QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:48 (GMT+7)
Công tác đối ngoại quân sự góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Quân khu 9
Công tác đối ngoại quân sự là một bộ phận trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu của đối ngoại quân sự là nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ với quân đội, lực lượng vũ trang các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới, qua đó góp phần vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước thời kỳ mới. Trong đó, tăng cường hợp tác với quân đội các nước có mối quan hệ truyền thống, đặc biệt là Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia theo đường lối đối ngoại của Đảng nhằm củng cố, xây dựng sự tin cậy giữa quân đội ba nước Đông Dương, tạo môi trường hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực là hết sức quan trọng. Quán triệt các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn chú trọng tăng cường các hoạt động đối ngoại quân sự, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trên tuyến biên giới và nội địa, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế- xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân khu.

Để có cơ sở thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, trước hết, phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Kế thừa và phát triển đường lối, chính sách đối ngoại tại các Đại hội trước, Đại hội X của Đảng đã xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bộ Quốc phòng đã ban hành Quy chế “Về tổ chức và quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự trong quân đội”, đó là phương hướng cơ bản để thực hiện công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại quân sự nói riêng.

Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn Quân khu, nhất là những địa phương trên tuyến biên giới, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc những nội dung nêu trên, thông qua các đợt học tập nghị quyết, nghiên cứu chuyên đề về công tác đối ngoại theo chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng và tổng kết, rút kinh nghiệm hằng năm. Trên cơ sở đó, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, về sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động quốc phòng, an ninh và đối ngoại thời kỳ mới. Đối với những cán bộ thuộc cơ quan chức năng, cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu, tham mưu, quản lý, hướng dẫn công tác đối ngoại quân sự, ngoài những nội dung học tập cơ bản theo quy định, còn được cung cấp kịp thời những thông tin về đối tượng, đối tác, kết quả công tác đối ngoại quân sự của các đơn vị, địa phương trên địa bàn, dự báo xu hướng phát triển, ý định của cấp trên,... làm cơ sở cho việc tổng hợp, nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ tiếp theo. Đồng thời, những cán bộ này còn được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, những hiểu biết cần thiết về pháp luật, tập tục quốc tế và phong cách ngoại giao của người quân nhân cách mạng. Nhờ nghiên cứu, quán triệt các quan điểm của Đảng, các văn bản hướng dẫn của Bộ về tổ chức quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự theo một hệ thống đồng bộ, cơ bản và chặt chẽ, nên đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hiểu sâu hơn những quy định, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, làm cho hoạt động này ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị trong Quân khu luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ Quốc phòng khi tiếp xúc với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm đúng nguyên tắc, không để sơ hở làm lộ bí mật quân sự, bí mật Nhà nước, bảo đảm văn hoá đối ngoại. Trong tiếp xúc, làm việc luôn hoà nhã, lịch sự, nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống của Quân đội và của Quân khu. 
Hai là, quản lý chặt chẽ các hoạt động đối ngoại trên địa bàn Quân khu, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, láng giềng thân thiện với nhân dân và quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Việc tổ chức đón tiếp các đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Quân khu; tổ chức các đoàn cán bộ của Quân khu sang thăm và làm việc với các đơn vị lực lượng vũ trang Cam-pu-chia, nhất là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Quân khu, giúp bạn theo khả năng cả về vật chất và tinh thần là việc làm thường xuyên, nhằm giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước Việt Nam- Cam-pu-chia. Đặc biệt, trong mối quan hệ ngoại giao với Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, lực lượng vũ trang Quân khu có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, ngày càng củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động hoạt động chống phá ta. Các hoạt động đối ngoại trên địa bàn Quân khu luôn giữ đúng nguyên tắc, chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng về xuất, nhập cảnh. Quản lý chặt chẽ các đoàn và cá nhân ra nước ngoài, các đoàn và cá nhân nước ngoài đến thăm và làm việc với Quân khu. Trong nghi thức, lễ tân, bảo đảm trang nghiêm, đúng quy định, gần gũi, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với các đoàn bạn.
Nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, láng giềng, thân thiện với quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu giữa các địa phương có biên giới tiếp giáp với ta, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên mời đoàn cán bộ quân đội của bạn sang thăm và làm việc. Đồng thời, tổ chức các đoàn cán bộ sang thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân khu 5, Tỉnh đội Kô-kông, Lữ đoàn 11, Lữ đoàn 31... vào các dịp lễ, tết. Tiếp tục mở các khoá đào tạo cán bộ binh chủng hợp thành, đặc công, trinh sát... cho bạn. Từ đầu năm 2007 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Thành phố Cần Thơ đã cử  hàng chục đoàn cán bộ sang thăm, làm việc và tặng quà trị giá hàng tỷ VNĐ cho các đơn vị và các tỉnh có biên giới tiếp giáp với các tỉnh của Quân khu. Bệnh viện 121 đã khám và điều trị cho bộ đội bạn 69 trường hợp  và 12 trường hợp là thân nhân gia đình cán bộ quân đội. Các đội K của Quân khu trong quá trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam đã tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho  gần 4 ngàn lượt người, tặng 126 suất quà, 10 tấn gạo cho bà con nghèo, làm 1.500 mét đường giao thông nông thôn. Những cuộc thăm và làm việc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, ta và bạn càng hiểu nhau hơn. Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia và nhiều tướng lĩnh trong quân đội Hoàng gia đã từng kề vai, sát cánh với lực lượng vũ trang Quân khu, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nên dễ hiểu và thông cảm với nhau, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn, cùng mong muốn xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác giao lưu với các địa phương có biên giới tiếp giáp trên địa bàn Quân khu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quân sự. Là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước, Quân khu 9 có đường biên giới giáp với Cam-pu-chia trên đất liền và trên biển, kéo dài từ Kiên Giang đến An Giang và Đồng Tháp. Tình hình an ninh trên biên giới cơ bản ổn định, các lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới luôn giữ tốt mối quan hệ đoàn kết, hợp tác. Các hoạt động phối hợp giao ban giữa chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang, cắm mốc biên giới đang diễn ra thuận lợi; công tác tuần tra, quản lý biên giới được duy trì chặt chẽ, có nền nếp.
Tuy nhiên, trên địa bàn Quân khu vẫn còn xảy ra một số vụ vượt biên trái phép, đánh bắt hải sản trên vùng biển tranh chấp, buôn lậu qua biên giới... chưa được ngăn chặn, kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Đáng chú ý, có một số đối tượng mang theo tài liệu phản động, tài liệu truyền đạo trái phép về nước. Đặc biệt, các thế lực phản động, thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,... tiến hành nhiều hoạt động chống phá trên tuyến biên giới và cả trong nội địa, gây mất ổn định chính trị ở một số địa phương, cơ sở, làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam- Cam-pu-chia.
Xuất phát từ thực tế của địa phương và yêu cầu của công tác đối ngoại và đối ngoại quân sự, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các địa phương trên tuyến biên giới chủ động tiến hành các hoạt động giao lưu, thực hiện cả 4 nội dung và hình thức đối ngoại là: đối ngoại của Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại quân sự và đối ngoại nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong đối ngoại quân sự, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, duy trì an ninh trật tự trên tuyến biên giới, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam- Cam-pu-chia hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế về tổ chức và quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự trong quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu chỉ đạo Văn phòng Bộ Tư lệnh và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương khảo sát tình hình thực tế để xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể, phân rõ trách nhiệm cho cơ quan quân sự địa phương các cấp, các đơn vị. Định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng tổ chức khảo sát, tổng hợp tình hình, nghiên cứu, đề xuất để Thường vụ Đảng uỷ- Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo các hoạt động đối ngoại quân sự. Duy trì tốt chế độ giao ban đối ngoại, kịp thời thông báo, trao đổi tình hình, nhất là những vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh để cùng phối hợp giải quyết. Các địa phương trên tuyến biên giới, nhất là An Giang, đã thực hiện có nền nếp chế độ “họp cụm biên giới” giữa ta và bạn (hằng tháng đối với cấp xã, hằng quý đối với cấp huyện, 6 tháng đối với cấp tỉnh). Thông qua chế độ giao ban, họp cụm biên giới, các địa phương đã chủ động tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định tuyên bố chung Việt Nam- Cam-pu-chia ngày 30/3/2007 là quyết tâm củng cố quan hệ  láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài... trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Tập trung tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, tình hữu nghị láng giềng thân thiện giữa nhân dân hai nước, các hiệp định, hiệp ước, quy chế biên giới... Tổ chức cho nhân dân hai bên biên giới qua lại mua bán, trao đổi hàng hoá, thăm hỏi lẫn nhau vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam và Tết Chuol-Chnăm-Thmây của Cam-pu-chia. Ngoài ra, Quân khu còn chỉ đạo các địa phương, nhất là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khơ-me, các tỉnh biên giới tổ chức các buổi họp mặt cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khơ-me trong các dịp lễ, tết của dân tộc. Năm 2007, Quân khu đã thực hiện 29 lần quan hệ đối ngoại biên giới, 32 lần quan hệ làm việc với chính quyền và lực lượng vũ trang Cam-pu-chia; phát loa tuyên truyền đặc biệt 21 lần; tuyên truyền, vận động 17.800 lượt người dân Cam-pu-chia qua lại biên giới, xử lý vi phạm quy chế biên giới 7 lần, chống vi phạm chủ quyền biển 7 vụ..., góp phần giữ vững ổn định chính trị trên trên địa bàn Quân khu và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên tuyến biên giới.
Trung tướng  Huỳnh Tiền Phong
Tư lệnh Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)