Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:07 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nước ta có vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, có 28/63 tỉnh (thành phố) giáp biển. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới tuyến biển, đảo theo địa bàn hành chính địa phương cấp tỉnh; các tỉnh, thành phố (gọi tắt là các tỉnh) giáp biển đều có Bộ Chỉ huy Biên phòng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất của Bộ Tư lệnh Biên phòng và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo đó, công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật (BĐHCKT) của BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo được tổ chức theo hệ thống ngành dọc: Bộ Tư lệnh Biên phòng - Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh - các đơn vị cơ sở (hải đội, đồn, trạm...). Với các đặc điểm nêu trên, công tác BĐHCKT cho BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo rất khó khăn, phức tạp, địa bàn rộng, đa dạng, tính biến động cao, nhiều chủng loại (quân lương, quân trang, quân y, doanh trại, tàu thuyền, xe máy, xăng, dầu, vũ khí, trang bị kỹ thuật...), liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành trong và ngoài quân đội, đặc biệt là điều kiện thực tế của từng địa bàn, địa phương.
Thời gian qua, công tác BĐHCKT cho BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo về cơ bản đã được tiền tệ hóa theo cơ chế kinh tế thị trường, kết hợp phân cấp bảo đảm hợp lý. Đối với những mặt hàng thông dụng và sẵn có trên thị trường (chủ yếu là lương thực, thực phẩm, chất đốt, xăng, dầu, doanh trại...), cơ quan HCKT cấp trên phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu, kế hoạch, quân số được giao, tiêu chuẩn, chế độ quy định, giá cả khu vực của từng thời điểm cho cấp dưới để tự tạo nguồn, sản xuất, mua sắm tại chỗ. Những vật phẩm đòi hỏi sự thống nhất cao (quân trang, quân y, vũ khí, tàu thuyền, xe máy, trang bị kỹ thuật...) chủ yếu cấp bằng hiện vật. Phương thức bảo đảm đó đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị trong việc chủ động tạo nguồn HCKT bảo đảm, dự trữ, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước, thực tiễn ở địa phương, giảm được chi phí lưu thông... Nhờ đó và cùng với tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nên nhìn chung chất lượng bữa ăn của bộ đội được nâng lên, điều kiện làm việc, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe được cải thiện; quản lý, khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật, vật tư, xăng, dầu có hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu HCKT cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và các nhiệm vụ khác...
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua nghiên cứu thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác tổ chức BĐHCKT cho BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo còn những mặt hạn chế, bất cập. Hệ thống tổ chức BĐHCKT hiện nay mới chỉ giải quyết được nhu cầu thường xuyên, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu SSCĐ, nhất là tác chiến bảo vệ biển, đảo và xử lý các tình huống đột xuất. Khả năng dự trữ, BĐHCKT cho các lực lượng hoạt động trên biển còn hạn chế; chưa phát huy đầy đủ tiềm năng các nguồn của các ngành, lĩnh vực có liên quan hỗ trợ cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới tuyến biển, đảo; phân cấp bảo đảm chưa thật hợp lý...
Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu HCKT cho BĐBP thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới trên biển trong tình hình mới, theo chúng tôi, cần tập trung xây dựng tiềm lực HCKT biên phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận “liên hoàn, vững chắc, cơ động”, hình thành hệ thống tổ chức bảo đảm nhiều cấp, đa dạng; vừa bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong thời bình, vừa sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ: cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông cũng như các nhiệm vụ khác được cấp trên giao. Dưới đây, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu.
Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, địa phương và toàn dân để xây dựng tiềm lực, thế trận HCKT biên phòng toàn dân vững mạnh. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tiềm lực HCKT tại chỗ, BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo cần chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) với tăng cường sức mạnh QP-AN trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực mà BĐBP có nhu cầu, như: xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông- vận tải, bưu chính- viễn thông, công nghiệp, ngư nghiệp, y tế...Đặc biệt, các chương trình phát triển KT-XH ở khu vực biên giới tuyến biển, đảo cần được kết hợp chặt chẽ với xây dựng tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân, gắn với hỗ trợ cho các đơn vị cơ sở đồn, trạm, hải đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự khu vực biên giới tuyến biển, đảo; ngoài việc ưu tiên triển khai các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ở các địa bàn khó khăn, địa phương cần quan tâm hỗ trợ về xây dựng nhà ở, điện, nước, y tế dự phòng, khai thác biển...Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện của các thành phần kinh tế địa phương tham gia bảo đảm HCKT cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như SSCĐ, đột xuất.
Hai là, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương; tích cực khai thác các nguồn ngân sách để bảo đảm HCKT cho BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo.
Do điều kiện hoạt động của BĐBP tuyến biển, đảo trên phạm vi vùng biển cả nước, từng vùng, miền có những đặc điểm, điều kiện không giống nhau; mặt khác, hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới biển, đảo của BĐBP liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nên công tác BĐHCKT cho các tỉnh tuyến biển, đảo cần được nghiên cứu, vận dụng phù hợp điều kiện tự nhiên, KT-XH từng địa phương và khả năng thực tế của BĐBP các tỉnh, đồn, trạm, hải đội và địa bàn; đồng thời, tích cực khai thác các nguồn ngân sách để BĐHCKT cho thực hiện nhiệm vụ.
Tuyến biển khu vực phía Bắc có nguồn cung cấp dồi dào, giao thông-vận tải thuận tiện, nhưng khó khăn về dự trữ, bảo quản trong mùa mưa, bão; khu vực miền Trung có lợi thế về tiềm năng đất đai, lao động, nhưng khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện phát triển KT-XH và dễ bị thiệt hại do thiên tai, thảm họa; tuyến biển phía Nam có nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, nhưng khó khăn về giao thông- vận tải, khả năng cơ động, đặc biệt vào mùa mưa và vùng đồng nước. Đây là những yếu tố chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm HCKT cho BĐBP tuyến biển, đảo. Vì vậy, công tác BĐHCKT cần coi trọng phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, phù hợp với thế mạnh tại chỗ, nhằm khai thác nguồn bảo đảm sẵn có một cách ổn định, vững chắc, hiệu quả. Theo đó, các nhu cầu hậu cần thường xuyên về ăn, ở, xăng, dầu, khám, chữa bệnh và bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho những hoạt động thường xuyên (tuần tra, kiểm soát, bảo vệ địa bàn,...) có thể phân cấp cho Bộ Chỉ huy Biên phòng đảm nhiệm để chủ động khai thác điều kiện sẵn có tại chỗ; có thể kết hợp bảo đảm hậu cần khai thác hải sản của dân sự với bảo đảm hậu cần cho biên phòng trên biển, đảo; nhu cầu về xăng, dầu, điện, nước có thể hợp đồng cung cấp với các doanh nghiệp ở địa phương...Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, xây dựng các quy định, quy chế cụ thể, khả thi, có hiệu quả và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của cấp trên trong quá trình thực hiện.
Trong công tác BĐHCKT, hằng năm, ngoài nguồn ngân sách quốc phòng (là nguồn chủ yếu, cơ bản), BĐBP các tỉnh cần tích cực khai thác nguồn ngân sách từ các chương trình phát triển KT-XH của Nhà nước (thông qua Bộ Tư lệnh Biên phòng) liên quan đến khu vực biên giới biển, đảo; nguồn ngân sách hỗ trợ thường xuyên, đột xuất của địa phương để đưa vào cân đối, bảo đảm HCKT cho BĐBP các tỉnh tuyến biển, đảo. Ngoài ra, BĐBP các tỉnh, các đơn vị cần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, địa bàn, đẩy mạnh lao động sản xuất theo đúng quy định, tạo nguồn thu đưa vào cải thiện đời sống vất chất, tinh thần và các hoạt động của đơn vị. Trong đó, nguồn ngân sáchquốc phòng được cấp trên giao phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và cần được kết hợp chặt chẽ với các nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương theo các nội dung, mục tiêu của từng lĩnh vực để đạt hiệu quả cao nhất; chú trọng kết hợp linh hoạt các nguồn lực trong thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở, điện, nước, y tế dự phòng, mua sắm tàu thuyền, xe máy, trang bị kỹ thuật..., từng bước tăng cường khả năng BĐHCKT, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới tuyến biển, đảo và xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ba là, nâng cao khả năng bảo đảm HCKT cho các nhiệm vụ: SSCĐ, đột xuất, tìm kiếm, cứu nạn do thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông và các tình huống khác.
Trên cơ sở nắm vững quy định của cấp trên và khả năng của địa phương để tổ chức bảo đảm HCKT cho SSCĐ và các tình huống, phù hợp với quyết tâm, kế hoạch, phương án chỉ huy bảo vệ biên giới ở từng địa phương và khu vực. Thường xuyên duy trì đủ số lượng, bảo đảm chất lượng dự trữ vật chất HCKT cho SSCĐ theo quy định, trọng tâm là lương thực, thực phẩm, quân y, xăng, dầu, phương tiện, vũ khí, đạn...; đồng thời, tăng cường luyện tập, diễn tập, nâng cao khả năng và trình độ tổ chức huy động, đảm bảo HCKT cho các tình huống, nhất là tác chiến bảo vệ khu vực biển, đảo khi bị địch chia cắt, cô lập, khống chế; sơ tán lực lượng, phương tiện của Nhà nước, Quân đội, nhân dân khi có lệnh cấp trên...
Cần thấy rằng, hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới của BĐBP tuyến biển, đảo luôn gắn với công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa trên biển, nhất là bão, lụt, cháy nổ, chìm tàu, tai nạn giao thông và các nhiệm vụ khác khi được cấp trên giao. Do đó, cơ quan HCKT thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan ở địa phương để bảo đảm HCKT cho đơn vị độc lập hoặc tham gia với các lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ trên; khai thác và sử dụng tiềm lực HCKT tại địa phương, thiết lập sẵn hệ thống kho, trạm tại các địa điểm xác định; tham mưu cho địa phương đầu tư và tích cực tạo nguồn dự trữ vật chất, kỹ thuật đa năng, sẵn sàng chuyển đổi linh hoạt, cơ động trong mọi tình huống; triển khai bố trí, sử dụng phương tiện kỹ thuật lưỡng dụng, vừa phục vụ nhiệm vụ QP-AN, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...; xây dựng kế hoạch điều hành về tổ chức tiếp tế, tìm kiếm, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, xe máy, trang bị kỹ thuật... Bên cạnh đó, cần phải xây dựng quy chế, quy định, phương thức trưng dụng lực lượng, phương tiện trong nhân dân để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự tuyến biển, đảo và các nhiệm vụ: tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông,... góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Đại tá, TS. LÊ MẠNH HÙNG
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Biên phòng 2
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011