QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:35 (GMT+7)
Công tác giáo dục quốc phòng trên địa bàn Quân khu 7 - kết quả và một số giảI pháp

Xuất phát từ diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta nên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có sự phát triển về nội hàm. Theo đó, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân khu 7 và các địa phương trên địa bàn Quân khu có sự phát triển với yêu cầu ngày càng cao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu đã xác định: phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến trên tất cả các mặt công tác, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng (GDQP) cho các đối tượng trên toàn địa bàn Quân khu.

           
Công tác GDQP giữ vai trò quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD). Mục đích cơ bản nhất của công tác này là nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức quốc phòng, an ninh (QP-AN) và kỹ năng quân sự cần thiết cho các đối tượng trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Cũng vì thế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân”1.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về GDQP, những năm qua, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới và Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về công tác GDQP, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan, đoàn thể các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức học tập một cách sâu sắc, hiệu quả công tác GDQP tới các đối tượng trong xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đến nay, Hội đồng GDQP từ Quân khu đến cấp huyện (quận, thị xã) đã được thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng; qui chế hoạt động của hội đồng được ban hành, các cơ quan thường trực giúp việc luôn thể hiện tốt vai trò tham mưu về công tác GDQP; các nhà trường, trung tâm GDQP được củng cố, sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, nhà trường được cải thiện đáng kể, góp phần đưa GDQP đến các đối tượng trong xã hội ngày một sâu rộng và hiệu quả.
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn xác định công tác GDQP là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải tiến hành một cách thường xuyên, rộng rãi cho mọi đối tượng, nhưng trước hết tập trung bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đoàn thể và GDQP cho học sinh, sinh viên.
Quân khu 7 gồm 9 tỉnh, thành phố, dân số hơn 14 triệu người, hơn 40 dân tộc và nhiều tôn giáo. Địa bàn Quân khu có thế hoàn chỉnh 4 vùng chiến lược: miền núi-biên giới, đồng bằng, đô thị và biển-đảo, tạo nên vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ nhiệm vụ QP-AN, đặc điểm, tình hình địa bàn đòi hỏi công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành phải được quan tâm thường xuyên. Quân khu chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, hội đồng GDQP ở các địa phương triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên theo phân cấp. Với cán bộ chủ chốt thuộc diện đối tượng 1, Quân khu triệu tập đủ số lượng, đúng thành phần theo chỉ tiêu chiêu sinh của Bộ, bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng. Cán bộ thuộc diện đối tượng 2 được bồi dưỡng theo kế hoạch và tổ chức tại Trường Quân sự Quân khu theo nội dung, chương trình Bộ Quốc phòng qui định. Cuối khóa học tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của từng học viên một cách nghiêm túc. Cán bộ thuộc diện đối tượng 3 được bồi dưỡng và tổ chức học tại trường Quân sự các tỉnh, thành phố. Quá trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ thuộc các đối tượng 2 và 3, Quân khu gắn với kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ các cấp để đưa học viên các khóa được tham quan diễn tập, góp phần làm sáng tỏ giữa lý luận và thực tiễn; giúp học viên nắm vững qui trình vận hành của cơ chế 02 để vận dụng vào thực tiễn theo cương vị, chức trách. Cán bộ, đảng viên thuộc diện đối tượng 4 và 5, Quân khu chỉ đạo địa phương biên soạn giáo trình phù hợp với trình độ đối tượng, tình hình đặc thù địa bàn và được tổ chức học tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã. Hội đồng GDQP các cấp ngoài việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP còn làm tốt khâu tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở địa phương, đơn vị; khuyến khích các giải pháp mới, có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng mô hình. Chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị để giải quyết kịp thời những tồn tại, khó khăn, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt yêu cầu về thành phần, nội dung, chương trình... cho đối tượng theo phân cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác GDQP.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và tổng hợp, trong 5 năm gần đây, Quân khu đã tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ đối tượng 2 được 29 lớp, 2.539 lượt người, đạt gần 90% chỉ tiêu; cán bộ thuộc đối tượng 3 được 159 lớp, 14.272 người; 371 lớp cho đối tượng 4 được 37.428 lượt người và 38 lớp cho đối tượng 5 được 3.812 lượt người. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2006, Quân khu và các địa phương đã tổ chức 80 lớp cho 6.492 lượt người thuộc các đối tượng. Kết quả trên đã tác động tích cực đến công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng nền QPTD, khu vực phòng thủ của các địa phương trên địa bàn Quân khu.
Trong công tác này ở Quân khu 7 đang có một số vấn đề nảy sinh cần giải quyết, đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng. Nếu chỉ tính riêng cán bộ diện đối tượng 3 (trong 102 quận, huyện, thị xã và 1.301 xã, phường, thị trấn) có khoảng hơn 10 nghìn người. Trong khi đó, khả năng chiêu sinh, bồi dưỡng hằng năm của các tỉnh, thành phố chỉ được khoảng 1/4 số đó. Để giải quyết vấn đề này, Quân khu đã chỉ đạo việc triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại chỗ cho đối tượng 2 ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2006, cán bộ chủ chốt ban, ngành cấp tỉnh, các bí thư, chủ tịch huyện, quận, các giám đốc, phó giám đốc cơ quan Bộ, ngành Trung ương được được bồi dưỡng hơn 2.500 người... Không những thế, Quân khu còn hỗ trợ vật chất, bổ sung giáo trình, giáo viên... để các địa phương bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại chỗ cho đối tượng 3; theo dõi, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại chỗ cho đối tượng 4 và 5 có chất lượng hơn. Ngoài ra, Quân khu còn thống nhất cùng cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo Hội đồng GDQP các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tổ chức khảo sát, phân cấp quản lý cán bộ, xây dựng kế hoạch... tạo điều kiện cho cán bộ được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do địa phương tổ chức hoặc tổ chức lớp riêng với sự giúp đỡ của cơ quan quân sự địa phương.
Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên cũng có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay trên địa bàn Quân khu có gần 200 trường trung học phổ thông (THPT), 80 trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (THCN-DN), hơn 60 trường đại học và cao đẳng (ĐH,CĐ) với tổng số khoảng 300 nghìn học sinh, sinh viên và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, điều kiện thao trường, bãi tập bị “co”hẹp, giáo viên môn GDQP, nhất là ở các trường THPT lại thiếu, các trung tâm GDQP chưa được cải tạo, mở rộng đáng kể... nên sẽ rất khó khăn đối với Quân khu trong công tác GDQP. Trước tình hình trên, Quân khu đã chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương tích cực tham mưu phương pháp để Hội đồng GDQP phối hợp với các sở Giáo dục- Đào tạo chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch thực hiện môn học GDQP. Trong đó, về tổ chức vận dụng linh hoạt các hình thức: học rải, học tập trung... phù hợp với tình hình cụ thể từng trường. Trong giảng dạy, thực hiện đúng nội dung, chương trình qui định, tập trung nâng cao ý thức quốc phòng, kỹ năng quân sự, tạo nền kiến thức quân sự cần thiết để liên thông ở bậc ĐH,CĐ.
Môn GDQP cho sinh viên ở các trường ĐH-CĐ được tổ chức phân luồng, phân tuyến và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trung tâm GDQP thuộc Trường Quân sự Quân khu 7 giảng dạy cho sinh viên của 9 trường đại học, Trung tâm GDQP thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy cho sinh viên của 21 trường. Các trường còn lại được tổ chức học môn GDQP ở các cụm liên kết do 4 trường làm cụm trưởng: CĐ Vimhempic (5 trường), ĐH Y-Dược (6 trường), ĐH Sư phạm (10 trường) và Học viện Lục quân (2 trường). Do các trường thường lệch nhau về thời gian học chính khóa nên các trung tâm GDQP, cụm liên kết gặp khó khăn trong xây dựng tiến độ giảng dạy môn GDQP cho sinh viên. Để chủ động chương trình môn học, hàng năm sau khi có chỉ tiêu chiêu sinh, Hội đồng GDQP các cấp tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo nhà trường theo dõi, chỉ đạo việc phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện môn GDQP giữa các nhà trường với 2 trung tâm và các cụm liên kết. Nhờ vậy, hằng năm, toàn Quân khu tổ chức GDQP cho 98% số học sinh THPT, hơn 15 ngàn học sinh THCN-DN, 65.000 sinh viên; 6 tháng đầu năm 2006 tổ chức GDQP được 171.329 học viên các loại. GDQP ở các trường đoàn thể (cán bộ, phụ nữ, công đoàn…) được tiến hành theo qui định với chất lượng khá.
Tới đây, Quân khu nghiên cứu chỉ đạo tăng cường liên kết nhà trường với đơn vị quân đội, tổ chức tham quan, dã ngoại, giới thiệu chuyên đề, chiến lệ những trận đánh tiêu biểu để bồi dưỡng nhận thức về lịch sử, truyền thống và lòng tự tôn dân tộc. Chú trọng tăng hàm lượng thông tin khoa học, kỹ thuật quân sự, tập trung phân tích những điểm mạnh, yếu đối với vũ khí, kỹ thuật có công nghệ cao của đối phương và nhấn mạnh vai trò quyết định của nhân tố chính trị-tinh thần trong chiến tranh. Từ đó, giúp các em củng cố niềm tin vào sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Coi trọng công tác qui hoạch đội ngũ giáo viên GDQP. Kết hợp chặt chẽ bổ túc ngắn hạn, đào tạo chuyển loại với đào tạo dài hạn giáo viên GDQP cho các trường THPT và bậc ĐH,CĐ... theo hướng cơ bản, chính qui, từng bước “chuẩn hóa” đội ngũ giáo viên; có chế độ đãi ngộ hợp lý để động viên đội ngũ giáo viên GDQP yên tâm công tác.
Về công tác GDQP toàn dân, cơ quan quân sự các cấp thường xuyên phối hợp với đài phát thanh, truyền hình địa phương, xây dựng chuyên mục QPTD với 12.886 lần phát thanh, 12.085 lần phát hình hằng ngày và hằng tuần, phản ánh các hoạt động của LLVT và việc triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong Quân khu. Thông qua các ngày lễ, ngày truyền thống dân tộc và các buổi sinh hoạt đoàn thể của Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc..., các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho hàng chục triệu lượt người dân những nội dung cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương, địa phương; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tháng 6-2006, Quân khu đã chỉ đạo tỉnh Đồng Nai tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 167 người là chức sắc, chức việc tôn giáo, tháng 8-2006 mở lớp cho giới chủ doanh nghiệp trên địa bàn. Những kết quả đạt được trong công tác GDQP đã thiết thực tăng cường nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” trên địa bàn Quân khu ngày càng vững chắc.
 
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ
Tham mưu trưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐGDQP Quân khu
 
1- ĐCSVN-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.109.

 

Ý kiến bạn đọc (0)