹ thuật) cho cuộc TTC chiến lược.

 Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, hậu phương lớn miền Bắc đã dốc sức người, sức của chi viện cho cuộc TTC. Đến cuối năm 1967, cùng với việc huy động và tổ chức hành quân cho 94.000 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến giao liên, tuyến tiền phương phía Nam của Tổng cục Hậu cần đã vận chuyển trên 14.000 tấn hàng vào dự trữ ở cửa khẩu đường 12 và đường 20 (Quảng Bình) để giao cho các chiến trường miền Nam1.    

Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn (Đoàn 559)- cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam- được bổ sung 5 tiểu đoàn xe mới (1.382 xe), nâng tổng số đầu xe lên 2.040 chiếc và một số lực lượng cao xạ, công binh, thông tin để tăng cường vận tải cơ giới, kéo dài cung vận tải ô tô vào đến Chà Vằn, chi viện cho Khu 5 và hoàn thành kế hoạch vận chuyển 61.000 tấn hàng chi viện cho các chiến trường trong mùa khô 1967-1968. Các tuyến đường 20, 128 được tu sửa, nâng cấp; mở mới một số đoạn nối từ tuyến chiến lược vào các chiến trường như Na Tia- Làng Ngòi (30 km), vào Trị- Thiên nối với Khu 5, đoạn từ Đắk Rây đi Đắk Leo (72km) vào Khu 5, Tà Xẻng nối với đường 14 (40 km), Tà Xẻng- Pê Xốp (70 km). Các binh trạm cũng được tổ chức lại, mỗi binh trạm chịu trách nhiệm vận chuyển cung độ từ 100- 130 km, bảo đảm vận chuyển 2 đêm một chuyến hàng, bắt đầu từ cửa khẩu đường 12, đường 20 vào tới Phi Hà (ngã 3 biên giới Việt Nam- Lào- Cam-pu-chia) và Tây Nguyên2. Đến cuối năm 1967, Đoàn 559 đã vận chuyển trên 30.000 tấn vật chất hậu cần và tổ chức hành quân cho 5 vạn quân, 14 tiểu đoàn xe tăng, pháo binh bổ sung cho các chiến trường.

Tại miền Nam, chiến trường Đông Nam bộ là địa bàn chiến lược trọng yếu mà Sài Gòn-Gia Định là trung tâm đầu não của Mỹ- ngụy, được xác định là một trong 3 mục tiêu chủ yếu của TTC Tết Mậu Thân. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, tháng 10-1967, Quân khu Miền Đông, Quân khu Sài Gòn- Gia Định và tỉnh Long An (thuộc Quân khu 8) được sáp nhập thành “Khu trọng điểm”, gồm 6 phân khu (trong đó Phân khu 6 gồm các quận nội thành), hình thành 5 hướng tiến công vào Sài Gòn- Gia Định; mỗi phân khu tổ chức phòng hậu cần để đảm bảo cho các lực lượng chiến đấu trên địa bàn3. Khối hậu cần Miền cũng được tổ chức lại, phù hợp với nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vũ khí về nơi quy định (trong đó, đưa vũ khí vào cất giấu ở 25 điểm bí mật trong nội thành); thu mua lương thực, thực phẩm để dự trữ; cứu chữa thương, bệnh binh... Sau nhiều năm vừa xây dựng, vừa phục vụ chiến đấu, hậu cần Miền đã lớn mạnh, trưởng thành. Đến đầu năm 1968, quân số hậu cần Miền lên tới 21.000 người, xây dựng 24 bệnh viện, 20 đội điều trị cơ động trực tiếp phục vụ chiến đấu; 8 đại đội vận tải cơ giới với 139 xe ô tô, 10 tiểu đoàn và 10 đại đội vận tải thồ với 4.412 xe đạp; 8 đại đội công binh. Lực lượng Hậu cần được tổ chức thành các đoàn, tổ chức thành 2 tuyến; tuyến trước trực tiếp bảo đảm chiến đấu, gồm 5 đoàn, bố trí xung quanh Sài Gòn; tuyến sau gồm 4 đoàn, vừa khai thác vật chất ở Cam-pu-chia, vừa tiếp nhận vật chất (chủ yếu là vũ khí, thuốc quân y) từ Đoàn 559 tại Sê Rê Pốc để chuyển về giao cho các đoàn đứng chân ở phía trước. Đến trước ngày ta nổ súng tiến công đồng loạt vào các đô thị, hậu cần Miền đã chuẩn bị được 5.554 tấn vật chất quân nhu, 5.078 tấn vũ khí. Bên cạnh đó, hậu cần các khu, phân khu, tỉnh đều có phương án sẵn sàng huy động vật chất hậu cần tại chỗ phục vụ các lực lượng tác chiến trên địa bàn4.

Ở Nam Bộ, Quân khu 9, Quân khu 8 mở rộng các căn cứ hậu cần ở Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành, Chợ Gạo, Trà Ôn, tạo thành thế liên hoàn với các căn cứ đã có từ trước như: U Minh, Năm Căn, vây quanh thành phố Cần Thơ và áp sát tỉnh Mỹ Tho...       

Trên chiến trường Khu 5, hậu cần Quân khu cùng với Ban Kinh tài Khu ủy và các tỉnh đều có kế hoạch huy động lương thực, thực phẩm dự trữ trên các địa bàn, nhất là các huyện trọng điểm. Lực lượng vận tải hành lang cùng với lực lượng vận tải các đơn vị trực tiếp nhận vũ khí, đạn từ tuyến vận tải chiến lược Đoàn 559 về thẳng các đơn vị. Thành phố Đà Nẵng là trọng điểm tác chiến, nên tháng 6-1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Mặt trận 4. Lực lượng hậu cần Mặt trận 4 có 5 bệnh xá, 1 bệnh viện tiền phương (sáp nhập Đội điều trị 88 và 15); 3 tiểu đoàn vận tải và hệ thống kho, trạm sửa chữa súng pháo, xe máy, được bố trí xung quanh thành phố Đà Nẵng để bảo đảm hậu cần cho các đơn vị tác chiến trên địa bàn trọng điểm này.

Trên cơ sở 3 binh trạm trước đây (Bắc, Trung, Nam), hậu cần chiến trường Tây Nguyên mở rộng các căn cứ hậu cần tới các tỉnh, các trung đoàn chủ lực tại các địa phương, tổ chức tiếp nhận vật chất từ tuyến chiến lược, lập các kho dự trữ hậu cần chuẩn bị cho các hướng tiến công vào các thị xã, thị trấn; chuẩn bị kế hoạch huy động nhân lực, vật lực phục vụ các đơn vị chiến đấu trên địa bàn. Trong đó, tập trung chuẩn bị chu đáo cho Sư đoàn 1 bộ đội chủ lực tác chiến trên hướng đường 18 (Plâycu).

 Được Đoàn 559 trực tiếp chi viện, hậu cần Quân khu Trị- Thiên đã tổ chức tiếp nhận và lập các kho dự trữ ở ASầu, ATúc, Động Cô Tiên; tổ chức các kho dự trữ ở các vùng giáp ranh để tiếp nhận vật chất hậu cần thu mua, huy động từ vùng đồng bằng đưa về. Ngoài ra, còn tăng cường phối hợp với các địa phương để huy động và bảo đảm hậu cần cho các đơn vị tác chiến trên địa bàn trọng điểm.

Cùng với việc khẩn trương chỉ đạo công tác chuẩn bị ở các chiến trường, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Đường 9- Khe Sanh, nhằm thu hút, phân tán và tiêu diệt lớn sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ. Thực hiện chủ trương đó, công tác hậu cần được triển khai chuẩn bị từ giữa năm 1967. Lực lượng hậu cần chiến dịch được bố trí, triển khai trên hai hướng: Đông và Tây. Hướng Đông chủ yếu là lực lượng hậu cần của B5 cũ, bảo đảm cho các đơn vị tác chiến bờ Nam sông Bến Hải đến Đường 9. Tại đây, đến cuối tháng 1- 1968 đã tổ chức tiếp nhận, dự trữ, bổ sung cho các đơn vị được 2.875 tấn vật chất hậu cần (riêng đạn là 2.320 tấn). Hướng Tây, tổ chức các căn cứ ở khu vực Đường 9 như: Cha Ki, La Tương, Làng Sen, Tam Luông, Pe Lương, Tô Lin..., tổ chức tiếp nhận, dự trữ được 2.421 tấn hàng hóa. So với kế hoạch, hậu cần chiến dịch đã dự trữ được 79,4% khối lượng vật chất. Nhờ chuẩn bị chu đáo, khi chiến dịch Đường 9- Khe Sanh nổ ra (20-1-1968), hậu cần các cấp đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, phương tiện, lương thực, cứu chữa thương binh, đáp ứng yêu cầu tác chiến giành thắng lợi, tạo ra thời cơ có lợi theo chủ trương của Đảng ta để mở cuộc TTC và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam.

Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (tức đêm 30 rạng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân) cuộc TTC và nổi dậy đồng loạt nổ ra ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Plâycu, Công Tum, Sài Gòn... và các thị xã, thị trấn làm rung chuyển toàn miền Nam.

Tại Huế, một trong 3 mục tiêu trọng điểm của cuộc TTC, lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương đã tiến công vào Thành Nội, chiếm được phần lớn các mục tiêu quan trọng. Ngoài lực lượng hậu cần các hướng, các đơn vị, cấp ủy và nhân dân địa phương đã chuẩn bị địa bàn, cơ sở, chuẩn bị vật chất, làm hầm bí mật giấu bộ đội, dẫn đường, tiếp tế, cứu chữa, vận chuyển thương binh... Được nhân dân tiếp sức, các đơn vị đã chiến đấu kiên cường, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững Thành phố Huế suốt 25 ngày đêm.

Ở Sài Gòn-Gia Định, lực lượng hậu cần Miền cùng với sự hỗ trợ của nhân dân đã bảo đảm kịp thời vũ khí, đạn; lương thực, thực phẩm; cứu chữa thương binh cho các đơn vị mũi nhọn của ta tiến công vào các mục tiêu trọng điểm trong nội thành (Tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất) và các lực lượng tác chiến trên các hướng theo kế hoạch tác chiến. Nhờ có sự phối hợp, chuẩn bị chu đáo, nên khi TTC nổ ra, các cơ sở bí mật tham gia bảo đảm hậu cần có hiệu quả (riêng chủ hãng sơn Bạch Tuyết đã ủng hộ lực lượng tác chiến trong nội đô 8 triệu đồng- tương đương 114 cây vàng5. Các gia đình cách mạng đã vận động nhân dân quyên góp lương thực, thuốc men, tham gia vận chuyển, cứu chữa, che giấu thương binh. Đồng bào Củ Chi đã đón 370 thương binh về địa phương và chia nhau chăm sóc. Khi địch rút, đồng bào đã chuyển số thương binh này về phía sau an toàn. Phụ nữ Long An tận tình chăm sóc 220 thương binh nằm phân tán ở các trạm xá dọc hai bờ sông Vàm Cỏ...

Cuộc TTC và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, làm rung chuyển nước Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Trong chiến thắng vẻ vang đó có phần đóng góp quan trọng của lực lượng hậu cần, những người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chủ động đi trước chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân thành thế trận hậu cần tại chỗ liên hoàn, vững chắc, gắn liền với các địa bàn tác chiến, áp sát các mục tiêu để kịp thời bảo đảm cho tác chiến trên các chiến trường, các hướng, nhất là địa bàn và mục tiêu trọng điểm của cuộc TTC và nổi dậy. Bài học kinh nghiệm quý báu này vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thiếu tướng, PGS, TS. LƯU SĨ HIỆP

                               

 

 

                        

1- Lịch sử Hậu cần QĐNDVN, Tập II (1954-1975), Nxb QĐND, H.1999, tr. 313.

2- Lịch sử Hậu cần QĐNDVN - Sđd, tr.309-313.

3- Lịch sử Hậu cần Quân khu 7, Nxb QĐND, H.2000, tr.397.

4- Lịch sử Hậu cần QĐNDVN - Sđd, tr. 316.

5- Lịch sử Hậu cần Quân khu 7. Sdd, tr. 315.


 

Ý kiến bạn đọc (0)