QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:03 (GMT+7)
Công tác cán bộ ở Binh đoàn 12 trước yêu cầu mới của nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng

Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - là đơn vị kinh tế-quốc phòng (KT-QP). Về kinh tế, Binh đoàn là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán, có nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất, kinh doanh (SX, KD) trên lĩnh vực xây dựng cơ bản. Về quốc phòng, Binh đoàn là đơn vị dự bị công binh, cầu đường chiến lược, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao trong mọi tình huống.

Yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và những khó khăn bởi điều kiện, tính chất hoạt động của cơ chế thị trường đang đặt ra cho Binh đoàn những thách thức mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Binh đoàn đã thường xuyên quan tâm đồng bộ tới các yếu tố đảm bảo, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật, tài chính...; trong đó, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất, năng lực cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Hơn 10 năm qua, tổ chức lực lượng của Binh đoàn thường xuyên có biến động. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và quyết định của Bộ Quốc phòng về sắp xếp lại các doanh nghiệp, từ 15 doanh nghiệp (Công ty) Binh đoàn đã tiến hành sáp nhập 5 doanh nghiệp, cổ phần hóa 1 doanh nghiệp, thành lập các Ban điều hành dự án theo yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức biên chế của Binh đoàn có biến động nhiều: có sáp nhập, có giải thể, có thành lập mới; lực lượng cán bộ được trên điều về chỉ đáp ứng 15 - 20% nhu cầu bổ sung hằng năm, số lượng cán bộ thừa, thiếu không bù đắp được cho nhau về trình độ, năng lực quản lý; trong khi đó, đòi hỏi của nhiệm vụ ngày càng cao. Đội ngũ cán bộ Binh đoàn, trong thời gian đầu thực hiện tổ chức doanh nghiệp, sắp xếp lại về tổ chức, biên chế, nhìn chung còn nhiều mặt bất cập cả về số lượng, cơ cấu và trình độ năng lực quản lý kinh tế. Thực trạng đó đòi hỏi công tác cán bộ của Binh đoàn cần được đổi mới một cách tích cực, đồng bộ, với những chủ trương và giải pháp cơ bản, thiết thực, phù hợp với yêu cầu và thực tế của một đơn vị KT-QP. Đảng ủy Binh đoàn đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) "Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Nghị quyết 94 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về "Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới". Việc làm đó đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức và thực hiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Binh đoàn khi tiến hành công tác cán bộ. Đảng ủy Binh đoàn đã ra 2 nghị quyết về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 1999 - 2005 và 2006 - 2010. Từ Binh đoàn đến các công ty, xí nghiệp đã đề ra chương trình hành động cụ thể để đưa nghị quyết vào thực tế. Đến năm 1999, Binh đoàn đã xây dựng được tương đối cơ bản quy hoạch sắp xếp đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chủ trì các cấp nói riêng. Từ quy hoạch chung, Binh đoàn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, chuyển ra sát đúng với tình hình thực tế; kết hợp chặt chẽ giữa điều động, sắp xếp cán bộ với việc kiện toàn cấp ủy để tạo sự đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Với phương châm "Tích cực, chủ động, có quy trình và bước đi phù hợp", Đảng ủy các cấp đã nắm vững định hướng, tiêu chuẩn xây dựng cán bộ lực lượng vũ trang nói chung và cán bộ quản lý kinh tế trong doanh nghiệp nói riêng; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; tích cực, chủ động trong giải quyết số lượng, gắn với điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp (công ty, xí nghiệp), cán bộ chính trị và cán bộ chuyên môn kỹ thuật cấp cơ sở. Trong quá trình thực hiện, Binh đoàn đã ban hành quy chế lãnh đạo công tác cán bộ, tổ chức tổng kết, ra nghị quyết lãnh đạo công tác cán bộ trong các giai đoạn; tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 và sơ kết thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) "Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam"... Qua đó kịp thời rút ra những kinh nghiệm, bài học thiết thực đối với quá trình tiến hành công tác cán bộ tiếp theo. Trên cơ sở xác định đúng chủ trương, giải pháp, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "tập trung dân chủ"; các khâu, các bước trong công tác cán bộ của Binh đoàn đã được tiến hành tích cực, có hiệu quả. Đối với việc quy hoạch, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, vào đầu mỗi nhiệm kỳ, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn đều xây dựng quy hoạch cán bộ chủ trì cấp dưới trực tiếp, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn thông qua, quyết định; đồng thời, hằng năm tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch, chủ động kiện toàn, sắp xếp cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cả thường xuyên và đột xuất.

Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, công tác bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ đã được cấp ủy và chỉ huy các cấp trong Binh đoàn quan tâm đầu tư đúng mức. Trên cơ sở quy hoạch, Binh đoàn đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp. Ngoài chỉ tiêu gửi đi đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội, Binh đoàn đã tổ chức được 8 lớp bồi dưỡng quản lý kinh tế cho 317 lượt cán bộ, trong đó có 6 lớp bồi dưỡng cán bộ cấp đội cho 270 lượt đồng chí, 2 lớp đào tạo chuyển loại cán bộ chính trị cho 74 đồng chí; tổ chức 3 lớp đào tạo đại học tại chức ngành Xây dựng cầu đường cho 167 đồng chí.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Binh đoàn gắn với hiệu quả sử dụng. Ngoài việc cử đi đào tạo tại các trường, Binh đoàn đã quan tâm đến việc đào tạo trong thực tiễn, thông qua chế độ luân chuyển cán bộ. Đến nay, toàn Binh đoàn đã có 218 lượt cán bộ được điều động luân chuyển; cán bộ ở cơ quan đưa xuống cơ sở, đặc biệt là xuống các công trình trọng điểm để học tập kinh nghiệm, qua thực tiễn lại điều về cơ quan để làm công tác tham mưu, chỉ đạo đơn vị. Nhìn chung, công tác đào tạo, sử dụng cán bộ về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần giải quyết nhu cầu cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ chính trị.

Hơn 10 năm qua, ngoài số cán bộ tốt nghiệp ở các trường trong quân đội được trên điều về, Binh đoàn đã tuyển dụng 331 kỹ sư có ngành nghề phù hợp vào làm việc trong Binh đoàn. Qua bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, giao nhiệm vụ đã bổ sung vào đội ngũ cán bộ 218 đồng chí; nhiều đồng chí đã được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc, trưởng (phó) phòng, đội trưởng, đội phó...

Quán triệt Quyết định số 14-QĐ/ĐU ngày 8-1-2008 của Đảng ủy Quân sự Trung ương và các hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, ngày 12-4-2008 Đảng ủy Binh đoàn đã ban hành Quyết định số 66-QĐ/ĐU kèm theo Quy chế công tác cán bộ trong Binh đoàn, theo hướng mở rộng hơn quyền hạn và trách nhiệm cho cấp ủy đảng cấp dưới, gắn với việc phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác quản lý cán bộ. Binh đoàn đã tích cực đổi mới việc đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ, trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu, gắn công tác quản lý, đánh giá cán bộ với bình xét, phân tích chất lượng đảng viên hằng năm; duy trì tốt nền nếp, chế độ báo cáo phản ánh tình hình; thường xuyên chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng giúp cấp ủy, chỉ huy quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ. Việc đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương cán bộ đều được tập thể cấp ủy các cấp thảo luận dân chủ, thực hiện đúng quy trình, đúng nguyên tắc, bảo đảm đúng luật, vận dụng hợp lý, tạo được sự ổn định tư tưởng, tạo động lực tích cực cho cán bộ rèn luyện, phát triển.

Binh đoàn đã thực hiện tương đối tốt các chế độ, chính sách cán bộ hiện hành, bảo đảm sự công bằng trong đào tạo, sử dụng, đãi ngộ với từng loại cán bộ, phù hợp với sự cống hiến của cán bộ và điều kiện của đơn vị. Số cán bộ thuộc diện chuyển ra được giải quyết đúng chế độ, chính sách, có lý, có tình. Công tác bảo hiểm được thực hiện có nền nếp (đến nay 99% cán bộ đã có sổ bảo hiểm xã hội). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Binh đoàn vẫn chú trọng quan tâm tạo điều kiện giải quyết nhà, đất ở cho cán bộ; 10 năm qua, đã giao cho cán bộ 485 suất đất ở, nhà ở, góp phần để cán bộ yên tâm công tác.

Với việc thực hiện đồng bộ một số chủ trương, giải pháp nêu trên, đội ngũ cán bộ của Binh đoàn đã có sự phát triển tích cực. Số lượng, cơ cấu cán bộ ngày càng hợp lý so với yêu cầu nhiệm vụ. Về cơ bản, trong đội ngũ cán bộ của Binh đoàn đã có sự cân đối về tỷ lệ giữa các loại cán bộ; chất lượng từng bước được nâng lên; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SX, KD và xây dựng đơn vị. Năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, khả năng chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ công ty, xí nghiệp, đội sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kiến thức về quản lý, tổ chức thi công và hạch toán kinh tế. Đội ngũ cán bộ của Binh đoàn hầu hết có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Năm 1998, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên là 51%; đến năm 2007 - 2008 là 63% (tăng 12%, trong đó có 1,3% cán bộ có trình độ sau đại học). Đến nay, 90% chính ủy, phó giám đốc, chủ nhiệm (phó chủ nhiệm) chính trị, trợ lý cơ quan đã được đào tạo theo chuyên ngành; các chính trị viên kiêm cấp phó các đội, xí nghiệp sản xuất được đào tạo chuyển loại. Đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp được đào tạo cơ bản và trải nghiệm qua hoạt động thực tiễn, đã nắm vững và có khả năng vận dụng, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng vào xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ SX, KD. Trên các lĩnh vực công tác theo cương vị, chức trách được giao, đội ngũ cán bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước những thử thách gay gắt và tác động mặt trái của cơ chế thị trường, đại đa số cán bộ vẫn giữ được phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh của người cán bộ, đảng viên. Từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), vai trò chủ trì về chính trị của chính ủy, chính trị viên từng bước được khẳng định. Mối quan hệ giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên được giải quyết tốt, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tin cậy, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Hiệu lực của người chỉ huy, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên một bước; dân chủ được mở rộng, nội bộ đoàn kết, thống nhất; tình hình chính trị, tư tưởng toàn Binh đoàn ổn định; SX, KD phát triển và có hiệu quả, uy tín và thương hiệu Binh đoàn được nâng lên.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Binh đoàn vẫn còn những hạn chế so với yêu cầu phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Đó là sự bất cập, hẫng hụt nhất định về số lượng, cơ cấu, chất lượng trong một số loại cán bộ. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách, trong tu dưỡng, rèn luyện, học tập của một số ít cán bộ còn chưa được phát huy đầy đủ, thường xuyên. Năng lực quản lý, điều hành SX, KD, trình độ hạch toán kinh tế của đội ngũ cán bộ chủ trì cấp công ty, đội trong điều kiện cơ chế thị trường còn nhiều hạn chế. Trong tiến hành công tác cán bộ, việc quán triệt, triển khai thực hiện có lúc, có việc còn chưa thật đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong Binh đoàn. Cấp ủy, chỉ huy một vài đơn vị nhận thức còn đơn giản, chưa thật sự thường xuyên chăm lo đến công tác cán bộ, đặc biệt là chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cán bộ, nhất là đối với số cán bộ trẻ (được đào tạo cơ bản) cần được kèm cặp, giúp đỡ để phát triển... Những hạn chế, bất cập trên cùng với những đòi hỏi, thách thức của quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp thiết đối với việc đổi mới công tác cán bộ của Binh đoàn hiện nay.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phương hướng công tác cán bộ của Binh đoàn từ nay tới năm 2020 tập trung chủ yếu vào một số vấn đề cơ bản là:

- Phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn hiện nay và những năm tiếp theo để có bước đi phù hợp. Trước mắt, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy kế tiếp vững chắc ở tất cả các cấp, bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh đoàn lần thứ 7 đã đề ra.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng, để trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đội ngũ cán bộ của Binh đoàn  luôn giữ vững và phát huy tốt bản chất giai cấp công nhân, truyền thống quân đội, truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-QP.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ của Binh đoàn phải luôn gắn với xây dựng các tổ chức đảng, xây dựng đơn vị phù hợp với việc đổi mới cơ chế chính sách.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lớp cán bộ trong đội ngũ cán bộ Binh đoàn để hỗ trợ, bổ sung cho nhau những mặt mạnh. Ngoài việc đào tạo cán bộ tại trường, phải chú trọng thông qua thực tiễn để giáo dục, rèn luyện, thử thách, tuyển chọn và phát hiện nhân tài.

- Giữ vững nguyên tắc "tập trung dân chủ", thường xuyên phát huy vai trò của tập thể cấp ủy, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức quần chúng trong Binh đoàn vào xây dựng đội ngũ cán bộ.

Phương hướng trên đã được Đảng ủy Binh đoàn cụ thể hóa thành các nội dung, mục tiêu, giải pháp để tổ chức thực hiện. Vấn đề được cấp ủy và chỉ huy các cấp trong Binh đoàn quan tâm thường xuyên là: tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả việc kết hợp xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trước mắt, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", đi đôi với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cùng với chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách, Binh đoàn tập trung làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), bí thư, chỉ huy các cấp đối với công tác cán bộ.

Thiếu tướng Trần Thanh Hải

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)