Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:15 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, Khoá X về "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN" vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, vừa có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn đối với các cấp, các ngành, trong đó có ngành Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Do có những đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, lịch sử hình thành và phát triển cũng như các yếu tố khách quan, chủ quan khác, nên quá trình hội nhập và thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của CNQP nước ta có cả điểm tương đồng và những khác biệt so với nhiều ngành công nghiệp dân sinh.
Trong xây dựng và phát triển CNQP, bất cứ nước nào trên thế giới cũng phải dựa trên 2 nền tảng chủ yếu là: hệ thống chính trị quốc gia và sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân. CNQP Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, việc điều chỉnh hoạt động của CNQP phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế đất nước là tất yếu khách quan. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào để bảo đảm đúng mục tiêu, đem lại hiệu quả phát triển bền vững nhất cho CNQP. Tuy nhiên, việc lựa chọn bước đi và giải pháp trong lĩnh vực này phải xuất phát từ tình hình thực tiễn với những đặc điểm riêng biệt, chi phối trực tiếp đến quá trình xây dựng, phát triển CNQP, nhất là về tổ chức, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động...
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển CNQP, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế đất nước trong từng thời kỳ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và đổi mới tư duy về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, CNQP nước ta đã có bước phát triển toàn diện cả về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, quy mô và số lượng, chất lượng. Các nhà máy CNQP từ chỗ hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp đã được chuyển thành doanh nghiệp tự chủ hạch toán sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa thực hiện kế hoạch sản xuất quốc phòng, vừa sản xuất các mặt hàng phục vụ kinh tế dân sinh.
Cũng cần thấy rằng, do những đặc điểm có tính đặc thù về tổ chức biên chế, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ công ích quốc phòng của các doanh nghiệp CNQP đã tác động đến quá trình hội nhập thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoạt động SXKD theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp CNQP phải chịu sự ràng buộc bởi địa vị pháp lý “kép”: vừa là đơn vị hành chính- quân sự (phải tuân thủ những quy định chung đối với tiềm lực quốc phòng- an ninh (QP-AN) của đất nước), vừa là pháp nhân kinh tế (hoạt động theo các quy định đối với doanh nghiệp nhà nước). Trong cơ cấu vốn và tài sản tại các doanh nghiệp CNQP có cả 2 nhóm yếu tố: vốn SXKD của doanh nghiệp (quản lý, khai thác, sử dụng theo pháp luật kinh tế) và tài sản quân sự (đất quốc phòng, trang bị, vật tư quân sự…giao cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng theo các quy định của pháp luật quân sự). Sự chi phối đồng thời của cả 2 ngành luật quan trọng nêu trên là những yếu tố bất lợi trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp CNQP trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Bên cạnh đó, sự hạn chế về phạm vi “sân chơi” của thị trường trong lĩnh vực CNQP còn liên quan tới đặc điểm của thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự. Các khuôn khổ pháp lý của WTO cũng như thực hiện tự do hoá thương mại toàn cầu, khu vực hay song phương đều “bỏ ngỏ” lĩnh vực thương mại đối với loại hàng hoá đặc biệt này. Đó là chưa kể tính “nhạy cảm” về QP-AN cũng làm cho thị trường chuyển giao công nghệ quân sự, công nghệ lưỡng dụng khó "mở cửa" hơn và thực tế là CNQP khó gọi vốn đầu tư nước ngoài hơn công nghiệp dân sinh, cũng như hạn chế phân công chuyên môn hóa quốc tế trong lĩnh vực này...Những đặc điểm nêu trên đã và đang đồng hành cùng các cơ sở CNQP nước ta trong suốt quá trình hình thành, phát triển và hội nhập vào thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để thích ứng, tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp CNQP đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước; mở rộng nhiều ngành nghề mới trong SXKD, dịch vụ, tham gia thị trường tài chính... Trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp CNQP, một số doanh nghiệp kinh tế thuần tuý hoặc có tính lưỡng dụng cao được cổ phần hoá; các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược được định hướng chuyển đổi sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Chính sự va chạm trong cơ chế thị trường đã sàng lọc, loại bỏ những ngành nghề không phù hợp, từng bước định hình những ngành nghề hoạt động kinh tế có lợi thế, gắn sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của CNQP. Đó cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp CNQP đổi mới, hiện đại hoá công nghệ (bao gồm cả những lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng), góp phần nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Hiệu quả SXKD của các doanh nghiệp CNQP từng bước được nâng lên, tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, thu nhập của người lao động được cải thiện (năm 2008 thu nhập bình quân đạt trên 3,2 triệu đồng/1 người/1 tháng cho hàng vạn lao động), góp phần giữ gìn đội ngũ, trình độ tay nghề của chuyên gia và người lao động. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng kinh tế của CNQP có mức tăng trưởng ổn định, nhất là các đơn vị trực thuộc Tổng cục CNQP (kim ngạch này đã tăng lên 2 lần ngay trong năm đầu tiên sau khi Việt Nam gia nhập WTO).
Bên cạnh những kết quả đạt được, CNQP còn những mặt hạn chế. Đó là, nhìn chung, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNQP chưa được như mong muốn. Một số cơ sở CNQP hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tới năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Hệ thống các văn bản pháp quy về phát triển CNQP chưa được ban hành đồng bộ; việc nghiên cứu, ban hành các chế độ, chính sách mới để ngăn ngừa các tác động tiêu cực của thị trường đối với CNQP chưa kịp thời...
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển CNQP trong tình hình mới và triển khai thực hiện Pháp lệnh CNQP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2008), theo chúng tôi, việc chỉ đạo xây dựng và phát triển CNQP trong thời gian tới cần gắn với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình hội nhập doanh nghiệp CNQP về mặt cơ chế quản lý, cơ cấu liên kết, phân công chuyên môn hoá chung của nền kinh tế quốc dân. Muốn vậy, chúng ta phải tạo được môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và có định hướng đúng đắn để doanh nghiệp CNQP tiếp cận và phát triển hoạt động trên nhiều loại hình thị trường, như: hàng hoá, dịch vụ, tài chính, công nghệ, lao động…; trong đó, ưu tiên khai thác các lợi thế mới của thị trường khoa học, công nghệ ngay từ giai đoạn hình thành loại hình thị trường này ở nước ta. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp CNQP theo hướng: tăng cường tích tụ tập trung, gắn kết nghiên cứu với sản xuất, đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ, quảng bá thương hiệu… Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hình thức pháp lý của doanh nghiệp CNQP theo hướng dẫn số hoá tên gọi, cơ chế quản lý vốn, tài sản, thẩm quyền trong các mối quan hệ giao kết thương mại, minh bạch các thủ tục kiểm toán, phương thức thanh toán và các yêu cầu khác trong cạnh tranh thị trường để phù hợp với thông lệ chung của Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh hội nhập và thích ứng, ngành CNQP cần phát huy tốt vai trò tham mưu trong việc góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị về việc hình thành và tổ chức quản lý thị trường hàng hoá và dịch vụ phục vụ QP-AN. Đi đôi với bảo đảm các yêu cầu đặc thù về mức độ độc quyền, sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, yêu cầu bảo mật cao, từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được tham gia, áp dụng các cơ chế đấu thầu cạnh tranh, đồng bộ và phổ cập rộng rãi các văn bản pháp quy có liên quan. Thông qua đó, đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách QP-AN, thu hút và gắn kết trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển tiềm lực CNQP trong điều kiện mới. Ngay trong đội hình của ngành CNQP, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý không chỉ đối với khối doanh nghiệp mà còn đối với các đơn vị khác, nhất là các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo… Việc hình thành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong ngành CNQP không chỉ góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ cấu của thị trường hàng hoá và dịch vụ phục vụ QP-AN mà còn tạo kênh mới cho ngành CNQP khẳng định vị thế trên thị trường công nghệ. Ngành CNQP cũng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý đất quốc phòng, đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng tại các đơn vị CNQP, vừa góp phần hoàn thiện luật pháp quản lý đất đai phù hợp với những yêu cầu chung, vừa thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả và đúng mục tiêu các hoạt động hợp tác quốc tế về CNQP. Đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự; nghiên cứu, đề xuất các mô hình hợp tác song phuong, các hình thức liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài; thu hút và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển CNQP…Tăng cường phối hợp lực lượng liên ngành để giải quyết các vấn đề bảo đảm lợi ích quốc gia trong lĩnh vưcc pháp lý quốc tế liên quan tới CNQP, góp phần giữ vững lòng tin, gìn giữ hòa bình quốc tế và khu vực, khắc phục các rào cản cấm vận liên quan tới chuyển giao công nghệ cho CNQP.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định, xuyên suốt là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình xây dựng, phát triển CNQP nói chung, quá trình hội nhập và thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nói riêng. Theo đó, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống tổ chức để bảo đảm sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và phát huy vai trò nòng cốt của Bộ Quốc phòng trong chủ trì phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong xây dựng, phát triển CNQP; nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách mới, mở rộng các hình thức hỗ trợ gián tiếp, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với việc kiên định thực hiện các quan điểm, mục tiêu và định hướng chiến lược được xác định trong Nghị quyết 27 /NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP trong thời kỳ mới, cần tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng và phát triển CNQP; coi trọng xây dựng các đơn vị CNQP vững mạnh về chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý để CNQP thực sự trở thành một trong những lực lượng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Đại tá, PGS, TS. Đoàn Hùng Minh
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011