Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:14 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quán triệt Chỉ thị 12-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) trong tình hình mới", Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về "Công tác GDQP-AN", những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và các tỉnh (thành phố) trong Quân khu luôn đồng thuận và thống nhất cao trong công tác GDQP-AN; coi đó vừa là nội dung, vừa là giải pháp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN được triển khai toàn diện tới các đối tượng cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả.
Trong tổ chức thực hiện, Quân khu và các địa phương chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đây là đối tượng quan trọng nhất, được tập trung đầu tư cả về nội dung, thời gian và giải pháp tổ chức thực hiện. Theo đó, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các tỉnh (thành phố) làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Hội đồng GDQP-AN và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của địa phương để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên theo phân cấp. Đối với cán bộ chủ chốt thuộc diện đối tượng 1, Quân khu phối hợp với các địa phương nắm và giúp cho đối tượng này được bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng. Cán bộ thuộc diện đối tượng 2, được chiêu sinh theo kế hoạch và bồi dưỡng theo nội dung, chương trình quy định của Bộ tại Trường Quân sự Quân khu. Cán bộ thuộc diện đối tượng 3, được bồi dưỡng tại các trường Quân sự tỉnh (thành phố). Trong quá trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ thuộc đối tượng 2 và 3, Quân khu chỉ đạo chặt chẽ việc gắn kết nội dung, chương trình học với kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, giúp cán bộ nắm vững quy trình vận hành của cơ chế 02 để vận dụng vào thực tiễn theo cương vị, chức trách đảm nhiệm. Riêng với cán bộ, đảng viên thuộc diện đối tượng 4 và 5 được tổ chức học tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị các huyện (thị xã) và tại xã (phường, thị trấn). Từ thực tiễn có thể khẳng định: công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp trên địa bàn Quân khu 9 đã được thực hiện nền nếp, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, quá trình đó cũng đang đặt ra những vấn đề mới cần quan tâm giải quyết, như: sự mất cân đối giữa nhu cầu với khả năng bồi dưỡng cho các đối tượng. Địa bàn Quân khu có 12 tỉnh (thành phố), trong đó có 115 huyện (quận, thị xã), 1.416 xã (phường, thị trấn); chỉ tính riêng đối tượng 2 và 3 theo quy định của Bộ, thì trong địa bàn Quân khu có khoảng hơn 10.000 người. Trong khi đó, khả năng chiêu sinh, bồi dưỡng hằng năm của các trường trong Quân khu chỉ đảm bảo được khoảng 60%. Để khắc phục tình trạng trên, Quân khu đã chỉ đạo tỉnh An Giang, tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ làm “điểm” các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại chỗ cho đối tượng 2. Sau khi tổ chức rút kinh nghiệm, Quân khu tiếp tục chỉ đạo mở rộng ra các địa phương khác. Nếu triển khai đồng loạt ở các tỉnh (thành phố), thì cán bộ chủ chốt ban, ngành cấp tỉnh, các bí thư, chủ tịch huyện (quận, thị xã), các giám đốc, phó giám đốc cơ quan, ngành Trung ương trên địa bàn Quân khu được bồi dưỡng kiến thức QP-AN mỗi năm có thể tăng thêm từ 900 đến 1.100 người. Quân khu còn hỗ trợ mô hình học cụ, bổ sung giáo trình, giáo viên… tạo điều kiện nâng cao chất lượng bồi dưỡng đối tượng 3 và các đối tượng còn lại tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện (thị xã). Khi triển khai thực hiện, một số địa phương đã vận dụng linh hoạt, như: chuyển một bộ phận đối tượng 2 và 3 về bồi dưỡng tại trường quân sự tỉnh; các đối tượng 4 và 5 bồi dưỡng tại cấp huyện, góp phần giải quyết nhu cầu về số lượng, tạo thuận lợi cho cán bộ kết hợp việc học tập với xử lý công việc tại địa phương, cơ sở. Ngoài ra, Quân khu còn chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hàng vạn học viên là cán bộ các cấp, các ngành đang đào tạo tại các trường chính trị, hành chính, đoàn thể trong hệ thống chính trị… Với cách làm đó, trung bình mỗi năm, Quân khu tổ chức được khoảng 760 lớp, cho gần 70 nghìn lượt người thuộc các đối tượng. Bên cạnh đó, Quân khu còn chỉ đạo tổ chức tốt công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên của 564 trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề và trung học phổ thông trên địa bàn, đạt hơn 97% trong tổng số sinh viên, học sinh. Các báo, đài truyền hình, đài truyền thanh địa phương đều có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, GDQP-AN cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Quân khu.
Xuất phát từ đặc điểm của một địa bàn có nhiều dân tộc, tôn giáo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các tỉnh (thành phố) phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức làm “điểm” mô hình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo. Trên địa bàn Quân khu, tín đồ theo tôn giáo chiếm hơn 30% trong tổng dân số; đông nhất là tín đồ: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hòa Hảo, Cao đài và Tin lành. Nhìn chung, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn đều chấp hành tốt pháp luật Nhà nước; đồng bào theo các tôn giáo đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Tuy vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch ở nước ngoài đang cấu kết với bọn phản động trong nước lợi dụng yếu tố “dân tộc, tôn giáo”, nhằm chống phá. Một số vụ việc đã xảy ra như: phát tán tài liệu, nói xấu chế độ; kích động một số tín đồ nhẹ dạ của một số đạo đưa ra yêu sách hết sức phi lý với chính quyền… Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, các tỉnh (thành phố) đã thành lập Ban Chỉ đạo (gồm đại diện của cơ quan Quân sự tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo, Ban Tuyên giáo, Trường Quân sự và Trường Chính trị tỉnh) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành liên quan. Đồng thời, phối hợp tổ chức điều tra, thống kê, phúc tra cơ cấu, phân loại thành phần dân tộc, tôn giáo trên từng địa bàn một cách cụ thể và chính xác. Trên cơ sở đó, chuẩn bị kế hoạch, nội dung, chương trình và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng đạt hiệu quả thiết thực. Đây là việc làm mới, nên các địa phương đều rất thận trọng trong chuẩn bị và thực hiện một cách chu đáo; kịp thời rút kinh nghiệm để tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng đạt kết quả cao hơn. Đến nay, 12 tỉnh (thành phố) trong Quân khu đã tổ chức khảo sát, nắm số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và có kế hoạch chiêu sinh, bồi dưỡng đối tượng theo phân cấp: tỉnh (thành phố) bồi dưỡng cho chức sắc, nhà tu hành; huyện (thị xã) bồi dưỡng cho chức việc. Riêng năm 2008, toàn Quân khu đã tổ chức được 55 lớp, bồi dưỡng cho 5.422 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đạt chỉ tiêu đề ra. Hầu hết các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đều chấp hành nghiêm quy định trong học tập; thống nhất cao với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về 2 nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) trong thời kỳ mới... Thông qua các lễ Giáng sinh, lễ An cư kiết mùa và những lễ hội tôn giáo khác, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã phát huy vai trò, uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng tôn giáo, động viên, khuyến khích các tín đồ, giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng, củng cố QP -AN ở địa phương, cơ sở.
Nhằm chỉ đạo thống nhất, có hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Quân khu đã thường xuyên tổ chức kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp. Đầu năm 2008, Hội đồng GDQP-AN Quân khu được kiện toàn, thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP-AN; đồng thời, chủ động triển khai các văn bản của Đảng, Chính phủ về công tác GDQP-AN; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác này một cách toàn diện, thống nhất, sát thực tế, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó, Hội đồng GDQP-AN Quân khu đã kịp thời chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn và hoàn thiện quy chế hoạt động, để các Hội đồng GDQP-AN làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại địa phương, cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan dân quân, tự vệ các cấp phát huy vai trò cơ quan Thường trực, giúp Hội đồng GDQP-AN đề xuất việc tổ chức khảo sát, phân loại, nắm chắc các đối tượng trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN để phân cấp, mở lớp bồi dưỡng cho phù hợp. Bên cạnh đó, Hội đồng GDQP-AN các cấp còn thực hiện chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác GDQP-AN ở các địa phương, các đoàn thể và đơn vị cơ sở; chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị; nhắc nhở, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, giải quyết kịp thời những tồn tại, khó khăn.
Những kết quả đạt được trong công tác GDQP-AN, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng ở Quân khu 9 đã thiết thực nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ QP-AN, góp phần củng cố nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên địa bàn Quân khu ngày một vững chắc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN TỶ
Phó Tư lệnh Quân khu
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011