QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:44 (GMT+7)
Công tác đảng, công tác chính trị trong chuyển đổi các doanh nghiệp ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Những năm qua, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 31-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2008 - 2010". Sau khi thực hiện chuyển đổi, hầu hết các công ty đều giữ vững và phát huy tốt năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng các sản phẩm quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế, bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Có được kết quả đó là do lãnh đạo và chỉ huy Tổng cục đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; trong đó, công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp, cùng với quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT) và sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng thuộc  TCCT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp của Tổng cục đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung, biện pháp CTĐ, CTCT; trong đó, nổi lên một số vấn đề sau:

Một là, CTĐ,CTCT đã tạo được sự thống nhất về nhận thức, hành động cho mọi đối tượng về chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2008 - 2010. Đảng ủy Tổng cục đã tập trung quán triệt cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp, nhất là các doanh nghiệp được sắp xếp, đổi mới nắm vững Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 75/2008/CT-BQP, ngày 29-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "Về việc triển khai thực hiện Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2008 - 2010", Hướng dẫn số 825/HD-CT, ngày 09-7-2008 của TCCT về "CTĐ, CTCT trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2008-2010". Cùng với đó, Tổng cục đã ban hành Chỉ thị số 3260/CT-CNQP, ngày 29-7-2008 "Về việc chuyển đổi các doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục theo Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 31-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ", để tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức chuyển đổi. Các cấp trong Tổng cục đã có những chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ từ trên xuống dưới, có tiến độ và bước đi phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp. Đến nay, 100% các doanh nghiệp quốc phòng thuộc diện chuyển đổi đã chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên và công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp sau chuyển đổi đều hoạt động có nền nếp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SX-KD) luôn được phát huy, bảo đảm tăng trưởng hằng năm đạt từ 17% - 21%.

Hai là, cùng với quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Tổng cục đã củng cố, kiện toàn các tổ chức, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Sau khi có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền, trên cơ sở mô hình các tổ chức hiện có trong các doanh nghiệp, Đảng ủy Tổng cục đã tập trung củng cố, kiện toàn các tổ chức: đảng, chính quyền, quần chúng phù hợp với mô hình tổ chức mới của doanh nghiệp. Cùng với đó, Tổng cục thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ và phương pháp công tác cho cán bộ của các tổ chức ở tất cả các cấp. Tính đến nay, Tổng cục đã mở được 13 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ cho Ban Chấp hành các tổ chức này để vận dụng vào thực hiện trong tình hình mới. Do hoạt động của các tổ chức quần chúng được phát huy nên quyền dân chủ của người lao động không ngừng được mở rộng. Hằng năm, thông qua đại hội công nhân viên chức và hội nghị người lao động, đoàn viên Công đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến vào kế hoạch SX-KD, công tác quản lý và các vấn đề có liên quan đến chính sách, quyền lợi của người lao động. Các ý kiến đều được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm giải quyết kịp thời, tạo được niềm tin và động lực phấn đấu vươn lên của người lao động.

Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở ở công ty TNHH một thành viên và công ty mẹ - công ty con, Đảng ủy Tổng cục đã vận dụng thực hiện theo đúng Quyết định số 114-QĐ/TW, ngày 20-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về "Quy định chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp quân đội". Vì vậy, mặc dù mô hình tổ chức của doanh nghiệp có sự thay đổi, nhưng hoạt động của tổ chức đảng vẫn giữ được nền nếp; sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Tổng cục luôn được giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tổ chức mới. Nội dung lãnh đạo đã bám sát tình hình, nhiệm vụ SX-KD của từng công ty. Qua phân tích chất lượng hằng năm, Đảng bộ Tổng cục có từ 83% - 93,4% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh; 92,8% - 98,4% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ba là, tích cực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và từng bước đáp ứng nhiệm vụ tiếp theo. Để doanh nghiệp sau chuyển đổi đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, vấn đề cốt lõi là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng ủy Tổng cục đã tập trung quán triệt cho chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp nhận thức đầy đủ, đúng đắn Quy định số 14-QĐ/ĐU, ngày 08-01-2008 và nay là Quy định số 269-QĐ/ĐU, ngày 23-7-2009 của ĐUQSTƯ "Về việc ban hành Quy chế Công tác Cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam"; đồng thời, có nhiều biện pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, kiến thức và năng lực, nhất là năng lực về quản lý kinh tế, tổ chức SX-KD để kiện toàn các doanh nghiệp bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả. Tổng cục đã nghiên cứu, đề xuất chương trình "Xây dựng nguồn lực khoa học - công nghệ quân sự cho CNQP đến năm 2010" báo cáo Bộ phê duyệt và thực hiện. Theo đó, cấp ủy các cấp đã có nhiều biện pháp giải quyết về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; các cấp ủy đã tích cực phát hiện, tạo nguồn cán bộ bổ sung; Đảng ủy và chỉ huy Tổng cục đã phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội mở nhiều lớp đào tạo đại học cho những ngành nghề còn thiếu, như: hóa nổ, đúc, nhiệt luyện..., chuyển loại văn bằng 2, đào tạo sau đại học. Song song với công tác đào tạo, Tổng cục đã tích cực mở nhiều lớp bồi dưỡng những kiến thức mới về lý luận chính trị, quân sự, quản lý kinh tế, khoa học-kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và giải quyết được một phần cán bộ còn thiếu.

Các cấp ủy cũng rất chú trọng công tác quy hoạch cán bộ theo hướng có cơ cấu hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong Tổng cục đã nghiên cứu soạn thảo, bổ sung hệ thống chức danh và cụ thể hóa tiêu chuẩn của từng chức danh phù hợp với mô hình doanh nghiệp mới, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tổng cục đã chủ động sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội đảng nhiệm kỳ của các cơ quan, doanh nghiệp hướng tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Bốn là, quan tâm giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho người lao động. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp của Tổng cục đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Một mặt, đối với lao động dôi dư, Tổng cục đã thực hiện theo đúng Thông tư số 49/2008/TT-BQP, ngày 27-3-2008 của Bộ Quốc phòng "Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP, ngày 26-6-2007 của Chính phủ về chính sách lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước trong quân đội". Mặt khác, để thu hút được lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, trong điều kiện các doanh nghiệp quốc phòng thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, sản xuất ở những lĩnh vực độc hại, nhiều rủi ro, nguy hiểm..., Tổng cục đã nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung, chế độ, chính sách đặc thù đối với công nhân quốc phòng và đã được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quyết định bổ sung cho 6 ngành nghề nặng nhọc, độc hại, góp phần tạo sự yên tâm công tác cho người lao động. Tổng cục cũng đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhiệm vụ của ngành CNQP, chăm lo thực hiện chính sách đối với người có công, thực hiện tốt hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"; quan tâm, chăm lo chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục, tạo sự yên tâm, phấn khởi, gắn bó của người lao động với đơn vị. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận Liệt sĩ cho các đồng chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ sản xuất quốc phòng. Trong 5 năm (2006-2010), Tổng cục đã nhận phụng dưỡng 78 Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng 90 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội (vượt chỉ tiêu Bộ giao 54%) tặng các đối tượng chính sách và cán bộ, công nhân viên của Tổng cục có khó khăn... Những việc làm đó đã góp phần gắn bó người lao động với doanh nghiệp và sự đoàn kết "cá - nước" của  các đơn vị thuộc Tổng cục với nhân dân các địa phương.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả SX-KD của các doanh nghiệp quốc phòng khi chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên và công ty mẹ - công ty con, chúng tôi thấy có một số vấn đề đặt ra, cần có sự quan tâm nghiên cứu, giải quyết của Bộ Quốc phòng cũng như của Chính phủ, nhằm hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Đó là, chính ủy có kiêm phó giám đốc công ty hay không? Chủ tịch công ty và giám đốc công ty độc lập hay kiêm nhiệm? Mối quan hệ giữa Hội đồng thành viên với Đảng ủy Công ty; xác định diện bố trí, trần quân hàm đối với cán bộ chủ trì cấp phòng, ban, xí nghiệp thuộc các công ty như thế nào?... để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chính sách, góp phần tạo sự gắn bó của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động hợp đồng với doanh nghiệp...

Thực hiện tốt CTĐ,CTCT trong các công ty TNHH một thành viên và công ty mẹ - công ty con là nhân tố có tính quyết định tới sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp trong Tổng cục CNQP. Những nội dung trên đây là cơ sở quan trọng để Tổng cục CNQP tiếp tục nghiên cứu, nhằm thực hiện tốt hơn nữa CTĐ, CTCT ở các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thiếu tướng LÊ KHƯƠNG MẼ

Phó Chính ủy Tổng cục

 

Ý kiến bạn đọc (0)